Câu chuyện về người phụ nữ Việt 92 tuổi tại Pháp

Bà Lê Thị Mạnh, hay bà Giớ – tên theo chồng mà bà đã quen và thích được gọi như vậy – là một trong hai hội viên cao tuổi nhất của Hội NVNTP, năm nay 92 tuổi và vẫn rất mạnh khỏe, còn nấu ăn và tham gia các sự kiện, hoạt động của Hội (người cao tuổi nhất là ông Đào Khiết, năm nay 106 tuổi, hiện sức khỏe yếu).

Con số 92 tuổi đã có thể làm nhiều người trong chúng ta bất ngờ, nhưng so với câu chuyện về cuộc đời lưu lạc tại Pháp độc đáo của bà Giớ thì còn những điều ngạc nhiên hơn nhiều chờ đón chúng ta. Nhân ngày Phụ nữ 8/3, chúng tôi xin dành bài viết đặc biệt này để giới thiệu câu chuyện về bà Giớ đến độc giả.

***

HÀNH TRÌNH ĐẦY MIỄN CƯỠNG:

Khi 26 tuổi, ta có thể đang đi học, đã đi làm hay vừa ổn định gia đình, … bắt đầu những lựa chọn của đời mình.

Năm 26 tuổi, người phụ nữ trẻ Lê Thị Mạnh lại có một hành trình khác: theo hoàn cảnh một cách miễn cưỡng vì lúc ấy, bà phải đi theo chủ – một quan hai người Pháp – khi ông chủ quyết định đưa cả gia đình mình quay về Pháp hẳn, trong đó có cả người giúp việc, hầu gái giữ con. Sau nhiều tuần đi tàu, bà đặt chân đến Pháp năm 1951 với hợp đồng còn hiệu lực ba năm.

Bà ở nhà chủ, làm việc suốt tuần và được phép đi ra ngoài vào ngày chủ nhật. Rất may mắn là cùng đoàn tàu qua Pháp, bà có quen một người bạn gái Việt cũng phải đi theo một ông chủ người Pháp, và khi đến nơi, họ ở cùng khu vực Paris. Vì vậy, mỗi chủ nhật, hai chị em lại hẹn gặp nhau để tìm đến những nơi hội họp của người Việt. Cũng ở đó, bà đã gặp người chồng tương lai, ông Giớ, và hoạt động gắn bó với đời mình suốt hơn 60 năm sau.

.

HÀNH TRÌNH CỦA LỰA CHỌN:

Trong suốt ba năm làm việc cho chủ, bà chỉ gặp ông Giớ vào chủ nhật để làm quen, tìm hiểu, nói chuyện và đồng thời bắt đầu tham gia Phong trào Việt kiều tại Pháp. Ông Giớ đã tham gia hoạt động cộng đồng từ trước đó, là người đem lại những ước mơ mới cho bà trong thời điểm đầy hoang mang và lo lắng ấy. Bởi vì với vốn tiếng Pháp vừa đủ giao tiếp với ông bà chủ, không rành về cuộc sống, xã hội Pháp, bà hầu như không biết gì nhiều về nước Pháp; còn để trở về nước thì thời cuộc lúc ấy mịt mờ đường về, lúc ấy là giai đoạn căng thẳng, cao trào những năm 1951-1954 giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Bà không biết phải quyết định như thế nào.

Khi hợp đồng làm việc vừa kết thúc, người chủ Pháp hỏi bà có muốn mua vé máy bay về nước không, đồng thời ông Giớ cũng hỏi bà có thể ở lại với ông không. Bà đã ở lại vì lời cầu hôn ấy, và vì tình yêu dành cho ông.

Theo như bà nói « Ở bên đây sao bằng ở Việt Nam dù ở Việt Nam có gì ăn nấy thôi, bù lại, tôi may mắn gặp được người chồng tử tế », lo lắng hết mọi đường cho vợ để bà cảm thấy thoải mái và vui vẻ với cuộc sống mới. Năm 1953, hai ông bà cưới nhau. Năm 1955, bà chính thức đăng ký hội viên của Phong trào Việt kiều – tên gọi thời kỳ đó của Hội người Việt Nam tại Pháp hiện nay – mở ra cuộc sống mới hoàn toàn tại Pháp.

Đó là những lựa chọn chủ động và tích cực của bà – một phụ nữ truyền thống sinh sống và lớn lên cùng ruộng lúa Việt Nam, đã đến Pháp cùng hoàn cảnh và ở lại nơi này cùng thời cuộc.

.

HÀNH TRÌNH ĐI CÙNG CỘNG ĐỒNG:

Bà Giớ đóng thẻ hội viên lần đầu năm vào năm 1955, cho đến giờ, bà vẫn giữ hầu như tất cả các thẻ hội viên của mình, điều đó cho thấy sự trân trọng và cẩn thận của bà Giớ đối với các hoạt động mà mình đã tham gia, và điều đặc biệt hơn cả, là tình yêu đối với từng kỷ niệm chia sẻ với ông Giớ.

Ông Giớ là người đã dẫn dắt và động viên bà tham gia các hoạt động vì đất nước của Phong trào Việt kiều, vì theo ông, ở nơi đó, bà có thể nói tiếng Việt, bà có thể thỏa nỗi nhớ nhà, và bà có thể cùng ông chia sẻ ước mơ làm được điều gì đó cho đất nước.

