Khởi công xây dựng sân bay quốc tế Long Thành
Ngày 05-01-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công sân bay Long Thành.
Đây là dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất nước từ trước đến nay, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước.
Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vị trí địa lý thuận lợi, chỉ cách 3 giờ bay đến các trung tâm kinh tế, tài chính lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Vị trí sân bay nằm tại xã Bình Sơn thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách Thành phố Hồ Chí Minh 40 km về hướng Đông, cách Sân bay Tân Sơn Nhất 43 km.
Lúc đầu, dự án dự định đưa ra đấu thầu quốc tế, song cuối cùng Nhà nước Việt Nam đã quyết định chọn các đơn vị doanh nghiệp của Việt Nam.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (13 tỷ 465 triệu €), được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất – hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ có 4 đường cất – hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Các hạng mục xây sân bay Long Thành giai đoạn một được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 gồm : hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, đường giao thông kết nối, đường băng, nhà ga hành khách và hạ tầng hàng không phụ trợ… Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 là khoảng 99.000 tỷ đồng (3 tỷ 96 triệu €).
Theo tiến độ đề ra, ACV sẽ bắt đầu rà phá bom mìn ngay. Cuối tháng một, đơn vị xây tường rào ranh giới sân bay, đến tháng 9 bắt đầu san nền. Các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường băng, hạ tầng phụ trợ, giao thông kết nối… sẽ được khởi công trong quý III/2022.
Mục tiêu của dự án là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Song song đó, dự án thành phần hai là các công trình phục vụ quản lý bay, do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 gồm các công trình như văn phòng làm việc của các hãng hàng không, khu dịch vụ…, được thực hiện bởi các nhà đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn.
Theo quy hoạch, sân bay Long Thành được xây dựng theo 3 giai đoạn đến năm 2040, bao gồm : bốn đường cất hạ cánh, bốn nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và năm triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Cơ cấu phục vụ hành khách của sân bay Long Thành dự kiến gồm 80% là khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội. Còn sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội.
Năm 2025, sân bay sẽ được đưa vào hoạt động với trước mắt một đường băng.
Đến nay, khu vực sân bay đã được giải tỏa (cho giai đoạn 1), người dân đã được Nhà nước bồi thường đất đai để di dời.
Ông Đinh Xuân Khánh, người đầu tiên ở ấp Suối Trầu 1 (xã Bình Sơn) nhận tiền đền bù, cho hay mảnh đất làm sân bay cũng là nơi cả ba thế hệ ông lập nghiệp, sinh sống trên diện tích 1,3ha (130m x 100 m). Ông được bồi thường 6,4 tỉ đồng (256 000 €). Ông thuộc diện hộ chính nên được xét cho bốc thăm lô đất tái định cư 250m2 ở khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn. Do vậy, ông chọn thời gian thích hợp sẽ ra khu tái định cư cất nhà, còn lại tiền cho con cháu và gửi ngân hàng lấy lãi để hai vợ chồng sống tuổi già vì ông đã 73 tuổi.
Laisser un commentaire