Thấy gì ở « Tết nay » ?

Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 là năm đặc biệt với tất cả mọi người, đặc biệt theo cách không ngờ đến. Nếu như nhiều gia đình không thể đoàn tụ thì với các hội đoàn cũng vậy : mọi người không thể gặp nhau vì dịch Covid. Mà các hội đoàn « sống » vì các hoạt động cộng đồng. Khi xã hội chuyển qua làm việc và giao tiếp qua mạng thì các hoạt động cộng đồng có thể « ảo hóa » được không ? Nhất là đối với Hội người Việt Nam tại Pháp, một cộng đồng hơn cả một hội đoàn, một hội đoàn như một gia đình lớn, một xã hội thu nhỏ ?

« Bộ tứ » giới thiệu chương trình (Photo © Duc Truong) 

Đầu tháng 10, chúng tôi được biết là Hội sẽ tổ chức Tết « online ». Ban đầu, tôi tưởng tượng ra là gì : Gặp gỡ qua zoom ? Vài clip cũ ? Dù chúng tôi sang Pháp sau những thế hệ còn hoạt động trong Hội tới hơn 50 năm, không được thấy không khí của Tết Maubert hay trước nữa, nhưng cũng thấy được sự náo nhiệt, nhiệt tình và sự gần gũi của hàng ngàn người ở Tết Unesco rồi Baltard. Trong một không gian lớn, với cả ngàn người theo dõi thì một chương trình 2h gồm nhiều tiết mục hay thì không khó để thu hút khán giả. Nhưng làm sao để mọi người có thể ngồi 2h theo dõi trước màn hình điện thoại hay máy tính mà không bỏ dở, không bị phân tán bởi vô vàn việc khác trong nhà, nhất là trong dịp Tết?

Thế nên khi chương trình « Tết nay » của UGVF vẫn có thể giữ chân người xem, vẫn tạo ra cảm giác tiếc nuối khi chương trình khép lại thì có thể nói đây là một thành công lớn, một món quà Tết đặc biệt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đã gắn bó với Hội qua nhiều năm.

Ban kỹ thuật (Photo © Duc Truong)

Vậy chúng tôi thấy gì khi thưởng thức món quà Tết này ?

Đầu tiên, Tết phải là Tết mà không phải là cái gì khác. Tết phải là Tết của « tiễn cũ đón mới », của món ngon, của người thân và của văn hóa cộng đồng. Nhưng « Tết nay » không phải là màn liệt kê các truyền thống, hay phô bày cách người ta cúng tế, cỗ bàn, chúc tụng mặc dù chương trình không hề thiếu những gì đặc trưng của Tết. Giản dị là tinh thần có thể thấy xuyên suốt chương trình. Phải chăng đó là vì tinh thần của các thế hệ trong Hội cũng là vậy ?    

« Tết nay » không phải là một màn tạp kĩ. « Tết nay » như một cuốn phim quay ngược thời gian. Lợi thế của một chương trình « online », một chương trình dạng « clip » là người xem có thể hiểu được các câu chuyện đằng sau mỗi tiết mục, mỗi người tham gia trình diễn. Có lẽ nhiều người, kể cả những người lần đầu tiếp xúc với các hoạt động của Hội, khi xem chương trình này sẽ thấy rõ tính tiếp nối giữa nhiều thế hệ thành viên của Hội. Thật thú vị khi thấy Đôn Nodey về Việt Nam, phát triển sự nghiệp sáng tạo ở Việt Nam và trong clip « Đôi khi » của anh và Suboi, người ta lại thấy hình ảnh màn múa quạt của UJ, một « hội con cháu » của phong trào Việt kiều. Thú vị hơn khi được biết thế hệ cha anh của họ đã tham gia hết mình trong phong trào để góp công, góp sức cho việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thời chiến tranh ấy, liệu thế hệ trí thức Việt Nam ấy có mơ về một nền hòa bình, độc lập và thống nhất mà chỉ ở đó người Việt mới có thể tự do tìm kiếm hạnh phúc và bản ngã của mình ?

« Tết nay » không phải là một màn biểu diễn ghép từ nhiều nhóm « cây nhà lá vườn » mà là những sáng tạo thực sự nghệ thuật. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các nghệ sĩ từ Việt Nam kết hợp với các nghệ sĩ không chuyên một cách tự nhiên, không có khoảng cách. Các màn múa và trống có lẽ là những tiết mục cuốn hút nhất, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Có được điều này có lẽ là vì nền tảng đa văn hóa và trên hết là tinh thần nhiệt tình hết mình vì cộng đồng của những người tham gia. Xem anh Hạo Nhiên giải thích tiết mục trống, nghe câu chuyện của chú Lưu Thanh Dũng cùng các diễn viên cải lương Việt Nam hay hành trình nghệ thuật của Vân Kim với các quả cầu là thấy rất rõ sự uyển chuyển, tinh tế, kết hợp chất liệu truyền thống trong văn hóa Đông – Tây và trên hết là tinh thần hết mình vì cộng đồng thông qua sáng tạo nghệ thuật ấy.

« Tết nay » là Việt Nam qua cách thể hiện tinh thần nội tại, không phải là mô phỏng hình ảnh Việt Nam theo công thức phổ biến, dù là truyền thống hay đương đại. Có thể cảm thấy rằng, khác với nhiều chương trình khác thiên về mô tả Việt Nam qua các tiết mục truyền thống hay đương đại, Tết của phong trào Việt kiều vẫn có nét thể hiện riêng. Cách thể hiện ấy của các nghệ sĩ cộng đồng có thể hiểu rằng Việt Nam trong họ như thế nào, họ cảm nhận Việt Nam ra sao. Một điểm thú vị nữa là ở sự khác nhau giữa các nhóm có môi trường văn hóa khác nhau. Nếu như các tiết mục của các bạn sinh viên, những người lớn lên ở Việt Nam và sang Pháp học, phần nào thể hiện góc nhìn hướng ra văn hóa bên ngoài thì các tiết mục của các bạn sinh ra hoặc có thời gian lâu năm ở Pháp lại thể hiện xu hướng tìm về chất liệu Việt Nam trên nền tảng văn hóa châu Âu.

Hai giờ đồng hồ thật là ngắn. Người xem có thể sẽ còn nhiều tiếc nuối. Với chúng tôi, nếu được thấy những thước phim « hậu trường » thì có lẽ sẽ thích thú hơn nữa. Bởi lẽ lúc chuẩn bị và tập luyện là con đường, buổi biểu diễn là đích đến. Mà hạnh phúc là con đường đi, đâu chỉ là đích đến !

Nhật Mai

Thành viên Hội người Việt Nam tại Pháp

14/02/2021

14/2/2021

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :