Hàng nông sản Việt chinh phục thị trường châu Âu

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ 1/8/20. Việc thuế ưu đãi xuất khẩu về 0% đang mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng này (quy mô GDP 18.000 tỷ USD).

Hơn 1 tháng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, trị giá xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tháng 8 là 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7.

EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê của cơ quan quản lý nông sản cho thấy, nhờ thuế suất giảm về 0% từ mức 7-11% với cà phê chưa rang và 9-12% với cà phê chế biến, giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang EU đạt gần 76 triệu USD, tăng xấp xỉ 35% so với tháng 7.

Không riêng cà phê, gạo cũng đang được xem là mặt hàng nhiều tiềm năng chinh phục thị trường châu Âu. Lô hàng gạo thơm xuất đi EU của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất sang EU trong tháng 8/20 là một ví dụ. Đơn cử, giá FOB (giá giao hàng tại tàu đang neo ở Việt Nam) của lô gạo thơm này khoảng 1.080 USD một tấn, cao hơn gấp rưỡi so với giá xuất bán cùng mặt hàng mà doanh nghiệp này thực hiện trước khi EVFTA có hiệu lực. Theo công ty này, có những lô hàng xuất sang EU trước đây phải đóng thuế tới 300-400 EUR một tấn, giờ khoản này không còn nên giá tốt hơn, tính cạnh tranh của gạo Việt so với gạo Thái Lan, Campuchia… tăng một cách đáng kể.

Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn ; hạn ngạch gạo 80.000 tấn (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).

Các sản phẩm củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản đã được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hầu hết gỗ và các sản phẩm gỗ cũng vậy.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, một tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va-li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Tổng hợp

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :