CHÚNG TA KẾT NỐI THẾ NÀO VỚI THỜI HÙNG VƯƠNG HUYỀN THOẠI(*)?
Các huyền thoại, sự tích thường được tạo ra nhiều nhất trong thời kỳ dựng nước ở bất kỳ quốc gia nào, trong đó có một phần xuất phát từ hiện thực, và một phần từ những mong muốn, ước vọng dành cho sự hoàn hảo, mỹ cảm thiêng liêng.
Rất nhiều huyền thoại thời Hùng Vương đã và vẫn đang tạo ra thế giới hiện thực của chúng ta ngày hôm nay, ta tìm thấy ít nhất là những điều tuyệt vời sau :
– Huyền thoại « Con Rồng cháu Tiên » với Âu Cơ-Lạc Long Quân. Từ huyền thoại này, chúng ta có nước Văn Lang, thành Phong Châu, và hàng ngàn cánh chim lạc bay trên trống đồng Đông Sơn.
– Huyền thoại « Phù Đổng Thiên Vương ». Từ đó, ta biết rằng thời đó đã có sắt, và giặc Ân đã thua tơi bời trước lũy tre làng Việt Nam. Hơn nữa, người dân Việt rất công tâm, không kể là bạn nhỏ 3 tuổi hay một người trưởng thành bình thường, chỉ cần dám đương đầu với giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, họ đều sẽ tưởng nhớ và tôn kính.
– Sự tích « Bánh chưng-Bánh dày » để thấy rằng thời vua Hùng Vương chọn người trách nhiệm đất nước cần dựa vào tài năng và sáng kiến trên cơ sở yêu và hiểu thế mạnh của đất nước. Thực tế tuyệt vời là chúng ta ngày nay vẫn ăn cùng một loại bánh chưng và bánh dày như tổ tiên mình cách đây 4000 năm.
.
.
– Sự tích « Mai An Tiêm » thể hiện sự quan sát của người xưa và thực tế là lịch sử trồng dưa hấu đã có từ hơn 4000 năm ở Việt Nam.
– Sự tích « Trầu cau » và phong tục trầu cau trong đám cưới.
– Sự tích « Chử Đồng Tử » và tín ngưỡng dân gian thuần Việt về Tứ bất tử, về các Mẫu – Mẹ thiên nhiên, v.v.
– Nhà thơ Bút Tre, tên thật là Đặng Văn Đăng, là người đã có công khởi đầu những nghiên cứu về thời đại Hùng Vương để chứng minh sự tồn tại và phát triển cao của thời các vua Hùng. Ông là người đã phát hiện ra di chỉ của văn hóa Sơn Vi và Phùng Nguyên, từ đó tìm ra thời kỳ tiền Đông Sơn cũng như nền văn minh trống đồng Đông Sơn. Ông cũng đã vận động để tổ chức 4 cuộc hội thảo lớn về thời đại Hùng Vương, chứng nhận nhà nước Văn Lang là nhà nước đầu tiên của Việt Nam.
– Thầy giáo Đỗ Văn Xuyền, sinh năm 1937 tại Việt Trì, người đã tự tìm và nghiên cứu chữ Việt cổ từ 50 năm, có ít nhất 2 phát hiện chấn động :
* Tại đền thờ Lỗ Công ở thôn Bồng Lai (Từ Liêm), có một tấm bia cổ ghi rõ: Thầy giáo Lỗ Công dạy học ở Kinh Thành (Văn Lang) có học trò là Hoàng Trụ, con của công chúa Mỵ Châu Hoa (con gái Hùng Đinh Vương, Vua Hùng 16). Hoàng Trụ biết chữ, về thôn Bồng Lai mở lớp, dạy học. Do có công với dân làng, nên dân làng lập đền thờ phụng.
* Trong quá trình tìm tư liệu, ông Xuyền may mắn tiếp cận được tài liệu được thu thập để người Pháp tổng kiểm kê các di tích, làng xã vào năm 1938, và các công trình khác như: Thần linh đất Việt, Các nữ thần Việt Nam, Các nữ tướng của Hai Bà Trưng… và ông đã tìm được rất nhiều di tích về một nền giáo dục thời Hùng Vương: mở đầu là thời Hùng Vương thứ 6 và kết thúc là thời Hai Bà Trưng, với tên tuổi của một số thầy cô như : thầy Đỗ Nam Tế, cô Tạ Cẩn Nương, thầy Lê Đạo, sư bà chùa Phúc Khánh…
Từ đó, ta thấy được ít nhất hai điều quan trọng bậc nhất : thời Hùng Vương đã có chữ viết và giáo dục bản địa, thời Hùng Vương đã có sự bình đẳng nam nữ trong giáo dục.
Báo Đoàn Kết, số tháng 9 năm 2015
Laisser un commentaire