Ngày thứ 58 Việt Nam không ghi nhận ca COVID-19 ngoài cộng đồng

Tình hình chung :

Sáng 31/10, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính nCoV, 58 ngày không lây nhiễm cộng đồng.

24 giờ qua thêm một người khỏi Covid-19. Tổng số ca nhiễm lên 1.177, số khỏi 1.063. Số người tử vong do Covid-19 là 35 (chủ yếu ở Đà Nẵng trong làn sóng thứ 2).

Các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế đa số sức khỏe ổn định, trong đó 6 người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, 4 người âm tính lần hai và 7 người âm tính lần ba.

Hiện cả nước còn 14.777 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó 178 người cách ly tại bệnh viện; 13.489 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 1.110 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú

Thời gian qua, số ca mắc mới đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện tốt « Thông điệp 5K », nhất là đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. :

Khẩu trang

Khử khuẩn

Khoảng cách

Không tụ tập 

Khai báo y tế

1 – KHẨU TRANG : Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.

2 – KHỬ KHUẨN : Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

3 – KHOẢNG CÁCH : Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

4 – KHÔNG TỤ TẬP đông người.

5 – KHAI BÁO Y TẾ : thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.xn--vn-rma2251a/ được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được hướng dẫn điều trị.

Bắt đầu từ tháng 11, sau khi có quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng (mức phạt cũ là 100.000-300.000 đồng).

Theo dõi 1 trường hợp tại TPHCM

Ngày 24-10, Việt Nam được phía Nhật thông báo về trường hợp một chuyên gia người Hàn Quốc dương tính COVID-19 bằng test nhanh kháng nguyên sau khi rời khỏi TP.HCM đến sân bay Narita. 

Bệnh nhân là ông Z.H. (48 tuổi), chuyên gia của một doanh nghiệp Nhật Bản có văn phòng đại diện tại Hà Nội, nhập cảnh Việt Nam vào ngày 29-7 và đã hoàn thành các ly theo quy định tại Hà Nội. Ông H. không có yếu tố tiếp xúc người nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Từ ngày 29-9, ông H. đến làm việc và cư trú tại TP HCM trước khi bay sang Nhật hôm 24-10. Người này không thực hiện xét nghiệm PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh sang Nhật.

Sau khi hoàn thành cách ly tập trung ở Hà Nội, bệnh nhân đến làm việc một số tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó sống và làm việc tại TP HCM từ ngày 16-8 đến 24-10. Lịch sử đi lại và tiếp xúc của bệnh nhân như sau:

Từ ngày 16-8 đến 22-8, ông H. cư trú tại khách sạn Grand Hotel Saigon, TP HCM ; từ 23-8 đến 3-9, rời TP HCM đến Nha Trang cư trú tại khách sạn Novotel

Từ ngày 4-9 đến 22-9, ông H. rời TP HCM đến Đà Nẵng, cư trú tại khách sạn Cécilia Hotel and Spa.

Từ 29-9 đến 24-10, ông trở lại TP HCM, cư trú ở khách sạn Majectic.

Ngày 17-10, ông H. dự đám giỗ tại quận 9; ngày 18-10 chơi gôn tại quận 9; ngày 24-10 rời Việt Nam đi Nhật Bản. Trong thời gian ở TP HCM, bệnh nhân thường di chuyển bằng dịch vụ Grab.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã thực hiện điều tra, khoanh vùng khu vực liên quan, truy vết các trường hợp tiếp xúc ông H. ở các quận 1,2,5,6,7,8,9,12, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Thủ Đức. Hiện đã ghi nhận được 48 trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp cận được 47 người để cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm (1 người đi xa TP), trong đó 42 người kết quả âm tính, 5 người đang chờ kết quả. 

Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát nguy cơ, TP cũng đã lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đối với người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần ông H (F2). Cụ thể, ghi nhận được 297 trường hợp, tiếp cận được 295 người để cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm 259 người, trong đó 123 người kết quả âm tính, 136 người đang chờ kết quả.

Do chuyên gia này từng đến nhiều địa điểm trong thời gian lưu trú tại TP HCM, HCDC tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan xác minh tìm kiếm những người tiếp xúc để giám sát y tế.

Đến ngày 30-10, phía Nhật thông báo trường hợp này có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR (vào ngày thứ 6 sau khi người này nhập cảnh). 

Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccin COVID-19 trên người vào tháng 11 năm nay.

Ngày 31/10, thông tin về tiến trình nghiên cứu vaccin COVID-19 tại Việt Nam, Trung tướng Phạm Hoài Nam – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bệnh viện Quân y 103 sẽ thử nghiệm vaccin COVID-19 trên người vào tháng 11/2020.

Việc cho ra đời một loại vaccine phòng bệnh phải trải qua 4 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật; Giai đoạn 2, các nhà khoa học sẽ bắt đầu nghiên cứu trên con người qua các tình nguyện viên; Giai đoạn 3 là phê duyệt và cấp phép sản xuất; Giai đoạn cuối cùng là kiểm soát chất lượng.

Như vậy, tiến trình nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103 đang ở giai đoạn 2.

Ngày 30/10, ông Đỗ Tuấn Đạt – Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế (VABIOTECH) cũng cho biết, các nhà khoa học đang thử nghiệm vaccine COVID-19 trên khỉ. Loài khỉ được chọn là giống khỉ vàng Macaca mulatta ở đảo Rều (Quảng Ninh).

Trong đợt thử nghiệm lần này, 12 con khỉ khỏe mạnh (mỗi con từ 3-5 tuổi, nặng trên 3kg) sẽ được chọn để tiêm thử nghiệm vaccin COVID-19. Toàn bộ quá trình theo dõi và kiểm tra số khỉ sẽ được ghi lại cẩn thận, chính xác.

Theo đại diện VABIOTECH, đợt thử nghiệm trên khỉ bắt đầu ngày 27/10 vừa qua. Theo kế hoạch, 12 con khỉ sẽ được tiêm thử nghiệm trong 2 đợt, mỗi đợt chia 2 nhóm là nhóm được tiêm vaccine và nhóm không tiêm.

Sau khi tiêm, số khỉ trên sẽ được theo dõi trong khoảng 3 tháng, sau đó lấy mẫu máu gửi về Hà Nội để làm thí nghiệm.

Thông qua những theo dõi chỉ số thay đổi về sức khỏe của khỉ, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu để phục vụ cho công tác hoàn thiện vaccin COVID-19.

Mô hình tiêm cho khỉ trên cũng giống như mô hình tiêm vaccin dự kiến khi triển khai trên người. Cụ thể, một đợt sẽ có 2 mũi tiêm, 2 mũi cách nhau trong khoảng 21-28 ngày. Các chuyên gia sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm, theo dõi, kiểm tra để xem xét đáp ứng miễn dịch của vaccine COVID-19 giữa nhóm được tiêm và không được tiêm.

Theo các chuyên gia, thử nghiệm vaccin trên khỉ chỉ là một phần trong tiến trình nghiên cứu vaccin COVID-19 tại Việt Nam. Sau khỉ, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu vaccin trên nhiều động vật khác trước khi cho thử nghiệm lâm sàng. Nghĩa là, sau khi nghiên cứu đủ trên động vật và có đủ căn cứ, số liệu chứng minh về độ an toàn, hiệu quả…, các nhà khoa học sẽ tiêm thử nghiệm vaccin COVID-19 trên người.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :