Phong trào Chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản – Kỳ 1

Lại Như Bằng

(Phiên bản 19/04/2016)

***

Ngày 11 tháng 6 năm 1963, ngọn lửa Thích Quảng Đức bùng lên chấn động lương tri toàn cầu, soáy tận đáy lòng mỗi người dân Việt, khởi đầu một chuỗi biến cố dẫn đến sự sụp đổ của một chế độ dùng kỳ thị tôn giáo làm chính sách cai trị. Nhưng, ngoài những ý nghĩa chính trị của hành động, ngoài ý nghĩa là biểu tượng của một sự hy sinh tuyệt đối, một hình thức đấu tranh bất bạo động của người Phật tử Việt Nam, ngọn lửa Thích Quảng Đức cũng là một câu trả lời cho một vấn nạn do nhà văn Hải Triều, một người ngoại đạo, đặt ra cho người Phật tử cách đó hơn 30 năm:

 » Ngồi xếp chân vòng tròn, tay lần tràng hạt để suy nghĩ những lẽ đâu đâu về trời đất, về luân hồi, đó là công việc hằng ngày của họ.(..)Trí thức của tín đồ nhà Phật xa cuộc đời thực tế nên chỉ có những sự hiểu biết khô khan, cùng những điểm suy nghĩ vơ vẩn không bao giờ giúp họ làm nên việc gì. Vả họ có muốn làm việc đâu ? (…) Cái gốc của mọi sự hành động là lòng ham muốn, mà họ tìm cách để diệt lòng ham muốn, cho dầu lòng ham muốn chính đáng cũng vậy ».

« Sống trong thời đại này, thanh niên nước ta không thể lười được nữa, không thể đứng trên mấy tầng mây, vòng tay nhìn những cơn phong ba dữ dội đang rung động hoàn cầu. (…) » [1]

Đâu là con đường đã đưa đạo Phật Việt Nam, từ tình trạng yếu kém lạc hậu, bị người ngoại đạo coi thường, phê phán nặng nề, chuyển mình đi đến thực tại 1963 bừng bừng khí thế ?

Đây là mục tiêu của bài này.

Lấy phong trào tại Việt Nam làm trung tâm , bài gồm 3 phần, sẽ duyệt lại lịch sử các phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam, tại Nhật Bản và tại Trung Quốc, trong nửa đầu thế kỷ thứ 20.

Phần I – Bối cảnh sinh ra của phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam

Phần II – Phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Phần III- Diễn biến Phong Trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và một số nhân vật tiêu biểu.


Phần I- Bối cảnh sinh ra của phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam

Phần này có 3 mục:

1- Trước thế chiến thứ nhất, sĩ phu Việt Nam đã ý thức được nhu cầu cần đổi mới xã hội

2- Sau thế chiến thứ nhất, tình hình sôi sục tranh luận trong xã hội Việt Nam

3- Những vấn đề đặt ra cho người Phật tử trong bối cảnh đó.

***

1- Trước thế chiến thứ nhất, sĩ phu Việt Nam đã ý thức được nhu cầu cần đổi mới xã hội:

Năm 1897, phong trào « Cần Vương » xem như tan rã . Kể từ nay, ngoại trừ một vài cuộc nổi dậy không quan trọng, toàn cõi Đông Dương đã được bình định, ngưòi Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa một cách có hệ thống hơn, triệt để hơn trước.

Để củng cố guồng máy cai trị, người Pháp chuyển hướng nền học chính nho học sang nền học chính tây học, thi cử bằng chữ Nho bị bãi bỏ, thay thế bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp.

Tại Nam Kỳ, kể từ 1882, theo nghị định của thống đốc Nam Kỳ, tất cả các văn kiện hành chính đều phải viết bằng chữ quốc ngữ. Sau năm 1915 tại Bắc Kỳ và 1918 tại Trung kỳ các khóa thi Hương không còn được tổ chức nữa. Khóa thi Hội cuối cùng được tổ chức vào năm 1919.

Vai trò lãnh đạo chính trị và tư tưởng của nho giáo từ từ giảm thiểu. Ý thức được sự bất lực của mình, giới Sĩ phu thấy cần phải tìm một con đường khác, phải theo gương nước Nhật, đổi mới toàn bộ, phải tiếp thu tư tưởng , kiến thức và kỹ thuật của Tây phương .

Phan Bội Châu cùng các đồng chí trong hội Duy Tân khơi động phong trào Đông Du, đưa người qua Nhật du học . Lương Văn Cang, Nguyễn Quyền…. thành lập trường « Đông Kinh Nghĩa Thục », nhắm mở mang dân trí, khuyến khích đổi mới, từ bỏ cách học từ chương, phát triển tinh thần yêu nước, khuyến khích kinh doanh, phát triển báo chí. Chữ quốc ngữ được khuyến khích.

Trong giai đoạn này, người biết chữ Pháp tuy có nhưng còn tương đối ít, để tiếp cận tư tưởng phương Tây , sĩ phu Việt Nam thường phải tìm đọc các « tân thư » , « tân văn » từ Trung Quốc đưa qua, là những sách báo phương Tây được dịch ra chữ Hán, hay các bài văn chữ Hán, quảng bá tư tưởng đổi mới, cách mạng.

Năm 1908, sau vụ chống thuế ở Trung kỳ (tháng 3 năm 1908) và vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (tháng 6 năm 1908) , người Pháp thẳng tay đàn áp và , kể từ năm 1908, tất cả các phong trào trên tan rã.

Tuy nhiên, một đội ngũ trí thức Tây học từ từ thành hình, thay thế tầng lớp sĩ phu cũ. Chữ quốc ngữ trở thành phổ thông, thay thế chữ Nho trong đời sống hàng ngày.

Về mặt chính trị, điều đáng chú ý là việc chuyển đổi tư tưởng của Phan Bội Châu , kể từ năm 1912, từ đường lối chủ nghĩa quân chủ sang chủ nghĩa dân chủ .

Năm 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ, kéo dài cho đến năm 1918.

 


2-Sau thế chiến thứ nhất, tình hình sôi sục tranh luận trong xã hội Việt Nam.

Sau thế chiến thứ nhất, nhịp độ đổi mới bỗng chuyển động nhanh và mạnh.

Nho giáo chìm dần trong lãng quên , giới trí thức trẻ Tây học đã trường thành, có thể tiếp cận thẳng tư tưởng phương Tây. Những người lính thuộc địa (gần 75000 người) [2] được đưa sang Pháp tham gia chiến tranh thế giới thứ I, khi trở về là những nhịp cầu tây hóa. Sách báo bằng chữ quốc ngữ càng ngày càng phổ biến, tin tức từ Pháp, từ Trung Quốc, từ Nhật Bản, từ quốc tế tràn vào ào ạt… Một cuộc « cách mạng thông tin » bùng ra tại Việt Nam .

Tình hình đấu tranh tư tưởng giữa các khuynh hướng chính trị, văn hóa náo nhiệt hơn bao giờ hết. Cuộc tranh luận giữa Mới và Cũ, Đông và Tây, nổ ra trên mọi địa hạt: văn thơ, chính trị, xã hội… Các tổ chức chính trị, văn hóa theo khuôn mẫu phương tây đua nhau ra đời, ra sức tập hợp quần chúng, tuyên truyền, viết báo, báo bằng chữ quốc ngữ, báo bằng chữ Pháp .

Năm 1917, trên báo Nam Phong, Phạm Quỳnh giới thiệu Descartes và dịch « Phương pháp luận » ra tiếng Việt (Nam Phong, các số từ tháng 7 đến tháng 11/1917).Năm 1925, Tiểu thuyết « Tố Tâm » của Hoàng Ngọc Phách đánh dấu bước ngoặt đầu tiên của bầu không khí văn học Việt Nam. [3] . Năm 1932, Nguyễn Tường Tam với tờ báo Phong Hóa (từ số 14) đấu tranh nhằm « Âu hóa » xã hội. Phan Khôi mở màn cho thể loại thơ mới với bài thơ « Tình già » trên báo Phụ nữ Tân văn.

Vào năm 1930, Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi động tổng khởi nghĩa trên toàn quốc nhưng thất bại, và cùng năm đó Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập.

Về mặt tôn giáo, năm 1926 Đạo Cao Đài ra đời, kết hợp tín ngưỡng đông, tây , Phật, Lão, Thiên Chúa Giáo, Hồi giáo, Victor Hugo, Tôn Dật Tiên… trong cùng một Đạo.

.

.

3 – Những vấn đề đặt ra cho đạo Phật trong bối cảnh đó:

Đạo Phật là một thành phần cơ bản của nền tư tưởng Việt Nam. Đạo Phật lại là đạo của đa số người Việt. Trong bối cảnh sôi sục đó , Đạo Phật đương nhiên bị lôi vào cuộc tranh luận, và phải đối đáp trả lời những câu hỏi xưa nay hiếm khi tự mình trực tiếp đặt ra, thí dụ như : « Có thượng đế hay không? », « Duy tâm duy vật », « Linh hồn bất tử », « vô thần hay hữu thần »… Dựa trên giáo lý nhà Phật để trả lời thì cũng dễ thôi, nhưng đây không phải là những câu hỏi cơ bản của đạo Phật. Với đạo Phật, « có Thượng đế hay không » chẳng có gì quan trọng, chẳng cần phải để tâm thắc mắc. Tuy vậy, khi những câu hỏi này trở thành thời thượng thì những người Phật tử cũng không thể làm ngơ !

Khía cạnh mà đạo Phật bị phê phán nặng nhất, là vai trò trong đời sống xã hội, đạo Phật bị chê là yếm thế, thụ động, thiếu tổ chức.

Nhà văn Mác Xít Hải Triều , với lòng tin tôn giáo về chân lý của mình, xuống bút, phán:

« Một tôn giáo tự nhận cái trọng trách cứu đời mà sau 2500 năm , người đời còn phải kỳ cục tìm xem người xưa nói gì ! Nếu loài người có chịu khó chờ đạo Phật cứu, thì e cũng không có thì giờ mà chờ « .

« Bằng vào đạo Phật thực hành, thì rõ ràng mục đích của tín đồ nhà Phật là hiểu biết, là giác ngộ vậy. Ngồi xếp chân vòng tròn, tay lần tràng hạt để suy nghĩ những lẽ đâu đâu về trời đất, về luân hồi, đó là công việc hằng ngày của họ.(..)Trí thức của tín đồ nhà Phật xa cuộc đời thực tế nên chỉ có những sự hiểu biết khô khan, cùng những điểm suy nghĩ vơ vẩn không bao giờ giúp họ làm nên việc gì. Vả họ có muốn làm việc đâu ? (…) Cái gốc của mọi sự hành động là lòng ham muốn, mà họ tìm cách để diệt lòng ham muốn, cho dầu lòng ham muốn chính đáng cũng vậy ».

(…)

« Sống trong thời đại này, thanh niên nước ta không thể lười được nữa, không thể đứng trên mấy tầng mây, vòng tay nhìn những cơn phong ba dữ dội đang rung động hoàn cầu. Chúng ta phải dấn mình vào cơn sóng gió, cũng vui buồn, cũng lo sợ, cũng đau khổ như mọi người. Một dân tộc thờ chủ nghĩa vô vi ở thời đại này, thực là đưa mình vào cõi chết ».

(…)

« Chúng tôi không đứng về phương diện siêu hình học, chúng tôi chỉ đứng về phương diện xã hội »

(…)

« Cái thuyết siêu hình học của đạo Phật hoặc là một thuyết đúng với chân lý cũng nên; nhưng đúng hay không đúng, chúng tôi không cần biết, chúng tôi chỉ biết cái đạo Phật có người tin, có người theo.. Một đạo lý dẫu hay mà chưa hề có ai tin theo thì đối với xã hội cũng như không có. » [4]

Trước những lời lẽ gay gắt như vậy, người Phật tử thời đó phải đối phó như thế nào?

1 – Nếu đi sâu về mặt triết lý , tư tưởng thì trả lời không khó.Và đã có những người Phật tử đứng ra gánh vác chuyện đối đáp này, như những bài trên báo Viên Âm ở Huế [5], trên bào Đuốc Tuệ ở Hà Nội vào những năm 1935-1936 (Mời đọc các trích đoạn trong : Nguyễn Lang : Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – III , NXB Văn Học, Hà Nội, 1994, tr 27).

Hơn nữa, về mặt lịch sử, cũng có người đặt câu hỏi không lẽ những tướng lĩnh nhà Lý nhà Trần, như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, vốn là Phật tử thuần thành, đều lười cả sao ? Những lời lẽ trong một cuộc tranh luận chắc chắn không nhiều thì ít cũng mang tính chủ quan, với nhiều giả thuyết võ đoán, xỏ xiên. Nhưng những dữ kiện lịch sử thì chắc chắn là những thực tế khách quan, đánh Tống phá Nguyên ai giám cả gan nói là chuyện không có ?

2 – Nhưng vấn đề Hải Triều [6] muốn đặt ra không phải là chuyện lịch sử, và có lẽ Hải Triều cũng muốn lờ đi chuyện đó. Ông ta chỉ muốn nói chuyện ngày nay, Phật giáo còn hay không còn, có hay không có ? Nhưng tại sao lại đặt vấn đề có hay không có người tin, khi mà người ta rầm rập đi chùa mùng một, ngày rằm? Thực ra, với Hải Triều, vốn là một người dấn thân đấu tranh chính trị, chỉ biết lý lẽ của tương quan lực lượng, thì chỉ khi thành tổ chức, với tác động có ý thức lên xã hội, mới được gọi là có. Không có cái cá nhân, chỉ có cái tập thể. Ở đây Hải triều nghĩ đến khả năng của đạo Phật để cải tạo xã hội, như là một « lực lượng xã hội« , có thể là một phong trào cải cách lôi cuốn quần chúng, thay đổi tương quan trật tự trong xã hội, có thể là một tổ chức đấu tranh, đem sức mạnh áp đặt hệ thống tư tưởng của mình lên tổ chức xã hội, nói theo ngôn ngữ ngày nay là « đấu tranh chính trị ».

Nhìn vào thực tại của đạo Phật đầu thế kỷ 20 thì quả thực có yếu kém, những bậc chân tu cũng có, nhưng tăng sĩ phần nhiều chỉ lo cúng kiếng, giáo lý chẳng được chuyên tâm. Về mặt tổ chức thì mạnh sơn môn nào lo sơn môn ấy. Trong một xã hội đang chuyển biến cực nhanh, đang kỹ nghệ hóa, đang mở cửa ra thế giới, mà hình thức tổ chức của đạo Phật vẫn còn là hình thức của một thời xa xưa, hình thức « làm ăn cá thể » !

Về đấu tranh chính trị thì vào thời đó Phật giáo chưa làm, nhưng sau này, vì bị chèn ép, Phật giáo Việt Nam đã xuống đường , tự thiêu, đòi bình đẳng tôn giáo. Khi không thể đừng, Phật giáo Nhật Bản cũng đã bạo động để tự vệ. Phật giáo Trung Quốc cũng đã tổ chức đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây là chuyện của hồi sau !

Tuy nhiên vấn đề « đạo giáo và chính trị » luôn luôn là một vấn đề tế nhị, dù ở phương Đông hay ở phương Tây cũng thế. Có nên để các giáo hội can thiệp vào việc trị nước ? Đâu là giới hạn không nên vượt qua ?

***

Nói tóm lại, vào thời đó, những người trí thức Phật tử được đào tạo theo học thuật tư tưởng tây phương cũng đã khá đông, lại gặp những thách thức về mọi mặt dồn dập đưa tới, thách thức về tư tưởng, về vai trò xã hội, về tổ chức …, hơn nữa, chính người Tây , từ đầu thế kỷ, đã bắt đầu nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam đưa đến trao đổi tư tưởng hai chiều Tây-Việt, các nhân tố cần thiết đã hội đủ, sẵn sàng, phong trào chấn hưng đạo Phật đương nhiên phải ra đời.

Vào « những năm 1923, 1924, trên tờ Đông Pháp thời báo (ở Sài Gòn) có đến mấy chục bài viết về « Phật giáo lược khảo », trong đó người viết đặt ra cho các nhà trí thức nhiệm vụ góp phần « chỉnh đốn Phật giáo trong xứ » . [7] 

***

(Bài viết  đã được đọc tại Bàn tròn « Đạo Phật dấn thân » tại Trúc Lâm Thiền Viện, Villebon Sur Yvette, ngày chủ nhật 10/1/2016)

.


[1] Trần Văn Giàu : Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám – Tập II , NXB KHXH , Hà Nội , 1975 , tr 284

[2] Trong thế chiến thứ nhất,93 141 người dân Đông Dương (78 % là người Việt,22% Căm Pu Chia ) được đưa vào chiến trường Âu Châu : theo Colonel Maurice RIVES – « Les militaires indochinois en Europe (1914-1918) » – http://www.anai-asso.org/NET/document/anai/historique/les_militaires_indochinois_en_europe_19141918/index.htm

[3] « Từ Bắc đến Nam, không ai không biết đến Tố Tâm. Có nhiều bạn gái học thuộc lòng cả quyển sách nữa » (Theo Thạch Lam, Hà Nội, 1940)

[4] Trần Văn Giàu : Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng tám – Tập II , NXB KHXH , Hà Nội , 1975 , tr 284

[5] Nguyễn Lang : Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – III , NXB Văn Học, Hà Nội, 1994, tr 27

[6] Hải Triều: Nhà văn Mác Xít, dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Cha là Dân biểu Trung Kỳ Nguyễn Khoa Tùng, mẹ là nhà thơ Đạm Phương, tên thật Tôn Nữ Đồng Canh, cháu nội vua Minh Mạng.

[7] Trần Văn Giàu : Sđd , tr 230

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phong trào Chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản – Kỳ 2 – ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG
  2. Phong trào Chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản – Kỳ 3 – ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :