Ba làn sóng lây nhiễm Covid- 19 của Việt Nam
Theo tính toán của Tổ chức y tế thế giới (OMS), ngưỡng cửa « an toàn » đối với dịch Covid-19 là 10 người bị nhiễm trên 1 triệu dân.
Với dân số 97 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Việt Nam là 970 người nhiễm cùng thời điểm đang được phát hiện. Nói như vậy thì mọi người cũng thấy là từ hơn một năm qua, Việt Nam chưa hề đạt đến con số đó. « Việt Nam giỏi quá, hay quá ». Đã có những lời khen tụng như thế. Nhưng sự thật phức tạp hơn ta tưởng tượng..
Sau làn sóng thứ 1 (tháng 3/2020 – 4/2020), làn sóng thứ 2 (tháng 7/2020 – 9/2020), Việt Nam đang bước vào làn sóng thứ 3 (bắt đầu từ tháng 1/2021).
Làn sóng lây nhiễm thứ 1 đạt đỉnh ngày 2/4/2020, với 158 người đang được điều trị. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 đạt đỉnh ngày 17/8/2020, với 492 người. Làn sóng thứ 3, bắt đầu 27/1/2021, cho đến ngày 16/2/2021 có 631 người.
Nhưng nhìn lại từng địa phương thì con số lại khác.
Năm 2020, lây nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng bắt đầu bùng phát vào 27/7/2020 với 14 người phải điều trị ở các bệnh viện.
Đến ngày 14/8/2020, lây nhiễm đạt đỉnh với 280 người đang được điều trị ở các bệnh viện. Với dân số 1,14 triệu người thì số người đang được điều trị là 245 người/1 triệu dân, gấp hơn 24 lần ngưỡng an toàn dịch do tiêu chí của OMS. Tức là Đà Nẵng là thành phố có dịch Covid -19 nặng nề, có thể hơn nhiều nơi trên thế giới.
Cũng vậy, hiện nay với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của Việt Nam, với dân số 1,9 triệu người, ngưỡng an toàn dịch của Hải Dương là 19 người đang được điều trị ở các bệnh viện. Nhưng đến thời điểm 16-2-2021, Hải Dương có 501 trường hợp, gấp 26 lần ngưỡng an toàn dịch. Hiện nay, mặc dù về cơ bản dịch đã được khoanh vùng và nhận diện trong các mối liên hệ cộng đồng, nhưng vẫn chưa biết được khi nào thì dịch ở Hải Dương đạt đỉnh.
Thế nên, Chính phủ Việt Nam đã họp ngày mùng 3 Tết để đánh giá tình hình không chỉ ở Hải Dương mà trên toàn quốc và đưa ra những chủ trương phòng và chống dịch.
Laisser un commentaire