Đọc « Thương được cứ thương đi »

Thương được cứ thương đi

Tác giả: Hồng Hải

YoloBooks & NXB Dân Trí

***

Tựa sách mộc mạc và đơn giản như một câu nói hàng ngày, và đó cũng là phong cách viết chủ đạo xuyên suốt quyển sách « Thương được cứ thương đi » của tác giả trẻ Hồng Hải – doanh nhân và họa sĩ, hiện sinh sống và làm việc luân phiên ở Mỹ lẫn Việt Nam.

Quyển sách gồm 57 câu chuyện nhỏ, mỗi câu chuyện khoảng từ 3 đến 5 trang viết mà khi đọc vào mới thấy, không gian trong mỗi câu chuyện ấy dài và rộng hơn nhiều so với vài trang giấy hữu hình, theo tuyến thông điệp chính: « Niềm-vui là một ý niệm vô hình, không phải vật chất hiện hữu. Thành thử, nó là thứ để nhận-ra chứ không phải để kiếm-tìm. » (trang 269, bài Một ngày đáng sống).

Khi đọc quyển sách này, ta sẽ có cảm giác lòng dịu nhẹ lại sau những giây phút nặng nề của đời thường nhờ những chi tiết khơi lên sự giao thoa tâm hồn, khi những toan tính, lỗi lầm, bạo lực, đau buồn,… được nhìn từ một góc độ khác của trái tim, và cụm từ được sử dụng nhiều nhất trong sách là « yêu thương ».

***

Quyển sách được viết rất đời thường, với chủ từ « tui » được sử dụng đúng chất Nam bộ, với những đoạn đối thoại rất thật, đưa lại y nguyên cách nói của nhiều mảng đời khác nhau, từ bác xe ôm, đến cậu sinh viên, đến giang hồ tứ chiến, đến nhà hàng xóm bên cạnh, hay những người nước ngoài đang sống ở Việt Nam, vì đây là những câu chuyện tường thuật lại những gì tác giả đã gặp, nên « chuyện kể thường rất khác truyện ngắn » (trang 273). « Tiểu thuyết hay phim truyện đều được xây từ chất liệu đời« , mà « đời thật thì vốn dĩ không tròn« , nó gồ ghề, gai góc, thô, thậm chí thêm cả tính bạo để thành sự thô bạo, bạo lực. Nhưng sau tất cả bề mặt ấy là những giọt nước mắt tận cùng trong tâm hồn, của tình thương hay đúng hơn là của nhu cầu được nhận và chia sẻ, yêu thương.

Quyển sách không có cảnh nóng, không có sự kỳ bí hay những pha rượt đuổi, nhưng vẫn có thể làm người đọc có lúc nghẹt thở, có lúc hớn hở, hay trầm lại và rồi tâm hồn lại được sự yêu thương dịu dàng tràn ngập sau đó, bởi độ chân thật trong câu chuyện và cảm xúc được kể lại từ người trong cuộc, trực tiếp trải nghiệm qua chính sự nghẹt thở, hớn hở, trầm tĩnh, yêu thương ấy.

Trong câu chuyện Một cuộc hành quyết sáng, tác giả đã viết về kỷ niệm tham gia một cuộc hành quyết ở trại giam. Thông tin về người tử tù vọn vẹn chỉ là Nam, hai mươi tuổi, phải đền tội cho hành động bạo lực mất nhân tính của mình là hiếp dâm và giết người. Giây phút mất nhân tính ấy đã thay đổi định mệnh của một con người vốn có tuổi thơ hạnh phúc và bao nhiêu ước mơ thành đạt. Tác giả gặp Nam trong buổi ăn sáng cuối cùng dành cho tử tù, cùng đi ra xe trong những bước chân run rẩy của Nam, có cuộc đối thoại nhỏ trong xe trên đường ra trường bắn, và nghe Nam nhoẻn miệng cười khi nói trước khi xuống xe « Em đi nhe, anh ở lại mạnh giỏi, em sẽ phù hộ anh. » Sau khi nghe tiếng súng nổ, tác giả cảm giác từ thân xác của người tử tù phải đền tội, có linh hồn một con người đang bay lên, giải thoát vì đã hiểu yêu thương là thế nào.

Hay câu chuyện khác về thằng Hận, mười bốn tuổi, bán vé số, rất thật thà nói với khách: « Thôi đừng mua, … con bán vé số mười mấy năm mà có ai trúng đâu, mua chi tốn tiền… ». Đứa trẻ sinh ra đã là nơi trút hận của người lớn với cái tên và những trận đòn đến từ mẹ mỗi khi lên cơn tức mờ cả lý trí lẫn trái tim, gia đình vốn là nơi yêu thương bỗng thành nguồn cội của tia mắt thù hằn dành cho ba. Đứa bé yêu thương mẹ, có gì ngon cũng đem về cho mẹ, vẫn xấu hổ khi mượn tiền rồi không trả được, vẫn cắn răng chịu đau khi mẹ cắn mỗi khi vật vã vì thiếu thuốc. Tác giả là người cho Hận mượn tiền, và cũng là người chủ động xóa nợ, xem như chưa có việc gì xảy ra. Điều đó đã làm Hận nở được nụ cười con trẻ.

Sự san sẻ đỡ những gánh nặng, và sự san sẻ kết nối tình người. 

Những câu chuyện « bình dị như cây cỏ » như vậy ươm những hạt giống yêu thương hay làm nẩy mầm những cội rễ yêu thương đã có sẵn trong tâm hồn người đọc.

***

bia - thuong duoc cu thuong di.u2487.d20160829.t165340.523554

Quyển sách là một hành động của tác giả: viết và chia sẻ, đúng như ý trong Lời kết: « Hãy làm những việc nhỏ thôi nhưng thật cụ thể, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đừng đợi đến khi giàu có mới chia sẻ bởi không bao giờ chúng ta thấy mình đủ. Và ngày đó nếu có đến, trái tim mình có thể đã hóa đá mất rồi.« 

Để kết thúc bài Điểm sách này, tôi quay lại hình ảnh trên trang bìa của quyển sách: Một bức tường gạch có một ô vẽ hình trái tim. Bức ảnh này gợi cho tôi nhiều ý để liên tưởng, trong đó có ý mà tác giả Hồng Hải viết trong phần Lời tựa:

« Nếu được, hãy cùng nhau đập bỏ những bức tường kiên cố bao bọc lòng mình, hãy để trái tim rung lên như nó được sinh ra phải làm thế. Khi ấy, không chỉ trao-đi, việc nhận-lại cũng dễ dàng hơn. Bởi yêu thương đã có được khoảng không gian rộng mở để được nuôi dưỡng và lớn lên« .

Sau mỗi bức tường của lý trí đều có một trái tim thổn thức cùng các thăng trầm đời người, sau bức tường của mỗi ngôi nhà có những con người đang trải qua hàng ngàn trận chiến nội tâm mỗi ngày, để tồn tại, để sống, để được là chính mình. Cuộc sống vốn dĩ phức tạp và xoay vần không ngừng, thế giới nội tâm con người lại càng phức tạp và nhiều biến hóa không ngừng hơn, nhưng trái tim chỉ có một và nhu cầu được yêu thương, chia sẻ đều luôn có trong tâm hồn mỗi người. Vậy thì, sao ta phải phức tạp những điều vốn dĩ dung dị và dịu dàng như một cái nắm tay, như một lời chia sẻ… Thương được cứ thương đi, vì « niềm vui là một ý niệm vô hình… Nó là thứ để nhận-ra chứ không phải để kiếm-tìm. » Ta hãy nhận ra giá trị của cuộc sống ngay từ giờ phút này!

.

Quang Nguyên

Đọc “Thương được cứ thương đi”

 


Quyển sách hiện đã có bán ở siêu thị Thanh Bình Jeune tại Pháp.

 

 

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :