Việt Nam hợp nhất 2 sàn chứng khoán

Chính phủ Việt Nam vừa có quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Đây là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV (Trách nhiệm hữu hạn một thành viên) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.

Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Theo quyết định này, HNX ở Hà Nội sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định pháp luật.

Trong khi đó, HOSE ở TP HCM sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.

  • Thị trường phái sinh là gì (Marché boursier de produits dérivés) ?

Ví dụ : Bạn là nông dân trồng lúa, giá gạo ở thời điểm hiện tại (1/4) khi chưa tới vụ thu hoạch là vào khoảng 15.000đ/kg, khá cao so mọi năm.

Với kinh nghiệm lâu năm của mình bạn biết rằng giá gạo nhiều khả năng sẽ giảm trong tương lai khi vào chính vụ thu hoạch, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải bán giá thấp hơn và làm lợi nhuận suy giảm.

Do đó, để tránh rủi ro bị giảm giá bạn sẽ ký 1 hợp đồng tương lai với người mua rằng tới thời điểm điểm thu hoạch (30/4) sẽ giao hàng cho anh ta với giá 15.000đ/kg, bất chấp giá gạo lúc đó diễn biến ra sao.

Đây chính là những sản phẩm phái sinh sơ khai nhất của thị trường hàng hóa mà sau này được giới “đầu cơ” sử dụng như một công cụ để tìm kiếm lợi nhuận.

Nếu bạn không phải là nông dân trồng lúa, bạn chẳng có hạt gạo nào để giao cho người mua tại thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên bạn vẫn có thể ký hợp đồng tương lai với người mua và sau đó mua lại gạo trên thị trường để giao ở thời điểm 30/4.

Đến nay, sự phân tán TTCK Việt Nam thành hai sàn giao dịch, hai nhóm công ty niêm yết khiến tốc độ trưởng thành của TTCK Việt Nam chậm lại những năm qua. Nó khiến chi phí của các cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế bị tăng lên.

Việc tồn tại hai sở giao dịch còn gây ra sự bất tiện. Không ít sở GDCK các nước phải có quan hệ hợp tác song song với hai sở chứng khoán Việt Nam. Việc tồn tại hai sở GDCK cũng bị coi là một điểm trừ khi quốc tế xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam vì thị trường chưa đủ lớn và chưa thống nhất về quy mô cũng như các chỉ tiêu chất lượng.

Đây là một trong những lý do TTCK Việt Nam đến nay vẫn là thị trường cận biên (marché frontière) chứ không phải thị trường mới nổi (marché émergent).

Với việc hợp nhất hai sở, quy mô vốn hóa chung cả thị trường cổ phiếu tại Việt Nam hiện ở mức khoảng 170 tỷ USD (một con số tương đối lớn so với nền kinh tế của Việt Nam hiện nay).

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :