Một mô hình nhà trọ cho công nhân độc đáo tại Long An

Sau khi nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động, số lượng công nhân tại Long An đã lên đến trên 300.000 người. Nhiều nhà trọ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân, trong đó nhà trọ Bảy Sắc ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa là mô hình độc đáo với nhiều tiện ích, được ví như « nhà trọ 5 sao ».

Nhà trọ Bảy Sắc đã xây dựng được khoảng 2 năm, hiện tại nhà trọ này đang có 60 phòng với gần 150 công nhân đang ở. Theo đánh giá và cách gọi của công nhân tại đây thì nhà trọ Bảy Sắc là “nhà trọ 5 sao” vì rộng rãi, thoáng mát, hợp vệ sinh, bảo đảm an ninh trật tự, thân thiện lại có giá thuê phù hợp túi tiền của công nhân.

Nói về ý tưởng xây dựng khu trọ này, chị Huỳnh Thị Thanh Trước (42 tuổi) – chủ khu nhà trọ Bảy Sắc chia sẻ: “Chị đặt mình vào công nhân, mới nghĩ nếu 1 nơi xa mà quá tù túng thì rất tội nghiệp cho người ta. Vậy nên chị muốn xây kiểu giống như nhà ở để người ở đây không thấy bị bơ vơ lạc lõng mà có cảm giác thoải mái như ở nhà thực sự”.

Trò chuyện với một số người trọ tại đây, có thể thấy mức giá của nhà trọ Bảy Sắc cao hơn những nhà trọ khác trong khu vực đôi chút, dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng tùy diện tích. Nhưng đa phần người ở trọ đều cảm thấy giá thuê như vậy là hợp lý và “đáng đồng tiền bát gạo”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Tâm, chủ tịch LĐLĐ huyện Thủ Thừa, địa bàn huyện có khá nhiều khu nhà trọ mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu của những công nhân làm tại đây. Các nhà trọ nhìn chung đều đảm bảo được tính an toàn, nhưng chỉ có riêng nhà trọ Bảy Sắc là đầu tư nhiều nhất về cả sự an toàn và môi trường sống.

Sau thời gian làm việc mệt mỏi, ai cũng muốn được vui chơi, giải trí hay có khi chỉ cần ngồi ở một quán nhỏ, gọi ly nước trò chuyện cùng bạn bè để giải tỏa căng thẳng. Nhưng với những người công nhân, họ phải chắt chiu từng đồng lương để lo cho cuộc sống, lo cho gia đình nên đôi lúc phải hy sinh những thú vui của bản thân. 

Hiểu được điều này, chị Trước đã bố trí thêm khu sinh hoạt chung cho người ở trọ. Trong khuôn viên có nhiều khu vực được thiết kế đẹp mắt với ánh đèn lung linh không kém cạnh gì các quán cafe. Thay vì tốn tiền ra quán, khách trọ có thể đem nước tự mình pha ra đây ngồi thư giãn hoặc gặp gỡ, giao lưu cùng nhau.

Bản thân là người làm trong ngành giáo dục mầm non nên khi xây dựng nhà trọ này, chị Trước cũng suy nghĩ tới trẻ em ở đây rất nhiều. Khuôn viên chung không chỉ có cây xanh, lối đi bộ cho người lớn mà còn có cả sân chơi dành cho trẻ nhỏ với bãi cát, xích đu, thang leo…

Nhà trọ Bảy Sắc cũng là nơi đi đầu trong việc tổ chức tổ công nhân tự quản để chăm lo cuộc sống và an ninh cho người ở trọ. Tổ này sẽ có khoảng từ 5 đến 7 người, là công nhân gắn bó lâu dài với nơi ở, gương mẫu và có tiếng nói với những người khác. 

Nhiệm vụ của tổ công nhân tự quản là giải quyết các xích mích, mâu thuẫn trong mỗi gia đình hoặc giữa các gia đình, các cá nhân ở trọ. Bên cạnh đó cũng có lời nhắc nhở kịp thời với những cá nhân có hành vi chưa đúng. Mỗi tháng, tổ công nhân tự quản sẽ thực hiện gây quỹ, mỗi gia đình đóng góp 5.000 – 10.000 đồng. Quỹ này được dùng để giúp đỡ những công nhân đang gặp khó khăn.

Để đảm bảo an toàn đến mức tối đa, chị Trước đã lắp đặt trong khu nhà trọ của mình 16 chiếc camera hoạt động liên tục 24/24 và lúc nào cũng có người túc trực trông coi.

Chị Trước chia sẻ rằng bản thân vẫn còn quỹ đất và đang muốn mở rộng mô hình nhà trọ này của mình. Bên cạnh đó, chị cũng hy vọng những chủ trọ, chủ doanh nghiệp khác có thể xây dựng nhà trọ giá rẻ theo kiểu này của chị để những người công nhân sẽ có được thêm những nơi ở sạch sẽ, an toàn và thoải mái.

Toasang : Nếu ai cũng nghĩ được như bà chủ căn hộ này thì tốt biết mấy ! Không như những ai đó (quan chức) lại có ý tưởng bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để xây những « tượng đài » ghi ơn, tưởng niệm này nọ, khi đời sống người dân tại nơi đó còn đầy khó khăn, chật vật.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :