T.S Mai Thanh Đức – Hành trình song hành của nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp
Tiến sĩ (TS) Mai Thanh Đức là tác giả của các hệ thiết bị phân tích đa chỉ tiêu xách tay tự động đang có mặt tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành chương trình tiến sỹ tại đại học Basel, Thụy Sỹ (năm 2011), TS. Đức tham gia vào nhiều đề tài khoa học với tư cách là thành viên chủ chốt nhằm chuyển giao các kỹ thuật và công nghệ chế tạo thiết bị phân tích hiện trường về Việt Nam. Anh đã đồng sáng lập và điều hành hoạt động của 3SAnalysis cùng bạn (đến năm 2016) và diễn đàn khoa học CE-Vietnam. Hiện tại, TS.Mai Thanh Đức đang là giảng viên công tác tại đại học Paris 11 nhưng anh vẫn duy trì tương tác với tư cách cộng sự với diễn đàn CE-Vietnam và công ty khởi nghiệp ở Thụy Sỹ.
Một tiến sĩ, giảng viên đại học đam mê khoa học, trăn trở trong nghiên cứu để tạo những sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hợp lý cho người tiêu dùng Việt luôn mong muốn đưa về đất nước những công nghệ máy móc hiện đại tiêu chuẩn châu Âu… Sự cống hiến và tình yêu dành cho Tổ quốc trong anh luôn mạnh mẽ, mãnh liệt dẫu ở xa đất nước nửa vòng trái đất…
Chúng tôi đã liên hệ với anh để tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực nghiên cứu của anh, đặc biệt là cảm hứng cho việc khởi nghiệp từ nghiên cứu ấy.
1. Ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ quá trình nghiên cứu
Khoảng gần chục năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm môi trường – ô nhiễm nguồn nước, an toàn thực phẩm bị đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và là chủ đề thời sự thu hút sự quan tâm của xã hội.
T.S Mai Thanh Đức đã trực tiếp tham gia trong nhóm nghiên cứu về các đề tài về Khoa học Phân tích môi trường Y -Sinh, Thực phẩm và Ứng dụng của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (CETASD) thuộc trường ĐHKHTN – ĐHQGHN; TS.Đức là nghiên cứu sinh tại Thụy Sỹ (thuộc nhóm nghiên cứu của GS. Peter Hauser) – một trong ba nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển chế tạo thiết bị phân tích xách tay đa chỉ tiêu kết nối với cảm biến đo độ dẫn không tiếp xúc.
Khi thấy có tiềm năng ứng dụng của nghiên cứu này tại thị trường Việt Nam, TS.Mai Thanh Đức cùng những người bạn trong nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm ý tưởng khởi nghiệp của mình cùng với diễn đàn CE-Vietnam – Diễn đàn truyền tải và thử nghiệm hướng khoa học công nghệ này tới các trường đại học và các viện nghiên cứu tại Việt Nam (www.CE-Vietnam.com) trong vòng 5 năm (2011-2016) trước khi cho ra đời công ty 3SAnalysis.
3SAnalysis là đơn vị cung ứng trang thiết bị phân tích đa chỉ tiêu giá rẻ (theo nguyên lý điện di mao quản kết nối cảm biến đo không tiếp xúc) CE-C4D cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo (từ đại học tới tiến sỹ) cho khoa Hóa Học của đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội, đại học Kỹ thuật Hưng Yên và đại học Quy Nhơn, nhằm phát triển các ứng dụng : Phân tích nhanh chất lượng nước, kiểm soát an toàn thực phẩm, phân tích pháp y, phân tích y dược…
2. Sản phẩm tiên phong, tính ứng dụng cao, giá thành bình dân
Năm 2015, Các sản phẩm cảm biến đo độ dẫn không tiếp xúc C4D do 3SAnalysis phân phối đã có mặt tại Việt Nam nhằm phát triển ứng dụng kiểm soát an toàn thực phẩm và phân tích y sinh nhằm phát triển các ứng dụng phân tích lâm sàng phục vụ chẩn đoán cho bệnh nhân.
3SAnalysis phối hợp cùng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã phát triển một số quy trình kiểm nghiệm an toàn thực phẩm với một số chỉ tiêu như: chất tạo ngọt (thường được gọi là: đường hóa học), chất tạo nạc, polyphosphate trong giò chả (chất thay thế hàn the),… Cảnh báo về việc sử dụng chất tạo nạc trong thịt lợn tại Việt nam lần đầu tiên được đưa ra trên diễn đàn khoa học thế giới vào năm 2014, do viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, khoa Hóa Học (ĐHKHTN) và công ty 3SAnalysis phối hợp thực hiện.
Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong khu dân cư, TS.Mai Thanh Đức hy vọng phát triển diện rộng kỹ thuật phân tích, kiểm soát chất lượng nguồn nước giá rẻ và đơn giản. Điều này, các thiết bị nhập ngoại thường không đáp ứng được tiêu chí gọn nhẹ, đơn giản để có thể triển khai phân tích tại các trạm tuyến cơ sở, địa phương đặt cạnh nguồn nước cần kiểm tra chất lượng. Bởi vậy, anh đánh giá việc nghiên cứu, chế tạo và đưa vào áp dụng các hệ thiết bị cho phép kiểm tra đồng thời nhiều chỉ tiêu chất lượng nước sẽ có ý nghĩa lớn trong việc giúp đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng, cũng như giúp các cơ quan chức năng trong quá trình giám sát chất lượng môi trường.
Dự án này hiện đang được chương trình Swiss- Blue- Tec- Bridge của Thụy Sĩ hỗ trợ phát triển. Dự án nhằm mục tiêu giảm giá thành phân tích kiểm tra chất lượng nước hộ gia đình (từ trên 1 triệu / mẫu nước (nước máy, nước giếng, nước lọc qua bộ lọc gia đình) cho tất cả các chi tiêu i-ôn cơ bản (nếu sử dụng các thiết bị đo thương phẩm nhập ngoại) xuống còn 200 nghìn đồng/ mẫu.
3. Nghiên cứu bổ trợ cho khởi nghiệp
Bằng trải nghiệm thực tế môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam, TS.Mai Thanh Đức đánh giá đây là môi trường có cơ hội khởi nghiệp nhanh hơn ở Pháp (do thủ tục ít hơn), nhưng không thuận tiện như ở Thụy Sỹ, nơi anh tu nghiệp. Lý do là ngoài thế mạnh về kiến thức, công nghệ, muốn khởi nghiệp thành công ở Việt Nam cần có thêm các kỹ năng mềm khác, đặc biệt là trong việc duy trì các mối quan hệ chiến lược.
Công ty cũng là đơn vị cung ứng trang thiết bị phân tích CE-C4D cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo (từ đại học tới tiến sỹ) cho bộ môn Hóa Phân Tích – khoa Hóa Học (ĐHKHTN). Kỹ thuật CE-C4D được đưa vào chương trình đào tạo thực nghiệm cho sinh viên năm thứ 3 đại học từ tháng 9 / 2015.
Mục đích hướng tới của 3SAnalysis và CE-Việt Nam là vừa đưa vào khởi nghiệp để tạo sản phẩm, một mặt mong muốn đưa vào các dự án khoa học để tạo ra các công trình công bố quốc tế, đồng thời lồng ghép vào giảng dạy tại các trường đại học những kỹ thuật, công nghệ mới của thế giới.
Nhìn lại cả quá trình đã và đang tham gia khởi dựng và phát triển, TS.Mai Thanh Đức luôn tâm niệm rằng khởi nghiệp không bao giờ là muộn, nhưng nếu có thể, nên khởi nghiệp khi còn trẻ, vì tuổi trẻ đâu có gì mất ngoài thời gian, tuy nhiên bạn sẽ nhận lại được rất nhiều thứ khác như kinh nghiệm, các mối quan hệ, kiến thức…
Nhiều nhà kinh doanh, khởi nghiệp lỗi lạc đều đã từng là người làm “khoa học” tỉ mẩn, cầu toàn, ví dụ điển hình là Mark Zuckerberg, là hình ảnh anh hướng đến. Càng lớn tuổi, người ta càng sợ đánh đổi để khởi nghiệp, nhưng với anh, anh luôn thầm cảm ơn gia đình, hậu phương vững chắc luôn đồng hành, ủng hộ những chặng đường mình đã và đang cố gắng chinh phục. Và anh sẽ tiếp tục phấn đấu, với vai trò giảng viên đại học Paris 11, để truyền lửa cho sinh viên và có cơ hội nghiên cứu khoa học để cống hiến nhiều hơn nữa, giúp ích cho nước nhà.
Thực hiện: Yến Lê (LIEN99)
Ảnh: NVCC
Chuyên đề « Khởi nghiệp Việt tại Pháp – Những chia sẻ và kinh nghiệm » giới thiệu đến cộng đồng những ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, táo bạo đã được thực hiện tại Pháp.
Sau mỗi dự án là một đội ngũ người Việt, có thể là sinh viên vừa tốt nghiệp, có thể là những người đã có nhiều kinh nghiệm tích lũy. Họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, và những dự án cũng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những dự án đã được hình thành và đưa vào thực tế như thế nào? Những người Việt tại Pháp với những dự án đổi mới, sáng tạo đã có những kinh nghiệm gì trong quá trình đưa dự án vào thực tế tại Pháp?
Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những bài viết được Ban Truyền thông-Văn hóa của Hội NVNTP thực hiện, người phụ trách chuyên mục: Yến Lê.
Laisser un commentaire