Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Ngày 8-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với sự có mặt của phái đoàn đại diện EU.

Các Nghị định kèm theo sẽ được ký ban hành ngày 30/6. Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo, dự kiến 30 ngày kể từ ngày thông báo, Hiệp định này sẽ có hiệu lực. 

Riêng với Anh, Hiệp định sẽ áp dụng từ thời điểm có hiệu lực đến hết năm 2020 và có thể gia hạn 24 tháng theo thoả thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời EU.

Trước đó, ngày 30/3, Hội đồng châu Âuđã quyết định thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).

EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu 0%.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch hai chiều gần 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 41,5 tỷ và nhập khẩu từ EU là 15 tỷ USD. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với 2.500 dự án, vốn đăng ký đạt 27,5 tỷ USD.

Lợi ích mang lại là thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may… Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế.

Tương tự với EVIPA, Hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới, công nghệ sạch từ châu Âu.

Theo quy định Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1-8 tới đây.

GDP có thể tăng thêm hơn 3,2% trong 3 năm tới

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Đặc biệt, giai đoạn hậu dịch bệnh, khi Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỉ USD này.

Mặc dù nhìn nhận cơ hội là rất to lớn khi EVFTA có thể góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm từ 2,18-3,25%, song ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng có 7 thách thức lớn đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp.

Đó là yêu cầu về rào cản kỹ thuật như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ. Sức ép cạnh tranh khi mở cửa thị trường, hàng hóa EU sẽ tràn vào Việt Nam với chất lượng, mẫu mã đẹp hơn so với hàng nội. 

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ về phòng vệ thương mại, khi các nước áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Ngoài ra là thách thức cạnh tranh nguồn lao động, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế về thông tin, chưa chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, lại thiếu vốn và nguồn lực cho sản xuất. 

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :