Là một độc giả từ nhiều năm của báo Đoàn Kết và của trang mạng ugvf.org, tôi được biết ngày 18/06/2018, Hội người Việt Nam tại Pháp đã mở đầu đợt kỷ niệm 100 năm sẽ diễn ra vào năm tới, 2019. Nói đến lịch sử 100 năm của Hội, có lẽ tự nhiên nhất ai ai cũng nghĩ đến Bác Hồ, người đã sáng lập nên « Nhóm người An Nam yêu nước », tổ chức Việt kiều yêu nước tại Pháp, tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp bây giờ.
Là người đã về hưu, nên tôi có thì giờ tìm hiểu về Bác Hồ qua sách báo cũng như qua những bài viết trên mạng. Cuộc đời hoạt động của Bác quá nhiều tư liệu. Tự nhiên trong lòng tôi nảy ra ý nghĩ, nếu mình đóng góp được một phần nhỏ nhoi nào đó cho đợt kỷ niệm này thì tốt biết bao. Do đó, tôi mạnh muội thu gom các tài liệu về Bác mà tôi đã đọc và viết lại thành những bài ngắn gọn, tóm tắt. Không phải là một người nghiên cứu gì cả, nên có thể có những sự kiện tôi không nêu lên (hoặc không kiểm chứng được đúng sai và không biết tầm quan trọng của nó). Mong Ban trách nhiệm Hội cũng như các bạn độc giả lượng thứ.
Nhưng tôi chỉ tập trung vào quãng thời gian niên thiếu, bôn ba khắp 5 châu rồi hoạt động của Bác tại Pháp cho đến năm 1923.
Phần 2: Tôi muốn đi xem họ làm ăn ra sao…
Phần 3: Những bước đầu học « làm chính trị.
Phần 4: Có một người mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Phần 5: Nhà hoạt động cách mạng giải phóng các thuộc địa + Phụ lục.
Có một người mang tên Nguyễn Ái Quốc
Chúng ta đang ở giai đoạn năm 1919.
Ngoài việc giúp cụ Phan về rửa ảnh, anh Nguyễn còn vẽ thuê cho một xưởng đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa. Nhưng công ăn việc làm của anh không ổn định vì thiếu giấy phép lao động để đi xin việc làm. Dù vậy, anh vẫn áp dụng cho mình một cuộc sống đều đặn, theo như báo cáo của mật thám Pháp : sáng đi làm kiếm tiền để sống, chiều ra thư viện đọc sách hoặc gặp gỡ người Việt Nam, tối tham gia các mít tinh, các buối gặp gỡ về chính trị của Đảng xã hội.
Paul Vaillant Couturier, lấy danh nghĩa là nghị sĩ Quốc hội xin cho anh một thẻ vào đọc thường xuyên tại Thư viện quốc gia Pháp ở số 58 đường Richelieu, quận 2, Paris. Thư viện quốc gia là một kho tàng văn hóa quý giá của nước Pháp, tạo cơ hội cho anh, không những đọc được các sách báo từ Việt Nam gửi sang, khai thác nhiều tài liệu tốt, mà còn cho phép anh học được nhiều điều mới có ích.
Thời gian này, anh thường xuyên lui tới câu lạc bộ Faubourg. Đây là một câu lạc bộ lưu động, khi họp chỗ này, khi họp chỗ khác ở Paris (như là ở số 61, đường Château d’Eau, quận 10 ; hay ở nhà hát La Fourmi, số 10 đường Barbès, quận 18 ; hoặc ở hội trường Printania, đường Clichy, quận 9). Mỗi tuần, câu lạc bộ họp một lần vào tối thứ bảy. Thường có độ một vài trăm người đến dự thuộc đủ các xu hướng chính trị, đủ các thành phần xã hội, lao động có, trí thức cấp tiến có. Bao giờ cũng thế, chủ nhiệm câu lạc bộ, ông Léo Poldès chủ trì các buổi họp. Một người lên trình bày vấn đề, sau đó mọi người tự do chất vấn, phát biểu ý kiến, tranh luận, bàn cãi. Trong các buổi họp như thế người ta đề cập đến tất cả mọi vấn đề văn học, nghệ thuật, triết học, kinh tế, chính trị…
Ngày 18-1-1919, đại biểu chính phủ các nước tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất thỏa thuận họp một Hội nghị hòa bình được tổ chức tại lâu đài Versailles, ngoại ô Paris. Tổng thống Mỹ Wilson sẽ đến Hội nghị với kế hoạch “14 điểm” trong đó có điểm thứ 5 được chú ý đến, đó là : Điều chỉnh một cách tự do, công bằng quyền yêu sách của các thuộc địa, đặt mối quan tâm tới quyền lợi của những người dân bị tác động ngang hàng với lợi ích của các chính phủ liên quan.
Những người yêu nước Triều Tiên, Ai Cập, Trung Quốc và 57 đại biểu đại diện cho các dân tộc ở các thuộc địa đều đưa yêu sách của mình đến Hội nghị và mong được xem xét, giải quyết.
Nhận thấy đây là một dịp thuận lợi cho việc vận động dư luận thế giới và nhân dân Pháp ủng hộ nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, anh Nguyến đã đề nghị hai ông Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường với danh nghĩa Hội người An Nam yêu nước hoặc một hội đoàn nào khác để đưa những yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị. Nhưng hai ông cho rằng đó là một việc làm không có kết quả nên đã không tán thành và vẫn chủ trương không đưa Hội người An Nam yêu nước – Hội đồng bào tương ái ra hoạt động trở lại. Như vậy, có thể hiểu rằng, sau khi được trả tự do tháng 7-1915, trên thực tế, hai ông đã gần như không muốn có vai trò lãnh đạo nào nữa đối với Hội người An Nam yêu nước hoặc đã giao toàn quyền cho anh quyết định.
Đứng trước hoàn cảnh đó, anh Nguyễn đã cùng với một số người đứng ra thành lập Nhóm người An Nam yêu nước. Cũng không có gì ngạc nhiên nếu trong hội đoàn mới này có những hội viên của Hội người An Nam yêu nước. Chủ trương của Nhóm người An Nam yêu nước là vận động đồng bào chống chế độ áp bức của thực dân Pháp, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Pháp đòi độc lập tự do cho Việt Nam. Đây là một chủ trương hoàn toàn khác với chủ trương của Hội người An Nam yêu nước lúc trước.
Nhóm này được thành lập đầu năm 1919 và là hội đoàn tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.
Nhưng, điều lạ lùng, là anh lại thuyết phục được hai ông Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, mặc dù hai ông không tán thành nhưng vẫn cùng với anh thảo ra bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị lúc ấy mà kết quả là Hiệp ước được ký kết ngày 28-06-1919 tại lâu đài Versailles.
Bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam được viết theo nội dung do ba người cùng soạn thảo bằng tiếng Việt và ông Phan Văn Trường dịch ra tiếng Pháp để trình lên Hội nghị. Tiếc thay bản gốc tiếng Việt cụ thể ra sao, không còn nữa. Bản tiếng Pháp được anh Nguyễn đem đến lâu đài Versailles trao cho văn phòng Hội nghị, đồng thời gửi đến đoàn đại biểu các nước đồng minh. Dưới bản Yêu sách, anh ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.
Bản yêu sách 8 điểm :
“Từ ngày đồng minh thắng trận, tất cả các dân tộc bị lệ thuộc đều chứa chan hi vọng rằng theo những lời cam kết chính thức và trịnh trọng mà các cường quốc Đồng minh đã tuyên bố với toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh của Văn minh chống Dã man, thì tiền đồ một thời đại công lý và chính nghĩa nhất định là phải đến với họ.
Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực, do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông-Pháp, xin trình với các quí vị Chính phủ trong Đồng minh nói chung, và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây :
1- Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2- Cải cách nền pháp lý ở Đông dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt luật pháp như người Châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3- Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4- Tự do lập hội và hội họp;
5- Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6- Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7- Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8- Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Đưa ra những yêu sách trên đây, nhân dân An Nam trông cậy vào chính nghĩa thế giới của tất cả các cường quốc, và đặc biệt tin tưởng vào lòng rộng lượng của nhân dân Pháp cao cả, tức là của những người đang nắm vận mệnh của nhân dân An Nam, của những người, do chỗ nước Pháp là một nước Cộng hòa, nên được coi là những người bảo hộ cho nhân dân An Nam.
Khi nhân dân An Nam nhắc đến sự “bảo hộ” của nhân dân Pháp, thì không lấy thế làm hổ nhục chút nào, mà trái lại, còn lấy làm vinh dự : vì nhân dân An Nam biết rằng nhân dân Pháp đại biểu cho tự do và công lý, và không bao giờ từ bỏ lý tưởng cao cả của mình, là tình bác ái toàn thế giới.
Vì thế, nghe theo tiếng nói của những người bị áp bức, nhân dân Pháp sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình đối với nước Pháp và đối với nhân loại.
Thay mặt cho Nhóm người An Nam yêu nước
NGUYỄN ÁI QUỐC
Ngoài ra, với sự giúp đỡ của cụ Phan Châu Trinh, anh còn viết Yêu sách bằng hai thứ tiếng : một bản bằng chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề Việt Nam yêu cầu ca và một bản bằng chữ Hán nhan đề An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư.
Anh đến Nhà in Charpentier, số 70 đường Gobelins, quận 5 Paris, bỏ tiền túi của mình thuê in 6.000 bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam để phân phát trong giới kiều bào và trong các cuộc hội họp, mít tinh.
