Bức chân dung khảm trai đặc biệt trên ban thờ Bác Hồ tại Marseille
Nhiều năm qua, bà Trần Thị Sâm ở Marseille (miền nam nước Pháp) vẫn thắp hương cúng Bác Hồ và lưu giữ bức khảm chân dung Bác trên ban thờ như một kỷ vật gia đình.
Trong căn hộ trên tầng 3 của một khu nhà tập thể cũ của thành phố, chỉ cách khu Vieux Port lịch sử của thành phố lớn thứ 2 nước Pháp vài bước chân, suốt mấy chục năm qua, bà Trần Thị Sâm ngày nào cũng làm một việc, đó là nấu những bữa cơm cúng để dâng lên Đức Phật và Bác Hồ.
Hàng chục năm qua, ngày nào bà Sâm cũng thắp hương cúng Bác
Năm nay đã 86 tuổi, con cháu trưởng thành và ở riêng đã lâu, tuổi già của bà Sâm giờ đây hướng về Đức Phật, về tổ tiên ông bà và Bác Hồ. Một căn phòng lớn được dành làm nơi đặt các ban thờ.
Trên ban thờ Bác là một bức chân dung đặc biệt được đặt trong khung gỗ. Đặc biệt là vì có cả một câu chuyện xúc động về nó mà bà Sâm vẫn nhớ như in sau nhiều năm.
“Tôi muốn có một tấm ảnh Bác nhưng không có. Trong một lần về nước, tôi gặp được một ông cụ làm bức ảnh Bác bằng khảm trai, tôi ngỏ lời muốn mua lại để mang về Pháp thờ Bác. Cụ nhất định không bán vì bảo chỉ làm độc nhất 1 bức ảnh này. Tôi phải năn nỉ đến lần thứ 3, cụ mới đồng ý bán. Tôi nhớ chỗ đó ở gần hồ Hoàn Kiếm. Tôi đem về Pháp và thờ Bác cho đến giờ”, bà Sâm nhớ lại.
Đối với bà Sâm, tình cảm và sự tôn kính dành cho Bác Hồ đến một cách rất tự nhiên. Sinh ra ở Nam Định năm 1935 rồi sau này cùng gia đình chuyển vào Nam sinh sống, bà Sâm vẫn giữ nguyên ký ức về người cha đã đi theo Bác Hồ từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Khi lập gia đình rồi sang Pháp năm 1958, từ chỗ chỉ là một phụ nữ nội trợ, chăm lo cho quán ăn gia đình, bà Sâm và chồng là ông Nguyễn Văn Tiến đã nhanh chóng tham gia tích cực vào phong trào người Việt tại Marseille, vận động, đấu tranh ủng hộ cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc ở trong nước, đặc biệt khi Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam.
Quán cơm “Hà Nội” của bà Sâm ở Marseille đã trở thành địa điểm gặp gỡ của hàng trăm đoàn công tác trong nước mỗi khi sang Pháp. Giờ đây, trong album ảnh gia đình, bà Sâm vẫn còn lưu giữ hàng nghìn bức ảnh của những nhà lãnh đạo Việt Nam từng ghé qua.Trong số đó, tấm ảnh quý giá nhất chính là tấm ảnh mà ông Tiến chồng bà được chụp cùng Bác Hồ từ khi còn trẻ; cùng với bức khảm trai chân dung Bác trên ban thờ, bà Sâm luôn coi như báu vật gia đình, để truyền lại cho con cháu sau này.
Theo Quang Dũng – VOV Paris
Câu chuyện về bức tượng Bác Hồ của chiến sĩ Nhà tù Côn Đảo
Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chiến sĩ cách mạng bí mật cất giấu, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của quân thù, mang theo ra Côn Đảo những năm 1940, lần đầu tiên được trưng bày và giới thiệu với công chúng nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2020).
Bức tượng đã ngả màu vàng nhưng vẫn còn nguyên vẹn và rất đẹp. Tượng cao khoảng 30cm, nhỏ nhắn, đặc tả khuôn mặt của Bác với đôi mắt nhìn thẳng đầy tình cảm, cùng vầng trán cao và chòm râu bạc
Bức tượng được giám ngục Paul Atoine Miniconi cất giữ. Trước khi mất, ông đã trao bức tượng lại cho con trai với mong muốn bức tượng được trở về quê hương Việt Nam.
Giám ngục Paul Atoine Miniconi được cử sang Việt Nam làm việc tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1920 đến năm 1952. Ông được giao giữ chìa khóa các khám, banh (bagne), canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân tại một số banh của Nhà tù Côn Đảo.
Trong quá trình làm việc, giám ngục Paul Atoine Miniconi nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường ở những người tù, khi cho kiểm tra một phòng giam, ông đã phát hiện các tù nhân cộng sản cố cất giấu một vật mà ông nghi là vũ khí.
Từ nghi ngờ đó, ông cho tổ chức khám xét và thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Paul Atoine Miniconi đã rất ngạc nhiên, thán phục tình cảm, sự kính trọng và niềm tin tưởng tuyệt đối của những người tù cộng sản ở Côn Đảo dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo.
Kết thúc thời gian làm việc tại Côn Đảo, năm 1952, ông Miniconi quay trở lại sinh sống tại đảo Corse (Pháp). Kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được ông mang theo như một kỷ niệm về những năm tháng làm việc tại Việt Nam và gìn giữ đầy trân trọng trong nhiều năm tháng tại nhà riêng.
Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho con trai Paul Miniconi – người cũng từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo vào thế kỷ 20.
Ngày 1/12/2019, ông Paul Miniconi cùng Nhà sử học Pháp Frank Sénateur đã trao tặng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp để chuyển về Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị.
Một điều hết sức thú vị và trùng hợp là Đại sứ Nguyễn Thiệp – người tiếp nhận bức tượng từ tay ông Paul Miniconi lại chính là con trai của một người tù cộng sản từng bị giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục.
Với ông Paul Miniconi, việc trao lại bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là thực hiện di nguyện thiêng liêng của người cha thân yêu trước lúc qua đời.
Có thể nói, Khu Di tích Nhà tù Côn Đảo là một di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam, nằm trong danh sách 10 nhà tù tàn khốc nhất trên thế giới. Trong hơn 100 năm (1862-1975), gần 20.000 chiến sĩ cách mạng và nhiều thế hệ người yêu nước Việt Nam bị giam cầm, tra tấn, hy sinh tại đây.
Thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” hay “địa ngục của địa ngục” nhằm xói mòn ý chí cách mạng, đày đọa khổ sai những người yêu nước Việt Nam.
Theo TTXVN