Viễn tưởng và Giấc mơ

Trong lĩnh vực nghệ thuật, viễn tưởng và giấc mơ là hai đỉnh điểm mà các nghệ sĩ sáng tác đều ước mơ đưa con người cập bến huyền vi ấy. Ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ nghệ thuật trừu tượng nhất, là thiên sứ được Prométhée thổi ngọn lửa thần để đưa con người sát gần Chân-Thiện-Mỹ.

Một trước tác âm nhạc phải được lĩnh hội bằng hai chiều : trái tim và khối óc. Trái tim để rung động trực tiếp với dòng nhạc đang chảy, khối óc để tiếp thu tổng thể cấu trúc, ngôn ngữ, tiết tấu của bản nhạc.
Nghe một bản nhạc mà quên mình, không biết mình ở đâu, tinh anh như đang bay trên thể phách, thiêm thiếp lâng lâng nơi viễn tưởng, có phải chăng ta đang sống một giấc mơ viễn tưởng.

Ôi ! Kiếp người như hồn bướm chìm trong bể trầm luân mà hồn hồ điệp vẫn mơ tiên cảnh. Âu cũng là những giọt sương ban mai trong muốt như pha lê đang được dựng xây tựa một lâu đài huyền ảo do nhà kiến trúc kỳ tài Hy Lạp Dédale(1) đang vung cây đũa thần : Để bỗng dưng sừng sững ngất trời một cung điện A Phòng toàn pha lê. Rồi A Phòng pha lê sẽ lại bốc cháy lửa ngút trời 90 ngày đêm không tắt.
Hủy diệt rồi sáng tạo. Sáng tạo rồi hủy diệt. Một vòng xoáy bất tận.

« Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu »

(Tố Hữu)

Ơi hỡi Mỵ Châu ! Nàng có thấy Tây Thi nối chân Ngô Vương nhảy vào lửa đang đốt cháy thành Cô Tô tráng lệ ! Tây Thi đến Sở để phục thù cho Việt Vương Câu Tiễn, nhưng nàng lại yêu kẻ thù Ngô Phù Sai để cùng chết với người tình.

« Chén quỳnh pha vị máu tanh
Quân vương ơi làm cho đổ nước nghiêng thành vì ai »

(Tản Đà)

Các tòa thiên nhiên Tây Thi, Chiêu Quân, Dương Quý Phi, Điêu Thuyền, Triệu Phi Yến luôn là nạn nhân của chính sắc đẹp mình so với viễn nhật điểm (2).

Áp dụng Hư vô trong âm nhạc là phép dùng khêu gợi. Dùng ngôn từ âm nhạc hữu hạn không thể tả được chân lý vừa Hằng vừa Chuyển, vừa Bất dịch vừa Biến dịch. Nghệ thuật thượng thừa Hư không nói mà như không có nói, không nói mà như có nói. Thực không bằng Hư, Có không bằng Không.
Lão Tử nói : « Oa tắc doanh » (trống không sẽ được từ đầy). Dòng nhạc bất tận nhưng vẫn có khoảng trống để người nghe gửi vào đó tâm tư thầm kín, mơ ước không tưởng của mình. Im lặng cũng là âm nhạc.

Tư tưởng Hư vô diễn tả cái vô cùng của Trời Đất vũ trụ. Hư vô tức là viễn tưởng.
« Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ ! » (Kinh Dịch)
(Đêm ngày cứ chảy mãi thế này ru !)

Nguyễn Thiện Đạo


(1) cấu trúc điện mê cung Labyrinthe
(2) Điểm quỹ đạo xa mặt trời nhất

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :