Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng thống Donald Trump về ‘thao túng tiền tệ’

Ngày 16-12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo về « Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ », qua đó đưa Việt Nam vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapour, Malaisie, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.  Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) bị phía Bộ Tài chính Mỹ xác định là « thao túng tiền tệ ».

Ngày 22-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. « Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế ».

« Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi ».

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng khẳng định thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, không thể được xem là « thao túng tiền tệ ».

NHNN cho biết theo quy định của đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỉ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỉ USD. Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP.  Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

NHNN khẳng định việc điều hành tỉ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.   

Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Những năm gần đây, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại tăng trưởng liên tục từ con số 450 triệu USD vào năm 1994 lên 75 tỷ USD vào năm 2019. Không những thế, kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết năm 2000, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được thay đổi đáng kể.

Thời gian trước, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là nhóm hàng dệt may, da giày nhưng đến nay trong danh mục các nhóm hàng xuất khẩu quan trọng đã có thêm nhóm hàng nông-thủy-hải sản. Đáng lưu ý, 5 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này trong năm 2019, ngoài dệt may tăng 24%, giày dép tăng 11% còn có điện thoại và linh kiện tăng 15%, máy tính và sản phẩm điện tử tăng 10%, đồ gỗ tăng 9%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều xuất hiện tại thị trường này với số lượng lớn và chủng loại dồi dào, phong phú. Nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp như thiết bị điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, cao su,… từ Việt Nam cũng được nhập khẩu với số lượng lớn để phục vụ sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Hoa Kỳ.

Hơn nữa, cơ cấu xuất khẩu đã thay đổi theo hướng tăng dần nhóm hàng chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao giá trị gia tăng. Hiện, có tới 10 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị lớn vào Hoa Kỳ, trong đó có các nhóm hàng xuất khẩu giá trị như dệt may (14,8 tỷ USD), điện thoại và linh kiện (8,8 tỷ USD), giày dép (6,6 tỷ USD), đồ gỗ (5,3 tỷ USD).

Về nhập khẩu, hàng hóa của Mỹ tuy có thay đổi nhưng, nhìn chung về cơ cấu, không được rõ nét cho lắm. Các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ là máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, nhưng gần đây, nhóm hàng nông sản, hoa quả, thịt, sản phẩm thịt cũng được nhập khẩu nhiều hơn.

Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam và phía Mỹ đã và đang tích cực triển khai Kế hoạch hành động hướng tới quan hệ thương mại Việt – Mỹ hài hòa, bền vững hơn, thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước ; giúp đỡ và tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hoạt động kinh doanh với Việt Nam, thúc đẩy các dự án đầu tư vào Việt Nam, nhập khẩu nguyên vật liệu, qua đó cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước, theo nguyện vọng của phía Mỹ.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :