Đọc cuốn sách « Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình », nhớ kỷ niệm xưa…
Đọc cuốn sách « Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình », nhớ kỷ niệm xưa
Tác giả : Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn. Minh họa : Thái Mỹ Phương
Nhà Xuất bản Thế Giới, 46, Trần Hưng Đạo, Hà Nội
Thuở nhỏ, vào những năm 1943-45, cứ sáng thứ bảy, cùng với các anh tôi, chúng tôi thường quây quần trong một cái phòng nhỏ trên gác nhà ở Hải Phòng. Ai nấy đều nóng lòng chờ đợi cuốn tiểu thuyết thứ bảy vừa xuất bản và sắp được mang bán ở hiệu sách Nam Tân kế bên. Tôi thường được trao một trách nhiệm to lớn là đúng 9g sáng phải chạy sang bên ấy để mua cuốn truyện vừa ra. Cầm trong tay cuốn sách với cái bìa vân vân mầu đỏ và còn thơm phưng phức mùi mực mùi giấy, tôi chạy thẳng về nhà, lên gác. Ai nấy đã quây quần ở góc phòng. Anh Quyền tôi thường đọc to cho tất cả các anh em chúng tôi. Bao nhiêu truyện chúng tôi đã được nghe hồi đó, của Tô Hoài, của Thâm Tâm, và của nhiều tác giả khác mà nay tôi không còn nhớ nữa.
Chúng tôi ai nấy đều sụt sùi khi đọc chuyện U Tám, kích thích khi đọc « Dế mèn phiêu lưu ký ». Có lẽ chính vì vậy mà tới nay tôi vẫn yêu thích văn chương. Vừa đây, tôi mới lại có dịp đọc lại một cuốn tiểu thuyết viết cho các em nhỏ ở Việt Nam mà người sáng tác lại là một nhà Toán học Việt Nam vô cùng nổi tiếng, người mà tôi đã vinh dự được quen biết từ thuở anh ấy còn là sinh viên. Giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt nam đầu tiên đat giải thưởng cao quý nhất của thế giới về Toán học, Huy chương Fields, tương đương với giải Nobel của các ngành khoa học khác, chính là tác giả cuốn sách này, viết cùng với anh Nguyễn Phương Văn : « Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình ».
Cuốn sách này, càng đọc ta càng khám phá ra nhiều khía cạnh độc đáo. Với các em nhỏ, chưa hiểu biết nhiều về Toán học và cũng tùy trình độ, các em vẫn đọc và thưởng thức được thế giới bao la của Toán, vẫn có thể nắm được một số khái niệm cụ thể về Toán học và cũng học hỏi được tiểu sử của các nhà Toán học có tên trong các sách giáo khoa thời nay. Với các em chuyên Toán, cũng như đối với các bạn lớn tuổi, ta có thể hiểu cụ thể thêm tại sao lại có những phân số, những con số hữu tỷ, vô tỷ, cùng với những sự liên quan của các ngành Toán học mà trong các giáo trình, để tiện việc giảng dạy, người ta thường chia ra là Số học, Hình học, Đại số học,….
Cách trình bày với các tranh vẽ rất điển hình, rất Việt nam, hoàn toàn thích hợp với nội dung của cuốn sách. Đọc cuốn sách này, tôi lại nhớ tới truyện « Alice’s Adventures in Wonderland » của nhà văn kiêm Toán học người Anh Lewis Carroll. Đây là một tác phẩm nổi tiếng trên hoàn cầu ngay từ khi mới xuất bản. Chính hai nhà tác giả Việt nam cũng đã cho chúng ta rõ ngay trong từ chương đầu cuốn sách của mình, khi Ai kêu to lên rằng « Mình sắp rơi vào cái lỗ thỏ mất rồi » và chính cô Alice cũng là một nhân vật của cuốn sách. Một cuốn truyện nổi tiếng khác của Pháp nay cũng trở thành kinh điển là cuốn « Cậu hoàng tử nhỏ » của nhà văn hào Pháp Antoine St Exupéry nay cũng đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có Việt nam. Mong cuốn sách của anh Châu và anh Văn cũng sẽ trở thành kinh điển và được phổ biến rộng rãi như những sách trên.
Đọc U Tám, chúng tôi đều sụt sùi cảm động về số phận người u già, đọc Dế mèn thì ai nấy đều phẫn nộ khi thấy chú dế mèn khí khái lại bị bắt nạt để đánh nhau cùng đồng chủng. Đọc Ai và Ky, mong các bạn sẽ hăng hái ôn lại hoặc yêu thêm ngành Toán học. Số dương, số không, số âm, phân số, căn số, số hữu tỷ, số vô tỷ, xứ sở của nhứng con số tàng hình của vũ trụ Toán thật vô biên.
« Đây là cuốn tiểu thuyết toán hiệp đầu tiên của Việt nam ». Rất mong sẽ còn nhiều cuốn sách tiếp theo!
Ai là ai, Ai là I (English), Ai là Ky?
Ky là ai, Ky là Qui (Français), Ai là Ky?
Nguyễn Quý Đạo
Laisser un commentaire