Nhớ mãi ngày Nam Bộ kháng chiến
Trong lịch sử hiện đại của dân tộc, ngày 19/12/1946 được xem là ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Thế nhưng, trước đó hơn một năm, ngày 23/09/1945, chỉ 3 tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, quyết trở lại xâm lược nước ta lần nữa và miền Nam đã thực hiện « Ngày Nam Bộ kháng chiến », trực diện chiến đấu với quân Pháp tại Sài Gòn.
Trước ngày 23-9, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân đội Anh (trên danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật ở Nam Bộ) đã nhiều lần gây hấn tại Sài Gòn. Ngay trong ngày lễ Độc lập 2-9 diễn ra ở Sài Gòn, kiều dân Pháp và tù binh Anh đã phá rối, bắn vào đoàn mít tinh làm 47 người chết ; ngày 13-9, quân đội Anh chiếm đóng Nam Bộ phủ và dung túng quân Pháp tiến hành các hành động khiêu khích ; ngày 20-9, quân Anh ngang nhiên xông vào Khám Lớn thả tù binh Pháp…
Với những hành động lấn dần từng bước, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã đặt nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ vào cuộc chiến không thể tránh khỏi mà sự kiện ngày 23-9-1945 là điểm mốc mở đầu.
Diễn biến của sự kiện ngày 23-9 như thế nào?
3 giờ sáng chủ nhật 23-9-45, trong khi thành phố Sài Gòn vắng ngắt vì lệnh thiết quân luật của quân đội Anh, một đội quân Pháp, trước là tù binh nay mới được quân đội Anh thả ra, ăn mặc cải trang, chia nhau đi lén lút hành động trong các phố. Trong lúc đó, quân đội Anh cố tình làm lơ. Quân Pháp đã chiếm một số công sở, xé cờ và biểu ngữ, giở thủ đoạn khủng bố, bắt bớ dân chúng và các chiến sĩ Việt Minh.
Quân Pháp – Ấn đã chiếm Sở Cảnh sát, bót Catinat cùng Kho bạc, Nhà đèn…
Sau đó, Đô đốc hải quân Pháp dArgenlieu đã ngang nhiên tuyên bố với báo Le Monde rằng « cuộc chiến tranh Đông Dương » đã bắt đầu.
Bước sang ngày 25-9, Hội đồng Chính phủ họp bàn và quyết định gửi một bản phản kháng cho Anh và Đồng minh, và một bản tuyên cáo cho quốc dân và thế giới với nội dung : Nếu người Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, thì chúng tôi sẽ quyết chiến, cuộc chiến tranh sẽ xảy ra.
Trong cuộc họp ngày 26-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện cho tướng Anh Gracy kháng nghị việc quân Pháp đánh Sài Gòn. Người cũng lấy tư cách Chủ tịch Chính phủ và tư cách cá nhân, thảo một bản hiệu triệu đồng bào Nam Bộ qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam : « Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp « Thà chết tự do hơn sống nô lệ ».
Chiều 23/9/1945, cả Sài Gòn đình công. Các công sở, xí nghiệp, hãng buôn đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Đêm đó, công nhân Sài Gòn-Chợ Lớn đã cắt toàn bộ điện, nước. Trên khắp các đường phố đều dựng các chiến lũy. Bàn, ghế, giường, tủ, các loại xe và những vật dụng cồng kềnh đều được huy động làm thành các chướng ngại vật cản bước tiến quân địch. Mọi sinh hoạt trong thành phố ngưng trệ.
Các đội xung phong công đoàn cùng các đội tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng triển khai chiến đấu. Hàng trăm xí nghiệp và công sở, hàng chục kho tàng, bến bãi… bị phá hủy, không để rơi vào tay Pháp.
Ở khắp các địa phương miền Trung, miền Bắc, những cuộc mít tinh, biểu tình liên tiếp được tổ chức, lôi cuốn hàng chục triệu lượt người.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đã mở đầu cho 9 năm kháng chiến « Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh » của dân tộc Việt Nam. Đến tháng 12/1946, cuộc kháng chiến Nam Bộ đã hòa vào cuộc kháng chiến Toàn quốc để đi tới thắng lợi quân sự cuối cùng trước thực dân ở Điện Biên Phủ và thắng lợi ngoại giao ở Genève năm 1954.
« Một thành phố trẻ măng
Nhưng lịch sử rất lạ lùng
Từ thuở chào đời suốt mấy trăm năm
Chỉ sống tự do có
hai mươi chín ngày ngắn ngủi
Chưa thỏa niềm vui
Giặc đã đến rồi
Súng lại cầm tay
Đạn nói thay lời… »
Những câu thơ khắc họa bước ngoặt của Sài Gòn ngày 23-9-1945 của nhà thơ Hưởng Triều (tức nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng) được các anh Nguyễn Ngọc Hà và Nguyễn Thiên Đạo phổ nhạc thành hợp xướng « Bài ca khởi nghĩa » cho Ban văn nghệ Liên hiệp Việt kiều tại Pháp năm 1971.
Laisser un commentaire