Tết Nguyên đán – Bàn về nếp cũ, tục xưa
Tết Nguyên Đán là tết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch. Nguyên là bắt đầu. Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến, và bao nhiêu những điều đen tối, không may của năm cũ đều theo năm cũ mà hết.
Theo sử Trung Quốc, âm lịch có từ đời nhà Hạ và lấy tên mười hai chi đặt cho mười hai tháng. Tháng Dần là tháng Giêng được chọn làm tháng đầu năm và người ta ăn Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần. Về sau đến đời nhà Ân, có thay đổi, lấy tháng Sửu làm tháng đầu năm, rồi đến đời nhà Chu sửa lại lấy tháng Tý. Sang đến đời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng lại sửa nữa, lấy tháng Hợi, nhưng đến đời vua Hán Vũ Đế, đầu năm lại bắt đầu từ tháng Dần như đời nhà Hạ, và từ đó không có sự thay đổi nữa.
Thực ra Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, hoa cỏ đua tươi, khiến cho con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả. Người người vui vẻ đón mùa xuân mới, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn mới. Ai cũng vui nên không ai bảo ai, gặp nhau người ta đều cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.
Giao thừa
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc giao thừa. Lẽ trời đất có khởi thủy phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa. Giao thừa là gì? Theo Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.
Lễ trừ tịch
Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29 tháng Chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng một tháng Giêng năm sau. Vào lúc này, dân chúng Việt Nam tuân theo cổ lệ có làm lễ trừ tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở, cũ kỹ của năm sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.
Lễ trừ tịch theo người Tàu, còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc 9 – 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “Trừ tịch”. Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ giao thừa.
Cúng ai trong lễ giao thừa?
Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong tục viết:
“Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới”. Cúng tế cốt ở tâm thành, và lễ cúng vào giữa nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương thay đức Ngọc Hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa năm sau.
Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại, tống cựu nghinh tân, nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa. Những năm về trước, trong giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ luôn không ngớt, truyền từ nhà này sang nhà khác, khắp kẻ chợ, nhà quê.
Sửa lễ giao thừa
Tại các đình, miếu, cũng như tại các tư gia, lễ giao thừa đều có cúng mặn. Các ông thủ từ lo ở đình, miếu, còn tại các tư gia do người gia trưởng trù liệu. Xưa kia người ta cúng giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc thủ từ đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng cúng giao thừa ở thôn xóm nữa. Lễ giao thừa ở các thôn xóm được tổ chức hoặc tại các văn chỉ nếu văn chỉ làng xây tại xóm, nếu không thì cũng tổ chức ngay ở tại điếm canh đầu xóm. ở đây, vị được cử ra để làm chủ lễ là vị Niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn xóm.
Bàn thờ giao thừa thiết lập ở giữa trời.
Một chiếc hương án được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thắp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm cổ mũ của vị Đại Vương hành khiển. Lễ quý hồ thành, bất quý hồ đa, nhưng dù nhiều ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi tùy tục địa phương, và nhất là không quên được rượu, vì vô tửu bất thành lễ.
Lễ vật được trần thiết trên hương án trước giờ trừ tịch
Đến giờ phút này, chuông trống vang lên, ông chủ ra khấu lễ, rồi dân chúng kế đó lễ theo, với tất cả sự tin tưởng ở vị tân vương hành khiển, cầu xin ngài phù hộ độ trì cho được một năm may mắn, bao nhiêu sự không may năm trước sẽ qua hết.
Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ thành hoàng hoặc vị phúc thần tại vị nữa. Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật là đồ chay, và đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng Đức Ông tại chùa. Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố chật chội không có sân, cũng một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên.
Ngày nay ở thôn quê, rất ít nơi còn cúng lễ giao thừa ở các thôn xóm, ngoài lễ cúng tại đình đền. Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng lễ giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ Phật thì thật giản tiện. Có khi chỉ đặt lên trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương!
Có nhiều gia đình lại quá giản tiện hơn, hương thắp đặt ngay trên mâm lễ, hoặc cắm vào khe nải chuối dùng làm đồ lễ!
Đại vương hành khiển và Phán quan
Theo quan niệm xưa mười hai vị đại vương, mỗi ông cai trị một năm cõi nhân gian là Thập nhị hành khiển vương hiệu, tính theo thập nhị chi, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Hết năm Hợi lại quay trở lại năm Tý với Đại vương hành khiển của mười hai năm về trước. Các vị đại vương này còn được gọi là đương niên chi thần, mỗi vị có trách nhiệm như trên đã nói là cai trị thế gian trong toàn niên, xem xét mọi việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế.
Mười hai vị đại vương hành khiển đều có một vị Phán quan giúp việc.
Vị đại vương hành khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế, trình lên Ngọc Hoàng những việc xảy ra. Còn vị Phán quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã, mọi quốc gia.
Trong các vị hành khiển vương hiệu, có vị nhân đức, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nhiều năm có các loạn thiên thời, loạn đao binh, nạn thủy tai, hỏa tai… tục cũ tin rằng đó là do các vị đại vương hành khiển trừng phạt nhân gian vì tội lỗi của mọi người.
Văn khấn lễ giao thừa
Như trên đã trình bày, lễ giao thừa là lễ “tống cựu nghinh tân”, tiễn vị đại vương hành khiển cũ và đón vị mới. Có lễ nghi phải có văn khấn, cũng như ăn phải có mời.
Lễ cúng thổ công
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà, thường được gọi là “Đệ nhất gia chi chủ”. Lễ vật cũng tương tự như lễ cúng giao thừa nghĩa là gồm trầu rượu, nước, đèn nhang, vàng bạc, hoa quả cùng các thực phẩm: xôi, gà, bánh, mứt, v.v…
Mấy tục lệ trong đêm trừ tịch
Bắt đầu lúc lễ giao thừa là năm cũ đã hết và đã bước sang năm mới. Kể từ giờ phút này là giờ phút của Tết Nguyên Đán.
Theo người xưa, trong đêm giao thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong, ta có những tục lệ riêng, mà cho tới ngày nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.
Lễ chùa, đình, đền
Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
Kén hương xuất hành
Khi đi lễ, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp sự may mắn quanh năm.
Ngày nay ở nông thôn, đi lễ là người ta đi, ít người kén giờ và kén hướng. Các đền chùa, trong đêm trừ tịch luôn luôn có thiện nam tín nữ tới lễ bái, có nơi rất đông phải chen chúc nhau.
Hái lộc
Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là “lấy lộc” của Trời đất Thần Phật ban cho. Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Với tin tưởng lộc hái trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, xưa kia người dân Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn. Tục hái lộc là một tục tốt đẹp. Ngày nay có nhiều người khi đi lễ trong đêm trừ tịch vác cả dao búa đi đẵn cây trong vòng các đình, đền, chùa, miếu, thật ra người ta đã biến tục lệ tốt đẹp trên thành một tai hại cho các nơi thờ tự vậy.
Về tục “xuất hành” cũng như tục “hái lộc” có nhiều người không đi trong đêm giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tốt trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể được một năm hoàn toàn may mắn.
Hương lộc
Có nhiều người trong lúc đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ công tại nhà. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt, tốt lộc quanh năm.
Trong lúc mang hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nắm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.
Xông nhà
Thường cúng giao thừa ở nhà xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Gia đình có nhiều người, thường người ta kén một người “dễ vía” ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc ở thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành lộc về.
Lúc trở về đã sang năm mới, người này đã tự “xông nhà” cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình theo quan điểm của ông bà xưa.
Đi xông nhà như vậy tránh được sự phải nhờ một người tốt vía khác đến xông nhà cho mình.
Nếu không có người nhà dễ vía để xông nhà lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một Tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem sự dễ dãi may mắn lại.
Tục lệ về Tết nguyên đán
Ở trên, mới nói về trừ tịch và mấy tục lệ trong đêm giao thừa. Thực ra với ngày Tết Nguyên Đán dân ta có những tục lệ trước và sau lễ trừ tịch.
Người dân Việt thuần túy rất tha thiết với Tết, nhất là ở nông thôn. Quanh năm vất vả, Tết mới là dịp nghỉ ngơi. Bao nhiêu lo nghĩ người ta gác lại một bên để hưởng thú xuân cho đầy đủ. Cảnh xuân muôn hồng ngàn tía, pháo xuân rền nổ rắc hồng trên ngõ, nhất là ở miền Trung và miền Bắc, thêm mưa xuân phơi phới, thử hỏi ai là người không xúc cảm trước cảnh xuân, trước màu Tết.
Người ta đón Tết một cách nồng nàn, người ta đợi Tết một cách trịnh trọng, người ta vui Tết một cách náo nhiệt hân hoan. Từ ngàn xưa, những tục lệ ngày Tết vẫn làm cho Tết thêm ý nghĩa và cũng một phần nào tăng niềm vui phấn khởi cho con người lúc xuân sang.
Sửa soạn ngày Tết
Tết Nguyên Đán tuy bắt đầu từ mồng một tháng Giêng, nhưng sự thực người ta đã sửa soạn ngày Tết ngay từ đầu tháng Chạp.
Nhà nhà lo mua gạo nếp, đậu xanh để đến ngày gần Tết gói bánh chưng, và tại nhiều vùng, gói bánh chưng bằng lá dong, người ta phải mua lá về, đem luộc chín, bó vào các cột nhà, để khi gói bánh thì dùng. Gói bánh bằng lá chín dễ gói, nhưng bánh bóc ra kém màu xanh. Nhiều nơi gói bằng lá sống, họ không luộc lá, nhưng độ ngoài rằm tháng Chạp họ đã phải mua sẵn sợ đến khi giáp Tết giá sẽ cao và có khi không có.
Người ta cũng sửa soạn cho vại dưa hành ngay từ đầu tháng Chạp vì dưa hành cần muối sớm đến Tết mới kịp ăn. Và người ta cũng lo sắm sửa những phẩm vật dùng cho ngày Tết, mua sẵn gà qué thả trong vườn, rủ nhau chung đụng để ngày Tết rủ nhau mổ lợn.
Người ta sắm sẵn vàng hương dùng để cúng ở trong nhà cũng như dùng để gửi Tết, và người ta cũng mua sẵn những bánh mứt hoa quả, một phần dành cho gia đình, một phần gửi Tết, một phần mang Tết đến những người mình chịu ơn như thầy học, ông lang, chủ nợ v.v…
Người ta cũng lo tới bộ quần áo ngày Tết, nhất là đối với các cô gái mới lớn, ngày xuân là dịp các cô chưng diện để dân làng nhìn vào, có cậu nào vừa mắt muốn “giương cung bắn sẻ”.
Dân làng cũng sửa soạn Tết chung cho cả làng, trù tính việc mở hội đầu năm, việc cúng thần ngày Tết.
Và các em cũng rối rít lo Tết, thúc giục bố mẹ may quần áo mới và mấy ngày gần Tết đi chơi chợ Tết mua tranh mua pháo.
Trang hoàng nhà cửa
Tết là bắt đầu cho một năm. Người ta phải đón xuân trong một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ và đẹp đẽ. Do đó, trước ngày Tết, nhà nào cũng lau quét cửa nhà, trang hoàng trong nhà cho xứng với năm mới.
Con cháu lau chùi lại các đồ thờ. Những đồ đồng được đem đánh bóng. Án thư mâm bàn đều lau rửa lại kỹ lưỡng cùng với tất cả các vật khác kể cả hoành phi câu đối. Những đôi câu đối đã cũ được thay bằng những đôi câu đối mới, những đôi liễn mới.
Bàn thờ được cắm thêm hoa, các y môn được đem giặt lại hoặc thay thế.
Từ trong nhà đến ngoài cửa, chỗ nào trông cũng như mới, thật ăn khớp với khung cảnh tưng bừng của mùa xuân với mưa phùn lấm tấm, với lời chúc tụng nhau tốt đẹp trong ngày Tết.
Đây là chưa nói đến trên tường, ngoài cổng còn có dán những tranh Tết, tranh đàn gà mẹ con, tranh lý ngư vọng nguyệt, tranh hứng dừa, tranh thầy đồ Cóc, đám cưới chuột, tranh tiến tài tiến lộc, tranh gà gáy sáng v.v…
Gửi Tết
Hàng năm gần ngày Tết đến, nghĩ tới tổ tiên, con cháu, những người đã ở riêng hoặc thuộc các ngành thứ, đều phải gửi Tết tới nhà trưởng, tức là người có trách nhiệm giữ giỗ Tết các bậc đã qua đời. Gửi Tết tức là đem đồ lễ đến nhà gia trưởng để người gia trưởng cúng tổ tiên trong dịp Tết. Thường đồ lễ bao giờ cũng có vàng hương. Tùy theo tình liên lạc gia đình, có những thứ vàng riêng dùng trong việc gửi Tết.
Những ngành trực thống phải gửi vàng hoa, còn những ngành khác dùng vàng hồ hoặc vàng lá. Vàng hoa làm bằng toàn giấy màu vàng, làm kỹ lưỡng có mặt kính, có trang kim óng ánh, tượng trưng cho vàng thoi, do đó mỗi nghìn vàng là một nghìn thoi nhỏ. Vàng hồ là một thứ vàng gồm một phần ba những thoi vàng ở lớp trên làm bằng giấy bổi vàng và hai phần ba lớp dưới là những thoi bạc làm bằng giấy bổi trắng có mặt kính nhưng ít hơn, hoặc có khi không có.
Những ngành trực thống, ngoài vàng hương, còn phải gửi Tết thêm bánh mứt, gạo nếp, gà. Người gia trưởng sẽ dùng những đồ lễ gửi Tết của các ngành thứ cúng tổ tiên trong mấy ngày Tết. Lẽ tất nhiên bao giờ người gia trưởng cũng phải chi tiêu thêm, nhưng những đồ lễ gửi Tết bao giờ cũng đem cúng hết trong dịp Tết.
Con cháu gửi Tết để tỏ lòng nhớ ơn và kính mến tổ tiên. Tục này cũng thắt chặt thêm mối dây liên lạc giữa những người trong quyến thuộc xa gần.
“Cây có gốc mới nở nhành sinh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có tổ tiên trước rồi sau có mình”
Biếu Tết
Cùng với việc gửi Tết nhà trưởng, người ta cũng nghĩ đến việc biếu Tết. Đây là dịp để người ta trả ơn những người đã có công với mình:
– Học trò biếu Tết thầy học,
– Con bệnh biếu Tết ông lang,
– Bạn bè biếu Tết lẫn nhau,
– Kẻ dưới biếu bề trên v.v…
Trong việc biếu Tết này, quà biếu thường chẳng đáng bao nhiêu, nhưng tấm chân thành thật là đáng kể. Tôi không nói đến những trường hợp con cháu biếu Tết ông bà cha mẹ, việc biếu Tết này có thể coi như gửi Tết, nhưng chỉ nói đến những trường hợp khác để nhắc lại tục lệ lấy ân tình ràng buộc.
Thầy dạy học, hàng năm đã có lương vua, hoặc như ngày nay đã có lương chính phủ, nhưng Tết đến học trò không bao giờ quên thầy, nói chi đến những ông đồ dạy học quanh năm không có lương vua hoặc lương chính phủ, ngày Tết học trò có bổn phận phải nghĩ đến thầy, và phải nghĩ đến một cách rất chu đáo.
Các ông lang chữa bệnh thì lấy tiền, vậy mà con bệnh, nhờ được ông lang chữa cho khỏi bệnh, tuy đã trả tiền ông lang, nhưng cũng không bao giờ quên ơn ông đã cứu mình thoát bệnh. Hàng năm, mỗi lần Tết đến con bệnh nhớ tới ông lang, và ít nhiều cũng kiếm chút lễ mọn tới Tết ông lang để tỏ lòng biết ơn. Con nợ biếu Tết chủ nợ phần vì sự giúp đỡ của chủ nợ đã cho mình vay tiền trong lúc túng thiếu và cũng nhân dịp để khất nợ. Dân biếu Tết quan, kẻ dưới biếu Tết người trên đều là vì tình cảm ân nghĩa, không ai bắt buộc ai nhưng ai cũng nghĩ tới sự ăn ở sao cho phải đối với những người đã có ơn đối với mình. Bạn bè biếu Tết nhau cũng vậy, đây là những dịp để chứng tỏ sự quý mến bạn hữu đối với nhau, nghĩ đến nhau.
Tôi tưởng cũng nên nói tới trường hợp các chàng rể chưa cưới biếu Tết bố mẹ vợ tương lai. Biếu Tết thật là trịnh trọng để tỏ lòng biết ơn các người đã sinh ra vị hôn thê của mình. Sau khi cưới được vợ rồi, hàng năm các chàng rể cũng không bao giờ quên Tết bố mẹ vợ.
Bữa tiệc tất niên
Các bạn hàng buôn bán sống với nhau thành phường, những công chức cùng làm tại một dinh, một sở, nhân ngày Tết đến đều có bữa tiệc tất niên để cùng nhau họp mặt trước khi chia tay về ăn Tết.
Các bạn hàng trong buổi tất niên này có sửa lễ cúng thánh sư rồi cùng nhau ăn uống.
Các công chức nơi công sở lấy bữa ăn tiệc tất niên để cùng vui và nhân đó chúc Tết nhau trước rồi ai nấy về quê ăn Tết.
Buổi học tất niên
Tại các lớp học, có buổi học tất niên. Nhân buổi học này, học trò chúc Tết thầy, và thầy gửi lời chúc Tết bố mẹ học sinh và cùng chúc nhau cả học sinh một cái Tết vui vẻ.
Trong buổi học tất niên này, thầy trò thường đem những chuyện trong niên học ra nhắc lại, và cùng nhau nói về chuyện Tết thay vì học hành như những buổi học trước.
Phiên chợ trẻ con và phiên chợ Tết
Đây là phiên chợ họp sau phiên chợ cuối của năm, thường vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp. Gọi là “Phiên chợ trẻ con”, vì dân quê, trong ngày phiên chợ này, chợ nào họp ngày nào thường đã thành lệ, bố mẹ cho trẻ con tiền để đi sắm Tết, tức là đi mua tranh mua đồ chơi Tết.
Cần phân biệt phiên chợ trẻ con với phiên chợ Tết. Phiên chợ Tết là phiên chợ cuối cùng của năm, tùy theo từng chợ họp từ ngày 26 đến 30 tháng Chạp. Chợ vùng quê họp một tháng sáu phiên, chợ làng này vào ngày một ngày sáu, chợ lân cận vào ngày hai ngày bảy, chợ một làng thứ ba vào ngày ba ngày tám, rồi một chợ vào ngày bốn ngày chín, lại một chợ vào ngày năm ngày mười. Trong một vùng mỗi ngày thường có hai, ba chợ họp, và ngày hôm sau lại hai, ba chợ khác. Phiên chợ Tết sớm nhất vào ngày 26 tháng Chạp đối với những chợ ngày họp là ngày một và ngày sáu, và phiên chợ Tết muộn nhất vào ngày 30, hay nếu tháng thiếu vào ngày 29 tháng Chạp đối với những chợ ngày họp là ngày bốn ngày chín hoặc ngày năm ngày mười.
Trong phiên chợ Tết, người bán hàng muốn bán hết hàng, nhất là trong những phiên chợ vào mấy ngày 29, 30 Tết, và người sắm Tết cũng cố mua cho đủ những cái gì còn thiếu.
Các ông đồ, nhân dịp phiên chợ Tết cũng đem bán chữ. Người ta nhờ các ông viết cho những đôi câu đối, những bức đại tự v.v…
Thăm mộ gia tiên
Tây phương thường cho ta gần người chết hơn họ. Thực vậy, thi hài của tổ tiên ta thường mai táng ngay giữa thửa ruộng mảnh vườn của chúng ta, và quanh năm trong những dịp vui mừng hay tang tóc, chúng ta đều khấn tới gia tiên, đều đi viếng mộ để đắp thêm mấy vầng đất, cắm mấy nén hương.
Và Tết, vui xuân, người Việt cũng muốn gia tiên về hưởng Tết. Bởi vậy, ở nhiều nơi, sau khi sắm sửa Tết xong người ta có tục đi viếng mộ, đắp lại mộ, thắp hương khấn mời hương hồn những người đã quá cố về hưởng Tết.
Súc sắc súc sẻ
Tối hôm 30 Tết, ngày xưa tại các làng xã, các trẻ em nghèo, họp nhau thành từng bọn rủ nhau đi chúc Tết, tuy chưa hẳn là ngày Tết.
Các em, mỗi bọn có một chiếc ống trong đựng tiền, thường là ống tre. Các em tới từng gia đình, và các em cùng nhau hát, vừa hát vừa lắc ống tiền:
“Súc sắc súc sẻ,
Nhà nào còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho chúng tôi vào:
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng ấp;
Bước xuống giường thấp,
Thấy đôi rồng chầu;
Bước ra đằng sau
Thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn nằm.
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành:
Những con như tranh,
Những con như rối.
Tôi ngồi xó tối.
Tôi đối một câu.
Đối rằng:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ:
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh
Các em vừa súc sắc súc sẻ vừa hát, trong lúc gia đình chủ nhà chăm chú nghe, và sau câu hát gia đình nào cũng tặng các em chút ít tiền, tiền đó các em bỏ luôn vào ống. Tục cho rằng, các em đến đem sự may mắn lại. Không gia đình nào không tặng tiền các em. Nhiều ít ai cũng tặng các em một số tiền trước khi các em rời sang nhà khác.
Đòi nợ cuối năm
Các chủ nợ có lệ cuối năm thường thúc con nợ, cố đòi cho được số tiền đã cho vay, dù rằng đòi được tiền về để đấy. Người ta cho rằng, nếu không đòi được tiền trước giao thừa, ngày hôm sau, món tiền đã ra nợ cũ, và ngày mồng một đầu năm và những ngày sau nữa, người ta không dám đòi nợ, vì con nợ kiêng “sợ giông”. Đòi nợ vào ngày Tết, không những con nợ không trả nợ, mà có khi còn mắng lại chủ nợ vì không biết kiêng cho mình. Tục lệ như vậy nên cái ngày tất niên này, những người có nợ làm ăn kém may mắn không có tiền trả mà khất chủ nợ không chịu, đành phải đi trốn nợ cho đến lúc giao thừa mới trở về.
Ta có câu: “Khôn ngoan, đến cửa quan mới biết, Giàu có, ba mươi Tết mới hay”
Đến cửa quan, người khôn ngoan đủ lý lẽ để đối đáp còn người giàu có, 30 Tết không có chủ nợ tới ngõ thúc.
Cúng gia tiên
Chiều 30 Tết, mọi việc sửa soạn đã xong xuôi, sau khi đã đi viếng mộ gia tiên về, người ta sửa lễ cúng gia tiên, và sau đó đèn nhang, nhất là nhang phải giữ thắp suốt mấy ngày Tết cho tới khi hóa vàng.
Trong mấy ngày này, trên bàn thờ luôn luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Để giữ cho hương khỏi bị tắt, từ chiều 30 Tết, người ta thường dùng hương vòng hoặc hương sào. Hương vòng là một cuộn hương thắp được suốt đêm tới sáng, còn hương sào là một cây hương thật to, có thể thắp được suốt ngày đêm mới hết.
Ta cúng gia tiên lúc chiều 30 Tết, bởi vậy, lúc cúng giao thừa, ta không cúng gia tiên nữa.
Cùng với lễ cúng gia tiên, lẽ tất nhiên phải có cúng Thổ công.
Cúng gia tiên 30 Tết, sáng ngày mồng một cũng lại cúng. Và trong mấy ngày Tết cho đến khi hóa vàng, ngày hai buổi có lễ cúng gia tiên.
Chúc Tết
Sáng ngày mồng một, các cụ sau khi đã làm lễ tổ tiên xong, ngồi ở nhà thờ để con cháu tới lạy mừng chúc Tết. Con cháu chúc các cụ một năm mạnh khỏe bình yên khang thái. Các cụ cũng chúc lại con cháu những điều tốt đẹp.
Trong lúc chúc Tết các cụ, con cháu thường dâng các cụ hoặc một món quà Tết như bánh trái, hoặc một món tiền đặt trong một bao giấy hồng. Tiền này gọi là “tiền mở hàng” đem may mắn lại cho các cụ. Các cụ cũng mở hàng lại cho con cháu. Tiền mở hàng của cụ cho con cháu gọi là tiền mừng tuổi (lì xì). Giàu nghèo các cụ cũng mừng tuổi cho con cháu, giàu thì nhiều tiền, nghèo cũng mừng tuổi tượng trưng một vài đồng tiền để cho con cháu được gặp tốt đẹp quanh năm.
Chúc Tết vọng
Thuở xưa, tại triều đình, nhân ngày Nguyên Đán, các quan đại thần họp nhau lại chúc Tết nhà vua. Tại các tỉnh, các quan tỉnh cũng cùng nhau họp tại vọng cung để chúc Tết vọng nhà vua.
Đối với những người ở xa xôi không về tận nhà, đến tận nơi chúc Tết được, người ta thường dùng thư để chúc Tết, đây cũng là một lối chúc vọng, như ngày nay người ta dùng thiếp gửi cho nhau để chúc mừng năm mới vậy.
Tục mừng tuổi
Với năm mới, người ta thêm một tuổi. Đó là một điều đáng mừng: đối với người già là tăng thêm tuổi thọ, đối với các em bé là thêm tuổi để thêm lớn. Bởi vậy, như trên đã trình bày, trong lúc chúc Tết người ta có lệ “mừng tuổi”.
Tiền mừng tuổi phong bao trong những giấy hồng, bao giờ cũng có tiền lẻ có ý là tiền đó sinh sôi nảy nở thêm nhiều. Tiền mừng tuổi còn gọi là “tiền mở hàng để lấy may”. Bạn bè gặp nhau cũng thường “mở hàng” cho nhau để lấy may mắn. Tiền mở hàng, người ta thường giữ cất đi, ít khi lấy ra tiêu dùng, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Trong Nam mừng tuổi các trẻ em gọi là lì xì.
Tục xông nhà
Tục này đã trình bày ở trên khi nói về mấy tục lệ trong đêm trừ tịch.
Trong trường hợp, người nhà không có ai tự xông nhà lấy, người ta phải kén người xông nhà. Người được kén là người “tốt vía” là đàn ông nhanh nhẹn dễ dãi để sáng mồng một tới xông nhà, mang lại ảnh hưởng tốt đẹp cho nhà chủ quanh năm.
Người đến xông nhà, chúc tụng nhà chủ những điều may mắn quanh năm. Nhà chủ cũng chúc tụng lại khách xông nhà và cảm ơn khách đã mang lại sự may mắn cho nhà mình.
Xông nhà còn được gọi là “xông đất”. Nay không còn.
Tục xuất hành
Tục này cũng đã trình bày ở trên về tục lệ đêm trừ tịch, nhưng có nhiều người không xuất hành vào đêm trừ tịch, mà người ta còn kén ngày kén giờ.
Những người làm ăn quanh năm phải ra đi, nhân ngày Tết thường chọn ngày giờ để xuất hành và thường người ta đi ra khỏi đất làng xã mình, hay ít nhất cũng ra khỏi thôn mình.
Người ta chọn hướng, theo quan niệm cũ, mỗi năm chỉ có một hướng hợp. Ra đi theo hướng tốt bằng một lối và lúc trở về làng mình lại theo một lối khác. Không ai xuất hành nghịch hướng vì e gặp sự không may mắn trong năm. Người ta lại kén ngày kén giờ, vì trong ba ngày đầu năm có ngày xấu, có ngày tốt, và một ngày có giờ xấu có giờ tốt. Người kiêng kỹ chỉ xuất hành nhằm hôm tốt ngày vào giờ hoàng đạo.
Trong một làng, thường thường dân làng theo một hướng xuất hành, cùng đi trên một nẻo đường. Họ gặp nhau vui vẻ lắm, chúc tụng lẫn nhau, nói nói cười cười, áo quần xúng xính. Đi xuất hành, người ta đồng thời hái lộc như đã nói ở trên. Đến nay hiện tượng này hầu như không còn.
Lễ Tết
Dân ta thờ phụng tổ tiên. Người ta thờ phụng tổ tiên nhà mình, lại tôn trọng cả tổ tiên người khác. Nhân ngày Tết, người ta đến nhà nhau, trước là để lễ Tết, sau là để chúc tụng lẫn nhau. Việc lễ Tết các cụ là một việc rất hệ trọng. Ngày Tết, các cụ đi lễ hết các nhà họ xa họ gần trong làng, và khắp hết các nhà lân bang hàng xóm. Các cụ đi không hết, các cụ cắt con cháu đi thay.
Đừng ai tưởng đi lễ Tết như vậy là nhẹ nhàng. Rất mệt. Thuở xưa đến mỗi nhà phải trước bàn thờ bốn lễ, ba vái, phải lên gối, xuống gối cúi đầu. Có nhiều nhà có ông bà mới mất, thờ riêng một bàn thờ, khách đến lễ Tết phải lễ cả bàn thờ này. Đi lễ như vậy, đi suốt buổi, khắp họ hàng bè bạn, hàng ngày phải “lên gối xuống gối” mấy trăm lần. Tới mỗi nhà lại chúc Tết nói chuyện, ăn trầu uống nước. Có nhà lại ép mời khách nếm bánh chưng, xơi chè bánh nóng, mứt kẹo do nhà làm ra. Khách không dám từ chối vì sợ làm “giông” chủ nhà.
Người mỏi mệt vì lễ bái, bụng luôn no vì ăn uống, môi cắn chỉ vì nhai trầu. Lại thêm suốt ngày phải bận quần áo chỉnh tề, khăn đóng áo dài, chân đi giày đi dép. Tuy vậy, vẫn không ai nhãng việc Tết. Đây là một bổn phận đối với họ hàng bè bạn. Người ta đến lễ tổ tiên mình, mình phải đáp lễ.
Đi lễ Tết không như ngày nay đi chúc Tết ở thành thị. Ở thành thị, bây giờ người ta đến chúc Tết nhau vì xã giao, còn xưa kia, mục đích chính của việc đi chúc Tết là lễ Tết trước rồi mới chúc Tết sau. Con rể đến lễ Tết nhà bố mẹ vợ, học trò đến lễ Tết nhà thầy, người dưới đến lễ Tết nhà người trên, kẻ hàm ơn đến lễ Tết nhà người đã ra ơn cho mình…
Khai bút
Nhà văn, nhà thơ thường có lệ khai bút đầu năm vào ngày Nguyên Đán. Các văn nhân, thi sĩ sẵn sàng son mực bút nghiên giấy tờ, đốt bình trầm trước án thư kén giờ hoàng đạo khai bút viết văn làm thơ. Thơ làm xong, gặp có khách đến nhà hoặc khi đến bạn hữu chúc Tết, người nọ đọc cho người kia nghe rồi cùng ngâm vịnh.
Kiêng quét nhà
Trong ngày Nguyên Đán, người ta kiêng quét nhà, và nếu nhà cửa có bẩn quá, người ta chỉ quét sơ. Vun rác vào một xó, đợi ra ngoài ngày rồi mới đem đổ. Tục này do ở trong Sưu Thần Ký về sự tích thần Tài mà ra. Nay không còn.
Những điều kiêng khác
Ngày Tết còn rất nhiều điều kiêng cữ theo thói tục cũ, như: Kiêng mặc áo trắng, e có điều tang tóc. Kiêng nói tiếng “khỉ” e làm ăn xúi quẩy. Kiêng nói những điều tục tĩu, kiêng nhắc tới những chuyện chết chóc v.v…
Hóa vàng
Sau ba ngày Tết, sáng mồng bốn, người ta cúng tiễn các cụ và “hóa vàng”. Bao nhiêu vàng đã cúng trong ngày Tết, do người gia trưởng mua hay do con cháu và các ngành thứ đem gửi Tết đều được đem đốt sau tuần cúng tiễn các cụ. Những nghìn vàng dành riêng cho người mới chết trong năm qua sẽ được hóa riêng một đống. Khi vàng hóa gần hết, người ta đổ vào những đống tro vàng, mỗi đống một chén rượu cúng. Tục tin rằng có như vậy ở dưới cõi âm các cụ mới “nhận” được vàng, và vàng mã mới biến thành vàng tiêu được ở nơi âm phủ.
Rồi người ta đem hai cây mía đã mua trong năm và đã để thờ trong ba ngày Tết ra hơ trên những đống tàn vàng còn đang đỏ ối. Hai cây mía đó, theo tín ngưỡng xưa, người ta bảo là gậy của các cụ. Các cụ sẽ dùng hai cây mía này để “gánh” vàng về cõi âm, và cũng dùng làm khí giới chống lại bọn quỉ sứ muốn ăn cướp vàng.
Lễ “hóa vàng” chấm dứt ngày Tết tại các gia đình. Trong buổi cúng tiễn các cụ ngày mồng bốn, các con cháu thường tề tựu tại nhà gia trưởng, và sau lễ “hóa vàng” họ cùng nhau ăn uống để kết thúc ngày Tết. Sau bữa cơm hóa vàng này, những con cháu làm ăn nơi xa lại ai đi phương nấy.
Ngày nay, một số nơi còn giữ tục này thì thường người ta hóa vàng sớm hơn, nhất là tại các đô thị, rất ít nhà cúng các cụ cho hết mấy ngày Tết.
Viếng mộ đầu xuân
Có nơi thay vì đi thăm mộ trước Tết, người ta đợi đầu xuân sau khi hóa vàng tiễn các cụ, mới cùng nhau đi viếng mộ. Phần đông gia đình, già trẻ lớn bé đều đi viếng mộ hết. Gia đình nào cũng mang theo hương để cắm lên mộ, mang theo vàng lá để đốt tại mộ, và nhất là mang theo cuốc xẻng đi đắp lại các nấm mộ cho cao, vun lại các nấm mộ cho đẹp, đánh nhổ hết những khóm cây dại mọc lấn vào mộ.
Ở nghĩa địa đủ nam phụ lão ấu với áo màu sặc sỡ của ngày xuân. Thăm mộ là một tục rất đẹp và có ý nghĩa. Tục này còn, gia đình còn và con người sẽ không bao giờ “mất gốc”.
Tết Nguyên Đán là Tết trọng đại nhất trong năm. Với Tết này không những người ta thêm tuổi mà chính là một dịp để có sự đoàn tụ toàn thể gia đình sau một năm mỗi người mỗi ngả. Cũng là dịp để nhớ lại công đức tổ tiên đã tạo dựng nên trong mỗi gia đình.
Toan Ánh
Nguồn: Nếp Cũ – Lễ Tết, Hội,Hè
Laisser un commentaire