Tết Nguyên đán của các tộc người Việt Nam
Tết Nguyên đán là tết quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam. Trong tiếng Hán- Việt, chữ « Nguyên » có nghĩa là khởi đầu, « Đán » là buổi sáng sớm. Từ Tết được đọc chệch từ âm Hán « Tiết ». Dần dần, do sự phát triển của ngôn ngữ, tiết Nguyên đán- tiết đầu tiên trong năm trở thành Tết Nguyên Đán.
Tết Nguyên đán có ý nghĩa giá trị nhân sinh vì là ngày đoàn tụ của toàn thể gia đình sau một năm bộn bề công việc. Về tâm linh, tết là ngày đoàn tụ của người sống với những người đã mất. Đó còn là ngày làm mới tất cả mọi việc. Cửa nhà trang trí được trang trí lại sạch sẽ. Người lớn, trẻ nhỏ mặc những bộ quần áo mới, sạch sẽ, thơm tho. Những hiềm khích trong những mối quan hệ cũng được xí xoá. Nợ nần từ năm cũ cũng phải gắng trả xong. Xét dưới góc độ văn hoá, Tết Nguyên đán là nơi tập trung những giá trị truyền thống tinh hoa nhất. Những phong tục, tập quán đặc sắc từ sinh hoạt, trang phục, ẩm thực được kết tinh lại một cách trọn vẹn.
Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa dân tộc thống nhất trên cơ sở đa dạng sắc thái văn hóa của 54[1] dân tộc[2] anh em. Ngày tết chính là dịp để thấy rõ nhét nhất sự phong phú này. Tết Nguyên đán không chỉ là ngày tết quan trọng của người Kinh mà còn là ngày lễ quan trọng của các tộc người trên đất nước hình chữ S. Thời điểm tết có thể khác nhau, những sinh hoạt tết mang đậm sắc thái riêng của từng dân tộc. Chính vì lẽ đó, đến thăm những bản làng trên miền núi phía Bắc, những buôn làng Tây Nguyên hay những phum, sóc ở Nam Bộ, chúng ta sẽ thấy được bức tranh tết thật đa dạng.
Ở khu vực miền núi phía Bắc, từ Đông sang Tây, theo sự phân hoá địa hình đã hình thành nên ba dạng sinh thái tộc người. Dạng sinh thái tộc người rẻo cao, sinh sống trên các dãy núi cao trên 1000m, đại diện là người H’Mông, Dao. Dạng sinh thái tộc người rẻo giữa phân bố ở vành núi trung bình khoảng 600m đến 900m, bao gồm các tộc người nói tiếng Môn- Khơme như Khơ mú, Xinh mun, Kháng, La ha… Dạng sinh thái tộc người thung lũng tiêu biểu là người Thái, Mường, Tày… Tìm hiểu ngày tết của những tộc người này để thấynhững giá trị văn hoá riêng biệt của ngày xuân trên bản làng miền núi Bắc Việt.
.
Tết của người H’Mông (Mông):
Tết cổ truyền của người H’Mông diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng) và kéo dài trong suốt 3 ngày. Đây là dịp để đồng bào H’Mông vui chơi, gặp gỡ nhau sau một năm lao động vất vả.
Người H’Mông ở vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc ăn tết rất thịnh soạn. Trước tết nhà của được trang hoàng với gam màu chính là màu đỏ.
Đối với người H’Mông, trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài các loại thịt, bánh dày là thực phẩm không thể thiếu.Giống như bánh chưng của người Kinh, bánh dày là thứ bánh đặc trưng của Tết người H’Mông dùng để cúng tổ tiên và trời đất. Người dân bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.
Người H’Mông không đón giao thừa, họ quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm bởi họ quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Trong ngày đầu năm mới, dân bản đến nhà nhau chúc Tết. Người H’Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp tết luôn được đón tiếp rất chu đáo.Trước khi ra về, người H’Mông còn mừng tuổi cho khách những chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.
Một phong tục khác của người H’Mông là tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Đây là một cách tri ân những công cụ sản xuất đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình trong một năm qua.
Trong ngày tết, múa khèn cũng là một sinh hoạt không thể thiếu. Các chàng trai thi nhau thổi khèn, tiếng khèn ai càng dài, càng réo rắt kết hợp với điệu nhảy càng dẻo sẽ được nhiều cô gái để ý. Vì vậy, nhiều đôi trai gái trong bản nên duyên vợ chồng cũng nhờ vào ngày tết cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc này.
.
Tết của người Dao:
Vốn có bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo nên tết của người Dao cũng mang nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Tết của người Dao tổ chức vào dịp tháng chạp âm lịch. Trong ngày này, nhà nhà trang hoàng sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân.
Người Dao đón tết bằng Tết Nhảy gọi là « Nhiang chằm Đao » là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên, đồng thời cũng để rèn luyện sức khỏe và võ nghệ. Tết Nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên đán khoảng vài ba hôm và diễn ra trong ba ngày ba đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài cúng. Gia đình tổ chức Tết Nhảy sắp cỗ để dâng cúng tổ tiên và thiết đãi dân làng. Tuy nhiên, bà con đến tham dự đều góp với chủ nhà con gà, cân gạo, chai rượu hoặc tiền. Những người múa trong Tết Nhảy là nam giới. Tất cả những động tác của các điệu múa đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Điệu múa, lời hát trong Tết Nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc.
Đối với người Dao, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng là vô cùng quan trọng. Một mâm cỗ không thể thiếu thủ lợn và bánh dày. Cỗ chuẩn bị đã cầu kỳ nhưng buổi cúng còn kỹ càng hơn. Trong ngôi nhà của người Dao phải có 2 bàn thờ, bàn thờ trên và bàn thờ dưới. Bàn thờ trên để cúng hương hỏa, các vị thần linh, tam thanh, tứ đế. Bàn thờ dưới để cúng những người mới mất. Những người trưởng thành đã làm lễ cấp sắc được cúng bàn thờ trên, người chưa làm lễ cấp sắc cúng bàn thờ dưới. Để hoàn tất một buổi cúng phải mất 2 tiếng rưỡi. Trong quá trình cúng phải theo các bước như: cúng thỉnh tổ tiên 3 lần; cúng mời tổ tiên xuống xe; cúng xếp chỗ ngồi; cúng mời tổ tiên điểm qua các món ăn; cúng rót rượu mời…. Ngoài ra, các vật phẩm đặt trên mâm cúng phải để lẻ vì cũng như người Kinh, người Dao quan niệm rằng số lẻ là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.
.
Tết của người Thái:
Đối với người Thái, 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm, sau đó là nghỉ ngơi chơi tết. Sáng ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp, ông trưởng bản chủ trì tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29 bắt đầu gói bánh chưng và sáng 30 nhà nhà luộc bánh.
Vào tối 28, 29 người Thái gọi hồn gia đình. Họ thịt hai con gà, một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà.
Sáng 30 tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen.
Tối 30 tết là bữa cơm tất niên cùng họ hàng, bạn bè. Trong đêm 30 tết, theo quy định của người Thái hương không bao giờ để tắt. Sau lễ cúng giao thừa với mâm cỗ cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén…, nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra đánh.
Sáng mùng một người Thái dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít. Một điều đặc biệt là phụ nữ hôm mùng 1 tết được đem xôi ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà, nơi mà bình thường họ không được đến. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ. Cúng xong, tất cả con trai trong nhà lui vào, để cho phụ nữ ăn trước. Điều này chỉ xảy ra duy nhất ngày mùng 1 tết vì ngày thường phụ nữ ăn cùng hoặc ăn sau đàn ông.
Nếu như người Kinh mồng 1 kiêng đến nhà nhau sớm thì người Thái sáng mồng 1 lại nườm nượp đến nhà nhau chúc Tết. Tuy nhiên, họ kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mồng 1 tết. Tối ngày mồng 1 họ làm lễ tạ ơn. Từ chiều mồng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi và có thể sang các làng khác đến rằm tháng giêng mới về.
Bữa cơm tết của người Thái rất phong phú với các món ăn như cơm đồ dẻo, cá đồ, cá chua, xôi đồ, chuột khô, măng khô…Trong ngày tết, các trò chơi của người Thái khá náo nhiệt, gồm đánh cầu lông (cầu lông gà), ném còn; khắc luống, đánh trống, cồng chiêng …
.
Tết của người Tày:
Người Tày ăn tết trùng với Tết Nguyên đán. Trong các nghi thức ngày tết, cúng gia tiên chiều tối 30 và sáng mùng 1 là nghi thức quan trọng nhất của người Tày.
Bàn thờ tổ tiên (bậc cao nhất) được treo ở góc tường thẳng chính. Ngoài ra còn 3 mâm thờ nhỏ hơn đặt dưới ban thờ tổ tiên. Ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn thờ vua bếp, thổ công. Đây là những vị thần cai quản và trông giữ nơi họ sinh sống nên tất cả các gia đình đều làm lễ thờ trong mấy ngày tết với mong muốn các vị thần sẽ che chở, bảo vệ cho gia đình. Nếu gia đình nào có cha mẹ vừa mất thì phải làm thêm một mâm thứ tư.
Trong ngày tết, chủ nhà sẽ dâng lên ban thờ gia tiên những lễ vật mang ý nghĩa cầu mong năm mới đầy đủ, sung túc. Trên mâm cúng đều được đặt bằng lá chuối: bánh chưng dài, gà, rượu men lá, bánh khẩu sli, bánh khảo, bánh gio, bánh mật, bánh chầng gừng … Tết cũng là dịp để dân làng tụ tập hát then, hát sli, tổ chức những trò chơi dân gian như ném còn, đánh yến.
.
Tết của người Mường:
Tết của người Mường cũng trùng với thời gian Tết Nguyên đán của người Kinh, tuy nhiên họ không ăn Tết ông Công, ông Táo. Trước tết, họ cũng trang hoàng nhà cửa, làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, đóng oản. Đêm 30 tết, dân làng tụ tập ở đền thờ làm lễ “khai sáng”. Ngày mồng một Tết là ngày thờ cúng tổ tiên của người Mường.
Tết của người Mường có một phong tục đặc sắc là hát sắc bùa. Đây là một thể loại hát chúc tụng năm mới không thể thiếu. Vào ngày mùng Hai Tết, các phường bùa bắt đầu đi chúc Tết.
Phường bùa là tập hợp những người thạo đánh cồng, chủ yếu là thanh niên chưa có vợ chồng.Trước Tết ít hôm, phường bùa tập trung những cồng tốt trong làng lại thành một bộ, để ở một nhà chắc chắn, rộng rãi trong làng. Ngày tết, phường bùa bắt đầu xuất phát từ nhà để cồng và đi tới các gia đình hát mừng năm mới với những nội dung như ca ngợi gia cảnh, đời sống sung túc, ăn nên làm ra của chủ nhà.
.
Tết Tây Nguyên:
Gọi là tết Tây Nguyên vì các tộc người nơi cao nguyên này như Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông… có những nét tương đồng về văn hoá. Trước đây, người dân tộc bản địa không ăn Tết Nguyên đán như người Kinh. Người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có hệ thống lễ tết theo vòng đời và vòng cây, trong đó, ngày tết lớn là lễ mừng lúa mới báo công những thành quả của năm và cầu mong cho mùa màng năm sau thêm tốt tươi. Theo quan niệm của họ có hai vị thần quan trọng nhất là Thần Nước và Thần Lửa. Đó là hai vị thần của mùa màng và sự sống.
Tết Lửa là Tết Cơm mới, mừng mùa gặt mới, tết quan trọng nhất trong năm. Ngày Tết Mừng lúa mới, nhà nào cũng sắm váy mới, áo mới cho thanh niên, phụ nữ ai cũng đeo hết các trang sức mà mình có để khoe với mọi người trong buôn. Các gia đình đều có hàng chục ché rượu cần và cũng mổ trâu, bò, heo để thiết đãi bà con buôn làng. Trong Tết mừng lúa mới, buôn làng tổ chức lễ đâm trâu, đánh cồng chiêng rất sôi động.
Ngoài ra, một tết khác cũng quan trọng với đồng bào thiểu số nơi đây là Tết Nước – lễ cúng Thần nước (Yang Dak) thường tổ chức vào tháng 3 dương lịch. Sau mùa gặt, người ta bắt đầu sửa sang máng nước, lau chùi các dụng cụ đựng nước, sau đó làm lễ “ cúng máng” trong từng gia đình và lễ chung cả buôn. Người dân mang nồi, thùng, quả bầu khô ra máng hoặc suối lấy nước mới, mời thầy về cúng, sau đó họ tổ chức ăn, uống rượu cần, đánh cồng chiêng, ca hát, vui chơi suốt mấy ngày.
Sau này do quá trình giao thoa văn hoá giữa các vùng, miền, các tộc người Tây nguyên cũng tổ chức tết Nguyên đán như của người Kinh. Ngày tết, bà con người dân tộc thiểu số họp mặt gia đình, bè bạn đầu năm. Mọi người trong buôn làng ghé thăm nhau chúc mừng năm mới, quay quần bên ché rượu cần… Tuy ăn tết cùng đồng bào Kinh, song họ vẫn giữ những bản sắc riêng của dân tộc mình.
Tết của người Khơme Nam Bộ:
Đến với phum (làng), sóc (thôn) của người Khmer, ta được tìm hiểu một ngày tết Nguyên đán với những tục lệ khác biệt.
Tết cổ truyền của người Khmer Nam Bộ gọi là Chôl Chnăm Thmây (ngày thay năm cũ vào năm mới) hay còn gọi là »Lễ chịu tuổi » tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 4 dương lịch hàng năm. Tùy vào từng năm mà thời khắc giao thừa diễn ra vào sáng, trưa, chiều hay tối để hoàn thành chu kỳ là 365 ngày và ¼ ngày.
Trước tết khoảng nửa tháng, đồng bào Khmer đã tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm bánh trái, may quần áo mới… Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc người dân tự nguyện góp công, góp của tu bổ, sửa sang chùa ở phum sóc nơi gia đình đang sinh sống.
Tết Chôl Chnăm Thmây được tiến hành theo những nghi lễ như sau. Ngày thứ nhất: Chọn ra một giờ tốt (7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, hay 12 giờ đêm tùy theo từng năm), mọi người tắm gội, ăn mặc đẹp và mang theo lễ vật vào chùa làm lễ rước lịch “Maha Sangkran”. Lễ này được vị Acha hướng dẫn mọi người xếp hàng đi ba vòng quanh chính điện làm lễ, sau đó mọi người lễ Phật tụng kinh mừng năm mới. Đêm xuống, trai gái trong phum, sóc tụ tập về sân chùa, tham gia các sinh hoạt vui chơi giải trí, múa dù-kê, rô-băm, lâm-thôl…
Ngày thứ hai: Buổi sáng, Phật tử làm lễ dâng cơm cho các sư sãi. Theo tục lệ nhà chùa, vào ngày sóc, vọng, ngày Tết, lễ… các tín đồ đi chùa lạy Phật và dâng cơm mời các nhà sư. Đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn cho người dân cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói. Sau khi ăn, các sư sãi làm lễ chúc phúc cho Phật tử. Buổi chiều diễn ra lễ đắp núi cát. Mọi người tìm cho mình mớ cát sạch đem đến chùa, theo chỉ dẫn của vị Acha, tất cả những người có mặt sẽ đắp thành ngọn núi nhỏ ở chín hướng. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới.
Ngày thứ ba là ngày lễ tắm Phật: Lễ này được diễn ra sau khi các tín đồ dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư sãi. Lễ được tổ chức theo nghi lễ là dùng nước tinh khiết có ướp nước hoa cùng nhang đèn cúng Phật. Họ dùng những nhành hoa vẩy những giọt nước hoa lên tượng Phật, sau đó vẩy lên mình các nhà sư cao niên. Kế tiếp, các nhà sư đến những ngôi tháp dựng hài cốt, các nghĩa trang, làm lễ cầu siêu cho vong linh người đã khuất và cuối cùng là lễ tắm tượng Phật tại gia. Sau nghi lễ, các con cháu mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lễ, xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ, để sang năm mới mọi người trong gia đình phấn đấu tốt hơn. Sau ba ngày lễ tết, mọi sinh hoạt của cộng đồng người Khmer trở lại bình thường và sẵn sàng bước vào vụ mùa mới.
***
Ngày tết Nguyên đán, dù ở đâu đi chăng nữa cùng là dịp để người dân thể hiện những mong muốn ngàn đời về một cuộc sống tốt lành, yên bình và hạnh phúc bền lâu. Cùng là một ngày lễ lớn nhất trong năm, nhưng mỗi tộc người Việt Nam lại có những nét văn hoá riêng biệt. Đi qua những vùng miền của tổ quốc, từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến miền xuôi, đến với những bản, buôn, phum của đồng bào các dân tộc thiểu số trong những ngày đầu xuân để thấy được những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc. Trong ngày tết đầu năm, những giá trị văn hóa truyền thống của từng tộc người được thể hiện một cách rõ nét và tự nhiên nhất. Chính vì lẽ đó bảo tồn giá trị cổ truyền của ngày tết chính là một cách để gìn giữ nhũng nét riêng của mỗi tộc người, để chúng ta thêm hiểu và yêu sự đa dạng, phong phú của văn hoá Việt Nam.
.
Hồng Hà
[1] Có tài liệu cho rằng Việt Nam có 55 tộc người nhưng chưa được công nhận chính thức nên người viết chỉ dùng số liệu là 54 tộc người.
[2] Thực tế ở Việt nam cho thấy, các khái niệm dân tộc và tộc người đồng thời tồn tại. Khái niệm dân tộc được dùng để chỉ Dân tộc Việt Nam (tất cả những người là công dân Việt Nam, sinh sống trên đất Việt Nam và Việt kiều ở nước ngoài). Tuy thế, dân tộccũng được dùng để chỉ các cộng đồng tộc người cụ thể như dân tộc Chăm, dân tộc Tày, dân tộc Việt (Kinh), dân tộc Mảng, dân tộc Sán Dìu,…Như vậy trong thực tiễn Việt Nam, dân tộc có hai nội hàm: chỉ dân tộc ở cấp độ quốc gia – Nation (Dân tộc Việt Nam); chỉ cộng đồng tộc người cụ thể – Ethnic/Ethnie (Dân tộc Chăm,…) (theo Trần Binh, tập chí nghiên cứu khoa học trường Đại học Văn hóa Hà nội, số 2/ 2013). Từ dân tộc trong trường hợp này được dùng với nghĩa thứ hai.
Laisser un commentaire