Việt Nam tuần qua : từ 16-11 đến 22-11

Thứ hai 16-11-2020 : Dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt được đưa vào Long Hải

Dòng khí đầu tiên từ mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt đã ‘cập bờ’ (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) bằng đường ống Nam Côn Sơn 2 ngày 16-11.

Tháng 8-2016, Chính phủ Việt Nam có quyết định phê duyệt trữ lượng dầu khí mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt,  đến tháng 12-2017 thì quyết định phê duyệt phát triển mỏ. 

Các bên tham gia hợp đồng khai thác gồm Idemitsu Kosan Co., Ltd. : 43,08% và là nhà điều hành ; Teikoku Oil (Côn Sơn) Co. Ltd. : 36,92% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam : 20%. Còn dự án đường ống dẫn khí vào bờ do PV GAS làm chủ đầu tư .

Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí, 2,8 triệu thùng dầu thô và condensate, nguồn khí Sao Vàng – Đại Nguyệt sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo cấp khí cho sản xuất điện (chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước) và cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ.

Được biết, mỏ khí Sao Vàng – Đại Nguyệt thuộc lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn, nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện địa chất phức tạp. Mỏ cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía đông nam, độ sâu mực nước biển 110 – 130m.

Thứ tư 18-11-2020 : Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phòng chống Covid-19

Tại Diễn đàn trực tuyến về các xu hướng y tế tương lai 2020 do Trường Đại học quốc gia Singapore tổ chức ngày 18/11, với sự tham dự của các diễn giả và đại biểu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Indonésie, Philippines, Bangladesh, Việt Nam…, phía Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm phòng chống dịch và điều trị COVID-19.

Tính đến ngày 18/11, toàn thế giới ghị nhận hơn 55,4 triệu ca mắc COVID-19 và 1,2 triệu người tử vong, trong khi Việt Nam ghi nhận 1.300 ca mắc và 35 ca tử vong, 1.124 người khỏi bệnh và ra viện. Đến nay, sau hơn 2 tháng, Việt Nam không phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Sự thành công bước đầu và tích cực của Việt Nam trong phòng chống, điều trị và kiểm soát dịch bệnh như trên nhờ sự nỗ lực không ngừng của tất cả hệ thống chính trị, xã hội, người dân và các đối tác, được PGS.TS. Lương Ngọc Khuê chia sẻ với 10 bài học từ Việt Nam :

1. Sự vào cuộc sớm và quyết liệt của các hệ thống chính trị, bộ ngành, sự đồng lòng của người dân – Thiết lập hệ thống chỉ đạo xuyên suốt;

2. Xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó với các tình huống cấp độ dịch bệnh;

3. Tổ chức phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc, điều trị – Quản lý thông tin báo cáo ca bệnh;

4. Cập nhật thường xuyên các hướng dẫn chuyên môn;

5. Xây dựng các quy định về trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho đơn vị điều trị Covid;

6. Thiết lập hệ thống xét nghiệm ngay tại cơ sở khám chữa bệnh;

7. Đánh giá thực trạng nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, đào tạo, bổ sung năng lực chuyên môn;

8. Thành lập đội cơ động và hỗ trợ thường xuyên cho địa phương;

9. Thành lập Trung tâm Trực tuyến hỗ trợ điều trị COVID-19;

10. Theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên thực hiện tiêu chí chất lượng bệnh viện an toàn phòng chống COVID-19.

Về định hướng trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên, phát triển mạng lưới y tế từ xa (Tele-Medicine Network) nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và công tác điều trị; tiếp tục giảm quá tải bện viện, giảm lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế và phân tuyến điều trị.

Thứ năm 19-11-2020 : Quảng Ninh đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch trong vòng 45 ngày.

Trong tháng 10 và 15 ngày đầu tháng 11/2020, tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 1 triệu lượt khách đến các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn, khách lưu trú đạt 268.000 lượt.

Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả chương trình kích cầu nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; thúc đẩy phát triển du lịch đi đôi với phòng, chống dịch COVID -19 với khẩu hiệu “Đi lại an toàn, vui chơi an toàn, nghỉ dưỡng an toàn”.

Trong tháng 10/2020, các đơn vị tại Quảng Ninh đã tổ chức 19 sự kiện chương trình; từ 1- 17/11/2020 đã tổ chức 8 sự kiện, chương trình như : Hội mùa vàng Bình Liêu; Tuần văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; Yên Tử – về miền đất Phật mùa thu.

Lượng khách đến Quảng Ninh tăng cho thấy chính sách kích cầu được triển khai đã đem lại những tín hiệu tích cực, qua đó, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh để Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Tự giờ đến cuối năm, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút thêm 1.500.000 lượt khách đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm 19-11-2020 : Sao la trở thành linh vật SEA Games 31

Ngày 19.11, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng, biểu tượng vui, bài hát và khẩu hiệu của SEA games 31 và Para Games 11 đã tổ chức trao giải cho các tác phẩm đoạt giải.

Sau gần 2 năm tổ chức, phát động cuộc thi, trải qua nhiều khó khăn, ban tổ chức nhận được 1.467 bài dự thi, bao gồm biểu trưng (logo) và biểu tượng vui (mascotte).

Kết quả, họa sĩ Ngô Xuân Khôi giành giải nhất với tác phẩm Sao la ở cuộc thi sáng tác biểu tượng vui (mascotte).

Ở cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo), tác phẩm « Cánh chim bay lên – bàn tay chữ V » của tác giả Hoàng Xuân Hiếu, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Huế đã giành giải nhất.

Ngày 21.11, tại lễ « Khởi động cùng SEA Games 31 » bài hát chủ đề của SEA Games 31 và ASEAN Para Games sẽ được công bố.

Về khẩu hiệu SEA Games 31, sau khi cân nhắc hàng loạt các khẩu hiệu gửi đến dự thi, ngành thể thao đã thống nhất đề xuất « For a stronger South East Asia » (tạm dịch: Vì một Đông Nam Á mạnh hơn).

Nếu không bị trở ngại vì dịch Covid-19, Sea games 31 và Para Games 11 sẽ được tổ chức năm 2021 tại Việt Nam.

Sao la là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam và Lào. Sao la được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam. Thông qua mẫu biểu tượng Sao la giúp cho bạn bè trong khu vực và quốc tế biết thêm những giá trị rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước Việt Nam.

Thứ năm 19-11-2020 : Hơn 1.500 container phế liệu ‘nằm ăn vạ’ ở cảng Cát Lái nhiều năm

Ngày 19/11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TPHCM cho biết, hiện nay tại cảng Cát Lái vẫn còn tồn đọng 1.527 container phế thải các loại.

Trong đó có 1.099 container tồn tại cảng từ năm 2017, 2018 nhưng chủ hàng đã « bỏ của chạy lấy người ». Lực lượng Hải quan đã yêu cầu 30 hãng tàu tái xuất nhưng hiện tại chỉ mới 19 hãng tàu phản hồi, có phương án tái xuất 653 container, 11 hãng tàu vẫn chưa có phương án nào với 446 khác.

Vì đâu có tình trạng này ?

Khi hàng đã đến cảng, doanh nghiệp mở tờ khai thì hải quan mới xử lý được có trường hợp vi phạm hay không. Ngược lại,  chưa mở tờ khai thì cảng phải “ôm” hàng, bên cạnh đó hãng tàu vận chuyển lại nói không có trách nhiệm phải biết trong đó có gì nên cũng khó xử lý triệt để. Đối với DN thuê hãng tàu nhưng chưa làm tờ khai hải quan, nếu bị kiểm tra họ còn có thể chống chế, lấy lý do hàng gửi nhầm.

Chính luật pháp lỏng lẻo này đã gây khó trong việc xử lý vi phạm. Nếu như ở nước ngoài khá chặt chẽ trong các quy định nhập khẩu phế liệu, thì ngược lại ở nước ta còn quá nhiều lỗ hổng. Điển hình như vụ nhập khẩu phế liệu nêu trên.

Nhiều chuyên gia môi trường lo ngại, công nghệ tái chế phế liệu của các DN trong nước còn khá thủ công, yếu kém, ảnh hưởng trực tiếp đến con người, tác động xấu đến môi trường. Nếu không có chính sách kiểm soát tốt, Việt Nam có khả năng trở thành “vùng trũng” tập kết rác thải phế liệu của thế giới. 

Thứ bảy 21-11-2020 : Thư giãn : Bị bắt xe vì vi phạm giao thông, cô gái cưới luôn anh cảnh sát xử phạt mình

Bị xử phạt vì vi phạm giao thông có lẽ luôn là ấn tượng không tốt với đa số tất cả mọi người nhưng với Đoàn Bảo Trân (sinh năm 1990, Quảng Trị), đó lại chính là cái duyên của định mệnh.

Bảo Trân kể lại, vào những ngày tháng 3/2019, khi đang trên đường đến chỗ hẹn với một người bạn, cô bị cảnh sát giao thông giữ lại và xử lý vi phạm vì điều khiển phương tiện không có gương chiếu hậu.

Cô kể: « Anh Dũng chồng mình là đội trưởng, anh giữ giấy tờ. Anh nạt mình vì sao đi xe sao không lắp gương, có biết vậy là phạm luật rồi nguy hiểm không, phải phạt cho nhớ ».

Bảo Trân cho biết khi đó cô rất sợ, đi theo, níu tay rồi lí nhỉ giải thích.

Anh Dũng sau đó kêu Bảo Trân đi mua gương và anh sẽ lắp lại cho. Sau đó, Bảo Trân được cho đi mà không bị giữ xe.

« Trước lúc mình đi, anh còn dặn đi xe máy phải bỏ túi vào cốp xe, đề phòng cướp giật”.

Không ngờ sau đó cô gái và chính anh cảnh sát giao thông ấy lại nên duyên và quyết định về chung một nhà vào 20/11 vừa qua, 1 năm sau « duyên » xử phạt.

« Từ khi yêu đến cưới, anh và mình chưa từng cãi vã hay nói lời chia tay. Mình đi làm về mệt, anh thường nấu ăn cho mình, hoặc đi chợ mua đồ sẵn để mình đỡ mất công. Hôm nay cưới xong, anh đi ăn uống tiếp với bạn nhưng không quên mua bát cháo về cho vợ vì sợ mình mệt, không ăn uống được gì », Bảo Trân chia sẻ.

Thứ bảy 21-11-2020 : Khởi tố nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM

Ngày 21-11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) và ông Lê Hoàng Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV (Một thành viên – công ty 100 % Nhà nước) phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) về tội « Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí ».

Ngoài hai người này, Công an TP HCM còn khởi tố thêm 13 người khác.

Tất cả những bị can này được xác định có liên quan đến hành vi của ông Tề Trí Dũng (SN 1981, nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). Trước đó, ngày 14-5-2019, Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về 2 tội « Tham ô tài sản » và « Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí ». Cụ thể là sử dụng văn phòng IPC để cho thuê, thu bất chính 295 tỷ đồng, chuyển nhượng cho tư nhân dự án Khu dân cư Long Hậu – Long An, tổ chức các chuyến đi nước ngoài nhưng không được phép với tổng số tiền là hơn 1,3 tỉ đồng…

Chủ nhật 22-11-2020 : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến diễn ra trong hai ngày (21-22/11). Đây là lần thứ hai các nhà lãnh đạo G20 họp trực tuyến trong năm 2020 nhằm phối hợp chính sách toàn cầu ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, cân bằng và bao trùm.

Tham dự có lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức…) và khách mời (Thủ tướng Việt Nam và một số lãnh đạo các nước), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên hợp quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)…

Ngày 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng lãnh đạo cấp cao các nước tham dự phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm”.

Trong phần tham luận của mình, Thủ tướng nhấn mạnh, để vượt qua đại dịch và phục hồi bền vững, các nước cần chủ động thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”, triển khai đồng bộ và hài hoà phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm phòng chống dịch.

Về hợp tác y tế, cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vắc-xin và thuốc đặc trị Covid-19, theo đó đề nghị các nước G20 xây dựng thỏa thuận sản xuất vắc-xin với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin ở quy mô lớn.

Về kinh tế, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới, duy trì các chuỗi cung ứng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị y tế…; ủng hộ hội nhập, tham gia thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, mở, công bằng, minh bạch và bao trùm với WTO là trung tâm; đề nghị G20 tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hình thành các khuôn khổ, thỏa thuận, quy tắc toàn cầu trong quản trị nền kinh tế số.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :