Covid-19 : Lại nói về vấn đề ý thức !!!
Mới đây, cộng đồng mạng đã được phen « dậy sóng » trước câu chuyện của một cô gái than phiền vì « không có người phục vụ », dù cô đã « bỏ ra 25 triệu để về nước ».
Tài khoản có tên P.T.T đã đăng tải đoạn clip đáp chuyến bay về Việt Nam kèm theo dòng trạng thái: « Xuống sân bay đã mệt, bỏ 25 triệu cách ly mà không có ai phục vụ. Tự xử hết, đuối luôn »…
Ngay lập tức, đoạn video đã thu hút được sự chú ý của dân mạng. Nhiều người cho rằng cô gái này quá « tiểu thư », yêu cầu người phục vụ trong khu cách ly là không thể chấp nhận được.
– 25 triệu của bạn to ghê ý, mình thấy được về nước thời điểm dịch bệnh bùng phát như thế này thì nên trân trọng đi bạn ạ.
– Những lời này thật khó mà lọt tai, bạn nên xem lại cách cư xử.
– Khu cách ly, sân bay chứ có phải nhà hàng khách sạn đâu mà đòi hỏi người phục vụ bạn. Thật khó nghe.
– Mình nghĩ bạn nên cảm thấy biết ơn khi được đưa về nước trong thời gian này. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát khắp nơi thì được về Việt Nam là điều hạnh phúc đấy bạn ạ.
Trước phản ứng của cộng đồng mạng cô gái đã có màn đáp trả tay đôi vô cùng gắt gao. « Có ai bỏ ra chục triệu mà không muốn làm bà hoàng không? »…
Đây đã không còn là câu chuyện quá lạ lẫm xảy ra trong mùa dịch bệnh. Rất nhiều người đã từng trách móc nặng lời về sự thiếu chu đáo của Nhà nước, của lực lượng chức năng phục vụ…
Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra, dù cá biệt. Khi mà dịch bệnh là chuyện bất ngờ; người cần cách ly quá đông, dù chuẩn bị cỡ nào cũng sẽ có những điều chưa như ý.
Nhưng thiết nghĩ, họ chỉ nên góp ý, còn chê bai, than thở, chỉ trích ác ý trong trường hợp này là hành vi vô ý thức.
Còn nhớ cách đây không lâu, câu chuyện một vài du học sinh đã phán xét nơi ăn, chỗ ở được người khác chuẩn bị sẵn sàng để đón mình về là “nơi kinh khủng khiếp”, “không thể sống nổi” đã dấy lên làn sống phẫn nộ của dư luận.
Ở giai đoạn ấy (mà ngay tại thời điểm này), hàng ngàn du học sinh và Việt kiều ồ ạt về quê hương trong khi các nước phương Tây chưa giải quyết được nạn dịch. Tất cả phải trải qua 14 ngày cách ly tập trung trước khi trở về với cuộc sống bình thường. Mục đích duy nhất là đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ, cho gia đình và người xung quanh.
Thế nhưng, một vài trường hợp mới trở về đã lên mạng than vãn, chê bai điều kiện cách ly ở Việt Nam kèm những từ ngữ khó nghe.
Một nữ du học sinh Mỹ được cách ly tại khu ký túc xá của trường Đại học Quốc gia TP. HCM đã mô tả nơi ở tạm thời của mình rằng: “Kinh khủng khiếp thật sự, không biết sống sao, không dám đụng vào cái gì trong phòng”.
Một du học sinh Canada thậm chí còn dùng lời lẽ tục tĩu (xin phép không đăng những câu nói tục tĩu đó) để chê bai khu cách ly. Cô gái này chia sẻ : « Không thể sống nổi luôn á. Như này quá sức chịu đựng của mình rồi mọi người ơi. Wifi không có, không có cái gì hết… »
Và một du học sinh Pháp còn lên mạng hỏi công khai rằng, làm thế nào để trốn cách ly.
Ba con người, ba câu chuyện đã làm dấy lên nỗi bức xúc cho toàn xã hội. Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên, lời chê bai của ba du học sinh trên lại khiến dư luận giận dữ đến vậy. Suốt thời gian qua, bất cứ ai cũng biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam căng thẳng thế nào, toàn dân, toàn quân đang phải gồng mình chiến đấu với đại dịch ra sao.
Và để có được điều kiện cách ly như hiện tại, đã có không ít sự hy sinh thầm lặng. Các bác sĩ, y tá sẵn sàng đứng ở tuyến đầu, chữa trị cho người bệnh. Các chiến sĩ bộ đội tự nguyện nhường giường ngủ của mình cho người cần phải cách ly.
Nhưng đáp lại sự nhiệt tình và chân thành ấy lại là những lời lẽ chê bai gay gắt của một vài du học sinh.
Dẫu rằng, thay đổi môi trường sống đối với bất kỳ ai cũng là thử thách, thế nhưng, trong hoàn cảnh buộc phải cách ly vì trở về từ vùng dịch, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao thì họ cần phải học cách thích nghi.
Phán xét nơi ăn, chỗ ở được người khác chuẩn bị sẵn sàng để đón mình về là “nơi kinh khủng khiếp”, “không thể sống nổi”, “quá sức chịu đựng” được cộng đồng xem là thói ích kỷ và tội vô ơn.
Quay trở lại trường hợp như chủ nhân bài viết trên kia, dù rằng cô gái ấy bỏ số tiền cả chục triệu để về nước cách ly, tuy nhiên thay vì tỏ thái độ trịch thượng thì hãy nhẹ nhàng góp ý và cảm thông với đồng bào.
Bởi giai đoạn khó khăn này, có ai sung sướng hơn ai ?
Laisser un commentaire