Nhắc đến những tên tuổi các nhà khoa học Việt Nam tại Pháp, chắc chắn phải nói đến Giáo sư Nguyễn Quý Đạo. Ông là người đã theo đuổi bền bỉ và thực hiện kết nối thành công giữa các trường Đại học Bách khoa ở Việt Nam và ở Pháp, từ đó lập ra Chương trình Đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp với nhiều khóa sinh viên Việt Nam học các ngành kỹ sư đã được nhận học bổng qua Pháp cho đến nay. Ông là người luôn luôn tâm huyết với sự nghiệp nghiên cứu, giáo dục, đào tạo nhân lực, những trăn trở của ông đều hướng về những thế hệ trí thức trẻ Việt Nam, như trong những bài trả lời phỏng vấn hoặc trao đổi với báo chí, ông đã nhấn mạnh:
.
« Việt Nam hiện nay đã có những giáo sư, nhà nghiên cứu, kỹ sư trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, có khả năng lập nên một nền giáo dục có chất lượng cao để đào tạo các tổng công trình sư giỏi. Tuy nhiên, phải chú ý đến vấn đề lương cho các giảng viên, các nhà khoa học, không thể để một nhà khoa học phải làm việc nửa buổi, còn nửa buổi phải đi làm thêm,… Bên cạnh đó, phải cải cách phương pháp giảng dạy vì cách học phổ thông, trung học của Việt Nam chưa phù hợp, nhiều em học rất giỏi ở trong nước nhưng vẫn không theo được các trường quốc tế do chưa biết cách học: phải học theo nhóm, học đi đôi với hành… » (*)
« Nhà nước cần tạo điều kiện tối ưu về vật chất, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho các nhà KH&CN trong nước để họ có thể nghiên cứu, hợp tác hữu hiệu với các nhà khoa học nước ngoài trong việc thực hiện những dự án có tầm cỡ quốc tế.
…
Tôi cho rằng, Việt Nam hiện nay rất cần có những tổng công trình sư có trình độ khoa học quốc tế, tức là có những hiểu biết rộng và sâu sắc. » (*)
.
Với kiến thức khoa học của mình, ông đã có những cống hiến quan trọng về tri thức cũng như kết quả nghiên cứu dành cho đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước những vũ khí mới của Mỹ dùng ở Việt Nam, ông đã âm thầm thu thập tài liệu tìm hiểu về sự di chuyển của mảnh bom bi vốn ở dạng chất dẻo rất khó phát hiện khi lọt vào cơ thể người, từ đó tìm ra phương pháp phát hiện nhanh chóng các mảnh bom bi ấy nhằm cứu người hiệu quả hơn. Lúc ấy, thông qua Hội người Việt Nam tại Pháp, ông đã gửi về Việt Nam các tài liệu này cùng sơ đồ thiết kế máy giúp phát hiện vị trí của đạn bi trong cơ thể người.
Một trong những công trình nghiên cứu khác là về đặc điểm sỏi thận, sỏi mật của người Việt Nam, giúp tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Ông đã tập hợp được các sinh viên Việt Nam tại Pháp sau năm 1975 để phát hiện ra cách chữa trị bệnh sỏi thận, sỏi mật qua ăn uống không cần phẫu thuật, nhờ vào sự so sánh mẫu sỏi thận của người Việt Nam với một số nước khác, ông kết luận sỏi của người Việt Nam có dạng đá chứ không phải sỏi mỡ như người dân ở các nước phát triển khác do đặc điểm ăn uống. Đây chỉ là một vài trong vô số hoạt động nghiên cứu say mê của ông dành cho Việt Nam.
***
Tốt nghiệp Đại học Centrale Paris, là Tiến sĩ Khoa học Nhà nước Đại học Paris năm ông chỉ mới 30 tuổi, ông đã trải qua các vị trí: Giám đốc cao cấp danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Giám đốc Văn phòng đại diện của CNRS tại Việt Nam, Giáo sư trách nhiệm khoa Vật liệu mới của chương trình Đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) tại Việt Nam, đồng chủ nhiệm chương trình hợp tác Pháp – Việt về quang phổ của CNRS và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
GS. Nguyễn Quý Đạo là tác giả và đồng tác giả của hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành và báo cáo tại các hội nghị quốc tế, 5 cuốn sách, 3 bằng sáng chế. Ông đã hướng dẫn 45 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, trong đó có 10 tiến sĩ Việt Nam.
Một số giải thưởng và Huy chương tiêu biểu:
• Giải thưởng hạng nhất của Hội Hóa học Pháp;
• Giải thưởng NATO về công trình nghiên cứu chung với GS E. O. Fischer (người được Giải Nobel về Hóa học 1975);
• Huy chương Hữu nghị do Chủ tịch nước Việt Nam trao tặng;
• Huy chương danh dự của thành phố Hồ Chí Minh;
• Giải thưởng đặc biệt « Dụng cụ Đo lường » do Hội Hóa Học và Hội Vật lý học Pháp đồng trao tặng;
• Huy chương của Đại học Centrale Paris;
• 1 trong 15 người đoạt Danh hiệu Vinh danh nước Việt năm 2005.
.
Hiện nay, ông đang tham gia Ban Biên tập của tập san Đoàn Kết, chuyên về mục Các bài nghiên cứu khoa học. Ngoài kiến thức khoa học, ông có kiến thức văn hóa Đông-Tây rất phong phú cũng như tâm huyết dường như vô tận dành cho văn hóa Việt Nam.
***
Ngày 20/5/2017, tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp, GS. Nguyễn Quý Đạo sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án thành công đã qua, phân tích các yếu tố đem lại sự thành công, kết nối các chia sẻ của những nhà khoa học trong những lĩnh vực khác, và trao đổi thân tình quanh các vấn đề hiện tại cũng như tiềm năng cho các dự án hợp tác khoa học, kỹ thuật sắp tới với Việt Nam.
.
.
Chương trình:
15h-15h40: Phầntrìnhbàycủa GS. NguyễnQuýĐạo:
– Tổng quát về quá trình hợp tác khoa học và kỹ thuật Pháp-Việt từ 1975 đến 2016.
– Phân tích các yếu tố thành công của vài dự án trọng điểm nổi bật.
– Triển vọng cho các hướng hoạt động hợp tác sắp tới.
16h-17h15: Traođổivớikháchmờivàngườithamdự.
– Chia sẻ kinh nghiệm của khách mời về các dự án Pháp-Việt trong nhiều lĩnh vực:
Đào tạo-Nghiên cứu, Y tế, Hàng không, Năng lượng, Xây dựng, Kinh tế, Hóa, Luật, Dầu khí, ….
– Nhận định về điều kiện thành công của các dự án hợp tác Việt-Pháp trong tương lai.
17h15-18h: Cocktail và ký sách song ngữ của GS. Nguyễn Quý Đạo: « Nhân chứng và kỷ niệm về một số hợp tác song phương Pháp-Việt« .
Laisser un commentaire