Chúng ta hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng cuộc sống của hai ông bà khá khó khăn, bà đã dùng từ là « rất nghèo » để diễn tả cuộc sống ấy, vì có lúc ông bà phải ở trong dãy nhà xây tạm do một cha cố dựng nên trên một khu đất trống để giúp người. Dành dụm được ít tiền để mua nhà thì sau đó bị chủ nhà gạt tiền, may nhờ có người của Phong trào Việt kiều, luật sư Nhuận, can thiệp, hỗ trợ thì mới lấy được phần nào tiền để mua nhà khác. Ngôi nhà hiện nay bà ở đã được mua từ năm 1963, lúc đó giá rất rẻ vì địa điểm ở rất xa Paris, thuộc khu ngoại thành hẻo lánh. Hai ông bà đã mua và xây lại nhà theo đúng ý mình với một mảnh vườn nhỏ tự trồng các loại rau và hoa, có những chiếc lu đất hứng nước mưa tưới cây, cùng những vật dụng quen thuộc khác của đời sống thôn dã. Cuộc sống cứ thế dần dần cải thiện hơn sau này.

Với nhiều khó khăn ngay từ khi đám cưới như vậy, ông bà vẫn tham gia các hoạt động của Hội Công nhân, Hội Phụ nữ, vẫn trích tiền ra đóng góp cho các hoạt động hướng về đất nước, có mặt đầy đủ trong các sự kiện vì Việt Nam để tham gia công việc tổ chức, để có mặt đông đảo người Việt Nam… Như bà nói, những người bạn mà bà có đều từ Hội NVNTP, có thể nói, vừa là bạn ngoài đời vừa là bạn của lý tưởng.

L1100155L1100149

Ông bà có ba người con. Cả ba người đều yêu thương và rất nghe lời ba mẹ, ngay từ nhỏ đã tham gia cùng ba mẹ trong các hoạt động cộng đồng, được chở đến trường Bagneux, sau đó là Arcueil để học tiếng Việt. Hiện nay, cả ba người đều ổn định cuộc sống và thành tài, trong đó chị Hạnh hiện đang giảng dạy ở Đại học Paris, hàng năm đều về Việt Nam để tham gia các dự án giáo dục và hỗ trợ học bổng cho sinh viên Việt Nam. Cả ba người con đều có thẻ hội viên của Hội NVNTP, cũng như ba mẹ mình, để kết nối với nguồn gốc Việt Nam, với những sự kiện vì Việt Nam tại Pháp.

Hành trình ấy, tính từ khi bà thành hội viên cho đến năm 2017 là 62 năm, và bà vẫn đang tiếp tục, vẫn luôn dặn dò các con phải tiếp tục…

***

Ông Giớ mất đã nhiều năm. Bà Giớ lặng lẽ trong căn nhà kỷ niệm của hai vợ chồng. Năm nay 92 tuổi, bà vẫn khỏe mạnh dù hơi lãng tai, bà chỉ mới dừng lái xe vào năm 2002, nghĩa là lúc 77 tuổi, vẫn luôn nghiêm túc có mặt đầy đủ trong các cuộc họp mặt của Hội NVNTP vì bà là thành viên Ban Chấp hành của Hội, vẫn luôn nhiệt tình, hồ hởi phát biểu ý kiến đóng góp cho công việc chung, vẫn luôn làm những chiếc bánh cam, bánh bò trong các buổi ăn của Hội Công Nhân, thỉnh thoảng lại sa đà vào những câu chuyện ngày cũ, và mỗi hoạt động văn nghệ cộng đồng, bà lại tiến lên sân khấu đăng ký hát, say sưa chìm đắm vào những điệu cải lương với chất giọng hơi run của thời gian, của cảm xúc, của kỷ niệm, của những gì mà bà đã trải qua…

Câu chuyện của bà Giớ cũng chính là câu chuyện của một trong những thế hệ đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại Pháp, của lịch sử Phong trào Việt kiều – Hội người Việt Nam tại Pháp. Đó là câu chuyện của những người nông dân, bình dân Việt Nam, vì hoàn cảnh lịch sử, xã hội, họ đã đến Pháp đầy miễn cưỡng và rồi một khi phải ở lại Pháp, họ đã chủ động cống hiến và đóng góp để tạo ra những trang lịch sử cộng đồng bằng những kỳ tích, thành công, hay những hy sinh thầm lặng,… Đó là thế hệ « các bác công nhân, binh lính » chỉ có ở cộng đồng Việt Nam tại Pháp.

Câu chuyện của bà Giớ, cuối cùng, là một câu chuyện đem lại cho người đọc cảm giác hạnh phúc, không chỉ vì kết thúc có hậu, mà còn bởi vì ta được thấy rằng: song song và tiếp nối với hành trình miễn cưỡng vốn khó tránh, khó lường trong cuộc sống, vẫn luôn luôn tồn tại một hành trình lựa chọn chủ động dẫn đến hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa – con đường ấy có sẵn trong tim và trong tay chúng ta.

DSC02711

Thông tin bài trích từ vidéo phóng sự của Hội NVNTP, do Thérèse Ký và Nguyễn Thanh Tòng thực hiện phỏng vấn.

Viết thành bài: Quang Nguyên

Hình: Nguyễn Thanh Tòng

 

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :