Việt Nam hai tuần qua (từ 21-12-20 đến 03-01-21)

Thứ hai 21-12-20 : Xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam

Vào 9h30 ngày 21/12, sau khi nhận được tin báo của ngư dân về việc có 2 tàu cá Trung Quốc xâm phạm sâu trong vùng biển của tỉnh Thái Bình, tại tọa độ 20 độ 19 phút 00 độ Vĩ Bắc – 106 độ 51 phút độ Kinh Đông (cách cửa Ba Lạt khoảng 15 hải lý về hướng Đông Bắc), Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình đã báo cáo Bộ Tư lệnh Biên phòng và UBND tỉnh Thái Bình, đồng thời tổ chức biên đội tàu của Hải đội 2 lên đường làm nhiệm vụ.

Đến 12g00 cùng ngày, biên đội tàu của Hải đội 2 đã phát hiện 2 tàu cá nước ngoài đang hoạt động cách giàn khí Thái Bình 2 km về phía Đông Nam. Các tàu này sơn màu xanh trắng, dài khoảng 40m, rộng 8-10m, dạng tàu giã cào…

Phát hiện tàu Việt Nam từ xa, 2 tàu cá này đã bỏ chạy. Hải đội 2 đã phát loa cảnh cáo, xua đuổi 2 tàu cá trên của Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay BĐBP tỉnh đã tiếp nhận hàng chục tin của ngư dân báo về và đã kịp thời xua đuổi các tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Thứ tư 23-12-2020 : Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép cán nguội Trung Quốc

Vụ việc trên được khởi xướng điều tra từ tháng 9/2019. Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương phát hiện lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc đạt 272.073 tấn, chiếm 65,5% tổng lượng nhập khẩu thép cán nguội vào Việt Nam. Số liệu nhập khẩu cho thấy có sự gia tăng tuyệt đối và tương đối với lượng nhập khẩu thép cán nguội từ Trung Quốc so với lượng sản xuất trong nước.

Theo Bộ Công Thương, sự gia tăng này là nguyên nhân chính gây tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa tương tự của các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Ngành sản xuất trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể, thể hiện ở hầu hết chỉ số, đặc biệt là các chỉ số về lợi nhuận, tồn kho và thị phần. Bên cạnh đó, biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được Bộ xác định là 4,43%- 25,22%.

Trước đó, Việt Nam cũng đã áp thuế chống bán phá giá bột ngọt Trung Quốc, Indonésie.

Từ năm 2016, ngành sản xuất bột ngọt tại một số nước bắt đầu dư cung, hàng tồn kho. Hiện bột ngọt từ Trung Quốc, Indonesie cũng đang bị Mỹ, EU áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Theo số liệu của IHS Market, năm 2019 Việt Nam là thị trường nhập khẩu bột ngọt lớn nhất của Trung Quốc, khoảng 17,5% và thứ 4 của Indonésie.

Thứ hai 28-12-2020 : Phong tỏa chung cư ở TP HCM liên quan đến ca dương tính Covid-19

Một phần chung cư Sư Vạn Hạnh (Q.5, TP.HCM) đang được cơ quan chức năng phong tỏa, xử lý y tế do có ca nhiễm Covid-19 liên quan đến bệnh nhân ở Vĩnh Long.

Khu vực block B và một phần bên trái của block này (theo hướng từ đường Sư Vạn Hạnh vào) bị phong tỏa nghiêm ngặt. Bảng hiệu thông báo khu vực cách ly được gắn trên lưới chắn hàng rào để cảnh báo.

Mọi hoạt động cư dân bên trong khu vực được nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng của quận 5 giám sát chặt chẽ. 

Thứ hai 28-12-2020 : Các tỉnh cuối cùng đã ngừng phát sóng truyền hình analogique

Từ đêm qua (0h ngày 28/12/2020), đã có thêm 15 tỉnh ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất. Đây là các tỉnh thuộc nhóm IV và cũng là các tỉnh cuối cùng ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo kế hoạch của Đề án « Số hóa truyền hình ».

Cụ thể, các tỉnh ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trong đợt này bao gồm : Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Theo kế hoạch số hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đài truyền hình trung ương và địa phương sẽ phải kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.

Thực tế cho thấy, số hóa đang là xu thế tất yếu của ngành truyền hình. Nhiều nước trên thế giới đã hoàn thành việc chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số đối với hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. 

Việt Nam cũng sẽ không đi ngoài xu hướng đó. Khi thực hiện xong Đề án “Số hóa truyền hình”, Việt Nam sẽ là 1 trong số 75 quốc gia trên thế giới hoàn tất việc số hóa truyền hình mặt đất. Tại khu vực ASEAN, hiện mới chỉ có 3 quốc gia khác làm được điều này. 

Thứ ba 29-12-2020 : Người vượt biên về TP HCM dương tính nCoV

Sở Y tế TP HCM chiều 29/12 xác nhận người thứ tư trong nhóm vượt biên từ Myanmar về nước, nam, 24 tuổi, xét nghiệm dương tính nCoV.

Người này được công an và chính quyền tìm thấy rạng sáng 29/12 tại quận 9, TP HCM, sau hơn 12 giờ truy vết. Lực lượng y tế đã phối hợp đưa anh ta và 15 người tiếp xúc gần vào khu cách ly, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, cho biết 15 người tiếp xúc gần (F1) gồm chủ nhà trọ và 14 người làm chung xưởng cơ khí, xét nghiệm âm tính lần một. Khu nhà trọ và xưởng cơ khí tại đường Nguyễn Xiển bị phong tỏa. Ngành y tế thành phố tiếp tục truy vết, khoanh vùng những địa điểm mà thanh niên này từng đến.

Như vậy, nhóm 6 người nhập cảnh trái phép đã được xác định. Hiện ghi nhận 4 người dương tính nCoV, trong đó hai người là bệnh nhân 1440 (về Vĩnh Long) và bệnh nhân 1451 (ở Sư Vạn Hạnh, quận 5); hai người xét nghiệm dương tính là người phụ nữ về Đồng Tháp và nam thanh niên về quận 9. Hai người còn lại về TP HCM, một ở quận 1, một ở Hóc Môn, đều xét nghiệm âm tính lần một.

Những người thuộc diện tiếp xúc với nhóm này hầu hết hiện xét nghiệm âm tính, một số người còn chờ kết quả.

Trong đó, tài xế vận chuyển 6 người nhập cảnh trái phép đã xét nghiệm âm tính lần một.

Nhà chức trách đang tiếp tục truy vết, khoanh vùng những người thuộc các diện tiếp xúc với nhóm vượt biên.

Những người rất có khả năng sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Thứ tư 30-12-2020 : Nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Vĩnh Long hòa lưới

Nhà máy năng lượng mặt trời VNECO Vĩnh Long do Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (thành viên của Công ty Cổ phần BCG Energy, thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) khởi công ngày 6-11. Tới thời điểm hiện tại, đây là nhà máy điện mặt trời dưới 50 MW có thời gian thi công nhanh nhất Việt Nam.

Dự án có tổng công suất 49,3 MW, được xây dựng trên diện tích 49,7 ha, có tổng mức đầu tư 1.156 tỉ đồng. 

Khi nhà máy đi vào hoạt động, sản lượng điện mỗi năm của nhà máy dự kiến đạt khoảng 70 triệu kW, tương đương lượng điện sử dụng cho 26.000 hộ dân và 19.000 tấn COđược giảm thải. Đây là dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn đến 2035.

Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, tỉnh này có tiềm năng bức xạ khoảng 4,67 kWh/m2 ngày, thời gian chiếu sáng bình quân năm đạt 2.550- 2.700 giờ, là điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án điện mặt trời.

Hiện nhà máy điện mặt trời VNECO Vĩnh Long là dự án khởi đầu cho các dự án năng lượng mặt trời tại Vĩnh Long, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm tại địa phương. Ngoài ra, dự án cũng sẽ bổ sung nguồn năng lượng dồi dào vào hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần giải bài toán thiếu điện tại miền Nam.

Trước đó, BCG Energy đã khánh thành các dự án điện mặt trời mái nhà tại các tỉnh phía Nam, nâng tổng công suất các dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành của doanh nghiệp này riêng trong 2020 là 43 MW và còn hơn 100 MW của các dự án điện mặt trời mái nhà khác sẽ triển khai trong thời gian tới.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :