11 bất ngờ của phụ nữ Việt lần đầu làm mẹ tại Pháp

1.Không khuyến khích bà bầu tự bổ sung thực phẩm chức năng

tải xuống

« Sữa non »  không được bày bán ở các hiệu thuốc của Pháp và không là sp được tư vấn dùng cho mẹ và bé.

Mặc dù sữa và các sản phẩm được làm từ sữa, thực phẩm chức năng được bày bán rất nhiều ở các hiệu thuốc hoặc siêu thị nhưng thông thường các mẹ phải được sự tư vấn hoặc có đơn thuốc của bác sĩ thì mới bổ sung thực phẩm chức năng với liều lượng có chỉ định. Việc tự bổ sung Sắt, canxi hay các thực phẩm chức năng khác bị cảnh báo nguy hại.

Đặc biệt, sản phẩm « sữa non Pháp » được các mẹ Việt xôn xao tìm mua trên các trang bán hàng xách tay hoàn toàn không được bán tại các hiệu thuốc ở Pháp.

2. Chỉ siêu âm định kỳ 3 lần trong quá trình mang thai và kiểm soát cân nặng mẹ bầu

Thông thường, các bà mẹ được siêu âm 3 lần với mức phí không quá cao, do bảo hiểm sức khỏe là bắt buộc, nên tùy vào loại bảo hiểm họ mua mà họ nhận được các mức bồi hoàn tiền cho khách hàng khác nhau. Trường hợp thai nhi có vấn đề trong quá trình phát triển thì họ hoàn toàn có thể siêu âm thêm nhưng siêu âm nhiều quá ba lần không được khuyến khích tại Pháp. Ba lần siêu âm định kỳ sẽ rơi vào tam quế nguyệt thứ nhất, tam quế nguyệt thứ hai và tam quế nguyệt thứ ba.

Dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) qua mỗi lần cân khám định kỳ, bác sĩ sẽ có những tư vấn cho mẹ bầu để tăng cân hợp lý, tránh tiểu đường thai kỳ hoặc các chứng bệnh có liên quan và đảm bảo sự phát triển cho thai nhi. Việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ bị cảnh báo sẽ gây khó khăn cho quá trình sinh nở và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ.

3. Lớp học tiền sản và hậu sản và các dịch vụ cho cha mẹ

Chỉ với mức bảo hiểm  y tế cơ bản của Pháp, sau khi đăng ký với bác sĩ, bất kỳ cha mẹ nào cũng được học các lớp học tiền sản và tham gia khóa học cho bà mẹ sau sinh để hồi phục sức khỏe.

Khi  các bà mẹ vừa sinh xong, các bệnh viện hay trạm y tế nội vùng có dịch vụ chăm sóc trẻ và hướng dẫn mẹ chăm sóc bé, do các y tá đi đến tận nhà. Cha mẹ cần đăng ký và tự tìm kiếm y tá trong danh sách mà bệnh viện địa phương đã giới thiệu.

4. Chăm sóc chuyên nghiệp

Trái với hình ảnh đông đúc tại các bệnh viện ở Việt Nam, tại Pháp, dù bệnh viện công hay bệnh viện tư nhân, các sản phụ đều được phục vụ tận tình, chuyên nghiệp. Phòng hồi phục sau sinh của các mẹ chỉ là phòng đơn hoặc phòng đôi và hạn chế người thân ở lại trong bệnh viện. Người nhà chỉ được thăm khám khoảng 4-5 tiếng các buổi chiều và hành lý được kiểm tra nghiêm ngặt do vấn đề an ninh.

5. Khuyến khích mẹ vận động ngay sau khi vừa sinh

Vì lý do người nhà không ngủ tại bệnh viện nên người mẹ hoàn toàn phải tự chăm sóc cho con ngay sau sinh, từ đi lại, ăn uống, vệ sinh cá nhân, trường hợp cần thiết họ có thể gọi y tá phụ giúp.

Với các ca sinh mổ, ngày đầu tiên sau sinh các bác sĩ, y tá sẽ giúp mẹ chăm sóc trẻ tuy nhiên ngay sau đó các bà mẹ cũng phải tập đi lại và tự chăm sóc con, họ chỉ ở lại viện thêm một ngày so với các ca sinh thường (tức là bốn ngày).