Thực dân Pháp bắt đầu chú ý hơn nữa tới anh, một người Việt Nam có tên Nguyễn Ái Quốc. Ngay sau ngày diễn ra Hội nghị, tháng 9-1919, anh đã bị gọi đến Bộ thuộc địa Pháp và trong cuộc gặp này hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đã bị các mật thám Pháp ghi lại và lưu vào hồ sơ theo dõi đặc biệt.
Sau này, trong một lần, nhân có mặt trong một buổi nói chuyện ở Hội trường Horticulteurs, số 84 đường Grenelle, quận 7 Paris, viên mật thám Pháp Paul Arnoux chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Paris, tận mắt chứng kiến anh đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt, đã phải thốt lên : « Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương ».
Nhưng bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị xem xét.
Qua việc Yêu sách không được chấp nhận, anh đã nhận thấy, như sau này đã viết:
« Chủ nghĩa Wilson chỉ là một trò bịp bợm lớn » và « Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình ».
Tháng 7-1919, anh dọn về ở nhà ông Phan Văn Trường, chỉ vỏn vẹn có một tháng sau khi bản Yêu sách được trình lên Hội nghị Versailles. Ở đây, phải ghi nhận dũng khí của hai vị đàn anh : dù biết thừa anh Nguyễn bây giờ sẽ lọt vào tầm mắt của mật thám Pháp nhưng vẫn đồng ý anh về sống chung với mình. Phải chăng trong suy nghĩ của hai ông đã có một sự chuyển biến ?
Như chúng ta đã biết, đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của Việt kiều, bây giờ anh Nguyễn lại sống tại đó, nên là cơ hội lớn để anh giải thích rộng rãi hơn nữa về bản Yêu sách cho bà con và tranh thủ các thủy thủ hoặc các chiến binh hồi hương đem về Đông Dương.
Đặc biệt, Đảng xã hội Pháp và Hội nhân quyền Pháp đã ủng hộ và hai tờ báo L’humanité (Nhân Đạo) và Le Peuple (Dân Chúng) đăng toàn văn bản Yêu sách làm cho dư luận Pháp chú ý, làm cho nhân dân Pháp nhận thấy có vấn đề về một xứ thuộc địa xa xôi của họ. Đông Dương không phải là một « miền đất đầy hứa hẹn » mà chính phủ Pháp từng nói, và những gì được nêu trong Yêu sách khêu gợi lên những suy nghĩ về mặt nhân quyền, vốn là một đức tính tốt đẹp, một truyền thống của nhân dân Pháp.
Một thời gian sau, bản Yêu sách đã có tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong nước.
Lần đầu tiên, đồng bào tại Việt Nam biết đến một người thanh niên với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, ngay tại thủ đô Paris, đã « dám » đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra trước một Hội nghị quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng. Điều này đã được Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Maurice Long trong một bức điện gửi Bộ thuộc địa Pháp cho biết: « Tôi báo để ông rõ, có một người Bắc Kỳ hồi hương bị bắt, trong người có mang theo truyền đơn của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo L’Humanité. Người đó khai rằng tờ truyền đơn này được phân phát ở cảng Marseille cho từng người trong số 50 người bản xứ hồi hương lúc tàu sắp khởi hành » .
Trong hai năm 1919-1920, anh đã viết 5 bài báo với bút danh Nguyễn Ái Quốc. Bài đầu tiên là « Vấn đề bản xứ », đăng trên báo L’humanité , ngày 2-8-1919, trong đó nêu lên những nghịch lý trong chính sách cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương trên vấn đề phân biệt đối xử về quyền con người giữa người dân bản xứ và người Pháp tại Đông Dương. Và anh đã kết luận, có lẽ cho nhân dân Pháp : « Các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng, thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ, khốn nạn ».
Rõ ràng, những điểm nêu trong Yêu sách cũng như kết luận trên đây trong bài « Vấn đề bản xứ » đã thể hiện một tinh thần ôn hòa để giải quyết vấn đề thuộc địa ở Việt Nam. Nhưng anh Nguyễn cũng biết, để giải quyết một cách triệt để và vĩnh viễn thì còn rất khó. Làm thế nào và đi theo hướng nào để đạt được mục đích cuối cùng là giải phóng thật sự dân tộc khỏi ách thực dân thì anh vẫn còn đang tìm kiếm.
Tám năm đã trôi qua kể từ ngày bước lên chiếc tàu Latouche Tréville đi Pháp với khát vọng « giúp cho đồng bào tôi », trải qua biết bao kinh nghiệm về đời sống khốn khó của chính bản thân mình, về đời sống của những người bản xứ ở khắp các nước thuộc địa, về đời sống của những người lao đông trong các « nước văn minh », đến lúc này, cậu bé Nguyễn Sinh Cung của ngày nào đang trở thành một nhà hoạt động chính trị ngày càng có kinh nghiệm, một người yêu nước với mục tiêu rõ ràng là đấu tranh giải phóng dân tộc. Mà không chỉ cho riêng dân tộc mình…
(còn tiếp)
Tâm An