Về hoạt động yêu nước từ 1946 đến 1954 ở Pháp và kỷ niệm với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
(Bài viết này là bản gốc, trả lời phỏng vấn của báo Nhân Dân về thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt)
Nhắc đến thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt, tôi xin phép đặc biệt, như để ghi ơn, nói nhiều ở đây về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, vì chính tấm gương sáng ngời của bác sĩ đã khuyến khích tôi đem hết tâm trí hướng về quê hương.
Thời xưa ấy, cách đây hơn nửa thế kỉ, được may mắn thi đậu vào Đại học Bách khoa Grenoble, thì tình cờ, có một giáo sư người Pháp hỏi tôi có bà con với Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không, vì cùng một họ Nguyễn Khắc. Tôi trả lời không!
Giáo sư khuyên tôi nên tìm gặp Bác sĩ đang dưỡng bệnh lao ở nhà an dưỡng Saint-Hilaire du Touvet, cách Grenoble 30 km. Tôi hỏi tạo sao thì giáo sư bảo rằng Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rất đáng kính trọng, có thể xem như ngài Gandhi của Việt Nam.
Nhân dịp nghỉ lễ Giáng sinh, tôi hăng hái tìm đường lên núi Saint-Hilaire du Touvet thăm Bác sĩ.
Tôi hết sức ngạc nhiên vì những lời nói đầu tiên của Bác sĩ là để khuyên tôi nên bỏ nghề kỹ sư, đi làm thợ ở công ty sản xuất dụng cụ điện Merlin Gérin (nay là Schneider Electric) ở Grenoble. Tôi hiểu ngay là Bác sĩ có xu hướng chính trị cộng sản, đề cao vai trò của thợ thuyền.
Tôi lễ phép cho Bác sĩ biết là tôi không thể đổi hướng đi vì Ba Mẹ ở Huế đã hy sinh tiền bạc cho tôi du học.
Tôi thán phục Bác sĩ vì được biết Bác sĩ đã từ chối nhận học bổng của Pháp cũng như của Việt Nam lúc sang Paris học ngành y tế.
Sau đó tôi có nhiều dịp gặp Bác sĩ ở Ile verte (20 avenue Maréchal Randon, Grenoble ) vì Bác sĩ thường trú ngụ ở đây, một căn nhà rộng lớn của các bác lính thợ, cạnh chỗ tôi ở (6 rue Eugène Delacroix).
Mỗi lần ghé thăm Bác sĩ, chúng tôi bàn chuyện Việt Nam, tâm sự xong thì đánh bóng bàn.
Có một hôm tôi đau, Bác sĩ đến thăm mạch. Thay vì cho toa thuốc, Bác sĩ mở rộng cửa sổ và bảo tôi phải ăn bánh mì với jambon thì mới bớt !
Điều đáng lưu ý là ba của Bác sĩ và ba của tôi cùng một tên: Nguyễn Khắc Niêm (khác nhau một chút ít thôi: tên ba tôi có thêm dấu nặng ở chữ Niệm)
Bác sĩ cũng là cựu học sinh trường Khải Định ở Huế như tôi.
Được Bác sĩ hướng dẫn, tôi gia nhập ngay phong trào yêu nước: Tổng hội Sinh viên Việt Nam (và sau đó là Liên hiệp Việt kiều mà Bác sĩ là Tổng thư ký).
Cùng với các bác lính thợ ở Grenoble: Nguyễn Văn Linh, Đoàn Bằng, Lê Thọ, Bùi Lịnh, Trần Tiến Thái, Nguyễn Sáu và nhiều bác khác, tôi thường tham dự các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam do nghiệp đoàn CGT, Đảng Cộng sản và sinh viên Pháp tổ chức.
Tôi cũng có nhiều dịp đi dán truyền đơn (đi ban đêm vì sợ cảnh sát bắt) ở các nẻo đường phố với các bác lính thợ.
Dân chúng Pháp lúc bấy giờ bắt đầu nghe danh tiếng Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ dần dần hiểu lý do cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của ta. Dư luận trách chính quyền Pháp đã hy sinh con cháu họ trong một cuộc chiến tranh dơ bẩn ( sale guerre !)
Phong trào yêu nước của chúng tôi ở Grenoble sở dĩ rất mạnh là nhờ ở uy tín to lớn của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Bác sĩ, tuy sức khỏe rất kém (chịu mổ 7 lần, bị cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái) vẫn tận tình dìu dắt, cổ động tinh thần yêu nước của bà con Việt kiều ở vùng Grenoble-Isère. Bác sĩ hưởng thọ được 85 tuổi nhờ phương pháp thở kỳ diệu mà Bác sĩ đã nghiên cứu và phổ biến rộng rải.
Tôi không quên tên các nhân vật nổii tiếng như Henri Martin, Raymonde Dien, Madeleine Riffaud vì họ đã chung sức ủng hộ dân tộc ta và phản đối quân đội Pháp gây chiến và tàn phá Việt Nam.
Lẽ cố nhiên tôi cũng có nhiều cơ hội được tham dự các buổi thuyết trình đặc sắc ở Grenoble của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện luôn hướng về quê hương đang bị khói lửa bao trùm.
Nhiều lần Bác sĩ khuyên tôi nên trở về nước đi chiến khu. Tôi có cho Bác sĩ biết là tôi ủng hộ triệt để cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào ta nhưng tôi muốn ở lại Pháp để trau dồi kiến thức và để có kinh nghiệm, với ước mơ trong tương lai có đủ khả năng đóng góp một cách hữu hiệu hơn trong việc xây dựng đất nước.
Tôi còn nhớ mãi buổi liên hoan của các bác lính thợ ở Ile verte vỗ tay mừng ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève.
Tôi rất hãnh diện vì Bác sĩ có nhiều tình cảm sâu đậm đối với tôi, tuy biết tôi không tham gia chính trị, không thích đảng phái nào cả, không ủng hộ xu hướng cộng sản của Bác sĩ.
Làm sao tôi quên được hình bóng gầy ốm của Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một bác sĩ ưu tú, một nhà văn lỗi lạc, một nhà báo nhiệt tình, trọn đời hy sinh, cống hiến tài năng với tâm đức cho đất nước.
Chính quyền Pháp đã nhiều lần tìm bắt để trục xuất Bác sĩ. Các bác lính thợ Grenoble đưa Bác sĩ trốn tránh an toàn.
Ai cũng vỗ tay hoan nghênh khi biết tin cuốn sách « Việt Nam, une longue histoire » của Bác sĩ được giải thưởng Francophonie của Viện hàn lâm Pháp trao tặng năm 1992.
Sau những năm 1980, mỗi lần về nước hợp tác với các Đại học Bách khoa hay Công ty Điện lực, tôi không quên ghé thăm Bác sĩ và chị Nhất ở Hà Nội. Căn nhà vô cùng nghèo nàn làm tôi rất xúc động.
Theo tôi, Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một nhà cách mạng có một không hai, đáng được chúng ta kính phục và thương tiếc.
Xin mời quý độc giả xem tiểu sử của Bác sĩ trên mạng.
Grenoble 13-12-2016
GS Nguyễn Khắc Nhẫn
Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh).
Cố vấn Kinh tế, Dự báo, Chiến lược EDF Paris.
Giáo sư Viện Kinh tế Chính sách Năng lượng Grenoble.
Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Grenoble.
Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Grenoble-Isère
Laisser un commentaire