Việt Nam công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc
Ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, thời gian khởi đầu xảy ra dịch là 23/1, khi xác định người đầu tiên mắc Covid-19.
Ngày 1/2, Chính phủ Việt Nam đã công bố nguy cơ, tuy nhiên lúc này cả nước chỉ có 6 người mắc bệnh, 3 địa phương có dịch là Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 10 nhóm biện pháp ứng phó theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, như lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh; cách ly y tế; kiểm soát ra vào vùng có dịch; huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế chống dịch…
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan mạnh ra cộng đồng, Chính phủ đã liên tục có những biện pháp quyết liệt và tăng dần cấp độ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, cùng với việc tạm hoãn, dừng mọi chuyến bay quốc tế, Chính phủ cũng quyết định dừng cấp thị thực cho toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Lần này Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc (đến thời điểm ngày 1/4, có 25/63 tỉnh, thành ghi nhận có người nhiễm nCoV).
Hiện Việt Nam ghi nhận 212 bệnh nhân Covid-19, trong đó 63 người đã khỏi bao gồm 2 người ở Ninh Thuận ra viện sáng 1/4.
Cách ly toàn xã hội
Cùng với quyết định công bố dịch, hôm trước, 31/3, Thủ tướng cũng đã ra chỉ thị về cách ly toàn xã hội trong 15 ngày (từ 0 giờ ngày 1-4 đến hết 15-4) để ứng phó với Covid-19. Ông nói : « Cách ly xã hội còn nhằm giữ khoảng cách giữa người với người, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong tỏa xã hội (như ở Pháp hiện nay – chú thích của toasang). Đây là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân ». « Lúc này vẫn phải đảm bảo hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu; đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường; đảm bảo làm việc tại nhà bình thường ».
Thủ tướng nêu rõ, nếu quyết liệt cách ly xã hội, cách ly người với người thì Việt Nam sẽ hạn chế được tổn thất. Ngược lại, « nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân ».
« Người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người nơi công cộng; chấp hành khai báo y tế tự nguyện, tự bảo vệ bản thân, gia đình và hỗ trợ cho các hoạt động chống dịch ».
Khẳng định « Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình », Thủ tướng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhìn nhận trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương được công bố chiều 31/3, « nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020, không gục ngã».
Theo đó, quý 1/2020, Việt Nam đạt tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất trong 11 năm qua nhưng cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này.
Cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc « gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh ».
Ngày 30-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã đưa ra Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng, đoàn kết chiến đấu dịch bệnh COVID-19 với tinh thần coi trọng sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, « mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch như chống giặc».
Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 1/4/2020
Nhiễm : 218
Tử vong : 0
Khỏi : 63
Cách ly để kiểm tra : 79 537
Tổng hợp của toasang
Laisser un commentaire