Giai thoại văn hóa của người Pháp về người Thụy Sĩ và « Tại sao người Thụy Sỹ nói chậm?»

Không có gì phải vội… Tôi là người Thụy Sỹ, ngay cả lúc ngủ, tôi cũng ngủ thật chậm…’’
 
Đối với người Pháp, định kiến “người Thụy Sỹ nói chậm’’ đã được biết đến từ lâu. Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tác giả Philippe Vandel ở có những tìm hiểu và giải thích trong bài viết của mình « Tại sao người Thụy Sĩ nói chậm ? » đăng trên trang web franceinfo.fr. Sau đây là lược dịch lại bài viết này sang tiếng Việt cùng các chú thích văn hóa (CT) từ tác giả với mong muốn chia sẻ thông tin để mọi người cùng hiểu thêm một giai thoại văn hóa của người Pháp đối với người Thụy Sĩ.
 
***
Trong “Biên bản của hội nghị nghiên cứu ngôn ngữ Nói lần thứ 22” tại Martigny, Thụy Sỹ vào năm 1988, nghiên cứu sinh Brigitte Zellner, đã cho công bố một bài báo có tiêu đề: “Đặc điểm của dòng văn nói tiếng Pháp”. Trong đó, cô khẳng định, nhờ vào sự hệ thống hóa trong so sánh đối với 50 câu đọc trong dòng văn nói, có thể thấy rằng: “Lý do của việc phát âm chậm, xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất trở xuống, là do : việc kéo dài các quãng, việc tồn tại một số lượng lớn những âm tiết, và cuối cùng, là nhiều đoạn nghỉ được thêm vào”.
Đây là câu trả lời cho câu hỏi chính của bài. Người Thụy Sĩ có ngữ điệu nói du dương, ẩn chứa việc nhấn vào mỗi âm tiết trong cách đọc. Việc này cũng thuộc phần nào trong ngữ điệu đặc trưng của « cư dân vùng Vaudois ».
 
CT : người Vaudois là tên gọi của những người Thụy Sỹ sống ở vùng Vaud – một vùng của Thụy Sỹ nằm giáp biên giới Pháp. Vaud là 1 trong bốn vùng của Thụy Sĩ (cùng với Genève, Neuchâtel và Jura) chỉ duy nhất dùng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, có mối liên hệ lịch sử, xã hội chặt chẽ với nước Pháp. Một số vùng khác ở Thụy Sĩ cũng dùng tiếng Pháp nhưng song ngữ cùng với tiếng Đức hoặc ngôn ngữ khác, không được tính vào 4 vùng này.
 
Ngoài ngữ điệu du dương, những nhà khoa học không dừng lại tại đó: một nghiên cứu đáng tin cậy được công bố vào năm 2008 đã đề cập đến vấn đề này, với tiêu đề : “ Người Vaudois có thật sự nói chậm hơn người Pháp? Những bước đầu cho một câu trả lời”, đây là bài nghiên cứu của ba tác giả Sandra Schwab, Isabelle Racine và Jean Phillippe Goldman thực hiện trong khuôn khổ Phòng nghiên cứu về phân tích và xử lý ngôn ngữ của trường đại học Genève.
Kết luận của họ đưa ra không cần bàn cãi: Những người Vaudois không nói chậm hơn người Paris. Điều làm người ta cảm nhận tốc độ nói khác nhau, lại chính là do cảm giác chủ quan từ người nghe bên ngoài. Vậy nên mặc cho số liệu đo tốc độ ghi được trên máy là tương đồng, người nghe lại thường chắc chắn rằng người Vaudois mất nhiều thời gian hơn để đọc hết cùng một khối lượng từ như nhau.
Tại sao định kiến này lại lại gắn với hình ảnh của người Thụy Sỹ? Rất nhiều nghiên nhà phân tích đã tìm cách lý giải bằng cách kết nối suy nghĩ này đến truyền thống chế tác đồng hồ rất rộng rãi ở phía bên kia bờ hồ Léman (nằm giữa Pháp và Thụy Sỹ). Việc chế tác đồng hồ dĩ nhiên là đòi hỏi sự chính xác và rất nhiều thời gian nữa.
 
Để kết thúc, xin giới thiệu một câu chuyện – giai thoại hài hước – mà người Pháp thường kể vui để chỉ về tốc độ của người Thụy Sĩ:
 
“Hai người Thuy Sỹ cùng đi dạo trên một con đường dọc sườn núi. Bất chợt, một trong hai người quay lại và đạp bẹp một con ốc sên. Người kia liền hỏi: Cậu nghĩ gì vậy? Tại sao cậu lại đạp bẹp nó? Người này liền trả lời: Con ốc sên này làm mình bực tức từ lúc nãy rồi, mình để ý thấy nó đi theo bọn mình từ lúc rời khỏi nhà cơ.”
Cho đến nay, câu chuyện này vẫn là một giai thoại minh chứng cho một điều được xem là «hiển nhiên » về tốc độ của người Thụy Sĩ.
 
 
Nguyễn Quý Trâm Ngọc
(lược dịch thông tin và viết bài)
About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :