Bài viết lịch sử: Nam biều ký – Tập tư liệu quý hiếm và giá trị về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII (Kỳ 1)

Việc tìm kiếm tư liệu lịch sử về Việt Nam hiện vẫn đang lưu lạc hay được lưu giữ ở nước ngoài luôn là mối quan tâm lâu nay của những nhà nghiên cứu và người yêu lịch sử đất nước. Trong những nghiên cứu, tìm kiếm ấy, có những tư liệu được phát hiện ra không những đem lại giá trị quan trọng to lớn để tái hiện lại tiến trình và những bối cảnh lịch sử trong những thế kỷ trước của Việt Nam mà còn tiếp tục đưa ra những kết nối mới đầy bất ngờ cho việc tìm lại nguồn thông tin lịch sử, cần đến sự chung tay của người Việt khắp nơi trên thế giới. Trường hợp cụ thể ở đây là Nam biều ký, một trong những tập tư liệu lịch sử rất quý hiếm đem lại một góc nhìn về cuộc sống và con người Việt Nam cuối thế kỷ 18, vốn được phát hiện tại Nhật, nhưng vào năm 1933 đã được bà Muramatsu-Gaspardone dịch sang tiếng Pháp và đăng trên BEFEO, t. XXXIII.

Tại sao Nam biều ký có giá trị lịch sử quý hiếm? Lý do là vì đây là một trong những tư liệu rất hiếm hoi không thuộc về các hội truyền giáo châu Âu đến Việt Nam, không do những nhà trí thức, nghiên cứu Pháp trình bày, và cũng không của Trung Quốc viết về Việt Nam, mà khác hẳn với những góc nhìn này, đây là tường thuật lại của những thủy thủ bình dân Nhật bản về Việt Nam với sự trung lập và nhận xét chân thật. Bài viết dưới đây là tham luận của tác giả Nguyễn Mạnh Sơn trình bày trong Hội thảo Quốc tế về Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thế kỷ 16-19, sẽ đem lại cho chúng ta phần giới thiệu chung cũng như thông tin chi tiết hơn về Nam biều ký. Chúng tôi mong rằng bài viết đem lại nguồn tham khảo và tư liệu hữu ích cho những ai quan tâm, đồng thời nhận được chia sẻ từ những độc giả khắp nơi, đặc biệt ở Pháp, khi có thông tin hay bài viết về các tư liệu lịch sử Việt Nam hiện đang lưu giữ ở nước ngoài.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu kỳ 1 của bài viết.


Nam biều ký – Tập tư liệu quý hiếm và giá trị về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII

Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam với Nhật Bản thời cổ, trung, cận đại là một chủ đề khó nhưng được rất nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Trong đó phải kể đến những nhà nghiên cứu Việt Nam có rất nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu chủ đề này đó là TS Đoàn Lê Giang, TS Trần Đức Anh Sơn, TS Nguyễn Thị Oanh… Cách đây 100 năm, qua bài viết của TS Đoàn Lê Giang, chúng tôi được biết còn có học giả Sở Cuồng Lê Dư được đánh giá là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu quan hệ Việt Nam – Nhật Bản với loạt bài được đăng trên tạp chí Nam phong phần Hán văn [1]. Và để góp thêm một vài tư liệu cho việc nghiên cứu giữa Việt Nam và Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ XVIII, trong bài viết này chúng tôi giới thiệu tác phẩm Nam biều ký 南瓢記 do Shihōken Seishi枝芳軒静之biên soạn vào cuối thế kỷ XVIII, hiện được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản.

***

Kỳ 1: Vài nét về Nam biều ký

Theo thông tin mà nhà nghiên cứu Shimao Minoru trong bài viết Hình ảnh về Việt Nam của người Nhật thời Edo[2], chúng tôi được biết:

“Vào thế kỷ XVIII, người Nhật bị cấm không được đi ra nước ngoài và phố Nhật ở Hội An cũng chấm dứt hoạt động. Trong thời kỳ này có ba trường hợp người Nhật đi biển gặp bão nên bị phiêu bạt đến Việt Nam.

Hai trường hợp đầu là hai chiếc thuyền Himemiyamaru và Sumiyoshimaru, xuất phát cùng lúc và cùng một vùng biển ở Nhật Bản đã bị sóng gió làm trôi dạt đến vùng biển Hội An. Thuyền trưởng thuyền Himemiyamaru là Saheita và các thuyền viên đều là người vùng Isohara, quận Taga, phiên Hitachi-no-kuni (tỉnh Ibaraki hiện nay). Tháng 11 (âm lịch) năm 1765, thuyền này chở gạo từ Onahama (Fukushima hiện nay) đến Choshi (Chiba hiện nay) gặp mưa bão nên đã bị trôi trên biển 43 ngày và dạt đến vùng biển Hội An. Sau khi ở lại Hội An khoảng một năm rưỡi, ngày 20 tháng 6 (âm lịch) năm 1767 họ trở về Nhật Bản, đến ngày 16 tháng 7 mới về đến Nagasaki. Thuyền trưởng thuyền Sumiyoshimaru là Zenshiro và các thuyền viên là người vùng Onahama, phiên Oushu (Fukushima hiện nay). Tàu này cũng chở gạo từ Onahama đến Choshi và bị bão làm phiêu dạt dến miền Trung Việt Nam. Thủy thủ của hai thuyền này gặp nhau tại Hội An, cùng ở lại nơi này và trở về Nagasaki cùng một thời điểm.

Trường hợp thứ ba là cuối tháng 9 (âm lịch) năm 1794, thuyền Daijomaru do Seizo làm thuyền trưởng và các thuyền viên đều là người vùng Sendai, chở gạo từ Ishinomaki (Miyaghi hiện nay) đến Edo thì bị gặp bão làm trôi dạt. Ngày 21 tháng 11 (âm lịch) năm ấy, họ dạt đến Việt Nam. Sau khi ở lại Việt Nam khoảng 5 tháng, đến tháng 4 (âm lịch) năm 1795 thì họ khởi hành từ Việt Nam về Nhật Bản. Trên đường đi có ghé vào một số nơi ở Trung Quốc như Macao, Quảng Đông, Giang Tây, Chiết Giang. Đến tháng 11 năm 1795 thì về đến Nagasaki.”[3]

.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ tìm hiểu về trường hợp thứ ba mà thuyền của người Nhật trôi dạt vào Việt Nam, giới thiệu một vài tư liệu để giúp các nhà nghiên cứu có thêm nguồn tư liệu tham khảo.

Cũng theo tác giả Shimao Minoru, trường hợp thứ ba người Nhật Bản trôi dạt vào Việt Nam do bão tố được tác giả Kondo trong cuốn sách An Nam kỷ lược cảo mô tả khá rõ. Cụ thể, theo Đoàn Lê Giang:

“Tháng 12 năm Ất mão (1795) sau khi được nhận vào làm việc tại cơ quan hành chính Nagasaki (Nagasaki phụng hành sở), Kondo đã tham dự cuộc thăm hỏi những dân phiêu dạt từ An Nam trở về. Sự việc như sau:

Tháng 9 năm Giáp dần (1794) tàu Daijōmaru 大乗丸 với 16 thuỷ thủ do Seizo làm thuyền trưởng nhận công việc chở gạo từ Sendai (tỉnh Miyagi) về Edo (Tokyo ngày nay). Trên đường đi tàu gặp bão, trôi dạt đến biển phương Nam, đến ngày 21/11 thì may gặp một thuyền đánh cá của người An Nam cứu giúp, cho lên thuyền và chở vào đất liền. Đến Gia Định, nhóm người Nhật phiêu dạt này đã được giúp đỡ tận tình, nuôi nấng đầy đủ, thuốc thang chu đáo, thế nhưng 6 người, trong đó có thuyền trưởng Seizo bị bệnh phù thũng, uống thuốc mãi không khỏi, đã nằm xuống nơi đây. Thi thể 6 người được mai táng cẩn thận ở chùa Vĩnh Trường thuộc phái Lâm Tế ở Gia Định. Đến tháng 4 năm sau (Ất mão, 1795) số còn lại được đưa lên theo tàu về nước. Họ đi từ Gia Định đến Ma Cao (A Mã Cảng), rồi Quảng Đông, Giang Tây, Sạ Phố 4 (Zhapu, tức thành phố Gia Hưng tỉnh Triết Giang). Tháng 11 khởi hành từ Sạ Phố, ngày 14 tháng 12 năm Ất mão (1795) thì về đến Nagasaki. Trên đường đi có thêm một người nữa chết vì bệnh phù thũng, nên về đến Nhật Bản chỉ còn 9 người.

Kondo đã hỏi chuyện kỹ những dân phiêu dạt về tình hình An Nam, đồng thời đề nghị họ vẽ lại những gì họ thấy ở đó. Sau đó Kondo nhờ người giỏi vẽ vẽ lại. Nhờ vậy còn lưu lại cho đến nay hình ảnh khá chi tiết về con người và cuộc sống ở nước ta vào cuối thế kỷ XVIII.”[4]

Ngoài những chi tiết, hình ảnh về An Nam qua An Nam kỷ lược cảo của Kondo thì trong quá trình tìm kiếm tư liệu về quan hệ Việt Nam Nhật Bản thế kỷ XVIII, chúng tôi tình cờ biết được thêm một vài tư liệu cổ của Nhật Bản có liên quan đến trường hợp thứ ba. Cụ thể những tư liệu đó như sau:

1. Nam phiêu An Nam ký sự 南漂安南記事 của tác giả Nguyên Tam Lang源三郎Genzaburō, Tăng Căn Tiêu Vân 曾根嘯雲 dịch bình, 1 quyển, có một bài tựa vào năm明治Meiji thứ 16 (1883).

Cuốn sách này do Tăng Căn Tiêu Vân dịch sang tiếng Hán, sách có bài tựa của Tăng Căn Tiêu Vân năm 1883 và nội dung trong nội dung sách không chia quyển, sách còn có bút phê màu đỏ có lẽ của Nguyễn Thuật (?).

Về cuốn sách này, trong Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật cũng từng nhắc đến: 

“Ngày 6 tháng 12 năm 1883, Tăng Căn Tiêu Vân 曾根嘯雲 đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Tiêu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự 南漂記事 trong sách đề năm Khoan Chính thứ sáu (Năm thứ 59 niên hiệu Càn Long triều Thanh, năm thứ 56 niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê nước ta, tức là năm 1794), chủ thuyền là Thanh Tàng 清藏 , Nguyên Tam Lang 源三郎 bị gặp bão thổi đến vùng biển nước ta, nhờ có quốc vương nước ta thương tình ban ơn, ra lệnh cho thuyền đưa họ trở về, nên họ vô cùng cảm kích ân tình của quốc vương, lời văn trong sách đơn giản nhưng có quy củ, đưa ta ngược trở về đầu thời Trung hưng của Thế Tổ triều ta, chỉ có điều khi ấy chưa bình định được Tây Sơn, chưa kiến lập quốc hiệu, bèn cứ theo đời trước mà dùng niên hiệu Cảnh Hưng vậy [Niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê chỉ tồn tại 47 năm rồi dừng lại]”

Và “Trần Kinh Hòa có chú giải: Nam phiêu ký 南漂記 soạn năm thứ 6 niên hiệu Khoan Chính 1794, là ghi chép về có 16 thuyền viên trong đó Thanh Tàng 清藏 là chủ còn thuyền Đại Thừa Hoàn 大乘丸 đi từ bến Yuriage閖上 quận Natori 名取, Mutsunokuni陸奧國 Nhật Bản日本 bị bão đánh làm cho đắm tàu và trôi dạt đến vùng biển Việt Nam, do Nguyễn Phúc Ánh là người lãnh đạo thế lực triều Nguyễn mới phục hưng (sau là Thế Tổ của triều Nguyễn, Gia Long hoàng đế) sai người lái thuyền đưa chín người còn sống về Nhật Bản. Sớm được bà Madame Muramatsu nghiên cứu chi tiết. Xem thêm Muramatsu-Gaspardone, Nampyōki (Naufrange dans le Sud), traduit, avec introduction et des notes, BEFEO, t. XXXIII, 1933, pp. 35-120.][5]

Khi tra cứu trong BEFEO về bản dịch này, chúng tôi nhận thấy nội dung cuốn sách và phần bản dịch của Muramatsu-Gaspardone không trùng khớp do đó, chúng tôi ngờ rằng tác giả Trần Kinh Hòa đã dựa vào một bản Nam phiêu ký khác, cuốn này chúng tôi sẽ nhắc tới phần sau.

.

2. Nam phiêu ký 南漂記 gồm 5 quyển, được đóng chung thành một cuốn. Bìa sách có đề năm Khoan Chính thứ 9 (1794). Được tàng bản tại Hắc Xuyên Gia黒川家.

Sách không thấy đề tên tác giả.

bìa Nam phiêu ký tại thư viện Waseda

Hình ảnh trang bìa cuốn Nam phiêu ký lưu trữ tại Thư viện Đại học Waseda.

Mục lục của Nam phiêu ký trong Phiêu lưu kỳ đàm toàn tập như sau:

Quyển 1: Phiêu lưu; Tây Sơn tiểu thôn; Phong thổ

Quyển 2: An Nam vương đô (Gia Định thành); Từ giải; Lữ quán; Chùa Vĩnh Trường; Nữ thương nhân; Hóa vật.

Quyển 3: Lễ nghi; Côn trùng cầm thú; Tính cách; Chăn nuôi; Trang phục; Cách ngồi; Quan Đế; Tình nghĩa vợ chồng.

Quyển 4: Thanh lâu (hoa nhai); Cây cỏ; Tiết dụng Nhật Bản – Trung Quốc; Từ biệt; Chuyện về Tây Sơn; Tiễn biệt lên đường; Ma Cao; Cách nói của người Ma Cao; Cổng thành; Lễ hội Bồn.

Quyển 5: Quảng Đông châu; Thành trì; Trang điểm cô dâu; Nơi chôn cất; Tế lễ; Những hiện tượng kỳ lạ; Thuyền bè, đường thủy; Sạ Phố, nhà hát.

.

3. Nam biều ký 南瓢記, gồm 5 quyển [6], được đóng chung thành một cuốn. Cuốn sách do Shihōken Seishi soạn năm 1794 và Nakano Kan 中野煥 viết lời tựa năm 1797. Tên sách trong bản gốc ghi là 南瓢記 [Nam biều ký].

bìa Nam biều ký tại Thư viện Quốc hội Nhật

Hình ảnh cuốn Nam biều ký lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Nhật bản.

Về mục lục, nội dung của cuốn sách hầu như giống mục lục và nội dung của cuốn Nam phiêu ký, nhưng có một vài điểm khác đó là:

Trong cuốn Nam biều ký có:

+ Lời tựa của Nakano Kan

+ Tự tựa của Shihōken Seishi

+ Phàm lệ

+ Và trong phần nội dung ở quyển I, thay vì phần Phiêu lưu ở cuốn Nam phiêu ký thì trong Nam biều ký là phần Phát đoan 發端 [Mở đầu].

+ Cuối sách có lời kết.

Sau khi đối chiếu nội dung của cuốn sách với bản dịch Pháp văn do Muramatsu-Gaspardone dịch, đăng trên BEFEO, t. XXXIII, 1933, pp. 35-120, chúng tôi thấy hoàn toàn trùng khớp. Đặc biệt tác giả Muramatsu-Gaspardone còn có sự khảo cứu rất kỹ càng, cũng như trích dẫn những bức thư của vua An Nam gửi Nhật Bản và ngược lại từ trong cuốn An Nam kỷ lược cảo của Kondo.

Như vậy bước đầu có thể xác định Muramatsu-Gaspardone đã dịch bản Nam biều ký ra Pháp văn, có khảo cứu và chú thích, trích dẫn khá chi tiết. Tuy nhiên trong nội dung bản dịch đăng trong BEFEO, Madame Muramatsu-Gaspardone lại xác định đó là tác phẩm Nampyōki và chua bên cạnh là 南漂記. Và đây vẫn là vấn đề mà bài viết này vẫn chưa thể giải quyết được triệt để, vẫn cần thêm tư liệu và nghiên cứu. Mọi vấn đề liên quan đến văn bản này, chúng tôi sẽ trở lại trong một chuyên luận khác.

Về tác giả của cuốn sách là Shihōken Seishi, hiện chúng tôi chưa tìm hiểu được thân thế của ông, có lẽ ông cũng giống như Kondo trong An Nam kỷ lược cảo có phỏng vấn, hỏi han những người trong chuyến tàu bị phiêu dạt lần đó để viết nên tác phẩm này.

Sau khi khảo cứu nguồn gốc, nội dung của cả ba văn bản, phần tiếp theo đây chúng tôi tập trung nghiên cứu, giới thiệu những hình ảnh cùng nội dung văn bản Nam biều ký được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Nhật Bản.

Nam biều ký của Shihōken là tác phẩm ghi lại những điều “mắt thấy tai nghe” của chính những người Nhật từng phiêu dạt đến Đàng Trong – Hội An thế kỷ XVIII. Trong lời tựa của cuốn sách, Nakao Kan đánh giá đây là một tác phẩm độc đáo và mới lạ được viết trong một chuyến đi biển trở về, nó cung cấp khá nhiều tư liệu cho các nhà nghiên cứu.

Tác phẩm chứa đựng rất nhiều những từ ngữ đơn giản mộc mạc, được ghi lại từ chính những điều mà tác giả mắt thấy tai nghe, bảo tồn rất nhiều phương ngữ, như thế có thể thấy đây là một cuốn sách viết sự thật.

.

Nguyễn Mạnh Sơn

Tham luận Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt Nam-Nhật bản thế kỷ 16-19

***

Kỳ 2: Những hình ảnh quý hiếm về Việt Nam cuối thế kỷ 18 qua Nam biều ký.

Hình minh họa Nam biều ký

Hình ảnh về Vương đô An Nam (thành Sài Gòn)


[1] Xem thêm bài viết của TS Đoàn Lê Giang được đăng tại: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4879%3As-cung-le-d-hc-gi-tien-phong-trong-vic-nghien-cu-quan-h-vit-nam-nht-bn&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108&lang=vi

[2] Bài viết được đăng trên: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=5220:hinh-nh-v-vit-nam-ca-ngi-nht-thi-edo&catid=131:kt-ni-vn-hoa-vit&Itemid=196&lang=en

[3] Chúng tôi lược trích một vài đoạn trong bài viết phù hợp với nội dung mà chúng tôi đề cập đến ở đây.

[4] Đoàn Lê Giang, Hình ảnh Việt Nam 200 năm trước qua sách Nhật Bản, Tạp chí Xưa và Nay số xuân 2015.

[5] 阮述《往津日記》Trần Thuật, Vãng tân nhật ký, Trần Kinh Hòa biên chú, Nhà xuất bản Đại học Trung Văn (Chinese University Press), 1980, trang 59.

[6] Cuốn sách Nam biều ký, trong thư viện tại Waseda, chỉ có 4 quyển. Xem thêm tại đây. http://www.wul.waseda.ac.jp/kotenseki/html/ru07/ru07_03062/index.html

Bản 5 cuốn của sách này chúng tôi dựa theo bản file lấy tại thư viện Quốc hội Quốc Lập (National Diet Library): http://dl.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/2540129

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :