Không xa đâu Việt Nam ơi!
Như cánh chim tự do bay liệng trên trời rộng, đi muôn phương, chọn nơi đất lành xây nhà, làm tổ, nhiều người Việt Nam xa xứ để thực hiện ước mơ, gây dựng sự nghiệp và chọn cho mình quê hương thứ hai để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, dù ở đâu trên thế giới, họ vẫn luôn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nhất là vào các dịp lễ, Tết trọng đại của dân tộc. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin Internet, trở ngại địa lý được bù đắp, thay thế bằng kết nối trực tuyến, giúp khoảng cách tình thân được rút ngắn lại rất nhiều, nhờ vậy, nỗi lòng người xa xứ vơi bớt cô đơn, nhung nhớ quê nhà…
***
Cách Việt Nam nửa vòng trái đất nhưng tại Pháp, kiều bào vẫn có thể thưởng thức các đặc sản Tết của VTV, VTC qua kênh VTV4, truyền hình Net Việt như Táo quân, các chương trình âm nhạc, hài kịch đặc sắc, các chương trình thời sự kinh tế tổng hợp tình hình phát triển của nước nhà trong một năm đã qua… Nếu chênh giờ phát sóng, họ vẫn có thể tìm và xem lại các chương trình qua các trang mạng một cách nhanh chóng với hình ảnh, âm thanh rõ nét để cập nhật tình hình quê nhà.
Dịp Tết ta thì ở trời Tây mọi người vẫn phải đi làm theo lịch Tây, ai khéo léo thì sắp xếp xin ngày nghỉ trùng khớp để cả nhà sum vầy, gọi điện, facetime với người thân ở quê nhà, cùng chia sẻ hình ảnh ở hai đầu địa cầu.
Chẳng gì hối hả, náo nhiệt bằng những phiên chợ những ngày giáp Tết, chẳng gì thắm đẹp bằng những quất, những đào, những mai, chẳng gì đủ đầy bằng mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, chẳng gì sâu lắng, tĩnh tại bằng khoảnh khắc giao niên, chẳng gì tinh khôi, bình yên như sớm mùng 1 Tết, chẳng gì thanh tịnh bằng mùi trầm hương thoảng qua cùng tiếng chuông chùa trong bóng chiều bảng lảng… Chỉ nhắc thôi đã thấy lòng nao nao xao xuyến, quặn thắt.
Nhưng nỗi niềm đó đã dịu đi rất nhiều. Theo thời gian và sự nhạy bén trong kinh doanh, sự đồng cảm với nỗi niềm người xa quê, các siêu thị châu Á ở nơi này cũng đã mang đến đủ các mặt hàng, sản phẩm Tết như ở Việt Nam, không khó để tìm thấy hoa mai, hoa đào khoe sắc tươi thắm, những loại quả xứ nhiệt đới ngập tràn, căng mọng, đến cả những gia vị, những lá chuối, lá dong cũng được bày kín các gian hàng… Khu chợ châu Á tại Paris những ngày Tết cũng náo nhiệt lắm, người châu Á gặp nhau tay bắt mặt mừng, chào nhau thân ái nhưng cũng rất vội vã, họ cũng lo mua sắm cho nhanh để về nhà. Những người bán hàng kiếm thêm thu nhập tự tạo thành chợ cóc gần các siêu thị để bán các mặt hàng đồ ăn, đồ trang trí do họ làm sẵn hoặc được họ mang từ Việt Nam sang cho những người không có thời gian nấu các món ăn truyền thống cầu kỳ hoặc muốn kiếm tìm các món đồ thuần Việt giá rẻ… Tết ở đây cũng đầy đủ màu sắc, màu sắc đa văn hóa vùng miền của người Việt khắp ba miền tụ hợp ở đây, màu sắc của văn hóa Trung hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Các bé người Việt thế hệ hai cũng được cha mẹ chuẩn bị cho váy áo xúng xính, mặc những bộ áo dài cách tân điệu đà, nhận những bao lì xì đỏ tươi may mắn. Người lớn thì cũng nhân dịp này tụ họp nhau, bạn bè, người thân quen cùng quây quần bên nhau cùng gói, canh nồi bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm tất niên, mâm ngũ quả… như một hoạt động truyền bá văn hóa cho con trẻ về truyền thống nguồn cội, tạo cơ hội để chúng thực hành tiếng Việt nhiều hơn, và cũng là để người lớn tự sưởi ấm lòng mình, để nhớ về một thời đã qua ở quê nhà. Cộng đồng, hội người Việt ở Pháp cũng tổ chức thường niên nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đón Tết chào Xuân, kèm theo đó là những gian hàng bán đồ ăn, đồ lưu niệm, những quầy trò chơi đậm chất truyền thống như; ô ăn quan, nhảy sạp, ném koòng… chúng gợi nhớ đến những hội chợ Xuân ngày đầu năm mới.
Về văn hóa tâm linh, có khá nhiều ngôi chùa của người Việt tại Pháp, Tết đến, nhiều hoạt động cầu an được tổ chức, mọi người cũng có thể thưởng thức cơm chay thanh tịnh, cùng nhau nguyện cầu cho năm mới bình an, để tâm tĩnh tại, thư thái hơn, hay họ cũng có thể gieo quẻ dự đoán về năm mới… Lên chùa đầu năm, thắp nén nhang, thành tâm khấn vái cũng là một cách vọng nhớ tổ tiên, nhớ về những người đã khuất, tự tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và nghị lực để sống tốt hơn, hữu ích hơn trên quê hương thứ hai này, để cùng hòa nhập văn hóa mà không phôi phai bản ngã của chính mình… Tinh thần lá lành đùm lá rách cũng được thể hiện rõ hơn vào dịp này, mọi người thường trích ra ít tiền tiết kiệm hoặc gửi quần áo ấm, đồ ăn… cho các dự án thiện nguyện ở Việt Nam hoặc dành cho những mảnh đời bất hạnh, những người ăn xin ở ngay nước sở tại. Trong cái rét căm căm, cái lạnh thấu xương của mùa đông giá, còn gì ấm áp, yêu thương những một trái tim nhân hậu, những tấm lòng thảo thơm như thế.
Nếu như vài chục năm về trước, kiều bào phải chờ đợi cả mấy tháng đến cả năm để chia sẻ được thông tin với người nhà qua những cánh thư thì bây giờ, chỉ trong giây lát, hình ảnh cuộc sống ở cả hai đầu nỗi nhớ đều được truyền nhận dễ dàng, nhanh chóng bằng cả hình ảnh và âm thanh sống động. Khoảng cách địa lý chẳng thể nào san lấp nhưng khoảng cách tình cảm hẳn đã được rút lại ít nhiều.
Rồi cũng chẳng khó để tìm ra những nhà hàng Tây, thực đơn có cả món ăn Việt, phục vụ cho cả thực khách Việt và người dân bản xứ được truyền nhau quảng bá rộng rãi trên các trang mạng xã hội, những kênh thông tin đại chúng. Và cũng nhờ công nghệ thông tin, những kiều bào dễ kết nối với nhau hơn, để rồi dần dần tập trung sinh sống gần nhau, tạo thành khu dân cư nhỏ của người Việt. Trên mạng xã hội, những nhóm sinh hoạt cộng đồng Việt được lập ra với phong phú mục tiêu, chí hướng chung, để cùng nhau trao đổi, gặp gỡ, phá triển, từ vấn đề nấu ăn, luật pháp, nuôi dạy con đến những vấn đề học tập, định cư lâu dài…
Bởi vậy, dù ở xa cách hàng ngàn km nhưng tại Pháp, tinh thần, lối sống sinh hoạt, cốt cách Việt vẫn hiện hữu, được lưu truyền và phát triển mạnh, nhất là với thế hệ người Việt trẻ mới sinh sống, học tập tại đây, hoặc với những gia đình người Việt trẻ ở nơi này. Việt Nam đó, tưởng xa đó mà sao hóa gần biết bao.
Lê Thị Hải Yến
01/2017
Laisser un commentaire