Những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Việt Nam
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tổ chức chính thức ghi nhận các kỷ lục của Việt Nam, đã công bố 10 điểm du lịch tâm linh nhất của Việt Nam từ Bắc vào Nam, luôn là những địa điểm hành hương quan trọng và có ý nghĩa nhất với người Việt Nam dù mộ đạo hay không, cũng như là những biểu tượng tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa cao tiêu biểu cho tâm linh, tín ngưỡng Việt Nam trong dòng lịch sử. Được sự đồng ý của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn giới thiệu và hình ảnh các địa điểm này.
Thông tin và hình ảnh : Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – kyluc.vn
1. Chùa Một Cột – Hà Nội
Chùa Một Cột hay còn gọi là chùa Diên Hựu, tọa lạc tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Chùa được xây dựng năm 1049 thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền, vua Lý Thái Tông khi đã cao tuổi nhưng vẫn chưa có con trai nối nghiệp nên thường đến các chùa trong kinh thành cầu tự. Thế rồi, một đêm kia, ngài nằm mộng thấy Phật Bà Quan Âm hiện trên một đài hoa sen trong một hồ nước. Phật Bà tay bế một đứa con trai trao cho nhà vua… Tỉnh dậy nhà vua lấy làm lạ nhưng không lâu sau đó, hoàng hậu thụ thai và sinh một người con trai khôi ngô tuấn tú…
Nhớ ơn đấng từ bi, nhà vua cho xây một ngôi chùa chỉ có một cột, dáng dấp như đài sen mà nhà vua đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quán Thế Âm, đặt tên là Diên Hựu tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi chùa này là chùa Một Cột. Chùa Một Cột tuy nhỏ nhưng kiến trúc độc đáo, trông như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên. Chùa đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập kỷ lục Châu Á năm 2012.
2. Danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) – Hà Nội
Tọa lạc trên một vùng rừng núi rộng lớn ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), khu Di tích danh thắng Hương Sơn cách trung tâm thành phố Hà Nội 70km.
Phong cảnh Hương Sơn đẹp tuyệt vời với núi cao, rừng thẳm và sông suối trong xanh. Bên cạnh đó là những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, hài hòa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động chẳng nơi nào có được.
Khu di dích danh thắng Hương Sơn trải dài trên 3 tuyến: Hương Tích là tuyến chính đi qua nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: chùa Thiên Trù, chùa động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và sau cùng là chùa động Hương Tích. Tuyến 2 là Tuyết Sơn: tuyến này có núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng… chùa Bảo Đài, chùa động Tuyết Sơn… Tuyến thứ 3 là Long Vân: đi thăm đền Trình, chùa Long Vân, động Long Vân, chùa Cây Khế… và đặc biệt tham quan hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ quý chưa được khai quật.
Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Thiên Trù và động Hương Tích, vì nơi này là hai điểm tâm linh sáng chói và cũng là hai thắng tích độc đáo, tuyệt vời nhất của tổng thể danh lam thắng cảnh chùa Hương.
3.Danh thắng – Danh lam Yên Tử (Quảng Ninh)
Yên Tử trước hết là một danh sơn độc đáo của Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các vị hoàng đế anh hùng và các thiền sư ngộ đạo.
Với mây trắng quanh năm thường ôm lấy đỉnh núi nên nhìn xa xa Yên Tử trông như một kỳ quan đang bềnh bồng giữa hư và thực…
4.Chùa Đồng Yên Tử
Cảnh trí thiên nhiên toàn vùng Yên Tử sơn đẹp tuyệt vời với những chùa, am, tháp cổ nằm trong phạm vi gần 2.700 ha rừng.
Huệ Quang Kim tháp hay Tháp Tổ có bệ tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí dây hoa, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa, vẻ mặt thanh cao, trí huệ, cảm thông và dung dị. Cả pho tượng thờ cùng Lăng Tháp được xây dựng một năm sau ngày vua Trần nhập niết bàn, tức vào năm 1309. Đây là ngôi tháp lớn và đẹp nhất trong số 97 tháp của Vườn tháp Yên Tử…
Điểm đến chính của khách hành hương là chùa Đồng, tọa lạc trên đỉnh núi Yên Tử. Đây là ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Châu Á (đã được xác lập lỷ lục Châu Á năm 2012), có chiều dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng 70 tấn. Trong chùa, tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu ni ngự trên đài sen và 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
5.Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Khu Văn hóa tâm linh chùa Bái Đính nằm trên địa phận xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình rộng 700 ha, bao gồm 21 hạng mục, với hai ngôi chùa nổi tiếng: Bái Đính cổ tự và Bái Đính tân tự.
Bái Đính cổ tự
Trong khung cảnh rêu phong, kỳ bí, Bái Đính cổ tự nằm giữa một vùng núi khá yên tĩnh, gồm động sáng thờ Phật, động tối thờ Mẫu, đền thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và đền thờ Thánh Cao Sơn. Tương truyền, trong khi đi tìm cây thuốc quý để chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông (Dương Hoán), Nguyễn Minh Không đã tình cờ phát hiện ra hang động ở khu Bái Đính này. Sau khi chữa khỏi bệnh cho vua, ông đã xin về đây lập chùa, tu hành.
Bái Đính tân tự
Bái Đính tân tự là công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 2004 và đang tiếp tục được mở rộng, hoàn thiện thêm nhiều công trình khác.
Kiến trúc chùa ấn tượng với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Á Đông, thân thuộc với hình ảnh đình chùa Việt Nam.
Đây cũng là ngôi chùa hiện đang sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam và châu Á:
« Chùa có bộ Tam thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam, Ngôi chùa có Giếng nước lớn nhất Việt Nam, Chùa có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Châu Á (đã được xác lập kỷ lục năm 2012), Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, Chùa có hành lang La hán lớn nhất Việt Nam, Chùa có nhiều cây Bồ đề nhất Việt Nam.”
Bái Đính tân tự được xây dựng theo mô hình Trục trần đạo xuyên suốt từ đỉnh tòa Tam thế đến cổng Tam quan, nhìn thẳng về đỉnh núi Mã Yên – nơi yên nghỉ của vua Đinh. Phía trước khu vực chùa là sông Hoàng Long. Bao bọc phía sau là dãy núi đá vôi hình vòng cung.
Với thế đất tiền thủy hậu sơn cùng sự bề thế của công trình. Nơi đây, trong tương lai sẽ trở thành một Trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Việt Nam và của khu vực.
6. Chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế)
Chùa Thiên Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách thành phố Huế 5km về phía Tây. Đây là một ngôi chùa được xây dựng sớm nhất và nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên – Huế.
Chùa được xây năm 1601, bắt nguồn từ truyền thuyết về chúa Nguyễn Hoàng trong lúc tuần thú ngắm cảnh thiên nhiên, khi ngang qua đồi Hà Khê thấy cảnh sắc nơi đây đẹp lạ thường bèn hỏi thăm dân chúng quanh vùng… Dân chúng cho biết, đêm đêm ở ngọn đồi này thường có một bà Tiên mặc áo đỏ, quần lục hiện về báo mộng: rồi đây sẽ có một vị minh chúa dựng trên ngọn đồi này một ngôi chùa lấp bằng nơi bị Cao Biền đào bới để bảo toàn sự thiêng liêng, giúp cho dân chúng làm ăn thịnh vượng và đất nước thanh bình, thịnh trị. Nguyễn Hoàng nghe vậy bèn cho dựng chùa đặt tên là Thiên Mụ (Bà tiên trên trời).
Kiến trúc của chùa Thiên Mụ cũng giống như kiến trúc của nhiều ngôi chùa ở Việt Nam, nhưng đặc biệt chùa Thiên Mụ có ngôi tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng. Tháp hình khối bát giác, mỗi tầng có một cửa cuốn đặt tượng Phật, tầng trên cùng đặt 3 pho tượng Phật được đúc bằng vàng ròng (ngày nay tượng bằng vàng đã bị mất, thay vào đó là ba pho tượng khác). Chùa Thiên Mụ còn có Đại Hồng Chung cao 2,5m, đường kính 1,4m và nặng trên 3 tấn và Bia đá được dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1715) cao 2,6m; rộng 1,2m đặt trên lưng con rùa lớn bằng cẩm thạch.
7.Danh thắng – Danh lam Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)
Ngũ Hành Sơn hay còn gọi là Non Nước nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, sát bên bờ biển Đông. Xưa kia, Ngũ Hành Sơn có nhiều tên gọi khác nhau nhưng đến đầu thế kỷ thứ 19 thì tên gọi Ngũ Hành Sơn được giữ cho tới ngày nay.
Ngũ Hành Sơn là quần thể 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Trong đó, Thủy Sơn là ngọn đẹp nhất. Danh thắng Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động đẹp kỳ ảo.
Đây cũng là địa điểm có rất nhiều chùa, trong đó có 2 ngôi chùa nổi tiếng được sắc phong Quốc tự thời nhà Nguyễn là chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng.
Đến với hang động Ngũ Hành Sơn, du khách sẽ bắt gặp nhiều bia đá cổ cách đây hàng trăm năm như: bia « Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” được khắc năm Canh Thìn (1640); bia « Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật diệt lạc” khắc năm Tân Tỵ (1641)… Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật có giá trị lịch sử đang được bảo tồn tại đây.
8.Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng)
Một trong ba Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng nhất ở Việt Nam là Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Thiền viện tọa lạc trên núi Phụng Hoàng, thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt. Thiền viện Đà Lạt được xây dựng năm 1993 và đến năm 1994 thì hoàn thành. Khuôn viên thiền viện rộng 25ha, trong đó 2ha là diện tích xây dựng thiền viện, được chia làm 4 khu: Khu vực ngoại viên; Khu tịnh thất Hòa thượng; Khu hòa thượng viện trưởng; Khu nội viên Tăng và khu nội viên Ni.
Đứng trong khuôn viên Thiền viện, khách hành hương nhìn ra ngoài sẽ thấy hồ Tuyền Lâm và rừng thông bạt ngàn đong đưa trước gió đẹp vô cùng.
9.Tượng Chúa Jêsus Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu)
Tượng Chúa Jêsus trên đỉnh núi Nhỏ, thành phố Vũng Tàu là tượng Chúa Jêsus lớn nhất châu Á đã được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục năm 2012. Tượng Chúa được xây dựng từ năm 1972 nhưng sau đó bị bỏ dở một thời gian khá lâu, mãi đến năm 1992 công trình mới được tiếp tục xây dựng và hoàn tất vào năm 1994.
Tượng cao 32m, bệ tượng cao 10m, cả tượng và bệ cao 42m (so với mặt đất). Tư thế tượng Chúa đứng dang hai tay (rộng 18,4m), gương mặt hiền từ, thanh thoát hướng nhìn ra biển khơi mênh mông sóng vỗ.
Bên trong thân tượng có cầu thang xoắn ốc đi từ dưới chân lên cổ tượng với 133 bậc. Hai bên vai tượng được thiết kế chỗ đứng cho 5 – 6 người để ngắm nhìn cảnh đẹp của biển khơi lồng lộng gió. Tượng Chúa là nơi mà du khách không phân biệt tôn giáo thường đến tham quan, ngắm cảnh mỗi khi có dịp đến Vũng Tàu.
Đây là Tượng Chúa Jêsus lớn nhất Châu Á (đã được xác lập kỷ lục Châu Á năm 2012).
10.Tòa Thánh Cao Đài (Tây Ninh)
Thánh thất Cao Đài tọa lạc cách thị xã Tây Ninh 5km về hướng đông. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả du khách các nước trên thế giới khi có dịp đến đây cũng đều ngợi khen.
Tòa Thánh được thiết kế, xây dựng năm 1936 trên một khuôn viên rộng 1km2, có tường rào bao bọc. Bên trong khu Thánh thất có nhiều điện thờ, nhà làm việc, nhà ở, công viên, vườn hoa…
Một trong những kiến trúc nổi bật nhất của Thánh thất Cao Đài là công trình kiến trúc như nhà thờ đạo Công giáo, dài 100m, có hai tháp cao. Hình Thiên Nhãn ( Một con mắt tỏa hào quang) là biểu tượng của đạo Cao Đài được đặt phía trên cao của ngôi nhà.
Người ta thấy ở đây có sự hài hòa tuyệt đối giữa mỹ thuật phương Tây và kiến trúc nghệ thuật phương Đông từ trong ra ngoài tòa Thánh. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều kiến trúc đẹp, hoành tráng khác như: cổng Chánh môn, đền thờ Phật Mẫu, các tháp mộ… Và đặc biệt là Bá huê viên, vườn hoa, cây cảnh với nhiều loài hoa lạ, đẹp tỏa hương thơm dịu dàng.
Hàng năm cứ đến ngày mùng 9 tháng giêng (âm lịch) và ngày rằm tháng 8 (âm lịch), là hai ngày vía Đức Chí Tôn và vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Vào những ngày này, hàng vạn khách hành hương khắp nơi trong nước về dự lễ hội và thưởng ngoạn cảnh quan của Thánh thất nơi đây.
11.Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc – An Giang)
Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thế kỷ thứ 19 ở ấp Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Lịch sử của ngôi miếu thiêng này có hai thuyết. Truyền thuyết thứ nhất là do dân chúng nơi đây tin vào sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ nên đồng tâm lập miếu để thờ cúng. Truyền thuyết thứ hai, miếu này do Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng theo lời trăng trối của vợ là bà Châu Thị Tế.
Thời xưa, miếu được dựng bằng tre lá. Đến năm 1870, miếu được xây bằng gạch, lợp ngói. Qua thập niên 70 của thế kỷ 20, miếu được tôn tạo đồ sộ gấp bội phần bằng kiến trúc đình, miếu cổ phương Đông.
Mái ngói nhiều tầng, màu xanh cong vút đầu đao. Bao bọc xung quanh là các dãy hành lang. Bên trong miếu thờ tượng Bà Chúa tạc bằng đá xanh có giá trị nghệ thuật cao. Pho tượng này có hình dáng nữ thần Visnu, tương tuyền đã có từ rất lâu, vào khoảng thế kỷ thứ 6.
Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ diễn ra vào cuối tháng tư (âm lịch) thu hút hàng vạn khách hành hương từ khắp mọi nơi.
Báo Đoàn Kết tháng 9 năm 2015
Laisser un commentaire