Luận Anh Hùng

Chủ đề về Anh hùng luôn là cảm hứng bất tận từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Ở phương Tây, hình ảnh người anh hùng luôn được hào quang màu nhiệm chói sáng với những phẩm chất và hình ảnh đẹp như trong thần thoại Hy Lạp-La Mã, với những giới hạn về sức mạnh, tinh thần và nỗi đau luôn ở mức cao nhất, gần như chạm vào hoàn hảo : mạnh vô đối thủ như Hercule hay Héraclès, thông minh như Oedipe nhưng bi kịch cũng không ai bằng.

Người anh hùng luôn được tôn là vị thần sống trên bầu trời Olympe tiên cảnh với đầy đủ hỉ-nộ-ái-ố cực điểm hơn cả người trần. 

 

«  Lấy chữ tình nâng Càn khôn lên,

Tuốt gươm thần thế thiên hành đạo »

(NTĐ)

Ở phương Đông, tiêu biểu gần Việt Nam và quen thuộc với chúng ta nhất có hai nước Trung Quốc và Nhật bản với quan niệm về anh hùng hoàn toàn khác nhau.

Đế quốc Trung Hoa quen với những cuộc chiến mở rộng lãnh thổ, đề cao tính chiến đấu và những trận đại chiến máu lửa ; vì vậy, hình ảnh một người anh hùng phải luôn luôn là một vị tướng đầu đội giáp sắt, tay cầm kiếm sát, xông pha chiến trận, dũng mãnh mở đường cho toàn quân tiến lên, và đặc biệt là phải luôn lập công trạng.

Ngược lại, sự anh hùng của đất nước Nhật bản thể hiện ở tính can đảm khi đối diện với cái chết. Có thể nói, cái chết là đề tài, là suy nghĩ, là cảm nhận thường trực trong cuộc sống người Nhật, do đó, một người có thể thành, có thể bại, có thể là tướng, là lính, là quý tộc hay bình dân, nhưng để được công nhận anh hùng, người đó nhất định phải có tinh thần « võ sĩ đạo- samurai ».

Tinh thần võ sĩ đạo được ví như một trận mưa hoa anh đào : hoa anh đào vốn một năm chỉ nở đúng 1 lần, mỗi lần chỉ đúng 1 tháng, cứ như sắc hồng vô cùng mơn mởn ấy được ấp ủ cả năm trong nhụy hoa chỉ để một lần trong đời bung nở ra và lập tức biến mất khỏi thế gian này. Và cũng như thế, tập luyện bao năm tháng chỉ để chờ một cái chết khí khái và can đảm khi chính mình tự chuẩn bị các nghi lễ, đó chính là anh hùng tính trong văn hóa Nhật bản.

Việt Nam tuy có nhận sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử về hình ảnh một vị tướng quân quả cảm trên chiến trường, về thói quen chỉ giới hạn khái niệm « Anh hùng » trong lĩnh vực quân sự, nhưng dù vậy chúng ta vẫn có những điểm rất khác biệt, có thể nói là chỉ có ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện nay trên thế giới, khái niệm « Anh hùng » đã mở rộng ra trong các lĩnh vực khác : Ba Lan có anh hùng dân tộc âm nhạc Chopin, Na-Uy có Edward Grieg, Phần Lan có Sibélius. Đức có văn hào Goethe, Ý có Dante, Tây Ban Nha có Cervantes, Pháp có Victor Hugo…

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta nên đặt đúng chỗ các vị anh hùng văn hóa nghệ thuật vì các chính thể có thể đổi thay, nhưng nền văn hiến mãi mãi trường tồn.

            “Cơ tạo hóa phép mầu khôn tỏ

Cuộc tàn rồi mới tỏ thấp cao”

(Sấm Trạng Trình)

Với tinh thần cởi mở đó, chúng ta sẽ luận anh hùng Việt Nam trong một số lĩnh vực, không nhất định chỉ trong quân sự.

Vì giới hạn về số trang báo và kiến thức, chúng tôi xin phép chỉ trích dẫn minh họa một vài tên tuổi trong hàng nghìn tinh hoa đất Việt  để chúng ta cùng cùng luận đàm.

***

Trường hợp anh hùng đầu tiên : Huyền thoại nhất trong lịch sử Việt Nam là Phù Đổng Thiên Vương hay Xung Thiên Thần Vương – một trong bốn vị Thánh Tứ bất tử (Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh công chúa). Vì sao Phù Đổng Thiên Vương là anh hùng trong khi xuất thân chưa từng là tướng, chưa từng trải qua binh trận ? Cưỡi ngựa sắt phun lửa, cầm roi sắt xung thiên, nhổ tre ngà đánh giặc, dấu chân ngựa thành chum, ao phá tan giặc Ân. Truyền thuyết kể rằng sau chiến thắng, Ngài lên núi Sóc Sơn bay về trời. Không phải đâu ! Thánh Gióng lại trở về Sóc Sơn đó thôi, bình thản làm ruộng, không màng công danh, phú quý, không lao vướng vào vòng ô trọc (tham ô, nhũng nhiễu), đã  « uy vũ bất năng khuất » thì « bần tiện bất năng di » chỉ dành cho những con người đích thực.

Nghĩa cử này cũng như 3 bác nông dân sau khi xé rào vào Dinh Độc Lập đã lại trở về quê đánh giặm. Xúc động tột cùng ! Lệ quấn quanh hồn…

Chất liệu làm nên tính anh hùng trong tâm khảm của người dân Việt Nam không nằm ở cái lẫm lẫm liệt liệt của giáo gươm, của thế gia vọng tộc, của bằng cấp quan trạng, mà nằm ở sự quên mình vì nước.

Một đứa bé, một thanh niên nông dân thì đã sao khi người ấy quên mình vì nước đứng ra nhận trách nhiệm bảo vệ những ngôi nhà tranh vách đất của làng mình, của nước mình. Tính anh hùng chính là được tính ở thời điểm « quên mình » ấy, vốn không có quá khứ, không màng vị lai sống chết, thành bại.

« Không thành công, cũng thành nhân » Nguyễn Thái Học đã điềm tĩnh nói như vậy khi đang bước lên đoạn đầu đài, và cái « thành nhân » ấy gồm cả tình-nghĩa-chí-lòng yêu nước để làm nên một con Người biết sống, biết chiến đấu và biết chết cho xứng đáng, đó chính là tiêu chí « Anh hùng » của dân tộc Việt Nam.

Một điều thú vị là từ « « Anh hùng » trong lịch sử và văn hóa Việt Nam không chỉ dành riêng cho nam giới. Phụ nữ có một vị trí đặc biệt bình đẳng trong xã hội Việt Nam so với Trung Quốc hay các nước lân cận Việt Nam trong lịch sử cổ, trung đại. Đó là trường hợp anh hùng thứ hai, một khi người phụ nữ có thể cất lên lời thề như :

« Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng »

thì họ chắc chắn đã có thể lập quốc xưng Vương như Hai Bà Trưng, hay trở thành những biểu tượng giai nhân-anh hùng vượt lên trên thời đại của chính mình để sống mãi trong miền Hồn thiêng dân tộc như Bà Triệu, như nữ tướng Lê Chân, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Dung, hay bà Đặng Thị Nho – vợ và cộng sự đắc lực của Hoàng Hoa Thám.

Trường hợp anh hùng thứ ba : là những vị vua, vị tướng gắn liền với những đại thắng của dân tộc trong lịch sử phong kiến, như Ngô Vương Quyền (898-944) với chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã mở nền độc lập tự chủ sau nghìn năm đô hộ phương Bắc.

Khi nghiên cứu nhiều hơn về cuộc đời của họ từ tư liệu lịch sử chính thức cũng như trong dân gian, ta thấy tương đồng phần nào với thần thoại phương Tây ở điểm : những trái ngang và hỉ-nộ-ái-ố của họ dường như đã được « thiên định » để gặp vận mệnh đất nước ở những giao điểm éo le nhất, trong nhiều bi kịch đậm chất bi hùng.

Như Lý Công Uẩn (974-1028) với một số phận lịch sử thật « opéra »: 2 tuổi đã thành đứa con « hoang » bị bỏ trước cổng chùa, được sư Lý Khánh Vân nuôi rồi trao cho sư Vạn Hạnh dạy, chú tiểu Lý Công Uẩn có khi nào ngờ mình sẽ thành vị vua sáng lập triều Lý vĩ đại, không những dời đô từ Hoa Lư về Đại La (địa lợi tuyệt vời), mà còn kiến tạo ngàn năm văn vật Thăng Long-Hà Nội bền vững cho đến nay.

Như Lý Thường Kiệt (1019-1105) : Tên thật Ngô Tuấn. Là một thái giám, đó là một nỗi đau thương cá nhân hay là niềm hạnh ngộ may mắn cho dân tộc ? Khi nhờ có ông ở cạnh vua hàng ngày nên có thể can gián, góp ý cho vua, rồi giúp sức, cầm quân đánh giặc cho dân tộc. Năm 1075-1076, Lý Thường Kiệt sử dụng binh pháp du kích, đem quân sang đánh bọc hậu quân Tống và sau khi « làm cỏ » thành Ung Châu, đã lấy đá lấp sông ngăn cứu rồi đem quân lấy Tân Châu. Mục tiêu hoàn thành, Lý Thường Kiệt  cho rút quân về nước ! Được vua ban quốc tích, được nhân dân phong Thánh ngang với Thánh Gióng, Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo, ông vẫn còn oai phong lẫm liệt khi đã hơn 70 tuổi. Ôi ! Hãy nhớ luôn phải cảnh giác và khắc sâu tâm trí tuyên ngôn độc lập thứ nhất :

« Nam quốc sơn hà Nam đế cư » – Sông núi nước Nam, vua Nam ở

(Lý Thường Kiệt)

Như Trần Hưng Đạo (1228-1300) – Trần Quốc Tuấn, Hưng Đạo Đại Vương, Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Côn Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương, Đức Thánh Trần, là nhà chính trị-quân sự-nhà văn kiệt xuất bậc nhất trời Nam. Chúng ta đều biết chiến công hiển hách đánh quân Mông-Nguyên làm cán cân lịch sử nhân loại bị thay đổi và luôn ngưỡng mộ thiên cổ hùng văn: Hịch tướng sĩ. Nhưng ít ai biết khi sắp mất tại Vạn Kiếp-Chí Linh, Trần Hưng Đạo dặn các con rằng: ta chết thì phải hỏa tang, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để đời người không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục.

Táo bạo, phi thường, gây phản biện!

Hay như Lê Lợi (1385-1433) –người tập hợp nghĩa quân Lam Sơn, « nếm mật nằm gai » 10 năm trời để chờ ngày đánh bại quân xâm lược, mở nền thiên hạ đại định. Quân xâm lược lúc đó là kẻ thù truyền kiếp phương Bắc nhà Minh đã tìm mọi thủ đoạn hủy diệt nền văn hiến sông Hồng: tài liệu, thư tịch, văn học, nghệ thuật, học giả đều bị tàn phá, nam giới bị thiến hoạn… Nên chiến thắng đó đã làm nức lòng dân tộc vì đó là kết tinh của sự : kiên nhẫn phi thường, chiến lược thông minh, đoàn kết dân tộc, đặc biệt là những tấm gương trung thành, bất khuất không kém gì truyện 108 anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử, chỉ khác kết thúc.

Tuy vậy, cũng chính Lê Lợi – một khi đã thành Lê Thái Tổ đã tạo ra những kỳ án bí ẩn bậc nhất lịch sử Việt Nam, tạo ra bao suy ngẫm và bài học của người đời sau.

Lê Thái Tổ có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp – song đa nghi, hiếu sát, đó là chỗ kém.”  (Đại Việt sử ký toàn thư).

Ôi! Có lẽ đến lúc chúng ta hãy bình thản suy ngẫm tại sao người Việt lại sính ngoại và “sát hại” lẫn nhau như vầy! Làm sao dựng một nền văn hiến to lớn được?!

Nguyễn Huệ (1753-1792) : “Áo vải cờ đào” Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ được xếp vào danh sách những danh tướng đa tài bậc nhất của Việt nam, nhà cầm quân xuất sắc hiếm hoi có cách tổ chức hành quân và đánh trận phi thường, chiến lược gia tầm nhìn chính trị năng động, táo bạo và « dám nghĩ dám làm », ông cũng được các sử gia thế giới đánh giá đứng ngang tầm cùng Alexandre Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon… Cái chết của ông mãi mãi là một bí ẩn, một bi kịch, một giọt nước mắt mà hậu thế có thể sẽ mãi mãi không có lời giải đáp.

 

Những “Anh hùng” văn hóa: là những người đã không những “chiến đấu” bằng văn tài của mình như Nguyễn Trãi (1380-1442) với những lá thư dụ hàng, thương thuyết với đối phương mang đậm tính nhân văn và chiến lược trên mặt trận “tâm lý chiến”, mà còn đào sâu-cách tân-tạo mở muôn nẻo trong lĩnh vực văn hóa để định hình dòng chảy dân tộc luôn theo hướng phát triển như Trạng Trình (ai lại không biết Sấm Trạng Trình là một công trình tuyệt vời), Nguyễn Du (với Kiều bất hủ), Hồ Xuân Hương (với các vần thơ thật độc đáo), Tản Đà (với thi tài chạm mây xanh), hay Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Đoàn Thị Điểm

 

Anh hùng thế kỷ 20:

“Đại nhân, đại trí, đại dũng”, đó là hình ảnh của vị anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp (1911-2013).

Được các sử gia liệt vào danh sách những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của nhân loại trong thế kỷ 20, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là 2 vị anh hùng duy nhất có lính túc trực ngày đêm canh giấc ngủ nghìn thu

Một câu chuyện về Trn Nhân Tông (1258-1308) 

Chúng ta đã có tiểu thành vua (Lý Công Uẩn-Lý Thái Tổ), chúng ta lại có vua thành Phật : Trần Nhân Tông.

Có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo đánh quân Mông-Nguyên xâm lược lần 2 và lần 3, Ngài từ ngai vàng lên núi Yên Tử sáng lập Trúc Lâm Yên Tử.

Nhưng phải qua “Nhập thế trầm luân” mới thành Phật.

Truyện kể rằng: 100 cung nữ tuyệt thế giai nhân, níu áo theo Ngài mong thị dục mây mù che mây vàng Tây trúc. Nhưng vì Ngài đã cương quyết bước chân lên non thiêng, thì kìa: 100 cung nữ đang trầm mình tự vẫn. Suối mang tên Giải Oan từ đó để nỗi lòng mỹ nữ thôi không than khóc, để váy áo mỹ nhân thôi làm trắng sương trời.

Bi kịch – tuyệt mỹ… 

 

Chúng ta khép lại luận Anh hùng và mong chờ danh sách sẽ được tiếp nối trong các lĩnh vực một ngày không xa nữa…

 

Nguyễn Thiện Đạo – Nguyễn Thanh Hằng

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :