Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói về quá trình chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong năm 2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress về những biện pháp chống dịch trong năm 2020 và định hướng thời gian tới.
– Đầu năm 2020, khi Covid-19 mới bùng phát ở Vũ Hán và còn chưa có tên gọi chính thức, cơ sở nào để Chính phủ triển khai phòng chống dịch cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lúc đó ?
– Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trước Tết Nguyên đán 2020, có ý kiến của chuyên gia quốc tế cho rằng dịch bệnh này không lây từ người sang người. Tuy nhiên, khi Chính phủ thảo luận, chúng tôi đã phản biện quan điểm này. Chúng tôi cho rằng ý kiến đó không đúng và Việt Nam cần có các biện pháp phòng chống từ sớm.
Nếu dịch bệnh không nguy hiểm, không lây từ người sang người thì vì sao Bộ Chính trị Trung Quốc phải họp vào mùng Một Tết Nguyên đán ? Nếu dịch bệnh không nguy hiểm, vì sao Trung Quốc quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán ? Nếu không nguy hiểm, vì sao hơn 5 triệu người Vũ Hán đã tìm cách ra khỏi thành phố trước lệnh phong tỏa, trong khi những người này hầu hết là những người có hiểu biết, có điều kiện kinh tế ? Vì sao Trung Quốc phải thần tốc lập hai bệnh viện dã chiến lớn Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán? Vì sao số người bị nhiễm, số người chết không ngừng tăng nhanh ở thời điểm đó ?…
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng cần phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cao hơn khuyến cáo của WHO. Chiều mùng 3 Tết, Thủ tướng chủ trì họp, đưa ra thông điệp chống dịch bệnh. Công điện số 05 của Thủ tướng ban hành ngày 28/1/2020, tức mùng 4 Tết Nguyên đán Canh Tý đã nêu nhiều biện pháp quyết liệt, như tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến các vùng có dịch của Trung Quốc và ngược lại ; phòng chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải ; giao Bộ Y tế hoàn thành kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế…
Thủ tướng cũng sớm đưa ra chỉ lệnh « chống dịch như chống giặc », toàn quân, toàn dân phải tham gia việc này. Trong suốt năm qua, thực tiễn đã chứng minh nếu không có sự nỗ lực hết mình của lực lượng quân đội, công an bên cạnh đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế thì công cuộc phòng chống Covid-19 của chúng ta không thể thành công được.
Kiểm soát thành công Covid-19 đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít nước trên thế giới duy trì tăng trưởng dương, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm.
– Chính phủ đã thảo luận ra sao để đưa ra các biện pháp chống dịch quyết liệt ngay từ đầu ?
– Trong suốt một năm ứng phó với dịch bệnh, có những thời điểm căng thẳng và lo lắng. Đơn cử khi họp, chúng tôi đề cập đến vấn đề đóng cửa biên giới, đóng cửa đường mòn lối mở nhưng điều này không đơn giản. Rất nhiều ý kiến phản biện vì sao phải đóng, đóng rồi sau mở lại thế nào? Ngay cả vấn đề dừng các chuyến bay tới Trung Quốc, hay sau đó là các khu vực có dịch ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… cũng thảo luận tương tự như vậy.
Nếu chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng (cuối tháng 3/2020) không đưa ra những giải pháp quyết liệt, nhất là giãn cách xã hội thì tình hình có thể sẽ không được như hiện nay.
Nhớ lại trong tháng 2 chỉ có 16 ca mắc, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày (từ ngày 6 đến 26 tháng 3), đã có 137 ca mắc mới tại 23 tỉnh, thành phố, đưa tổng số ca mắc lên 153. Vấn đề gây lo lắng là đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn.
Lúc đó Thủ tướng yêu cầu triển khai hàng loạt biện pháp trong chỉ thị 15, đáng chú ý là tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; tiếp tục kiểm soát chặt mọi trường hợp nhập cảnh. Đến chỉ thị 16 thì Thủ tướng yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Hai chỉ thị này chỉ cách nhau 3 ngày cho thấy tinh thần khẩn trương lúc đó.
Bên cạnh đó là hàng loạt biện pháp được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong thời gian ngắn như yêu cầu tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam phải cách ly 14 ngày từ cuối tháng 3; tạm dừng nhập cảnh với nước nước ngoài (trừ chuyên gia, nhà ngoại giao, công vụ) và người Việt Nam cùng thân nhân từ cuối tháng 3/2020; dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước từ đầu tháng 4…
– Yêu cầu cách ly xã hội tuy cần thiết để chống dịch như ông nói, song lúc đó đã gây nhiều cách hiểu khác nhau. Bây giờ nhìn lại, ông giải thích ra sao về việc dùng khái niệm này ?
– Lúc đó việc dùng từ ngữ như thế nào về cách ly xã hội hoặc giãn cách xã hội rất khó, bởi đây là vấn đề hoàn toàn mới. Nhưng có thể hiểu yêu cầu này là « ai ở nhà nào ở nhà đó, xã nào ở xã đó, huyện nào ở huyện đó »… Đồng thời, nếu cơ quan chức năng phát hiện ca nhiễm ở đâu thì phải quản lý, khoanh vùng ở đó, trên cơ sở « đám lửa to thì khoanh to, đám lửa nhỏ thì khoanh nhỏ ». Như vậy, chúng ta mới vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Nhìn lại những ngày tháng đó, chúng ta đều thấy rằng các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trong từng vấn đề cụ thể đều đúng đắn và cần thiết. Nếu Việt Nam thực hiện theo các khuyến cáo của quốc tế lúc đó thì khó lường hết những gì có thể xảy ra. Bởi nếu dịch bệnh bùng phát diện rộng, chúng ta sẽ bị khủng hoảng về thiết bị y tế. Cả nước có 5.000 máy thở, nhưng rải khắp các bệnh viện. Nếu dịch bùng phát rộng thì lấy đâu ra thiết bị y tế để điều trị. Lúc đó, sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe, tính mạng của người dân.
Ngay từ những ngày đầu chống dịch, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp chúng ta phải « hy sinh » về kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Với chủ trương đúng đắn, chúng ta khống chế dịch bệnh thành công, nên đã đón nhiều lượt công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài trở về. Việt Nam cũng cho phép các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp vào làm ăn, kinh doanh, đầu tư.
– Năm 2021, Chính phủ chủ trương phòng chống Covid-19 và phát triển kinh tế, xã hội ra sao, thưa ông ?
– Năm 2020, Thủ tướng đưa ra quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, tập trung phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đồng thời phòng chống dịch chặt chẽ, không để dịch hoành hành trong cuộc sống.
Suốt quá trình như vậy Chính phủ đã tạo điều kiện rất thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Khi họ vào, thủ tục được giải quyết rất nhanh. Văn phòng Chính phủ nhận hồ sơ và chỉ giải quyết trong 1 – 2 ngày là có thông báo cho nhập cảnh. Các cơ quan cấp visa, giấy phép lao động, quản lý cách ly… phối hợp rất nhanh. Chủ trương này đã mang lại thành công trong năm 2020.
Vì vậy, năm 2021, Chính phủ vẫn vẫn chủ trương thực hiện mục tiêu kép một cách quyết liệt, đó là vừa phòng chống dịch nghiêm ngặt, nhất là trên các tuyến biên giới đường bộ, quản lý người nhập cảnh… vừa phát triển sản xuất, kinh doanh. Việt Nam không thể đóng cửa hoàn toàn để không có ca Covid-19 mà vẫn phải phòng chống, nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, xã hội.
Liên quan đến vaccine, hiện nay Việt Nam và một số nước đã sản xuất được và cũng đã tiêm thử trên người. Tôi cho rằng, các đơn vị trong nước sản xuất được vaccine là rất tốt, để chủ động nguồn cung ứng. Nhưng nếu chưa có vaccine sớm thì tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là vẫn phải mua từ nước ngoài. Khi đã có vaccine, Chính phủ sẽ khuyến khích người dân tiêm. Những ai được ưu tiên tiêm, chính sách ra sao thì lúc đó sẽ có cụ thể. Gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo… có thể được đề xuất với Thủ tướng để có chính sách hỗ trợ tiêm vaccine phù hợp.
Laisser un commentaire