Những ứng dụng công nghệ người Việt Nam thường dùng
Dịch Covid-19 diễn ra năm 2020 đem đến giai đoạn khó khăn cho nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam, trong đó có các « siêu ứng dụng ». Tuy nhiên, hoàn cảnh đặc biệt cũng tạo ra cơ hội cho các nền tảng này, khi người dùng có thêm nhiều nhu cầu mới.
Trong năm 2020, người dùng Việt có thêm nhiều thói quen mới như đi chợ, mua đồ tạp hóa… qua các nền tảng trên di động.
Những nhu cầu như đặt đồ ăn, thanh toán hóa đơn… cũng dần phổ biến, tiếp cận nhiều khách hàng mới. Sự nhanh nhạy, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mới giúp các siêu ứng dụng ngày càng trở nên quen thuộc.
Dưới đây là 5 nền tảng ứng dụng được đánh giá là khá phổ biến tại Việt Nam.
1/ Grab
Grab vẫn là ứng dụng hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Theo ABI Research, thị phần gọi xe của Grab trong 6 tháng đầu năm 2020 chiếm 74,6%. Ngoài các chức năng như gọi đồ ăn, thanh toán hóa đơn, Grab mở thêm các tính năng như đi chợ hộ trong giai đoạn giãn cách xã hội. Sau 6 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, các dịch vụ của Grab đã xuất hiện ở 33 tỉnh, thành phố. Độ phủ rộng là một lợi thế của nền tảng này so với các đối thủ.
2/ Be
Ứng dụng Be đi vào hoạt động từ cuối năm 2018, với 2 dịch vụ là gọi xe máy và ôtô. Đây là dịch vụ gọi xe chiếm thị phần thứ hai tại Việt Nam, theo số liệu 6 tháng đầu năm 2020 của ABI Research. Trong năm 2020, Be có thêm dịch vụ đi chợ hộ và gọi taxi. So với Grab và Gojek, Be không có dịch vụ giao đồ ăn. Vào tháng 10/2020, bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Be Group cho biết công ty có hơn 100.000 tài xế, kết nối khoảng 350.000 chuyến xe mỗi ngày. Mảng gọi xe vẫn mang lại nguồn thu chủ yếu cho Be Group.
3/ Gojek
Gojek là một cái tên mới mà cũ tại thị trường Việt Nam. Tiền thân là GoViet, công ty này xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2018. Tới tháng 7/2020, GoViet được hợp nhất vào nền tảng của công ty mẹ Gojek. Ứng dụng mới cũng được sử dụng chung cho 3 thị trường Indonesia, Singapore và Thái Lan. Gojek cung cấp 3 dịch vụ gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), giao đồ ăn (GoFood) bằng xe máy tại TP.HCM và Hà Nội. Vào thời điểm đổi tên thương hiệu, doanh nghiệp cho biết quy mô đội ngũ tài xế của ứng dụng lên tới 150.000 người và liên kết 80.000 nhà hàng.
4/ Baemin
Baemin bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 6/2019, tập trung vào khu vực trung tâm các thành phố lớn. Số lượng nhà hàng, quán ăn hợp tác với dịch vụ này tăng mạnh trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Ngoài giao đồ ăn, Baemin còn mở rộng thêm với những dịch vụ như đi chợ hay mua đồ tạp hóa cho người dùng. Sau một năm hoạt động tại TP.HCM, ứng dụng này mở rộng ra thị trường Hà Nội vào tháng 6/2020.
5/ VinID
VinID hiện vận hành một loạt dịch vụ. Ví điện tử VinID Pay có tính năng đi chợ online, thanh toán điện, nước, truyền hình, Internet, mua bảo hiểm, vé xe, thanh toán tại các cửa hàng tạp hóa là đối tác VinShop.
Laisser un commentaire