Kinh tế Việt Nam 2020 : Dấu ấn của ý chí tự lực, tự cường
Năm 2020 đi qua đánh dấu nhiều bất ổn chưa từng có với kinh tế thế giới và Việt Nam. Dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới là một cú sốc lớn, làm gián đoạn hoạt động kinh tế – xã hội toàn cầu. Các xung đột thương mại giữa các nước, các khu vực; thiên tai, dịch bệnh đã liên tiếp tác động tới Việt Nam. Bất chấp khó khăn, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91% nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả này theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó là « Lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân ».
Kiên định mục tiêu kép
Có thể nói chưa năm nào các dự báo tăng trưởng kinh tế khó đoán định như năm nay. Dịch COVID-19 đã đảo lộn các tính toán của những cơ quan làm chính sách. Xuất hiện ngay thời điểm đầu năm khi cả nước đang trong không khí vui Xuân đón Tết Nguyên đán Canh Tý, dịch COVID-19 đã lập tức tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch, giao thông đặc biệt là hàng không và kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay trong quý I. Ngay trong tháng 3, nước ta đã dừng cấp visa cho mọi đối tượng vào Việt Nam, kể cả hàng không, đường bộ, đường biển.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, sụt gần một nửa so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất của quý I trong hơn 10 năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn 0,5%, mức tăng thấp kỷ lục, trong khi nhập khẩu âm gần 2%.
Nhưng hơn thế, dịch đã « ăn mòn » thành quả của các ngành, lĩnh vực những năm trước và hiển hiện rõ trong quý II, khi GDP chỉ tăng trưởng 0,36%, mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Tính chung cả 6 tháng năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81% – mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu đều giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, các mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn là khá cao so với bối cảnh chung của thế giới khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm và đặc biệt là điểm sáng về kiểm soát tốt dịch bệnh.
Để có được điều này, trong năm 2020, cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp dốc toàn tâm, toàn lực để giữ ổn định kinh tế – xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Phương châm “mục tiêu kép” vừa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất được Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt cả năm.
Hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân vào sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự ảnh hưởng của chuỗi đứt gẫy cung ứng.
Có thể kể đến Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng số tiền khoảng 62.000 tỷ đồng (2,48 tỷ €) ; các chính sách giảm giá điện, giá nước, giá dịch vụ viễn thông cho người dân ; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 ; Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 ; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất ; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19…
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm: « Mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để thể hiện bản lĩnh, sự đoàn kết, chung sức đồng lòng. Đó là thời điểm lửa thử vàng, gian nan thử sức, càng khó khăn càng nỗ lực, càng nung nấu càng quyết tâm hơn”.
Nhưng khó khăn năm 2020 chưa dừng lại ở đó, dịch COVID-19 đã quay trở lại cộng đồng trong tháng 7 với ca mắc tại Đà Nẵng khi cả nước đang quyết tâm khôi phục lại nền kinh tế. Rồi 13 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung ; trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây khiến nhiều người thiệt mạng, gây tổn thất nặng nề về cơ sở hạ tầng. Thêm một lần nữa, sức mạnh đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường lại được nhân lên mạnh mẽ hơn.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ này. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương có giải pháp sớm khôi phục các chuỗi cung ứng thúc đẩy phát triển logistiques, công nghiệp hỗ trợ ; tranh thủ cơ hội duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)…. Bộ Công Thương và các địa phương đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa phù hợp, tổ chức các kênh phân phối hàng hóa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Bộ Tài chính thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của Chính phủ, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm ước thực hiện 110.000 tỷ đồng (4,4 tỷ €) ; trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 80.000 tỷ đồng (3,2 tỷ €) ; số được miễn, giảm khoảng 30.000 tỷ đồng (1,2 tỷ €).
Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 200.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng (14,2 tỷ €) ; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng (40 tỷ €). Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (86 tỷ €) cho hơn 390.000 khách hàng.
Với sự hỗ trợ kịp thời trên cùng với sự nỗ lực, sức chống chịu và khả năng thích ứng của số đông doanh nghiệp, nền kinh tế 11 tháng hồi phục rõ nét. Sản xuất công nghiệp với ngành chế biến, chế tạo tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 59,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Ngân hàng thế giới (Banque mondiale), Việt Nam có kết quả như trên nhờ khả năng chịu đựng của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết định và sáng tạo, Chính phủ Việt Nam còn sử dụng các khóa chính sách và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho các khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi.
Laisser un commentaire