6. Đồ ăn bệnh viện trái ngược với kiêng cữ sau sinh ở Việt Nam

Sau khi sinh các mẹ sẽ được phụ vụ hai bữa ăn tại bệnh viện với đủ khẩu phần: Khai vị, món chính và tráng miệng kèm đồ uống. Nhưng trái với các kiêng cữ ở Việt Nam, các mẹ sẽ có thể được ăn cá sốt kem, ăn đồ chua, ăn đồ nguội, uống cà phê loãng hoặc trà… những đồ ăn được truyền miệng tại Việt Nam, cho là không tốt cho đường ruột mẹ sau sinh, không tốt cho sữa mẹ…

7. Bảo vệ trẻ sơ sinh trong môi trường vô trùng

Trẻ vừa sinh được bảo vệ trong môi trường vô trùng và hạn chế tối đa các tiếp xúc như hôn, áp má, bế khi chưa rửa tay bằng xà bông tiệt trùng chuyên dụng.

Tại bệnh viện ở Pháp, bỉm, tã, sữa, các sản phẩm để vệ sinh cho bé và mẹ đều được miễn phí trong thời gian hai mẹ con còn ở lại viện.

8. Mẹ không “ở cữ”

Các bà mẹ Pháp và mẹ Việt tại Pháp sau sinh trở mại cuộc sống thường ngày rất nhanh chóng. Họ có thể đưa con đi khám định kỳ ngay sau sinh, đi chợ và ăn mặc trang phục thoáng mát, tiện dụng, không cầu kỳ bịt kín cơ thể, văn tắm và không có mức cữ ba tháng mười ngày như ở Việt Nam.

Thâm chí các bà mẹ Pháp cũng không ngại việc tắm rửa, vệ sinh ngay sau sinh và họ cũng không ngại việc mang con ra ngoài khám phá thế giới xung quanh không lâu sau khi sinh.

 

d2c4caeb1301f584b64e8b94e6cd3ccd--bugaboo-long-sleeve-dresses.jpg

9. Ông bà không can thiệp vào việc chăm nuôi cháu

Điều gây bất ngờ cho nhiều mẹ Việt tại Pháp là ông bà nên gọi điện hẹn trước và có sự đồng ý của cha mẹ thì có thể đến thăm cháu. Việc lên kế hoạch sinh con, nuôi con và giáo dục con được đặt trách nhiệm chính vào cha mẹ và ông bà chỉ góp phần phối kết hợp để giáo dục cháu cùng cha mẹ trẻ.

Sát cánh bên cha mẹ là các trung tâm y tế, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em luôn mở cửa, lấy hẹn cho các cha mẹ và sẵn sàng tư vấn miễn phí, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ và hồi phục của mẹ. Tại đây, trẻ nhỏ đồng thời có không gian riêng để vui chơi vào ngày nhất định trong tuần với sự giám sát của cha mẹ. Ngoài ra các bé cần được cha mẹ tìm cho bác sĩ nhi riêng để theo dõi và thăm khám bệnh.

10. Trẻ cần được ngủ riêng

Tất cả các bệnh viện và trung tâm y tế, các bà mẹ đều được phổ biến việc cho con ngủ riêng ngay từ ban đầu để tránh các tai nạn cho bé và đồng thời cũng để trẻ tập thói quen tự ngủ. Điều này rất quan trọng và góp phần giúp các bà mẹ có thể trở lại với công việc, giảm stress và có thời gian dành cho bản thân hơn.

Với  các gia đình thành thị ở Việt Nam, điều này cũng dần trở nên phổ biến hơn, bên cạnh đó, các cha mẹ có rất nhiều phương pháp để rèn luyện trẻ tự ngủ và ngủ riêng. Tuy nhiên tại các miền quê, trẻ nhỏ vẫn ngủ cùng cha mẹ và điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho trẻ nhỏ.

11. Không áp lực vấn đề cân nặng của trẻ

Tại Pháp, các bác sĩ sẽ theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ và nếu biểu đồ phát triển tốt thì bạn sẽ không phải lo lắng nếu con mình nhẹ cân hay thấp còi hơn bạn đồng trang lứa. Vấn đề cân nặng không phải là gánh nặng của các bà mẹ. Mấu chốt là con của họ có khỏe mạnh hay không, tiêu hóa có tốt không và mức độ phản ứng, phản xạ của con họ với môi trường xung quanh như thế nào.

Còn nếu con bạn tăng cân quá mức không kiểm soát thì chính cha mẹ chúng là người sẽ bị truy trách nhiệm đầu tiên và chắc chắn các bác sĩ sẽ cảnh báo, hướng dẫn và có những tư vấn ngay lập tức về khẩu phần dinh dưỡng và các bài tập vận động giúp cải thiện sức khỏe.

An Vie (LIEN99)

Nguồn ảnh: Internet.

About Linh Sam (124 Articles)
Như đứa trẻ luôn tò mò khám phá và tích góp trải nghiệm trên hành trình cuộc sống... Liên hệ: radio.lien99@gmail.com

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :