Làm Quen Paris (2): Thú vị với phương tiện giao thông công cộng

Phương tiện giao thông công cộng

Những ai từ Việt Nam đến Paris lần đầu sẽ vô cùng bỡ ngỡ với hệ thống phương tiện giao thông. Trong khi những người trẻ, sinh viên hứng thú khám phá những tuyến đường chằng chịt đưa đến khắp nơi của Paris và các vùng phụ cận, thì những người lớn tuổi hơn lại chật vật với mê cung của bản đồ phương tiện giao thông công cộng. Đối với những cô chú lớn tuổi lần đầu tiên sang du lịch hoặc sinh sống cùng con cái, khi phải lấy phương tiện công cộng để di chuyển, rất nhiều người đã thể hiện sự lo lắng của mình về sự đi lạc, xuống nhầm bến, không biết hỏi ai, cảm giác lạc lõng trước độ phức tạp, to lớn của hệ thống các phương tiện này. Tuy nhiên, đối với những sinh viên và người đi làm mới đến Pháp, có lẽ đây mới là vấn đề quan trọng nhất vì họ thường xuyên trễ giờ học, trễ các cuộc hẹn, gặp, phỏng vấn do chưa quen, lạc đường, đi nhầm bến,…

Việc này cũng thể hiện rõ sự khác biệt về thói quen sống của hai nước, định cư ở một nước, việc đầu tiên là hòa nhập vào cách di chuyển chung của người dân nước ấy. Ví dụ như nếu như ở Việt Nam, phương tiện chủ yếu là xe máy, xe đạp, thì người nước ngoài đến Việt Nam, để di chuyển dễ dàng, đầu tiên họ phải biết dùng xe máy, xe đạp và cách lưu thông trên các con đường ở đô thị lẫn quốc lộ của Việt Nam. Khi đến nước Anh, điều đầu tiên cần nhớ cho những ai lái xe ôtô là lái bên lề trái của đường, v.v.

*MÉTRO :

Ở Pháp, có thể nói rằng hệ thống métro là biểu tượng của cuộc sống Paris. Dù hiện nay, hệ thống métro ở Paris không hiện đại, mới mẻ, sạch sẽ như ở một số nước khác, nhưng điều này cũng hợp lý trong giải thích : hệ thống métro ở Paris đã bắt đầu  từ năm 1900 với tuyến số 1 (ligne 1) nối 2 trạm Porte de Vincennes – Porte Maillot. Trong 13 năm từ 1900 đến 1913, hệ thống métro đã có 13 tuyến. Cho đến nay, hệ thống métro ở Paris gồm 16 tuyến với 381 trạm dừng trong đó đã có 10 tuyến có lịch sử hoạt động hơn 100 năm. Vì vậy, người Pháp đã có thói quen dùng tàu điện ngầm từ khi mới sinh cho đến khi lớn tuổi, họ cũng đã hình thành văn hóa đi phương tiện giao thông công cộng : nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em. Hiện nay, nhiều người Pháp phàn nàn về việc văn hóa ứng xử nơi công cộng này có vẻ đang dần dần bị giảm chất lượng.

Với lịch sử hơn 100 năm như vậy, việc bảo dưỡng và hiện đại hóa cả hệ thống không thể một sớm một chiều thực hiện như ở các nước xây dựng hệ thống métro sau này. Hơn nữa, còn có những trạm dừng bị bỏ hoang, được gọi là những « bến ma » như : Arsenal tuyến 5, Porte Molitor tuyến 9 và 10, Haxo tuyến 3bis và 7bis…

* MÉTRO – RER – BUS : Vài thông tin về hệ thống giao thông công cộng tại Paris và các vùng phụ cận :

Thông tin giải thích : Vùng đô thị Paris gồm thủ đô Paris và các thành phố phụ cận, ngoại ô được mở rộng, sát nhập sau này. Vùng đô thị Paris được chia ra 5 vùng theo vòng tròn đồng tâm : vùng 1 – zone 1 và 2 là Paris, từ đó các vòng ngoài rộng hơn là zone 3, zone 4, zone 5. Sân bay quốc tế Charles de Gaules nằm ở zone 5.

Métro : 16 tuyến tàu điện ngầm đánh số từ 1 đến 14, cộng thêm 2 tuyến bổ sung là 3bis và 7 bis, gồm 381 trạm. Métro là phương tiện tàu điện ngầm để di chuyển ở Paris, do RATP quản lý.

– Tramway : 9 tuyến được đánh số từ 1 đến 8, cộng thêm tuyến 3b mới được thêm vào, do RATP quản lý.

RER : 5 tuyến tàu mang chữ cái A, B, C, D, E, là hệ thống tàu nhanh di chuyển giữa Paris và các vùng phụ cận, ngoại ô từ zone 1-2 đến zone 3, 4, 5 do RATP quản lý.

– Transilien : giống RER nhưng mới hơn, và do SNCF quản lý, gồm 8 tuyến đánh chữ H, J, K, L, N, P, R, U. Hiện nay RER A và B cùng do SNCF và RATP quản lý.

– Bus : có 316 tuyến xe bus chạy trong Paris và các vùng phụ cận, do RATP quản lý, và 1078 tuyến bus ở ngoại ô do Optile quản lý.

– Từ cuối năm 2006, thành phố Paris tạo ra thêm một phương tiện giao thông công cộng mới : các trạm xe đạp tên là Vélib’ với 20 000 xe đạp ở 1450 trạm xe đạp khắp Paris.

  

* Vài thông tin thú vị về hệ thống giao thông công cộng ở Paris :

– Phong cách trang trí kiến trúc métro tại Pháp : đồng nhất từ năm 1900 theo phong cách Art Nouveau – tạm dịch « Nghệ thuật mới » được dùng như tên của 1 trường phái nghệ thuật riêng – được sinh ra từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Cụ thể, lối vào của các métro với các đường cong được cách điệu, họa tiết hoa lá hay phong cách xoắn ốc, uốn lượn trong hình ảnh, thiết kế cầu thang, hành lang,… Đến nay, dù tu sửa hoặc thêm vào các tuyến mới, phong cách này vẫn được tôn trọng.

  

  

– Thứ hạng: Về tổng số trạm tàu điện ngầm, métro Paris xếp thứ 3 thế giới, sau hệ thống tàu điện ngầm ở New York và ở Seoul.

– Tên và trang trí của một số trạm tàu được tạo ra theo công trình kiến trúc quan trọng nhất của trạm ấy, như : trạm Louvre-Rivoli dừng ở bảo tàng Louvre nên được trang trí bằng những bản sao của một số tác phẩm nổi tiếng đặt ngay tại bến tàu, trong những hốc tường được chiếu sáng ; trạm Arts et Métier dừng gần Bảo tàng Kỹ thuật và nghề nghiệp Paris với tường tại bến tàu được phủ đồng theo cảm hứng từ tàu ngầm nổi tiếng của thuyền trưởng Némo (trong tiểu thuyết Hai vạn dặm dưới đáy biển của nhà văn Jules Verne) ; trạm Clunny- La Sorbonne vốn ở khu phố các trường đại học Sorbonne nổi tiếng được trang trí trên trần bằng những chữ ký của các danh nhân, trí thức nổi tiếng,…

– Biểu tượng thỏ hồng: Nếu để ý sẽ thấy trên mỗi cánh cửa lên xuống ở métro có dán biển nhắc nhở hành khách cẩn thận tránh bị kẹp tay. Trên biển nhắc nhở ấy có hình một chú thỏ màu hồng mặc quần áo màu vàng. Được vẽ và đưa vào sử dụng từ cuối những năm 1970, chủ yếu là để gây chú ý với hành khách về cánh cửa ; cho đến nay, hình ảnh này đã thành một hình ảnh phổ biến biểu tượng cho hệ thống métro Paris.

– Ảnh hưởng: Hình ảnh métro và cuộc sống gắn liền với métro đã thành nguồn cảm hứng cho nhiều lĩnh vực nghệ thuật : điện ảnh, âm nhạc, văn học… Ngược lại, chính métro trong thực tế cũng đã tạo ra sân chơi âm nhạc cho rất nhiều nhóm hoặc cá nhân nhạc công, người chơi đàn biểu diễn trong không khí rất đặc trưng của métro.

– Một trạm métro được thiết kế đặc biệt để làm bối cảnh phim là bến Porte des Lilas – Cinéma mà thông thường không mở cửa cho hành khách, chỉ dùng để quay phim, có thể nói đến các phim : Le fabuleux destin d’Amélie Poulain, Une époque formidable, Paris, je t’aime,…

– Từ tàu sử dụng đầu tiên cho đến nay đã qua nhiều đời và nhiều loại. Hiện hệ thống métro đang dần được tu chỉnh và hiện đại hóa. Trong đó, tàu tuyến 14 là hiện đại nhất với tàu không người lái, cửa tự động và hàng kính chắn ở mép bến tàu để tránh tai nạn. Ngoài ra, cũng tuyến khác như tuyến 2, 5 và 9 cũng đã được tu bổ với ghế mới, quạt làm mát và cách âm để không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người đi tàu.

* Vài thông tin về việc sử dụng các phương tiện công cộng :

– Từ sân bay Charles de Gaule về Paris : có hai khả năng : hoặc lấy RER B và xuống trạm cần thiết, hoặc lấy xe bus trực tiếp từ sân bay về trước nhà hát Opéra ở trung tâm Paris.

– Vé đi métro : có vé mỗi lượt, vé ngày, vé thuê bao tháng hoặc năm. Khách du lịch thường khi qua cổng vào métro sẽ bỏ vé đi, vì họ không biết rằng có thể sẽ có cảnh sát kiểm tra vé trên tàu hoặc trên bến tàu và nếu không có vé, họ sẽ bị phạt với lý do đi tàu lậu. Vì vậy, vé tàu nên giữ cẩn thận cho đến hết ngày, cho mỗi lượt đi.

– Điểm bất tiện của métro là rất đông người, nhất là trong mùa hè khi số lượng du khách đến Paris tăng vọt. Vì vậy, nạn móc túi, cướp giật diễn ra phổ biến trong métro cũng như các tai nạn do chạy, trượt chân té. Người đi tàu nên cẩn thận đề phòng.

– Một điểm bất lợi khác vào mùa đông, khi tình hình biểu tình, bãi công tăng lên, các đoàn tàu, thường là RER từ ngoại ô vào Paris, sẽ bị ảnh hưởng về thời gian. Việc xem lịch tàu và tính toán thời gian di chuyển trở nên cần thiết.

– Métro Paris miễn phí đối với trẻ em dưới 4 tuổi và áp dụng nửa giá vé với trẻ em dưới 10 tuổi. Người già và các gia đình đông người cũng được giảm giá khi mua vé tàu. Các đối tượng hưởng chính sách xã hội như người hưởng trợ cấp tối thiểu, người hưởng trợ giúp y tế của Nhà nước được đi lại miễn phí trong vùng Île-de-France.

– Thời gian métro: mở cửa từ 5 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau, ngày cuối tuần có thể đóng cửa trễ hơn vào lúc 2 giờ sáng. Những ai mua thuê bao thẻ Navigo đều được đi miễn phí thông các zones vào cuối tuần và các dịp nghỉ lễ trong năm.

– Người lần đầu đi métro nên ghi nhớ 3 yếu tố : tên trạm mình muốn đến, số của tuyến tàu đi qua trạm đó và tên trạm cuối của tuyến tàu sẽ qua đó. Vì các bảng hiệu trong métro chỉ ghi tên hai trạm đầu-cuối của một tuyến tàu, và số của tuyến tàu đó. Do đó, đối với người lần đầu dùng métro, nên ghi ra tàu số nào sẽ chạy qua trạm mình cần đi, và từ vị trí mình lấy métro, tàu sẽ chạy về hướng nào, với tên trạm cuối là gì.

– Hai tuyến đặc biệt là tuyến 7 và tuyến 13 là có đoạn chia thành 2 nhánh, nên cần chú ý hơn về điểm cuối của tuyến tàu có đi qua trạm cần xuống hay không.

nhóm KNTT

(thông tin: tổng hợp từ nhiều nguồn)

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :