Tuổi thơ có bà, nhớ lắm, bà ơi…

Mẹ kể rằng khi tôi sinh ra được 4 tháng, mẹ bị bệnh nặng phải vào bệnh viện. Bà ngoại tôi đã chăm bẵm nuôi bộ tôi một mình trong khi chị gái tôi được đưa xuống ông ngoại chăm sóc. Bố bảo rằng tôi bám bà lắm, hôm nào bố về thăm để bà về làm việc là tôi rất nhớ bà, cứ đến chiều không thấy bà tôi đâu là tôi khóc. Đến nỗi bố phải nhờ người chạy xuống gọi bà lên, tôi rúc vào nách bà và nín khóc ngay. Bố nghĩ rằng tôi nhớ hơi bà vì đứa trẻ tầm 4 tháng như tôi còn quá bé để nhận ra mọi thứ trừ mùi hương giống như trẻ sơ sinh nhớ mùi bầu sữa mẹ. Và cứ như thế, tôi lớn lên trong sự bao bọc của cả bà và mẹ tôi. Những ký ức của tuổi thơ tôi gắn với bao nhiêu hình ảnh của bà, người đàn bà sinh ra ở thời kỳ phong kiến .

Bà ngoại tôi sinh năm Tân Dậu 1921, nếu bà còn sống thì năm nay bà đã 95 tuổi. Cả đời bà tôi luôn vấn tóc rồi chít khăn mỏ quạ, gội đầu bồ kết. Bà không thích con gái cắt tóc ngắn hay để đầu phi-dê, bà thích nhìn con gái tóc dài đen óng ả.  Bố bà là thầy đồ dạy học chữ Nho, mẹ bà là bà đỡ, nhưng theo lề thói phong kiến ngày xưa bà không được phép học chữ. Sau khi bố bà mất, mẹ bà phải đi lấy chồng, anh trai bà đi học đạo rồi trở thành cha xứ sau này ông mất tại nhà thờ Phát Diệm, bà tôi phải đi ở đợ cho chú ruột là địa chủ từ bé. Những ngày tháng đi ở đắng cay khổ cực vì bà vợ ác độc của chú mỗi khi bà tôi kể lại đều làm sống mũi tôi cay xè. Bố tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, thấu hiểu hết nỗi khổ của bà tôi nên thương bà tôi như mẹ đẻ. Có lần bà ra thăm chúng tôi, bố mời bà uống rượu  ngâm thuốc bắc, hai người trò chuyện rồi cùng nhau khóc tu tu.

.

.

Cả đời bà tôi không biết đọc, không biết viết, đến năm 1985 đổi tiền thì đồng tiền là bao nhiêu bà không biết được. Lúc ông bà còn ở Ninh Bình, bà tôi đi làm đồng rồi dùng bếp rơm nấu cơm cho ông. Sau này khi vào Biên Hòa dùng bếp ga, bếp điện, bà sợ không dám dùng nên ông tôi vừa làm thợ mộc, vừa nấu rượu gạo, vừa cùng uống trà xanh, vừa nấu cơm rồi sửa chữa chuỗi dây trang sức bị tuột ra cho bà. Ông tôi chăm sóc bà tôi, làm việc kiếm tiền rồi kiêm quản lý kinh tế gia đình. Ông đã yêu thương và ở bên bà tôi đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời. Vắng ông tôi, bà buồn đến bỏ cả thói quen uống nước chè xanh suốt tám chục năm trời, rồi bà tôi mất.

Bà tôi giống như những người phụ nữ thời phong kiến không được đi học nhưng bà có trí nhớ rất tuyệt vời. Bà chỉ nghe lỏm bố mình dạy các cậu học trò khi đang nấu cơm quét nhà nhưng bà thuộc rất nhiều câu trong sách Nho giáo. Hai cầu đầu tiên trong Tam tự kinh mà tôi biết được từ lúc bé tí «Nhân chi sơ, tính bản thiện» chính là bà đọc cho tôi nghe. Rồi thì những vở cải lương như Phạm Công Cúc Hoa bà thuộc làu làu. Lúc tôi còn bé, tôi thương bà lắm, tôi và thằng em tôi bảo nhau là không đọc không viết được thì buồn làm sao chịu nổi ? Chúng tôi bảo nhau cùng bắt đầu bằng dạy chữ số cho bà tôi để bà biết mệnh giá đồng tiền trong những ngày đầu tiên bà ra Hải Phòng. Lúc ấy bà đã hơn bảy chục tuổi rồi, đã quá già để bắt đầu với việc học trong khi bọn tôi còn bé và thời gian bà ở với chúng tôi cũng ít. Sau này Bà chỉ phân biệt được một vài tờ tiền mệnh giá nhỏ theo màu sắc thôi mà tiền nước mỉnh thì mẫu mã thay đổi suốt, khổ thân bà.

tải xuống

Lúc nhỏ tôi hay bám theo bà tôi lắm vì lúc nào tôi cũng nhớ bà. Tôi nhớ bà ngay khi bà tôi vừa ở nhà tôi về để nấu cơm cho ông. Có hôm bà tôi vừa ra khỏi cửa tôi đã trốn mẹ tôi đi theo để về nhà bà. Trường tôi học nằm giữa nhà tôi và nhà ông bà nên có hôm tan học tôi về nhà bà luôn chứ không về nhà mình. Có ngày mùa đông, tôi về nhà bà sau giờ học buổi chiều, ông bà đã ăn cơm xong, bà lại đi nấu cơm vào cái nồi đồng xiu xiu cho tôi. Hôm ấy mùi cơm bay lên rất thơm, tôi ăn ngon lành.

Ở với ông bà tôi luôn cảm thấy bình yên và ấm áp, ăn gì uống gì tôi không nhớ nhưng lúc nào cũng thấy ngon miệng. Buổi tối ở nhà ông bà tôi rất vui vẻ và ấm cúng. Khách hay đến nhà chơi sau bữa tối để nói chuyện với ông tôi. Mùa đông ông bà tôi hay sưởi bằng than hoa, chậu than rực hồng thi thoảng nổ tí tách xua tan đi giá lạnh. Đến lúc đi ngủ, chậu than được đưa xuống gầm giường, ngay dưới chỗ tôi nằm. Tôi luôn phàn nàn và không ngừng ngọ ngậy kêu nóng chứ chưa hiểu được đó là tình yêu của ông bà tôi dành cho mình.

Tôi cứ sống những tháng ngày bình yên như thế đến hết lớp 1, ông bà tôi chuyển vào Biên Hòa ở với các cậu tôi. Nếu ông bà tôi không chuyển đi, mẹ tôi không bị ốm, có lẽ nhà tôi đã không chuyển ra Hải phòng. Có khi bây giờ tôi đang là bác sỹ hay y tá ở trạm xá, cũng có khi đang hái rau ngoài vườn nhà tôi ở Ninh Bình. Cuộc đời mỗi người sẽ chuyển theo một hướng hoàn toàn khác nếu ta chỉ thay đổi một chút rất nhỏ trong quá khứ, tôi thường hay nghĩ như thế. Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là nhờ có bà tôi mà mỗi khi tôi nhớ lại những tháng ngày thơ ấu, tôi luôn có một cảm giác dịu dàng, bình yên và ấm áp.  Bà ơi !!!

Nguyễn Nga.

 

About Linh Sam (124 Articles)
Như đứa trẻ luôn tò mò khám phá và tích góp trải nghiệm trên hành trình cuộc sống... Liên hệ: radio.lien99@gmail.com

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :