Kiếm tiền triệu mỗi tháng khi dùng điện mặt trời áp mái
Trạm phát điện mini trên mái nhà của ông Sính
Ngôi nhà 3 tầng của ông Trần Đình Sính (Hà Nội) có diện tích mái nhà hơn 60 mét vuông, được ông đầu tư 81 triệu đồng để lắp kín những tấm pin mặt trời, có tổng công suất là 7,1 KW.
Việc vận hành trạm phát điện này khá đơn giản. Một thiết bị thông minh sẽ tự động điều phối việc sử dụng, khi trời hết nắng hệ thống điện trong nhà sẽ chuyển sang dùng điện lưới thông thường. Còn ban ngày khi nắng nhiều, điện dùng không hết, sẽ tải ngược vào lưới điện để bán lại cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Các chỉ số dễ dàng theo dõi thông qua một ứng dụng được cài vào điện thoại di động. Bất cứ lúc nào ông Sính cũng quan sát được các tấm pin đang sản xuất ra bao nhiêu điện, tương ứng với bao nhiêu tiền sẽ thu được về.
Trước khi lắp điện mặt trời, hóa đơn tiền điện trung bình của nhà ông Sính là 700.000 đồng/tháng. Sau khi lắp, ông Sính đồng thời sử dụng thêm điều hòa, nhưng sau khi trừ đi lượng điện đã tiêu thụ, trung bình số tiền ông nhận lại từ EVN khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng.
Ông Sính tính rằng khoảng 6, 7 năm sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư, về kinh tế có lãi hơn gửi tiền tiết kiệm. Việc bảo trì, bảo dưỡng, theo ông cũng khá đơn giản, tổn phí khoảng 10% toàn bộ đầu tư hệ thống. Pin được bảo hành hiệu suất sử dụng còn 80% sau 25 năm, và vẫn còn có thể tiếp tục sử dụng. Theo tính toán thì bắt đầu từ năm thứ 8, ông Sính được hưởng lợi hoàn toàn từ mặt trời. Hợp đồng đã ký của ông với EVN, bảo đảm điện mặt trời mái nhà của ông được thu mua với giá ổn định trong 20 năm.
Lý do nào khiến điện mặt trời áp mái chưa phổ biến?
Hầu hết câu trả lời của những người chưa quyết định đầu tư là vì lý do kinh tế vì đầu tư ban đầu khá cao. Một số người khác chưa ổn định chỗ ở. Lý do kỹ thuật cũng là điều hay được nhắc tới.
Những người ở chung cư hoặc có mái nhà bị che khuất không thể lắp đặt pin mặt trời. Một số người khác không đủ hiểu về kỹ thuật, vì những thuyết minh về điện mặt trời hiện nay khá khó hiểu đối với kiến thức phổ thông. Cuối cùng là một tâm lý e ngại chung, với một điều còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Nguy cơ ô nhiễm từ những tấm pin năng lượng mặt trời
Bên cạnh những băn khoăn về kinh tế hay về kỹ thuật, còn những hoài nghi về việc điện mặt trời có thực sự sạch, hay lại là hiểm họa môi trường mới trong tương lai?
Sự lo ngại về việc xử lý những tấm pin sau khi hết hạn sử dụng đã được IRENA – Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế, giải thích phần nào.
Tuy cồng kềnh, nhưng cấu trúc của tấm pin năng lượng mặt trời chỉ có một màng mỏng khoảng 0,2mm chứa tế bào quang điện, là lớp có thể chứa chất gây hại môi trường, cần thu hồi xử lý theo qui trình xử lý rác điện tử. Toàn bộ phần còn lại là kính, nhựa, nhôm… đều là rác thải thông thường và là những vật liệu có thể tái chế.
Việt Nam hiện chưa có qui trình xử lý pin mặt trời sau sử dụng, nhưng số lượng tấm pin thải cũng chỉ bằng 11% so với lượng tro sỉ của nhiệt điện than hiện nay.
Nói cho cùng, có sử dụng điện mặt trời hay không, vẫn là vấn đề nhận thức của xã hội trong xu hướng giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, còn có chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Laisser un commentaire