Hồ Chí Minh – Phần 2: « Tôi muốn xem họ làm ăn ra sao… »
Là một độc giả từ nhiều năm của báo Đoàn Kết và của trang mạng ugvf.org, tôi được biết ngày 18/06/2018, Hội người Việt Nam tại Pháp đã mở đầu đợt kỷ niệm 100 năm sẽ diễn ra vào năm tới, 2019. Nói đến lịch sử 100 năm của Hội, có lẽ tự nhiên nhất ai ai cũng nghĩ đến Bác Hồ, người đã sáng lập nên « Nhóm người An Nam yêu nước », tổ chức Việt kiều yêu nước tại Pháp, tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp bây giờ.
Là người đã về hưu, nên tôi có thì giờ tìm hiểu về Bác Hồ qua sách báo cũng như qua những bài viết trên mạng. Cuộc đời hoạt động của Bác quá nhiều tư liệu. Tự nhiên trong lòng tôi nảy ra ý nghĩ, nếu mình đóng góp được một phần nhỏ nhoi nào đó cho đợt kỷ niệm này thì tốt biết bao. Do đó, tôi mạnh muội thu gom các tài liệu về Bác mà tôi đã đọc và viết lại thành những bài ngắn gọn, tóm tắt. Không phải là một người nghiên cứu gì cả, nên có thể có những sự kiện tôi không nêu lên (hoặc không kiểm chứng được đúng sai và không biết tầm quan trọng của nó). Mong Ban trách nhiệm Hội cũng như các bạn độc giả lượng thứ.
Nhưng tôi chỉ tập trung vào quãng thời gian niên thiếu, bôn ba khắp 5 châu rồi hoạt động của Bác tại Pháp cho đến năm 1923.
Phần 2: Tôi muốn đi xem họ làm ăn ra sao…
Phần 3: Những bước đầu học « làm chính trị »
Phần 4: Có một người mang tên Nguyễn Ái Quốc.
Phần 5: Nhà hoạt động cách mạng giải phóng các thuộc địa + Phụ lục.
Tôi muốn đi xem họ làm ăn ra sao…
Ngày 05-06-1911, tàu L’Amiral Latouche Tréville nhổ neo rời cảng Sài Gòn trở về Pháp với khoảng 700 người, vừa hành khách, vừa nhân viên. Đó là một ngày thứ hai trong tuần, và là ngày thứ hai của lễ Pentecôte trong đạo Thiên chúa.
Khi tàu từ từ theo sông Sài Gòn hướng ra biển, không biết anh Văn Ba suy nghĩ gì ? Có lễ mông lung lắm nhưng chắc chắn chỉ với một suy nghĩ : « Tương lai sẽ ra sao và làm thế nào để giúp đồng bào tôi đây ? ». Lúc ấy anh 21 tuổi.
Nhưng rồi các công việc phải làm đã chiếm hết thời gian của anh. Phụ bếp, mỗi ngày anh phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá v.v… Xong công việc ấy, phải dọn cho những người chủ bếp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa rau, thái trái cây, thái các loại củ, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày. Người anh đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than. Đến chín giờ tối, công việc mới xong.
Một lần, dọc đường, anh suýt chết đuối. Có hôm sóng to chồm lên sàn tàu cuốn xô anh vào đống dây xích, nhờ vậy anh bám vào nên không bị rơi xuống biển.
Có một người, ông Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi vé hạng nhất cùng gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông thấy Ba, ông ta gọi anh lại và thân mật bảo: « Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này ? Bỏ nghề đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn… ».
Ngày 8-6, tàu tới Singapour thuộc địa Anh. Ngày 14-6, tàu tới Colombo, lại thuộc địa Anh. Ngày 30-6, tàu tới Port Saïd, vẫn thuộc địa Anh. Ngày 6-7, sau một tháng trời lênh đênh trên biển, tàu cập cảng Marseille. Đây là phần đất Pháp đầu tiên mà anh trông thấy và đặt chân lên, nơi đầu tiên trong đời, có những người Pháp gọi anh bằng « Ông » – « Monsieur ». Ở lại Marseille mấy ngày, đi thăm phố xá, anh nhận xét : « Thì ra, người Pháp ở bên Pháp không ác như thực dân Pháp ờ Việt Nam. Thì ra, bên Pháp cũng có người nghèo như bên ta ». Ngày 15-7, tàu tới Le Havre, một cảng lớn ờ miền Tây-Bắc nước Pháp. Trên tổng số người trên tàu chỉ còn có 58 người, trong đó có anh.
Kể từ khi hạ thủy, tàu L’Amiral Latouche Tréville đã chạy được 8 năm. Hãng « Les chargeurs réunis » (hãng Năm Sao) cho tàu neo lại ở Le Havre để sửa chữa. Họ quyết định đưa tất cả thủy thủ, nhân viên sang làm ở một tàu khác của hãng để trở lại Đông Dương. Anh không theo mà ở lại đi làm thuê.
Cách Le Havre khoảng vài ki-lô-mét, ngay bên cạnh biển, có một thị trấn nhỏ xinh đẹp xây trên một ngọn đồi nhìn thẳng xuống cảng. Đấy là thị trấn Sainte-Adresse. Dọc những con đường yên tĩnh đầy bóng râm uốn khúc lưng đồi là những biệt thự trồng nhiều cây và vườn hoa được gọt tỉa tỉ mỉ, phần lớn là của gia đình những chủ tàu, nhà buôn giàu có và công chức cấp cao của Pháp. Anh Ba làm cho gia đình ông chủ tàu vì ông ấy có một biệt thự ở đây. Anh được giao chăm sóc vườn tược.
Sự nhàn hạ tương đối của nghề làm vườn so với nghề khổ cực làm trên tàu cho phép anh, ngoài những giờ làm việc, có thì giờ để lấy sách báo trong nhà ra xem. Một thời gian sau, theo đề nghị của ông chủ nhà, anh trở lại làm nghề thủy thủ trên một tàu chở hàng của hãng Năm Sao chạy vòng quanh châu Phi. Người ta cho anh biết : khí hậu châu Phi rất khắc nghiệt, tàu chở hàng chạy không êm như tàu chở khách, đi rất mệt, nhưng anh nói : « Tôi là thanh niên, tôi khỏe, tôi chịu được ».
Hành trình của tàu đã dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Espagne, Portugal, Algérie, Tunisie, Congo, Dahomey, Sénégal, La Réunion… Đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột của bọn thực dân. Một trong những cảnh anh đã trông thấy ở Dakar, thuộc bán đảo Cap-Vert của Sénégal : « Đến Dakar, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả canot xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia đều bị sóng biển cuốn đi ». Cảnh tượng đó làm cho anh rất đau xót. Anh liên tưởng đến số phận của người dân Việt Nam, đồng bào khốn khổ của anh. Những sự việc như vậy diễn ra khắp nơi trên đường anh đi qua, gây nên trong lòng anh mối đồng cảm sâu sắc với số phận chung của nhân dân các nước thuộc địa.
Con tàu tiếp tục đi qua Martinique, Uruguay, Argentine và dừng lại ở New York vào tháng 12 năm 1912.
Tại New York, anh đi làm giúp việc cho một gia đình tại Brooklyn và hay lui tới khu Harlem, nơi có những khu nhà ổ chuột, được coi là « cái đáy » của nước Mỹ Sự bần cùng ở khu vực người da đen này hiện lên rất rõ như một minh chứng về sự tương phản giàu nghèo mạnh mẽ chẳng khác gì ở Việt Nam. Ở đấy, anh thấu hiểu những nỗi thống khổ của người nghèo không có công ăn việc làm, không thể có được một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó. Do đó, anh đã nhận ra được những vấn đề liên quan đến số phận con người thống khổ trong xã hội, đến sự kỳ thị chủng tộc và cuối cùng là đến vấn đề giai cấp. Anh đã tìm hiểu về hoàn cảnh của người da đen ở Mỹ, nhất là phong trào đòi nhân quyền kéo dài đã gần 300 năm nay, từ khi họ bị đưa từ Châu Phi sang đây dưới thân phận nô lệ. Sau này, anh có viết một bài báo với tựa đề : « Hành hình kiểu Lynchage ». Chúng ta có thể tạm chia xã hội Mỹ lúc bấy giờ thành các nhóm sau đây : Trên cùng là bọn thống trị giàu có, tiếp đến là lớp trung lưu, dưới là những tiểu thương hoặc dân lao động làm những công việc không quá nặng nhọc. Đại bộ phận những tầng lớp này đều là người da trắng gốc Âu. Và dưới cùng của đáy xã hội mới là dân lao động gốc Phi. Một vài tiểu bang vẫn còn đối xử với người da đen như những người nô lệ.
Được một thời gian thì anh đến Philadelphie, thủ đô đầu tiên của nước Mỹ, nằm giữa Washington và Baltimore. Là nơi khởi nguồn của cuộc cách mạng đã đưa đến nền độc lập của nước Mỹ thoát khỏi sự thống trị của nước Anh, thành phố Philadelphie đóng vai trò then chốt trong lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ. Tại Hội trường Độc lập vào ngày 04-07-1776, đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Mỹ để thông qua bản Tuyên ngôn độc lập trong đó có ghi những lời bất hủ : « Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được ; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ». Đó cũng là những câu đầu tiên trong Bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam mà anh sẽ đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, hơn 30 năm sau.
Cuối cùng, anh đến Boston (phía tây bang Massachusetts) và làm việc tại khách sạn Omni Parker House, được xây dựng từ năm 1855 theo kiểu kiến trúc lâu đài cổ của Anh, cao 7 tầng và tọa lạc trên đường School, ngay khu trung tâm sầm uất của Boston. Tại nơi đây, anh đã từng là một người thợ làm bánh ngọt. Hiện nay, gian phòng nhỏ làm việc của anh thời ấy, khoảng 20 mét vuông, nơi chế biến bánh ngọt dưới tầng hầm vẫn còn giữ nguyên chiếc bàn đá bị sứt mẻ một góc từ khi anh còn làm việc, không thay mới cũng không sửa chữa. Nghe kể rằng, hồi anh đến làm việc, khi người ta hỏi anh là người nước nào, anh cười bảo: « Tôi là người Việt Nam ». Lúc đó không ai biết Việt Nam là gì và ở đâu. Thấy vậy, anh bèn kéo mọi người đến chỗ bản đồ treo trên tường chỉ cho họ. Mọi người gật gù bảo đó là thuộc địa Pháp, là « Indochina » chứ đâu phải là Việt Nam.
Anh nghỉ ở khu có đông người Trung Hoa và thường tham gia câu lạc bộ Saturday (Câu lạc bộ Thứ bảy). Đó là một câu lạc bộ của những nhà dân chủ, nhà lập hiến, lập pháp có xu hướng ủng hộ các dân tộc thuộc địa đứng dậy giành tự do. Anh cũng thường hay đến tìm tòi, đọc sách ở thư viện.
Từ Boston, anh gửi bưu thiếp cho cụ Phan Châu Trinh, người đang sống lưu vong ở Paris. Anh cũng viết thư cho cha. Anh lo ngại sức khỏe của cha ngày càng kém đi. Khi gặp lại một vị thuyền trưởng của hãng Năm Sao tại bến cảng New York, ông này đã đồng ý giúp anh chuyển tiền vào ngân hàng ở Đông Dương, đồng thời chuyển thư của anh đến Khâm sứ ở Huế cho phép số tiền mà anh đã gửi, được giao cho cha anh, ông Nguyễn Sinh Sắc. Anh không biết rằng chị gái mình đã bị bắt và cha anh không còn ở Huế. Cả hai hiện đang bị theo dõi vì tình nghi có những hoạt động bí mật chống lại chế độ thực dân Pháp.
Năm 1913, anh theo tàu rời Mỹ trở về Le Havre, sau đó sang Anh.
Đến nước Anh, để kiếm tiền sinh sống, anh nhận công việc cào tuyết cho một trường học, rồi làm thợ đốt lò. Công việc hết sức nặng nhọc, vất vả.
Từ nước Anh, anh thường xuyên liên lạc bằng thư từ với cụ Phan Châu Trinh, thông báo tình hình sinh hoạt, học tập của mình, hỏi thăm sức khỏe người con trai của cụ Phan là Phan Châu Dật, lúc đó cũng đang ở Pháp, bị bệnh lao, kém anh 6 tuổi. Trong các thư anh cũng bày tỏ và thăm dò ý kiến của cụ Phan về tình hình thời cuộc. Anh ký tên là « Cuồng điệt Nguyễn Tất Thành » tức là « người cháu hăng say » (hăng say cho vận mệnh của đất nước).
Cuối năm 1913, sau hai tuần bị cảm lạnh, không đi làm được và bị chủ cho nghỉ việc, anh đến làm ở khách sạn Drayton Court, trên đại lộ Drayton Avenue, khu West Ealing, phía tây Londres.
Một thời gian sau, anh lại chuyển sang làm phụ bếp cho khách sạn Carlton, phố Hyde Market, một khách sạn hạng sang, nổi tiếng ở Londres. Anh làm việc dưới sự điều khiển của người đầu bếp Pháp nổi tiếng trên thế giới được mệnh danh là « vua bếp Escophier ». Anh được giao nhiệm vụ thu dọn và rửa bát, đĩa, nồi, chảo, v.v…
Khi dọn bàn, thấy khách bỏ thừa thức ăn, anh gói lại những miếng ngon đưa cho nhà bếp. Ông Escophier chú ý tới việc làm đó và hỏi anh: «Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng rác như những người kia ?». Khi được nghe anh giải thích là để dành cho người nghèo, ông Escophier đã động lòng và từ đó, chuyển anh vào bộ phận làm bánh của ông với mức lương cao hơn. Thật ra, qua thực tế, ông cũng biết là anh đã có tay nghề làm bánh rồi.
Ngoài công việc làm ở khách sạn, anh vẫn thường đến thư viện đọc sách, trau dồi thêm tiếng Anh.
Ngày 28-07-1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Trong hai năm sau đó, từ 1914 đến 1916, có khoảng 50.000 binh lính và 50.000 lao công người Việt, ngoài một số người tình nguyện do cuộc sống quá đói khổ ở nước nhà, mong muốn ra đi để đổi đời, phần lớn là bị cưỡng chế, bị kéo khỏi những làng mạc ở Việt Nam, để đưa sang châu Âu chiến đấu cho Pháp trong chiến tranh. Họ bị gọi nhập ngũ, và hàng ngàn người đã tử trận ở vùng Somme và Picardie của Pháp, ở gần bờ biển Bỉ và rất nhiều người nữa hy sinh ở chiến trường Trung Đông Anh Ba hẳn đã theo dõi thời cuộc và biết rõ chuyện này.
Trong năm 1917, cục diện chiến tranh thế giới từng bước thay đổi, lợi thế đã nghiêng sang phía Liên quân đồng minh Anh-Pháp-Nga, vòng vây trên biển siết chặt kinh tế Đức của hải quân Anh đã có được các kết quả khả quan. Mặc dù chưa nắm được phần thắng, nhưng Liên quân đã có khả năng liên tục mở các cuộc tấn công lớn trên tất cả các mặt trận, ở phía Tây cũng như ở phía Đông nước Đức, lúc ấy là cường quốc Phổ (Prussie).
Vào khoảng cuối năm 1917, anh Ba quyết định trở lại Pháp. Tại sao lại là Pháp, lại là lúc đó, mà không phải lúc khác ?
Trong thời điểm này, một sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến cục diện thế giới đã xảy ra : Cách mạng tháng Mười Nga, cách mạng của những người lao động lật đổ chế độ Nga hoàng. Chúng ta không biết quyết định đi Pháp của anh là trước hay sau sự kiện này và có ảnh hưởng như thế nào trên anh, nhưng chắc chắn những gì đã xảy ra bên Nga, cũng như đối với thế giới, anh đã theo dõi và có ý kiến của riêng mình.
Nhưng nguyên nhân có tính lô-gíc, theo chúng ta suy đoán, đã thôi thúc anh rời nước Anh lúc đó là : tại nước Pháp, đất nước của cuộc cách mạng dân quyền đầu tiên trên thế giới và cũng là đất nước của chủ nghĩa thực dân đang gây đau khổ cho dân tộc anh, hiện có hàng vạn người Việt Nam đang ở đó và chiến tranh có khả năng sẽ không còn kéo dài.
***
Lúc này, có thể nói, anh Văn Ba đã thu thập được đủ những hiểu biết và kinh nghiệm thực tế về việc « Xem họ làm ăn ra sao » rồi, nhưng « Tôi sẽ về giúp đồng bào tôi » như thế nào thì, trong thâm tâm anh, có lẽ đã nhen nhúm những tiền đề, dù chưa thật sự rõ nét là sẽ bằng cách nào, bằng kiểu gì (nói cho cùng là vấn đề cơ sở lý luận và vấn đề phương pháp), nhưng đã đưa anh đến một kết luận gần như bất di bất dịch : để giúp đồng bào mình, duy nhất chỉ có một con đường là loại bỏ chế độ thuộc địa, không ảo tưởng cải cách nó được. Điều này không chỉ đúng cho Việt Nam, mà còn cho tất cả các dân tộc bị thuộc địa trên thế giới.
(còn tiếp)
Tâm An
Laisser un commentaire