Giải thưởng Jacques Rougerie và Ước mơ Việt Nam
Ngày 27 tháng 11 năm 2014, có một sự kiện đã đi vào lịch sử của cộng đồng Việt Nam tại Pháp một cách thầm lặng. Đó là sự kiện mà một người có mặt tham dự đã phải thốt lên đầy xúc động : « Trong đời tôi, có 3 sự kiện ý nghĩa và quan trọng của Việt Nam : khi Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được trao giải nhất cuộc thi piano quốc tế danh tiếng Frédéric Chopin, khi nghe tin Ngô Bảo Châu được huy chương Fields toán học, và hiện tại là sự kiện này. » Với tất cả so sánh này, đó là sự kiện gì của năm 2014 ?
Lúc 19h45 ngày 27 tháng 11 năm 2014, tại Unesco, Hội đồng của cuộc thi quốc tế Ý tưởng về Kiến trúc cho tương lai đã gọi lên hai tiếng « Việt Nam » cho 1 đội thi đoạt giải nhất – giải cao nhất, và cũng là giải duy nhất của hạng mục « Kiến trúc và các vấn đề của nước biển dâng ». Và đội thí sinh ấy, với 4 thành viên, đến từ Việt Nam với những tên thuần Việt, đã lên bục để nhận giải thưởng giữa tiếng vỗ tay của khán phòng. Con đường dẫn từ hàng ghế ngồi thí sinh để đến sân khấu trong thời khắc ấy, là chặng đường phải vượt qua 1749 hồ sơ dự thi khác đến từ 90 nước.
CUỘC THI QUỐC TẾ VỀ KIẾN TRÚC
DO QUỸ JACQUES ROUGERIE, INSTITUT FRANÇAIS, VIỆN ĐẠI DƯƠNG LIÊN CHÍNH PHỦ TỔ CHỨC
NHẬN ĐƯỢC SỰ ĐỠ ĐẦU CỦA HOÀNG TỬ ALBERT II CỦA VƯƠNG QUỐC MONACO, VÀ CỦA UNESCO
Bốn thành viên của đội Việt Nam (Anh Nguyễn Lê Hưng, Chị Nguyễn Bảo Thư, Chị Trần Khánh Chi và Anh Trần Hoàng Anh), đều là thành viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp, trong đó có 1 người là trong ban trách nhiệm sáng lập Hội Kiến trúc sư, và ba người còn lại đều là những thành viên mới, nhận được sự hỗ trợ của những trách nhiệm khác trong Hội Kiến trúc sư trong việc tham gia cuộc thi. Sự chiến thắng ngoạn mục của đội Việt Nam không còn nằm ở phạm vi của 4 cá nhân tham gia nữa, mà ở sự liên kết chung của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp, và hơn thế nữa, của cộng đồng Việt Nam tại Pháp.
Trong một cuộc thi đòi hỏi tính tưởng tượng cao hướng về tương lai, kết hợp với kỹ thuật chuyên môn của ngành Kiến trúc, hơn nữa lại cần một tầm nhìn có ý nghĩa và một sự cập nhật trong thiết kế để có thể theo kịp các đội dự thi đến từ các nước đã phát triển, đã quen với công nghệ thiết kế cho tương lai, chỉ riêng việc quyết định tham gia cuộc thi đã mang tính can đảm cao, chưa nói đến chiến thắng đem về.
Cuộc thi có 3 nội dung chính, và mỗi nội dung chỉ chọn ra 1 đồ án giải nhất và duy nhất. Mỗi đồ án đoạt giải cần phải chiếu một đoạn vidéo giới thiệu về ý tưởng của mình. Khi đội Việt Nam chiếu đoạn vidéo của mình lên, toàn thể những người Việt Nam ở dưới bật lên niềm xúc động, bởi hiểu rằng chính lũ lụt và những thiên tai về nước ở quê nhà là niềm cảm hứng cho các bạn trẻ, và ngay trong giờ phút chiến thắng ấy, khi ai thường cũng nghĩ về bản thân mình, các bạn đã dành hết tấm lòng hướng về Việt Nam. Có thể Hội đồng giám khảo và khán giả sẽ không nhớ được hết tên của mỗi người, nhưng những gì còn lại cho tất cả người đã được chứng kiến sự kiện ấy là đội Việt Nam đã « sánh vai cùng các cường quốc năm châu », và rằng từ nguồn cội của mình, các bạn đã nâng lên thành 1 ý tưởng vừa đẹp vừa mang tính giải quyết vấn đề sinh thái trong tương lai, và đem hình ảnh Việt Nam một lần nữa vào từng nhánh lúa, giọt biển, mây trời để giới thiệu cho toàn thể khách tham dự.
Đảo trôi PLASTIQUES 2.0
Ý tưởng về một cuộc sống trên biển khi mà đất liền ngày một mất đi, một phần do rác thải đang tăng, phần nữa là nước biển đang dâng. Ý tưởng đó là một hòn đảo nổi nhân tạo được tạo ra từ sự tổng hợp chất thải nhựa trôi nổi trên biển, là chất thải mà hiện tại được xem là mối đe doạ cho môi trường biển trong tương lai không xa.
Sự sống được tạo ra từ những gì còn lại của xã hội, là một ý tưởng mang tính cách mạng, từ những vật liệu rác thải bằng nhựa trở thành những khối lục giác đan xen nhau, ghép nối với nhau tạo thành những hòn đảo trên đó con người sinh sống. Nó như một đám bọt biển trôi nổi và làm sạch tất cả, và từ trên đó cuộc sống hình thành.
Với chiếc máy thu gom rác thải nhựa trên biển tự động bằng năng lượng mặt trời, sau đó tái chế ra các module để sử dụng.
Và thêm module rỗng ở giữa để đặt xuống phía dưới tạo thành các mảng đỡ và hình thành một đảo nổi plastique rất ấn tượng.
Khi sự sống xuât hiện trên các hòn đảo nhân tạo, việc sử dụng máy hút rác tự động làm sạch môi trường biển chúng ta có thể trên nguyên lý để có thể sử dụng nhựa tái chế chuyển từ đất liền để tạo ra những hòn đảo nổi trên đại dương phục vụ cuộc sống của con người trong tương lai.
Ý nghĩa to lớn mà nhóm bạn trẻ Việt Nam đang theo đuổi thực sự rất đáng ngưỡng mộ, giải nhất trong cuộc thi này phần nào khích lệ và động viên các bạn theo đuổi ước mơ, theo đuổi đam mê. Và thực hiện nó… Giấc mơ mang tên Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ thế giới thế kỷ 21!
Ngô Kiến Nam
Laisser un commentaire