Nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam
Đầu thập niên 1990, khi nền kinh tế chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu cũ gặp khó, giải thể hàng loạt. Trước bối cảnh đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) được chuyển đổi với hai chức năng là tổ chức vận động phong trào hợp tác xã và trực tiếp kinh doanh.
Với sự giúp đỡ của phong trào hợp tác xã từ Nhật Bản, Singapore và Thụy Điển, siêu thị Co.op Mart ra đời đầu tiên tại đường Cống Quỳnh, TP.HCM năm 1996. Để cạnh tranh với những siêu thị chủ yếu bán hàng ngoại nhập lúc bấy giờ, Co.op Mart xác định chiến lược trở thành nhà phân phối hàng Việt Nam, đúng theo bản chất của hợp tác xã là tự phục vụ và phục vụ số đông.
Đến nay, Saigon Co.op không chỉ là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam mà còn trở thành một « tập đoàn » đa ngành nghề, sở hữu nhiều tài sản có giá trị rất lớn.
Trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài chuỗi siêu thị Co.op Mart, Saigon Co.op còn phát triển hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại khác như chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Co.op Smile, đại siêu thị Co.op Xtra, chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình Singapore mang tên Cheers, trung tâm thương mại Sense City…
Tính đến tháng 4-2019, nhà bán lẻ này đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 112 siêu thị Co.op Mart, 4 đại siêu thị Co.op Xtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food. Năm 2019, Saigon Co.op cũng đã mua lại chuỗi siêu thị Auchan của Pháp, đánh dấu thương vụ M&A – có nghĩa là Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại)- đầu tiên mà một thương hiệu bán lẻ nội địa thực hiện với mục tiêu là chuỗi siêu thị nước ngoài.
Trên một thị trường có mức độ cạnh tranh khốc liệt như bán lẻ hiện đại, Saigon Co.op vẫn giữ được kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh nhiều chuỗi khác chìm trong thua lỗ. Theo báo cáo 2019, doanh thu Saigon Co.op vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm, đạt mức hơn 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương tăng 9,4% so với năm 2018.
Nhà bán lẻ này cũng là thương hiệu lẻ loi ghi nhận lợi nhuận ròng các năm qua ở mức nghìn tỉ, đưa tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt được lên tới 26-39% trên vốn góp.
Theo báo cáo, hiện Saigon Co.op đang có 26 hợp tác xã thành viên với địa bàn hoạt động trải rộng. Khác với mô hình công ty cổ phần, Saigon Co.op không theo kiểu cổ đông ai góp nhiều sẽ thôn tính người góp ít. Hoạt động của hợp tác xã không có tình trạng cá lớn nuốt cá bé.
« Hợp tác xã là một tổ chức có sự tham gia của số đông những người thích ứng cơ chế thị trường, có được xã viên là có lượng khách hàng trung thành. Xã viên không đầu tư để kiếm lời mà là mang tính tương trợ. Lợi nhuận chia theo doanh số mua hàng » – ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết.
Saigon Co.op còn phát triển khâu sản xuất như sở hữu thương hiệu các loại nước mắm, nước chấm Nam Dương, đầu tư nông trại hữu cơ hơn 300ha ở Cà Mau, hay làm các nhãn hàng riêng giá rẻ phân phối trong chính các chuỗi bán lẻ của mình, làm đại lý nhập khẩu và phân phối các mặt hàng ngoại nhập…
Trong bối cảnh khá nhiều mô hình kinh doanh theo hình thức tập thể trên cả nước gặp nhiều khó khăn chỉ để tồn tại, dễ hiểu là Saigon Co.op trở nên nổi bật khi thuộc về số ít các hợp tác xã tiếp tục kinh doanh có lãi.
Khởi đầu của thương hiệu Nam Dương, năm 1951, một doanh nghiệp tư nhân thành lập xưởng nước tương Nam Dương với sản phẩm là những chai Tàu vị yểu mang biểu tượng Con Mèo Đen.
Ở thời kỳ phát triển mạnh nhất, xưởng nước tương Nam Dương khiến người dân Sài Gòn xưa không ngớt trầm trồ bởi tòa nhà 3 tầng cộng với nhà xưởng đã được xây dựng tại Chợ Lớn, nhân viên lên đến gần 400 người. Khoảng năm 1981, Nam Dương được chuyển giao về hợp tác xã với tên gọi mới là Xí nghiệp nước chấm Nam Dương thuộc Liên hiệp HTX TM TP.HCM (SaiGon Co.op).
Kể từ lúc này, Nam Dương bước sang một giai đoạn phát triển mới. Tại thị trường trong nước, liên tục 18 năm liền, Nam Dương được bình chọn là « Hàng Việt Nam chất lượng cao ». Những chai nước tương Nam Dương cũng đã đáp ứng được mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang nhiều nước…
Laisser un commentaire