Thủy điện có phải là thủ phạm gây lũ ?
Lũ lụt đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trong về người và của cho đồng bào miền Trung. Những ngày qua, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc xả lũ của thủy điện có phải là nguyên nhân gây lũ chồng lũ, làm gia tăng ngập lụt hay không ? Sự hiện diện của thủy điện đã gây ảnh hưởng thế nào trên cơ cấu địa chất, đến môi trường rừng thiên nhiên ?
1/ Ý kiến khác nhau dưới góc độ khoa học :
- GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT :
Quy trình của thủy điện là mùa khô tích nước, mùa lũ xả nước. Đối với thủy điện nhỏ, vào mùa khô, ở dưới hạ du cần nước thì thủy điện nhỏ tích nước để phát điện ; đến mùa lũ đáng ra cần trữ nước thì lại xả rất mạnh.
Trước khi lũ đến, theo quy định, chủ dự án thủy điện phải hạ thấp mực nước, nhưng họ hạ không đáng kể vì sợ không có nước thì không phát điện được.
Thủy điện nhỏ chỉ chứa được chừng vài triệu m3 nước nên khi lũ tự nhiên xuống thì không trữ được và phải xả nhiều hơn. Thủy điện nhỏ không tính được lượng lũ như thủy điện lớn vì không có trạm thủy văn nên bắt buộc phải xả luôn để giữ an toàn hồ đập. Lượng lũ đổ xuống hạ du sẽ lớn hơn lũ tự nhiên vì ngoài lũ tự nhiên còn có cả lượng nước thủy điện xả vội. Đến cuối mùa lũ, thủy điện mới bắt đầu chứa thì lũ đã dồn hết xuống hạ du rồi.
« Việc quy hoạch nhiều thủy điện nhỏ trên một dòng sông thành bậc thang thì càng nguy hiểm vì gây lũ chồng lũ và khiến tình trạng sạt lở thêm nghiêm trọng. Cụm thủy điện Alin- Rào Trăng nằm trên sông Rào Trăng, một nhánh của sông Bồ ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một ví dụ : có tới 4 bậc thang thủy điện trên sông này với tổng công suất 89 MW.
- PGS. TS. Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường :
Nhiều người nói thủy điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng, song, đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.
Báo cáo của Nhóm công tác châu Âu về đập và lũ lụt đưa ra khẳng định, các đập thủy điện, thủy lợi giúp giảm nhẹ lũ lụt. Thậm chí, các hồ lớn, dự báo tốt có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều nguy cơ lũ lụt ở hạ du. Thủy điện ở Việt Nam mới chiếm tỷ lệ còn ít, như Na Uy, thủy điện tới hơn 90%, Nouvelle Zélande tới 75%…
Nói rõ hơn về quy trình vận hành của các đập thủy điện cũng như đặt vấn đề : Liệu thủy điện có phải là nguyên nhân gây thêm lũ ? Ông Ca phân tích, khi mưa về, hồ xả nước tới mức đón lũ. Nước trong hồ dâng lên vượt một mức nào đó thì hồ bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước trong hồ. Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Lúc đó có hay không có thủy điện, lượng nước về hạ lưu vẫn thế. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện.
Nước trong hồ là tài sản, là tiền nên không có chuyện các nhà quản lý nhà máy xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du. Do vậy, nói các hồ xả lũ gây ngập lụt trong thời gian vừa qua là không đúng”, ông Ca nói đồng thời nhấn mạnh: “Theo đánh giá của các tổ chức ở các nước phát triển, không báo cáo nào chỉ ra tác hại của thủy điện là gây lũ lụt”.
- PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) :
Do miền Trung nước ta có địa hình hẹp và độ dốc cao, được phân chia bởi dãy Trường Sơn nên đặc điểm của sông ngòi ở đây rất dốc và ngắn, khi mưa lớn xảy ra thì khả năng sinh lũ lụt, lũ ống và lũ quét rất rất nhanh, vì thế nên thường gây thiệt hại vô thảm khốc về người và tài sản. Do vậy, trong tháng 10, đợt mưa lũ lịch sử kéo dài đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Có ý kiến cho rằng xả lũ của thủy điện là nguyên nhân gây lũ chồng lũ, làm gia tăng ngập lụt. Tuy nhiên, các phân tích khoa học, cho thấy các đập thủy điện có thể giúp giảm nhẹ lũ lụt. Mức độ giảm nhẹ lũ lụt của từng hồ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành. Tất nhiên các hồ chứa chỉ có khả năng giảm lũ, lụt nhưng không có khả năng loại trừ hoàn toàn lũ, lụt. Nếu mưa lớn, hồ chứa không đủ sức điều tiết thì lũ lụt vẫn xảy ra. Các đập thủy điện có thể gây tác động đến môi trường, tuy nhiên, không làm tăng rủi ro lũ lụt.
2/ Ý kiến của các đại biểu Quốc hội :
Những ngày vừa qua, Quốc hội đã tập trung thảo luận trên vấn đề này. Sau đây là kiến của một số đại biểu :
- Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) :
Việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là « lợi bất cập hại », sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp. Thực tế cho thấy, đã có nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng xong đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác. Đây cũng là lúc đã khai thác cơ bản tài nguyên khoáng sản.
- Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn)
Phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống con người cũng như việc bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, nhất là trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường nước ta đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi. Biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như lũ quét, mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân và hạ tầng cơ sở.
Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, làm tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020. Chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp là giải pháp mang tính đột phá cho việc chăm lo giữ rừng, trồng rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng rừng, phân tán rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch. Việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả.
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.
- Đại biểu tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội :
Việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ cho thấy chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện như phá vỡ sinh kế và mất rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu và sự vận chuyển của trầm tích thay đổi dòng chảy… Đặc biệt có tình trạng nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường.
« Rõ ràng khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung như phát biểu của Thủ tướng tại phiên thảo luận tổ, đó là phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng ».
- Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) :
Trên phương tiện truyền thông có ý kiến cho rằng việc xây dựng hệ thống thủy điện cùng với việc phá rừng, chế độ sử dụng nước, xả nước ở thời kỳ lũ là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm thảm họa như vừa qua. Nhưng cũng có nhà khoa học lên tiếng cho rằng không phải thủy điện là tác nhân gây lũ lụt ở miền Trung.
Đây đúng là điều chưa rõ ràng, với tình trạng sắp tới khi khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt, việc khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung không dễ trong thời gian ngắn, thảm họa vẫn có thể xảy ra.
Về mặt khoa học Chính phủ nên làm rõ việc này, chúng ta hoạch định để phát triển nguồn năng lượng, nhưng cần tính toán cái lợi, cái thiệt. Thực tế rõ ràng là thảm họa vừa qua rất lớn.
Và còn điều băn khoăn nữa, trước đây đã đặt ra nhưng chưa có ai trả lời. « Chúng ta có hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa, phần lớn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý. Vị trí của các thủy điện này đều nằm ở rừng sâu, núi thẳm. Giả sử sau vài chục năm, thủy điện đó hết hiệu quả kinh tế, hết khấu hao…thì ai sẽ quản lý. Liệu nó có là những « quả bom » nổ chậm gài trong rừng sâu không? Vấn đề môi trường thế nào?
- Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) :
Lũ lụt, thiên tai xảy ra những ngày qua có phần do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở… Tuy nhiên phải kể đến việc thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn. Câu chuyện hủy hoại thiên nhiên không còn là chuyện mới, xong nhìn lại ngập lụt, sạt lở vừa qua càng thấm thía hậu quả cho sự tàn phá này.
Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau; cùng với mưu sinh của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục nghìn ha rừng đầu nguồn mất đi, chỉ tiêu phấn đấu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng không nói được nhiều về chất lượng, khả năng giữ đất, giữ nước, chắn giữ thiên tai khi rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng hẹp đi.
Phần lớn các vùng bị lũ dữ, sạt lở đất xảy ra ở nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỉ lệ rừng giàu tự nhiên thấp. Mất rừng mất đất, khả năng thấp điều tiết nước tự nhiên từ thượng nguồn là nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất, lũ đi nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.
« Thủy điện có thể không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và tạo nên lũ dữ, tàn phá nặng nề hơn”.
3/ Trả lời của các thành viên Chính phủ :
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên môi trường) :
Từ kết quả nghiên cứu, xem xét lại những vụ việc lũ lụt vừa qua cho thấy những vụ sạt lở là do tổ hợp nhiều dạng thiên tai : 4 cơn bão, trong đó có cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua đổ bộ hết sức nguy hiểm.
Cùng với đó là vùng áp thấp duy trì rất lâu ở miền Trung tạo ra lượng mưa vượt qua tất cả các chỉ số đo lịch sử. Có những ngày ở Quảng Nam lượng mưa lên đến 500mm/ngày và có những nơi trong suốt giai đoạn mưa lớn đo được lượng mưa vượt 2.000-4.000mm. “Điều đó có nghĩa là cả nửa mét nước trút xuống. Như vậy là trời đổ nước xuống chứ không phải mưa nữa”.
Số liệu điều tra khách quan cho thấy những khu vực sạt lở như Trạm kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế), Binh Đoàn 337 (Quảng Bình), Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My, Quảng Nam)… nằm ở độ cao 300-900m so với mực nước biển và nằm trên khu vực đứt gãy địa chất.
Các khu vực này cũng nằm trên địa hình đồi núi dốc, trọng lực trượt và độ dốc sông suối làm đất đá nát vung. Cộng thêm mưa lớn làm gia tăng trọng lực trượt của đất gây sạt lở.
Nhưng cũng cần phải đánh giá về rừng, thảm thực vật tự nhiên liên quan so với rừng trồng.
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (Bộ Công thương) :
Giải trình về vấn đề phát triển thủy điện gắn với bảo vệ môi trường tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều 4-11, ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, cho hay hiện có 429 đập và công trình thủy điện, trữ nước 56 tỷ m3, công suất 20.000MW, chiếm 37% là nguồn năng lượng quan trọng.
Thực tế, thủy điện đóng góp nguồn điện, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có vai trò tích nước để cắt giảm và điều tiết lũ. Song ông cũng không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện về môi trường, đất, nước, khí hậu, đời sống dân sinh.
« Tùy thuộc cách thức con người trong khai thác nguồn thiên nhiên. Việc tác động dòng chảy, đất, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên là vấn đề. Cũng có chuyện thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn và chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão ».
Thủy điện đã được Quốc hội quan tâm đặc biệt từ năm 2013 với Nghị quyết 62 về công tác quản lý hồ đập thủy điện. Hằng năm có quản lý kiểm tra giám sát đầy đủ về độ an toàn hồ đập, vận hành hệ thống, tham gia phòng chống thiên tai, phân cấp quản lý địa phương.
Về cấp phép dự án thủy điện, ông Tuấn Anh nói từ 2016 tuyệt đối không bổ sung bất cứ thủy điện nhỏ nào chiếm đất rừng tự nhiên.
Thực tế, diện tích chiếm dụng đất của dự án đã giảm, quy định là không vượt quá 10ha/MW nhưng thực tế chiếm dụng chỉ 1,9ha/MW, cho thấy thực thi chính sách chặt chẽ.
Về đánh giá hiệu quả dự án thủy điện, đặc biệt là nhỏ và vừa, Bộ trưởng cho hay đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án và 8 dự án thủy điện bậc thang. Ngoài ra, 213 dự án tiềm năng cũng được đưa ra khỏi quy hoạch.
Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập. Dẫn chứng như thủy điện Hố Hô năm 2016 xả lũ vượt quá mức về hồ, lực lượng chức năng xử lý kiên quyết, thu giấy phép hoạt động và phạt.
Đánh giá về thủy điện tác động tác động lũ bão, sạt lở đất trong thời gian vừa qua, ông Tuấn Anh lưu ý đều gắn chặt yếu tố thời tiết, tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Lượng mưa lên tới hàng ngàn m/s, tạo ra tác động cấu tạo địa chất và điều kiện đất đai, gây ra sụt lở nghiêm trọng.
Không phủ nhận việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, địa chất có tác động của con người thông qua dự án thủy điện và dự án khác, song ông đề nghị trước diễn biến dị thường thời tiết, cần ứng phó, đưa ra cảnh báo sát hơn, có bản đồ cảnh báo sạt lở…
« Bộ Công thương sẽ tăng cường quản lý hiệu quả thủy điện, giảm bớt tác động thiên tai. Với các ý kiến góp ý của đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp thu để tiếp tục siết chặt quản lý phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường ».
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :
Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Đề cập đến các vụ việc sạt lở đất nghiêm trọng vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chính là do kết cấu địa chất bị ảnh hưởng do mưa lớn kéo dài, lượng mưa lớn. Vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã phá hỏng kết cấu địa chất.
Dẫn chứng vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) khiến 22 cán bộ, chiến sĩ tử nạn và vụ sạt lở ở Trà Leng (Quảng Nam), các ngọn núi đều ở khá xa khu dân cư hoặc khu nhà ở của quân đội, nhưng do mưa lớn, sạt lở, bùn đất « dịch chuyển » vùi lấp nhiều người.
« Như vụ sạt lở ở Trà Leng, ở đây không có thuỷ điện nào cả, ở Hướng Hoá (Quảng Trị) cũng vậy »- Thủ tướng nói. Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ khẳng định luôn hạn chế tối đa tác động của con người.
Ông nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thủy điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đến đất rừng, đều phải trình Quốc hội để xin ý kiến, xem xét.
Laisser un commentaire