Đối thoại cùng François Vương Triệu, tác giả triển lãm : « Người Việt Nam tại Pháp thời kỳ những năm 20 đến những năm 50 »

 

Người thực hiện : Thu Thuỷ – Ban truyền thông, văn hóa của Hội NVNTP

Version en français

Triển lãm của nhà nghiên cứu sử François Triệu tại Hội quán khai mạc ngày 18/11/2016, kết thúc vào đầu tháng 1/2017, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, những nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội cũng như tất cả những ai quan tâm đến những lĩnh vực này. Đây là một trong những hoạt động văn hóa dành cho cộng đồng, liên quan đến lịch sử cộng đồng Việt Nam tại Pháp – mảng thông tin vẫn còn rất ít tư liệu và nghiên cứu. Hội NVNTP mong rằng sẽ có thêm nhiều nghiên cứu, triển lãm có ý nghĩa và sức kết nối cộng đồng trong năm mới 2017. Chúng tôi xin đăng lại toàn vẹn cuộc phỏng vấn mà nhà nghiên cứu sử François Triệu đã dành riêng cho tập san Đoàn Kết nhân triển lãm này, để chia sẻ cùng độc giả đầu năm 2017.

 


TT: Để bắt đầu, xin ông có đôi lời giới thiệu cùng độc giả ?

François Triệu: Năm 1941, tôi sinh ra trong một gia đình Việt sinh sống ở Paris. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kiểm toán và xã hội học, tôi bắt đầu làm việc ở Bordeaux, sau đó là Strassbourg, rồi vùng Ile de France. Sau này, do yêu cầu công việc, tôi cũng có 14 năm công tác tại nước ngoài, lần lượt ở Belgrade, Helsinki và Berlin. Khi về hưu, để trao dồi vốn hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, tôi đã quyết định đăng kí học tiếng Việt tại l’INALCO (Viện ngôn ngữ và văn hoá Đông phương).

.

TT: Với nhiều triển lãm về đề tài lịch sử đã thực hiện, ông tự thấy mình đã sẵn sàng thành nhà nghiên cứu về sử chưa, hay vẫn thuần túy là một người đam mê sử ? Động lực nào đã đưa ông đến việc thực hiện các buổi triển lãm và những bước để thực hiện được các dự án đó thông thường diễn ra như thế nào ?

François Triệu: Tôi không nghĩ mình là một nhà sử học, tôi là người rất quan tâm về Lịch sử, lịch sử của nước Pháp, của Việt Nam và của những quốc gia mà tôi đã có cơ hội được sống và làm việc.

Tôi thực hiện những buổi triển lãm cũng bởi tôi vốn làm về nhiếp ảnh, nhiếp ảnh là nguồn sáng tạo cho tôi và tôi đã có nhiều triển lãm hình cá nhân trước đây, đặc biệt là trong thời gian sinh sống ở Berlin từ năm 1984 tới năm 1991. Lúc ấy, tôi là nhân chứng đồng thời là người có cơ hội ghi lại được khoảnh khắc bức tường Berlin sụp đổ, nên đã được đề nghị làm triển lãm về sự kiện này. Tiếp theo, nhân kỉ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất, tôi đã có ý tưởng tổ chức một triển lãm với chủ đề về sự tham gia của những người lính Việt Nam. Đây cũng là chủ đề mà tôi có dịp tìm hiểu trong thời gian học tập tại L’INALCO.

Về cách thức thực hiện, tôi đã tìm kiếm các tài liệu viết và các hình ảnh trong các bộ phận lưu trữ quốc gia ở Paris-Pierrefitte, Aix-en-Provence, bộ phận lưu trữ tỉnh Bordeaux, sở lưu trữ quân đội ở Invalides… Sau khi thấy được các tài liệu liên quan tới chủ đề triển lãm, tôi xin phép tiến hành chụp hoặc scan lại. Tôi cũng tham khảo các tài liệu về chủ đề này, thực hiện các cuộc phỏng vấn với những người tôi biết. Sau cùng, tôi sao chụp lại tại nhà những hình ảnh xưa thuộc bộ sưu tập cá nhân của mình hoặc nhận được từ người khác.

Tôi luôn tôn trọng quyền tác giả và chú thích nguồn tài liệu.  Riêng về tranh ảnh thì còn cần đóng khung, chỉnh lại phần bo tranh và cả viết chú thích. Đây là quá trình khá tốn kém về thời gian và tiền bạc.

.

TT: Về triển lãm Những người Việt tại Pháp trong thời kì những năm 50, xin ông cho biết những động lực thực hiện triển lãm và lý do chọn lựa chủ đề này.

François Triệu: Động lực đầu tiên hết rất đơn giản, xuất phát từ câu chuyện về cha mẹ tôi. Cha tôi quê ở Ninh Bình. Năm 1919, ông đến Pháp vì với công việc đầu bếp, ông theo chủ-vốn là một kĩ sư Pháp. Mẹ tôi là người Hà Đông. Bà là người giữ trẻ trong gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Léon Busy nên cũng theo họ tới Pháp vào năm 1931. Tôi đã viết hồi kí về cha mẹ mình, mang tên « Con đường của Toàn và Hội », từng được xuất bản trong « Carnet du Vietnam » số ra tháng 4 năm 2012.

Lý do thứ hai xuất phát từ trong quá trình học tập tại L’Inalco. Thời gian đó, tôi đã có dịp được tìm hiểu lịch sử của Việt Nam và quan tâm tới câu chuyện về những thế hệ người di cư Việt Nam đầu tiên tới Pháp. Điều này đã đưa tôi đến việc chọn viết luận văn thạc sĩ với chủ đề :  « Những người Việt Nam tại Pháp giữa hai cuộc Thế chiến ». Và cũng rất tư nhiên, từ những bức ảnh cũ mà cha mẹ tôi để lại, tôi đã chọn được đề tài này cho triển lãm.

.

TT: Liệu chủ đề lần này có là sự tiếp nối của một triển lãm của ông, đã ra mắt cách đây không lâu mang tên « Những người Đông Dương trong thế chiến thế giới lần thứ nhất » ?

François Triệu: Đúng vậy, nếu ta nhìn theo trình tự thời gian. Bởi như đã trình bày ở trên, trong quá trính nghiên cứu để hoàn thành luận văn thạc sĩ, tôi đã tìm thấy các tài liệu liên quan tới các binh lính và nhân viên hậu cần người Việt tới Pháp phục vụ cho Thế chiến thứ nhất 1914-1918. Một cách tự nhiên, tôi đặt cho mình câu hỏi về cuộc sống của những người lính Việt đến Pháp sau chiến tranh. Triển lãm, và làm phần tiếp theo.

.

TT: Liên quan đến chủ đề triển lãm, có phải chăng mục tiêu của ông là « giúp người xem khám phá lịch sử về những người nhập cư gốc Việt đầu tiên », hay cũng có phần “tự truyện” trong đó để kể lại câu chuyện về cha mẹ ông?

François Triệu: Ngay từ triển lãm về những người Đông Dương tham gia Thế chiến thứ nhất, tôi đã không giấu diếm mong ước giới thiệu tới công chúng Pháp- Việt về hành trình của những người Việt Nam nhập cư đầu tiên. Hiếm người biết được rằng theo thống kê có tới 100000 binh lính người Việt tham gia vào Thế chiến thứ nhất và 28000 người tham gia vào thế chiến thứ 2. Bên cạnh đó, hiện cũng có rất ít nghiên cứu về người Việt Nam khác đã đến Pháp theo diện cá nhân trong khoảng những năm 20-50 của thế kỉ trước. Họ đã sống ra sao, hoà nhập như thế nào ? Đây là một trách nhiệm lịch sử đối với những người này. Họ chính là những người đặt nền móng cho các các cuộc di cư ồ ạt sau này, trong giai đoạn những năm 78-80.

Câu chuyện về gia đình tôi chỉ là một phần trong những di sản kí ức khổng lồ. Câu chuyện về họ, và những người làm công như họ nếu xét về số lượng cũng rất hạn chế so với những câu chuyện về những người lính, trí thức khác..

.

TT: Với những mục đích đã nêu trên, ông đã sắp xếp và trình bày các tư liệu như thế nào ?

François Triệu: Tôi cố gắng tiến hành sắp xếp dựa vào các tiêu chí thẩm mỹ thị giác cũng như khoa học. Về mặt thẩm mĩ, tôi muốn làm nổi bật các giá trị nghệ thuật của các bức hình. Về mặt khoa học, các dữ liệu được phân chia theo trình tự nhất định.

Với triển lãm lần này, tôi áp dụng cách phân loại mang tính xã hội chứ không theo trình tự thời gian. Cụ thể, tôi chia thành các nhóm :

-Binh lính

-Những người làm công, công nhân ;

-Những người kinh doanh (tôi không có các tư liệu về các nghệ nhân hoặc những người hành nghề tự do)

-Nhóm trí thức

-Các tổ chức, họp mặt, hội nghị, lễ tết.

-Đời sống cá nhân, gia đình.

Ngoài ra, có một số hồi kí, tư liệu hay hình ảnh khác cũng được giới thiệu thêm ngoài phần triển lãm để tất cả mọi người có thể tham khảo tại chỗ.

.

TT: Những tiêu chí nào được đặt ra để được lựa chọn tư liệu cho triển lãm?

François Triệu: Các tiêu chí cần phù hợp với mục tiêu của triển lãm gồm: thời gian, giá trị thông tin về đời sống của những người nhập cư gốc Việt, giá trị lịch sử và cả chất lượng cũng như sự độc đáo của tư liệu. Tôi đã nhận thấy rằng phần lớn các bức ảnh đều được chụp trong studio và do những người chuyên nghiệp chụp nên độ sắc nét, độ sáng, góc máy cùng cách tạo dáng, bối cảnh đều rất tốt. Điều này giúp tái hiện lại được cả một thời kỳ .

TT: Triển lãm của ông dành cho những đối tượng nào? Chúng tôi được biết rằng, một số người Việt trẻ sinh ra và lớn lên tại Pháp đã bày tỏ sự hứng thú với triển lãm ngay từ khi các thông tin vẫn còn hạn chế. Xin ông chia sẻ cảm nghĩ về điều này.

François Triệu: Một cách tự nhiên, triển lãm này hướng tới công chúng người Việt mọi thế hệ. Đây là những câu chuyện về thế hệ tiền bối là cơ sở xây dựng cộng đồng Việt Nam hiện nay với vị trí quan trọng tại Pháp, mà cũng rất có thể là câu chuyện của một thành viên trong gia đình họ. Bên cạnh đó, tôi cũng hướng tới công chúng Pháp một cách rộng rãi hơn nhiều, không chỉ trong phạm vi những người có mối liên hệ với Việt Nam. Trong thời điểm hiện tại, tôi nghĩ rằng triển lãm cũng góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các nhóm sắc tộc trong cộng đồng.

Tôi rất vui khi những tư liệu này tiếp cận được với thế hệ Việt Nam trẻ. Ngoài sự hứng thú về lịch sử, có thể họ tìm được sự đồng điệu qua những bức ảnh về thời thanh xuân tươi đẹp, giàu nhiệt huyết của những thế hệ đi trước. Dù ở trong những điều kiện đời sống hết sức khó khăn, họ (thế hệ ông cha) vẫn luôn cố gắng thể hiện sự tự hào trong cách ăn mặc, cách cư xử. Hơn hết, họ lao động hết mình và rất chú trọng vào sự hoà nhập cộng đồng. Đây là điều tôi tâm huyết và cũng rất hạnh phúc nếu nhận được sự đồng cảm của những người trẻ.

.

TT: Được biết rằng, tác giả cũng là người sinh ra và lớn lên ở Pháp. Trong quá trình thực hiện triển lãm, chắc chắn các bức hình khiến ông nhớ lại kỉ niệm tuổi thơ, ông có thể chia sẻ với chúng tôi vài ba sự kiện đặc biệt nào không ?

François Triệu: Triển lãm lấy bối cảnh tới những năm 50, rất tiếc là tôi không nhớ được nhiều về những kỉ niệm tuổi thơ mình tại thời điểm này. Nguyên do là tôi đã phải xa gia đình để tới vùng Pyrénées để dưỡng bệnh. Tôi ở đó từ năm 8 tuổi đến tận khi 13 tuổi, cho tới tận năm 1954.

Mặc dù vậy, tôi vẫn lưu giữ những kí ức về mẹ mình, một người mang tinh thần rất kỷ luật quân đội, luôn dẫn tôi đi tham dự các buổi họp chính trị của cộng đồng người Việt ở Bordeaux, lúc đó tôi còn rất nhỏ. Tất cả mọi người, bao gồm cả tôi, cùng hát những bài ca yêu nước. Tôi còn nhớ như in đoạn điệp khúc có câu « Hồ Chí Minh muôn năm ».

Khi tôi chừng 6-8 tuổi, cha mẹ tôi mở cửa hàng ăn ở đường Bouquière, thành phố Bordeaux, lấy tên là « Au Dragon d’or ». Những khách quen của cửa hàng là những thuỷ thủ người Việt. Họ làm việc trên những chuyến hàng đi châu Phi và rất hay lưu lại bến cảng của thành phố như một chặng nghỉ trên hành trình. Cứ vào dịp cuối năm, họ còn mang lá dong tới để gói bánh chưng cho Tết Nguyên Đán. Cho tới tận bây giờ, trong tôi vẫn luôn lưu luyến hương vị bánh chưng với gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo.

Những thuỷ thủ cũng rất thích đưa cậu nhóc người Việt là tôi theo cùng đi chơi. Có một lần, ngay trước dịp Noel, một trong số họ đã đưa tôi theo xuống thăm thuyền mà ông ấy làm việc. Đó là một thuyền của nước Anh, đang neo ở ngay cảng Bordeaux-Bacalan. Không ngôn từ nào có thể diễn tả sự ngạc nhiên của tôi khi bước vào căn phòng trong khoang thuyền. Ngay chính giữa có một cây thông khổng lồ, được trang trí với rất nhiều châu và dây đèn vàng lấp lánh, ở chân cây thông có rất nhiều hộp quà. Một thuỷ thủ khác đã tươi cười hỏi tôi rằng: « Hello little Boy, which one do you want? (Này cậu nhỏ, cậu chọn món quà nào?)

.

TT: Công việc thu thập các hiện vật cho triển lãm lần này diễn ra như thế nào? Ông có gặp trở ngại nào đáng kể?

François Triệu: Tôi thu thập được hầu hết là ảnh và các tấm phim ảnh của rất nhiều cá nhân, kết hợp với những bức ảnh của chính gia đình tôi. Tiếp đó là quá trình tổng hợp tư liệu sưu tầm được cho việc nghiên cứu của tôi ở đại học và cho những buổi triển lãm.

Bước khó khăn nhất có lẽ là tìm những tấm ảnh của giai đoạn đó trong album hình các gia đình. Nhiều người không muốn hình ảnh riêng tư đưa vào một triển lãm công cộng.

.

TT: Trong khi triển lãm diễn ra, rất có thể những người xem nhận ra họ cũng có những bức hình phù hợp với chủ đề này. Ông có nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục mở rộng bộ sưu tập của mình thành một cơ sở dữ liệu ngay cả sau khi triển lãm kết thúc hay không?

François Triệu: Tôi chưa thể khẳng định chắc chắn vì nếu có thì đây là một kế hoạch đòi hỏi thời gian và sự quan tâm nhất định. Hơn nữa, nếu bộ sưu tập được công bố trên hệ thống Internet để trở thành một cơ sở dữ liệu công cộng, tôi có thể hiểu sự ngần ngại của các gia đình Việt.

.

TT: Sắp tới ông có dự án nào không?

François Triệu:  Triển lãm sắp tới của tôi sẽ có thể ra mắt vào đầu năm 2017 với chủ đề: « Berlin, lieu de mémoire ». (tạm dịch « Berlin, nơi ghi dấu »). Đây là triển lãm về lịch sử thành phố qua những biến cố quan trọng trong thế kỉ 20.

Tôi cũng có các dự án khác về một sách ảnh song ngữ Pháp Việt lấy tư liệu từ « Người Việt Nam tại Pháp thời kì từ năm 1919 tới 1954 ». Trong sách tôi sẽ trích dẫn nhiều hơn những hồi ức và các tư liệu dạng bài viết.

Xa hơn nữa, sẽ rất lý tưởng nếu tôi có thể nghiên cứu về cuộc sống của những người nhập cư gốc Việt trong quãng những năm 60-80. Đây sẽ là một dự án hứa hẹn sẽ tập hợp được số lượng lớn những tài liệu, tranh ảnh của thành viên trong cộng đồng, những người hiện vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoà nhập cuộc sống tại Pháp.

.

TT: Xin ông có đôi lời chia sẻ trước khi kết thúc buổi phỏng vấn.

François Triệu: Khi thực hiện dự án này, dường như tôi đã tìm thấy chính mình, được hoà mình và sống lại cùng kí ức của cha mẹ, của những người thân yêu và của cả cộng đồng nguồn cội.

Bản thân được sinh ra trong gia đình nhập cư người Việt, tôi luôn sẵn lòng được chia sẻ rộng rãi những khám phá của mình. Triển lãm sẽ là cầu nối giúp công chúng biết tới và hiểu hơn về cuộc sống của những người nhập cư đầu tiên.

Đây là bước đi hướng đến tình thân ái của chính mình, và của mọi người.

Xin cảm ơn ông rất nhiều.

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :