Giới thiệu sách: LA VILLE FRANCHISÉE – Formes et structures de la ville contemporaine (David Mangin)

David Mangin, kiến trúc sư, quy hoạch gia người Pháp, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc khi thiết kế tại Pháp, như giải nhất cuộc thi cải tạo khu Les Halles, Paris năm 2004 hay giải Grand Prix của quy hoạch 4 năm sau đó. Ông đặc biệt tập trung vào nghiên cứu và phân tích hậu quả của sự phát triển tràn lan phương tiện giao thông cá nhân đến quy hoạch khu vực ngoại vi thành phố.

Cuốn sách “ La ville franchisee. Formes et structures de la ville contemporaine » thể hiện chi tiết những quan điểm của ông đối với vấn đề này. Sách xuất bản năm 2004, được giải thưởng sách quy hoạch do tạp chí « La ville à lire » trao tặng và giải thưởng của France Culture.

 

Cụm từ « La ville franchisée »  do tác giả đề xuất và lựa chọn đặt tiêu đề cho sách, được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm, như một từ khóa khắc họa quan điểm của ông và thâu tóm hiện tượng, xu hướng phát triển hiện nay tại các đô thị trên thế giới. « Franchisée » với nghĩa gốc là hệ thống kinh doanh nhượng quyền (ví dụ McDonald, Formule1, Carrefour) và nghĩa thứ hai là các khu vực đất đai có đặc quyền riêng biệt.

Tác phẩm đã phát hiện và miêu tả thành công mối quan hệ tương tác giữa kinh tế và quy hoạch thông qua dòng sự kiện theo thời gian. Bắt đầu từ những năm 1950, sự bùng nổ của phương tiện giao thông cá nhân ôtô dẫn đến việc xây dựng hàng loạt các dự án giao thông, đường xá những năm 1960.

Bộ mặt đô thị thời kỳ này mang đậm dấu ấn đó : mạng lưới đường bộ dày đặc được thiết kế để đáp ứng số lượng tăng nhanh chóng của ôtô, đường cao tốc, cầu vượt… trong khi không gian cây xanh công cộng hay vai trò của người đi bộ và xe đạp gần như không được chú trọng. Ông cho rằng chính hệ thống đường cao tốc đã gây ra sự chia cắt không gian, cản trở kết nối giữa các khu vực trong đô thị.

Tiếp tục thập niên 70 là sự xuất hiện của quy hoạch thương mại (l’urbanisme commercial). Những khu thương mại lớn và siêu lớn được xây dựng trên các đường vành đai, nơi người tiêu dùng có thể tìm thấy mọi vật dụng cần thiết với giá hợp lý. Sự phát này kéo theo việc xây dựng các bãi đỗ xe khổng lồ, và tác động lớn đến thói quen sinh hoạt của người dân. Đồng thời, nó góp phần hình thành nên các khu trung tâm mới bên ngoài thành phố. Những năm 1980 đánh dấu sự phát triển ồ ạt của loại hình nhà ở tư nhân, một nhân tố quan trọng trong việc hình thành quy hoạch phân khu (l’urbanisme de secteur).  Tác giả cũng không quên đề cập đến hiện tượng xuất hiện các khu nhà ở tách biệt, cộng đồng khép kín, được bảo vệ bằng tường rào mà chủ yếu dành cho tầng lớp trung lưu khá giả, ví dụ như « gated communities » ở Mỹ. (Ta có thể liên tưởng đến các khu đô thị mới ở Việt Nam như Ciputra, Vincom village)

 

Phần cuối của tác phẩm, Mangin đưa ra đề xuất cho các hình thái đô thị tương lai dựa trên bối cảnh nước Pháp.

Ông đưa ra 3 viễn cảnh :

l’urbanisme du réel (quy hoạch hiện thực) được áp dụng hiện tại với sự phát triển tràn lan giao thông bằng ôtô,

l’urbanisme fantasme (quy hoạch ảo tưởng) với các đồ án triệt để (radical) theo hướng đô thị sinh thái, từ bỏ ôtô

– và l’urbanisme du possible (quy  hoạch khả thi) với nhứng hình thức đô thị mới cho phép hạn chế sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân.

 

Ông cho rằng nếu quy hoạch đô thị tiếp tục đi theo hướng trước đây, phương tiện giao thông cơ giới tiếp tục chiểm lĩnh không gian thành phố, thì người dân sẽ phải đối mặt với câu hỏi về năng lượng, môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Mặt khác, ông cũng đưa ra giả thuyết về việc hình thành hệ thống giao thông công cộng trong thành phố như tramway sẽ là một giải pháp giúp ổn định tình hình khủng hoảng hiện nay, hay khả năng đưa nông nghiệp đến gần thành phố (agriculture périurbaine), cải tạo các đường cao tốc, xa lộ nhằm tái tạo sự liên tục trong không gian đô thị. Ông đặt tên cho viễn cảnh đó là « la ville passante et métisse » (thành phố liên thông). Đó là nơi đô thị không còn những không gian khép kín, người dân không cần sống trong sự bảo vệ và phụ thuộc hoàn toàn vào ôtô. Đó là nơi hạn chế vận tốc trên các xa lộ, giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng và thuận tiện hơn đến các dịch vụ đô thị như trường học, siêu thị cửa hàng, hay các trạm giao thông công cộng.

 

Cuốn sách là kết quả các quan sát và trải nghiệm thực tế của Mangin. Các ý kiến, nhận định được minh họa bằng nhiều hình ảnh, bản đồ, sơ đồ do chính tác giả thực hiện. Đặc biệt, ông không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu bối cảnh đô thị nước Pháp mà còn mở rộng bằng nhiều ví dụ các đô thị Mỹ, châu Á hay châu Phi, giúp người đọc thấy được tính chất toàn cầu của các hiện tượng này.

 

Ta có thể nhận thấy những điểm tương đồng với thực trạng phát triển đô thị Việt Nam hiện nay (xu hướng  sử dụng ôtô, phương tiện giao thông cá nhân, các dự án giao thông ngày càng quan trọng, hay xu hương xây dựng các trung tâm thương mại lớn, các khu đô thị mới khép kín). Quy hoạch đô thị và kiến trúc Việt Nam đang phát triển rất năng động, nhưng cũng đặt ra không ít câu hỏi cần được bàn bạc.

 

Hiểu được bản chất sự hình thành đô thị hiện đại ở các nước phát triển sẽ đem lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, không chỉ qua những thành công mà cả những thất bại của họ, để từ đó áp dụng linh hoạt và có định hướng phù hợp cho sự phát triển quy hoạch kiến trúc của đất nước.

 

Phạm Li Vi

 

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :