Miền Trung tiếp tục oằn mình dưới mưa lũ

Đến 18-10, miền Trung mưa vẫn không ngớt. Nước lũ trên nhiều sông vẫn ở mức cao và đang tiếp tục lên.

Quảng Trị : vượt lũ lịch sử

Nhiều khu dân cư, nước lũ đã vượt đỉnh lũ lịch sử. Đây là trận lũ lớn thứ 4 liên tiếp chỉ trong vòng có vài tuần. Chưa bao giờ dân phải trải  trận lũ lớn như thế. Những ngôi nhà chỉ còn nhìn thấy phần nóc. Nước đã ngập vào nhà nhiều nơi trên 4 mét. Nhiều làng mạc bị nhấn chìm.

Không chỉ vùng Đakrông, trận lũ này còn nhấn chìm nhiều làng mạc của huyện Triệu Phong và Hải Lăng. 

Giao thông trên nhiều tuyến đường  bị tê liệt. Tuyến quốc lộ 9 hiện cũng đang tê liệt vì sạt lở.

Quảng Nam: nước lũ vây đồng bằng

Quá nhiều trận mưa lũ chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến nhiều huyện miền núi của Quảng Nam tan nát. Nặng nề nhất là ở Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang… 

Chiều 17-10 tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm điểm sạt lở vùi lấp các tuyến đường huyết mạch dẫn qua các huyện và xuống xã, trong khi đó mặt đường cũng bị xói lở nghiêm trọng khiến giao thông tê liệt.

Tại Đại Lộc, nước lũ đã vượt báo động 3 và tiếp tục lên nhanh trong bối cảnh mưa vẫn dội như trút nước. Tuyến quốc lộ từ Đà Nẵng dẫn về Đại Lộc như bong rách tả tơi.

Huế: không biết bao giờ trường học mở lại

Chiều 17-10, các huyện phía bắc Thừa Thiên Huế như Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà và trung tâm TP Huế có mưa lớn. Mực nước các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu lên nhanh. 

Theo văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, đến 18h00 tối, mực nước sông Hương đang lên và dao động ở mức 3,3 – 3,5m, xấp xỉ mức báo động 3 (3,5m); mực nước sông Bồ duy trì ở mức cao ở mức 4,7 – 4,9m, trên báo động 3. 

Dự báo trong vài ngày tới, trên địa bàn Thừa Thiên Huế tiếp tục mưa to đến rất to.

Đến tối 17-10, trời mưa, nước thượng nguồn đổ về cộng thêm mức nước lũ ở đợt trước chưa hạ hết khiến các xã Phong Bình, Phong Hoà, Phong Chương, Phong Hiền (huyện Phong Điền), Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) ngập sâu trở lại. 

Nước lũ dâng cao làm chia cắt các tuyến đường giao thông chính như quốc lộ 49B qua huyện Phong Điền, tỉnh lộ 11B nối cầu An Lỗ lên các xã Phong Xuân, Phong Sơn (huyện Phong Điền), tuyến đường nối trung tâm TP Huế đi huyện Quảng Điền… 

Nhiều vụ sạt lở đã gây tổn thất nặng nề về tính mạng người dân và chiến sĩ cứu hộ.

Đã tìm kiếm được 13 thi thể công nhân tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế.

Đoàn 21 chiến sĩ đến cứu trợ cho công nhân tại Rào Trăng 3 cũng bị vui lấp tại tiểu khu 67 nơi đoàn dừng chân khiến 13 người mất tích.

Tại thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng đã tìm được 5 thi thể trong một gia đình 6 người.

Đêm 18/10, vụ sạt lở đất tại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã vùi lấp khu nhà ăn, nhà nghỉ của lái xe, nhân viên cơ yếu. Số người mắc kẹt bên trong hơn 22 người, đều đã tìm được thi thể.

Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất diện rộng tiếp tục diễn ra, ngoài các khu vực đã và đang bị ảnh hưởng thì khu vực bắc Quảng Bình và tỉnh Hà Tĩnh là khu vực trong tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ngập lụt sâu, sạt lở, lũ quét từ nay đến ngày 20-10. Có nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi vừa và nhỏ, các hồ chứa xung yếu.

Ngày 17-10, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đã chủ động cắt điện hơn 800 trạm biến áp tại 5 tỉnh miền Trung do mưa lớn làm lũ lên nhanh gây nguy hiểm. Việc này khiến 108 000 hộ dân 5 tỉnh thành gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam bị mất điện.

Khoảng 1,2 triệu học sinh phải nghỉ học.

Hai cơn bão đang hình thành trên Thái Bình Dương (ngoài khơi Philippines), trong đó có một cơn dự báo hướng vào miền Trung trong những ngày tới.

1 Comment on Miền Trung tiếp tục oằn mình dưới mưa lũ

  1. Đề nghị Hội mở cuộc quyên góp để ủng hộ đồng bào Miền Trung

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :