BAROQUE – Sự thống trị của thời trang nước Pháp
Đọc xong bài viết này, bạn đọc sẽ làm quen với:
– một thời kỳ lịch sử đặc biệt của Pháp
– từ « Baroque » và hiểu hơn về tinh thần thời trang Baroque ảnh hưởng rất nhiều đến thời trang hiện đại,
– từ lúc nào thời trang Pháp chiếm lĩnh châu Âu
– phong cách của lâu đài Versailles
– giai đoạn phát minh ra giày cao gót đầu tiên và phong cách, kiểu dáng Baroque này vẫn còn được yêu chuộng hiện nay.
Chắc hẳn bạn đọc ở Việt Nam còn khá lạ lẫm với « Thời kì Baroque » một giai đoạn nở rộ về phong cách nghệ thuật của Châu Âu thế kỷ 17 trong nhiều lĩnh vực như điêu khắc, thời trang, hội hoạ, kiến trúc, văn học, âm nhạc và khiêu vũ. Thành phố Rome, Italy là thủ phủ đầu tiên khơi dậy phong trào này ở Châu Âu từ năm 1590, phát triển mạnh và nở rộ vào thế kỷ 17 và kết thúc vào khoảng năm 1725. Không giống với thời kì Phục Hưng phát triển mạnh mẽ tại Florence, Italy; Baroque được gắn liền với sự thống trị về thời trang của Pháp.
Sẽ thật là thiếu sót khi nhắc tới Baroque mà không nói tới Vua Louis XIV (1643-1715), vị vua mặt trời. Với những ai yêu văn hoá Pháp chắc hẳn đều biết tới tuyên bố hùng hồn của vị vua này: » L’État, c’est moi ».
Dưới sự trị vì của Louis XIV, Pháp không chỉ đạt tới đỉnh cao quyền lực với Châu Âu lúc bấy giờ, mà Louis còn đặt nền móng cho sự phát triển văn hoá, kinh tế và chính trị toàn Châu Âu. Thấu hiểu rõ tầm ảnh hưởng của nghệ thuật và kiến trúc tới xã hội, Vua Louis đã khéo léo sử dụng đa dạng các công cụ quản lý và kiểm soát để đưa mọi ý tưởng và quan điểm cá nhân của mình trở thành trung tâm, nền tảng của các chủ đề.
Những ai đã từng tới Versailles thì khó thoát khỏi cảm giác choáng ngợp bởi sự hùng vĩ và lộng lẫy từ quy mô tổng thể bao gồm cả lâu đài và khu thượng uyển tới từng chi tiết trang trí nhỏ của các vật dụng sử dụng trong cuộc sống chốn cung đình. Với những ai sắp có kế hoạch thăm quan lâu đài này, thì những hình ảnh sau đây sẽ làm cho quyết tâm của các bạn càng thêm vững chắc: Tất cả những thứ trang trí nội thất đều được thiết kế theo lệnh và được tuân thủ 1 cách nghiêm ngặt. Ví dụ, dao và dĩa được sử dụng 1 cách tinh tế trên bàn ăn đều được khởi nguồn từ Pháp trong thời kì này.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm tại Châu Âu (1618-1648) đã đẩy căng thẳng về tôn giáo lên tới đỉnh điểm, kết quả chia rẽ Bắc Âu và Nam Âu thành Protestant (Thanh giáo) và Catholic (Công giáo) một cách rõ ràng. Đức và Tây Ban Nha có xu hướng đi xuống, Anh thì rơi vào các cuộc nội chiến triền miên. Kết quả của các cuộc nội chiến dẫn tới những hiểm hoạ đe doạ về văn hoá và vua Anh bị chặt đầu. Chủ nghĩa Thanh Giáo trỗi dậy phát triển mạnh, điều này kéo theo sự đàn áp phong trào xảy ra khắp nơi. Nước Ý cũng rơi vào tình trạng đi xuống, so với thời kì Phục Hưng tại Florene. Tuy nhiên, Rome vẫn khởi đầu cho sự thống trị về văn hoá và nghệ thuật _ Baroque. Những bức hội hoạ và kiến trúc Baroque được sáng tác bởi những người Công Giáo Ý như những công cụ truyền thông trong cuộc cải cách này. Ý tưởng sau những tác phẩm nghệ thuật này để thể hiện cho sự mỹ lệ và giàu sang của Chủ nghĩa Công giáo. Hoạ sĩ tiêu biểu nhất trong thời kì này là Michelangelo Merisi da Caravaggio ( 1573-1610) bởi các tác phẩm tiêu biểu của ông đều mang phong cách Baroque mà ở đó tập trung và việc thu hút ánh nhìn của người xem vào những sự chuyển động kịch tính, có hồn, bỏ qua hoặc làm mờ đi những chi tiết không liên quan, đồng thời đặc tả con người gần gũi nhất với thiên nhiên.
Baroque được phát triển mạnh mẽ từ 1600-1750 với 3 phong cách chính:
1. Baroque mang tính ca kịch/ khoa trương mô tả theo gu của Italy và Flanders (Bỉ bây giờ) và nó khởi nguồn cho nhà hát Opera phát triển, đồng thời như 1 luồng gió mạnh thổi hồn cho việc xây dựng chuỗi nhà thờ tại Rome.
2. Baroque theo trường phái thực tế lớn lên theo cách tiếp cận của hội hoạ, phát triển bởi những nghệ nhân Châu Âu vào thời gian đó: Caravaggio ở Italy, Velázquez ở Tây Ban Nha, Rembrandt ở Hà Lan.
3. Baroque truyền thống: được ủng hộ và phát triển bởi vua Louis XIV, được thể hiện rõ nét nhất thông qua Lâu Đài Versailles của Vua Louis (Château de Versailles). Lại nói về Château de Versailles, đây là 1 địa điểm không thể thiếu trong chuyến du lịch của bạn khi tới Paris.
Được xây dựng hơn 20 năm (1660-1680), Versailles là biểu tượng thời trang của người Châu Âu thời đó. Trong khuôn viên này – nơi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng của vua Louis – có khoảng 10,000 dân định cư : 5000 sống trong khuôn viên và 5000 còn lại để phục vụ. Lâu đài cũng là nơi thường xuyên tổ chức tiệc tùng và nghi lễ dành cho nhà vua. Bởi vậy, vua Louis đặc biệt nghiêm khắc trong việc đề ra và giữ gìn những quy định, luật lệ quản lý lâu đài.
Các trang phục được diện trong lâu đài đều phản ánh gu truyền thống của vị vua này. Các cận thần phải luôn hiện diện tươm tất với tóc giả xoăn, giày cao gót cùng những bộ cánh được thửa riêng 1 cách vừa vặn. Các quý bà thì được tô điểm bởi các bộ váy sang trọng, sành điệu làm từ lụa, gấm.
Trong suốt thời kì trị vì của Louis XIV, cuộc sống hưởng lạc và những thứ xung quanh ông ấy đã truyền cảm hứng thẩm mỹ cho toàn bộ Châu Âu. Các cung điện và giới quý tộc đua nhau bắt chiếc, tham khảo theo gu thẩm mỹ của vị vua Pháp này.
Trong giai đoạn phục hồi của Anh năm 1660, vua Charles II trở về quê hương sau cả thập kỉ sinh sống tại Pháp, ông ấy đã cho xây dựng cung điện phán ánh phong cách của Vị vua mặt trời Louis XIV, nhưng mà chưa đạt tới được tầm về thời trang như của Pháp.
Mặc dù sự thống trị của vua Louis và thể chế quân chủ của Châu Âu được thiết lập vững vàng, sức mạnh của tầng lớp trung lưu cũng được đánh giá cao. Những người chủ của những khu vực ngoại ô mới, tầng lớp trí thức, giới buôn bán được phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 17, đóng góp phần to lớn vào việc phát triển Châu Âu trở thành thủ đô của văn hoá và kinh tế trên thế giới. Sau cuộc cải cách vĩ đại năm 1688, William và Mary được đưa lên cai quản thay cho cha của Mary là James II, Quốc Hội đã đưa ra các đạo luật mới, trong đó, cụ thể hạn chế sức mạnh của thể chế Quân chủ lên đám đông dân chúng. Đây chính là tiền đề cho hệ thống chính phủ dân chủ hiện đại.
Vai trò của người phụ nữ:
Mặc dù số lượng người biết chữ nhiều hơn, tuy nhiên, phụ nữ ở giai đoạn lịch sử này vẫn chưa có những vị trí cao trong chính trường cũng như thương trường. Dẫu vậy, phụ nữ bắt đầu được cổ vũ để tự do đưa ra ý kiến cá nhân trong các buổi toạ đàm của những nhóm người có suy nghĩ giống nhau. Jane Mulvagh đã miêu tả những buổi gặp gỡ này như những nền tảng sức mạnh mà ở đó nhà văn, chính trị gia, nhà báo và những người khác có thể nghe được những mẩu chuyện phiếm cập nhật nhất, trao đổi quan điểm, tu rèn chính kiến và phát triển sự nghiệp. Những buổi meeting này thì thường được khởi tạo bởi tầng lớp phụ nữ giàu có như Quý Bà Lady Caroline Holland, Madames de Stael, de Chevreuse và de Sévigné.
Vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội được đưa ra bàn luận và trở thành chủ đề nóng trong giai đoạn này. Nhiều nhà hiền triết cho rằng nếu phụ nữ được giáo dục và đào tạo tốt thì hình ảnh » phó » của họ có thể mờ dần đi và tiến triển xa hơn nữa. Tuy nhiên, tiền lương trả cho phụ nữ thì luôn thấp hơn đàn ông.
Thế kỷ 17 và 18 dường như chấp nhận các đôi Lesbians sống với nhau như vợ chồng, một trong 2 người thì thường ăn mặc như đàn ông. Việc nuôi dạy con cái vẫn được coi là nhiệm vụ chính của phụ nữ trong gia đình. Với những gia đình giàu có, điều kiện chăm sóc bà bầu khi sinh đẻ được cải thiện đáng kể, thậm chí, phụ nữ giàu có thường được đẻ mổ (theo phương pháp mới). Nguồn cung cấp thức ăn tốt hơn cũng đồng nghĩa với việc trẻ sơ sinh tồn tại tỷ lệ cao hơn, do đó các cặp đôi mới cưới bắt đầu biết cách kiểm soát việc sinh đẻ và giới hạn số lượng con mà họ muốn.
Trang phục:
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu làm gia tăng nhịp độ phát triển của thời trang. Trở nên giàu có hơn bao giờ hết, con người ta bắt đầu tìm tới thử nghiệm với trang phục và phong cách thời trang bắt đầu vượt giới hạn đường biên giới quốc gia.
Một điểm quan trọng trong thời trang giai đoạn này, đó là tầng lớp trung lưu thường áp dụng hoặc học theo gu thẩm mỹ của tầng lớp thượng lưu, điều này dẫn tới kết quả là giới thượng lưu luôn luôn tìm cách đổi mới phong cách của mình để thể hiện rõ đẳng cấp của họ so với đám đông. Điều này cũng dễ hiểu bởi thời trang ở thời kì này phản ánh rõ địa vị và đẳng cấp xã hội. Mức độ sang trọng, quý hiếm sẽ xác định chủ nhân của bộ đồ đó thuộc tầng lớp nào trong xã hội. Mila Contini đã ghi lại rằng chỉ trong vòng 2 năm (1672-1674), trang trí tay áo đã thay đổi ít nhất 7 lần.
|
Thời trang đồng thời cũng phản ánh tinh thần của phong trào nghệ thuật Baroque. Trang phục cũng như kiến trúc hay điêu khắc, vào thời gian đó, phát triển mạnh cả về đồ cho đàn ông hay đàn bà, theo hướng tự nhiên hơn, điềm đạm và thanh lịch hơn. Trang phục ở thế kỷ 17 bắt đầu cho thấy cá tính riêng của từng cá nhân phản ánh qua những bộ đồ khác nhau. Ý kiến của khách hàng trở thành phần không thể thiếu trong việc may đo sản xuất.
Từ khoảng năm 1650 trở đi, thời trang Pháp chiếm lĩnh toàn bộ Châu Âu, thay thế ảnh hưởng của Tây Ban Nha. Cũng như phong cách Baroque được lan toả rộng rãi như Cung điện của vua Louis XIV từ giữa thế kỷ 17, trang phục cũng được kỹ lưỡng xây dựng và may đo. Quần áo được sản xuất bắt đầu giống với những bộ cánh hiện đại, đồng bộ hơn. Không giống như việc phối kết hợp quần áo của thế kỷ 16, phần áo, váy và áo choàng đều có thể được làm từ những chất liệu giống nhau và mặc cùng 1 lúc.
Pháp cũng là nơi có nhiều nhà sản xuất hàng xa xỉ nhất thế giới. Tiền đề và động lức chính đằng sau việc này có thể có nguồn gốc từ nguồn tài chính mạnh. Cardinal Richelieu đã xây dựng khu công nghiệp sản xuất ren ở Alencon, thay thế cho việc nhập khẩu từ Italy. Thêm vào đó, bộ trưởng bộ tài chính Pháp lúc bấy giờ là Jean Baptise Colbert đã cơ cấu lại nền kinh tế coi trọng xuất khẩu hơn nhập khẩu, do đó, tất cả các nguyên liệu thô dùng để sản xuất quần aó đều được sản xuất nội địa. Vì vậy, Lyon trở thành trung tâm sản xuất cả lụa và gấm.
Thời trang Pháp bắt đầu xuất khẩu rộng lớn khắp Châu Âu, thông qua những tượng mannequins, những vị vua đặt hàng có thể xem được mẫu trực tiếp. Xấp xỉ nữa kích cỡ người và được mặc để tái tạo lại phong cách ăn mặc của vua Louis XIV, những chú búp bê này được sản xuất tại Paris bởi các chuyên gia trên đường St Honoré. Những tin tức về việc thay đổi của xu hướng thời trang (ví dụ như cách cắt áo mới dành cho nam) bắt đầu xuất hiện trên những tờ báo ngày của Pháp, được phát hành rộng rãi khắp Châu Âu : le Mercure Galant, được đọc tại Vienna, Venice, Berlin, Madrid, London và Brussels.
Thế kỷ 17 chứng kiến sự khác biệt rõ ràng trong thời trang nam và nữ. Thậm chí yếu tố mùa mà được trỗi dậy ở thời kỳ đầu của thành Rome, bắt đầu xuất hiện lại, với các chất liệu nhẹ hơn dành cho mùa hè và mềm, ấm hơn dành cho mùa đông. Thế kỷ 17 cũng đồng thời sản sinh ra những nhà thiết kế thời trang. Dưới sự bảo trợ của Louis XIV, nhóm chuyên sản xuất trang phục được hình thành cùng với niềm đam mê và yêu thích nghề nghiệp thực sự (trước đây thì chủ yếu sản xuất tại nhà do thợ may thực hiện). Ngài Regnault và Gautier trở nên nổi tiếng với công việc của họ, cũng như Quý Bà Villeneuve và Charpentier.
Trang phục của người phụ nữ trong thế kỷ 17 thể hiện sự tự do về phom dáng, điều này được thể hiện rõ ràng thông qua những đường viền cổ áo được khoét sâu táo bạo. Nếu bạn chú ý, thì phần cổ áo ruff kiểu Tây Ban Nha của thời kì phục hưng trước đã biến mất trong trang phục của phụ nữ Châu Âu thời Baroque bởi điểm nhấn của Baroque chính là những tỷ lệ cân đối tự nhiên và sự tự do trong phom dáng, trang phục phía bên trên được nhấn nhá bởi sự khoét sâu của cổ áo, để lộ bộ ngực căng đầy.
Họ khuyến khích khách hàng của họ thử nghiệm với hình dáng, độ dài váy, chất liệu và màu sắc. Do đó, thời trang ở giai đoạn lịch sử này bắt đầu có những manh nha về sự liên kết giữa tên tuổi của nhà thiết kế với những bộ đồ độc.
Sự thay đổi trong tư duy tự do hơn về thời trang không chỉ thể hiện qua sự tự do về phom dáng mà còn hiện hữu rõ trong những khám phá khoa học. Năm 1628, William Harvey đã khám phá ra sự tuần hoàn của máu trong cơ thể người. Sự khám phá này của Harvey trở thành chủ đề cho những cuộc tranh luận tại sao những chiếc corset bó chặt là nguyên nhân cho nhiều sự phàn nàn của phụ nữ về sự khó chịu, đau nhức của họ. Kết quả của những cuộc bàn tán này đã khiến cho việc sản xuất những chiếc corset bằng nẹp gỗ hoặc gọng sắt (thép) cứng trở nên lỗi thời, cần có 1 sự thay đổi về chất liệu cũng như cách thức sản xuất. Điều này dẫn tới những trang phục lót của phụ nữ dần tiến hoá (về chất liệu) giống với thế giới hiện đại hơn.
Trang phục của các quý ông Châu Âu vào đầu thế kỷ 17 mang phong cách điềm đạm.
Tại Pháp, vua Henri IV ăn mặc rất đơn giản. Ông ấy thường xuất hiện ở cung điện với những bộ trang phục có miếng vá ở khửu tay.
Ở Anh, vua Charles I cũng được tìm thấy gu ăn mặc khá đơn giản, nhưng sang trọng. Bức hoạ được vẽ bởi Anthony van Dyck năm 1635 đã thể hiện điều này.
Tuy nhiên, với sự lên ngôi của vua Louis XIV, sau 1661, thời trang dành cho đàn ông thể hiện bước nhảy vọt và toả sáng. Colin McDowell đã từng viết rằng « thời trang Pháp dưới sự trị vì của Louis XIV được hình thành bởi những sự hoang phí liều lĩnh ». Trang phục sang trọng thường được làm từ gấm, thêu vàng hoặc bạc cùng với lụa đắt tiền. Vua Louis XIV được coi là « người đàn ông mặc đẹp nhất Châu Âu », gu thẩm mỹ và cách ăn mặc của ông ấy gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới quân chủ và quý tộc của khắp các nước Châu Âu và lục địa bấy giờ.
Ngành dệt may:
Pháp trở thành quốc gia vô địch trong việc sản xuất ren tại Châu Âu.
Calais, Lille, Sedan, Arras, Normandy, Le Havre, Dieppe, Rouen và Honfleur đều hỗ trợ cho việc phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất ren. Oise phía bắc của Pháp sản xuất ren lụa quý cũng như các loại ren làm từ kim loại. Các xưởng sản xuất tại Lyon thì chuyên môn hoá cho những sản phẩm ren thêu vàng hoặc bạc. Đặc biệt, những bức vẽ tại cung điện của vua Louis đã đóng góp rất nhiều ý tưởng cho việc thiết kế và sản xuất ren tại các xưởng này, do đó, trải rộng hơn tầm ảnh hưởng của phong cách Baroque ra toàn Châu Âu. Ngoài Pháp, ren cũng được sản xuất tại Italy, Flanders (Bỉ hiện nay).
Cùng với sự phát triển của ren, satin và nhung cũng trở thành chất liệu phổ biến vào đầu thế kỷ 17. giới trung lưu và tầng lớp thấp hơn thường mặc những vải vóc làm từ len hoặc lanh. Trang phục bên ngoài của đàn ông còn thường được làm từ da Tây Ba Nha. Gần cuối thế kỷ 17, nhu cầu ren suy giảm, thay vào đó là vải mỏng Ấn nhập khẩu từ Đông Ấn Độ. Các loại phụ kiện dành cho tóc thì được sản xuất tại Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Giày cao gót ra đời:
Nếu có ai băn khoăn về giầy cao gót được tạo ra từ khi nào, thì đầu thế kỷ 17 là đáp án cho câu trả lời đó.
Tiền đề của phát minh này phải kể tới những đôi giầy của binh lính thời kì trước, được lắp thêm phần gót để có thể bảo vệ và sử dụng bàn đạp ở yên ngựa tốt hơn. Tuy nhiên, khi đàn ông bắt đầu sử dụng những đôi boot đó cho trang phục hằng ngày của họ, gót giày trở thành phần không thể thiếu và cả đàn ông và đàn bà bắt đầu sử dụng giày cao gót trong cách ăn mặc của mình.
Gót giày khiến cho đàn ông cảm thấy quan trọng. Vua Louis XIV có chiều cao khiêm tốn, thường đi giày với gót cao khoảng 12,5cm. Ông ấy thường nổi bật hơn cùng với chiều cao nhân tạo này, đi kèm cùng với chất liệu da bò nhuộm đỏ. Mốt này được bắt chiếc bởi tất cả các cận thần của vua và phát tán sang Anh. Vua James II cũng đồng thời đi giầy cao gót màu đỏ cùng tất cả các cận thần của ông ta.
Thế kỷ 17 cũng chứng kiến sự ra đời của những đôi giầy có hoạ tiết hoa văn trang trí. Vua Louis XIII tin rằng nó bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của ren và ru-ban trong các trang phục của họ.
Giày của đàn ông và đàn bà có thiết kế tương đồng ở thế kỷ 17. Tuy nhiên, với tiến trình phát triển của lịch sử, thiết kế giầy của 2 giới bắt đầu có sự khác biệt rõ ràng. Giày của đàn bà thường đơn giản trong thiết kế, trong khi đó sang trọng, xa xỉ, xa hoa và 1 chút kiêu ngạo là những sản phẩm dành cho đàn ông. Phụ nữ có thể đi những đôi giày làm từ vải satin hoặc lụa. Trong khi đó Boots là biểu tượng của nam giới, đặc biệt được mặc khi cưỡi ngựa.
Nguyễn An Nghĩa
Laisser un commentaire