Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới

Nhiều doanh nhân Việt đổ tiền ra nước ngoài để làm ăn kinh doanh, thâu tóm các doanh nghiệp, dự án với tham vọng không chỉ dựa vào thị trường trong nước mà vươn tầm quốc tế. Sau đây là vài ví dụ :

Tập đoàn Masan

Năm 2020, Tập đoàn Masan đã hoàn tất mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (Đức) để trở thành nhà chế tạo hàng đầu vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Đây được xem là bước đi chiến lược mà Masan Resources – MSR (một công ty con của Masan Group) hướng tới trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới.

Việc thâu tóm H.C. Starck có thể nói là một bước tiến lớn của Masan Resources. Thương vụ sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD, và đưa MSR trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram.

Vonfram (hay một số người gọi là Wolfram) còn được ký hiệu là W. Nó có khả năng chống vỡ hơn kim cương và cứng hơn thép rất nhiều. Với đặc tính có điểm nóng chảy cao nhất của tất cả các kim loại chịu lửa, mật độ cao, và các hệ số thấp nhiệt mở rộng khiến nó trở nên lý tưởng cho nhiều ứng dụng thương mại và công nghiệp.

H.C. Starck là nhà chế tạo hàng đầu thế giới về kim loại có công nghệ chịu nhiệt, cung cấp cho các lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng như điện tử, công nghiệp hóa chất, ô tô, công nghệ y tế, hàng không và hàng không vũ trụ, công nghệ năng lượng và môi trường, chế tạo máy và công cụ được sản xuất tại các tổ hợp thuộc sở hữu của tập đoàn này ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Tập đoàn Vinamilk

Vinamilk bỏ 10 triệu USD thâu tóm nhà máy sữa Driftwood của Mỹ cách đây gần thập kỷ cũng đã mang lại trái ngọt cho doanh nghiệp sữa đầu ngành Việt Nam.

Sau vài năm tái cấu trúc, nhà máy sữa có lịch sử tồn tại cả thế kỷ tại Mỹ đã giúp Vinamilk kiếm lợi hơn 100 triệu USD. Đó là chưa kể tới việc Driftwood còn là bước đệm để Vinamilk đưa các sản phẩm sữa từ Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là Vinamilk đang sở hữu quỹ đất lớn ở nước ngoài để thành lập các trang trại bò sữa hữu cơ mà tại Việt Nam khó tìm được. Việc sản xuất nguyên liệu tại các nước lân cận rồi đưa về Việt Nam cũng rất thuận lợi, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho công ty.

Gần đây, Vinamilk cũng mua cổ phần tại Nhà máy Miraka ở New Zealand. Khoản đầu tư này không chỉ thu về cổ tức mà còn giúp Vinamilk có được nguồn cung cấp bột sữa tốt và ổn định.

Trong nhiều năm qua, Vinamilk cũng đã ghi nhận những khoản doanh thu lớn và ổn định nguồn nguyên liệu nhà việc đầu tư xây dựng các nhà máy sữa, trang trại bò hữu cơ tại thị trường Campuchia và Lào.

Tập  đoàn T&T

Tập đoàn T&T  nổi bật ở thị trường châu Phi. Vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, từ quý III/2020, tập đoàn này đã tiến ra nước ngoài với thương vụ mua điều thô lớn nhất trong lịch sử. Việc vượt qua những doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, UAE,… trúng đấu giá mùa vụ 2019-2020 tại các nước châu Phi đã tạo tiếng vang cho T&T, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt ở thị trường nước ngoài.

Năm 2020, tổng sản lượng xuất nhập khẩu điều mà T&T Group thực hiện đạt trên 400.000 tấn, tương đương 25% sản lượng xuất nhập khẩu điều của cả nước.

Năm 2021, tập đoàn đặt kế hoạch nhập khẩu 600.000 tấn điều thô và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu điều nhân.

Tập đoàn Vingroup

VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup cũng có những cú bứt phá sang các thị trường nước ngoài.

VinFast quyết định mua lại Trung tâm thử nghiệm xe Lang Lang nằm ở bang Victoria (Úc) với diện tích gần 900ha là một bước đi táo bạo nhằm dịch chuyển sang thị trường quốc tế, thay vì chỉ tập trung ở thị trường Việt Nam.

Để phục vụ cho các dự án quốc tế, VinFast đã tuyển dụng hàng trăm kỹ sư từ các hãng xe danh tiếng trên thế giới như Ford, Toyota, Jaguar, Land Rover.  Bên cạnh đó, năm 2020, VinFast đã thiết lập trung tâm nghiên cứu và phát triển ô tô đặt tại Melbourne (Úc).

Đại diện VinFast cho biết, việc sở hữu một trung tâm tại Úc sẽ giúp công ty đẩy nhanh quá trình tự chủ trong công nghiệp xe hơi, tiến gần mục tiêu ra mắt những mẫu xe có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nhưng mục tiêu trọng tâm nhất của tập đoàn là bán ô tô điện vào thị trường Mỹ vào năm 2021.

Tại đại hội cổ đông năm 2020, Vingroup cho biết sẽ chấp nhận bù lỗ cho mảng công nghiệp trong khoảng 3-5 năm. Xe VinFast và điện thoại của VSmart sẽ được xuất khẩu sang thị trường rất khó tính là Mỹ. Mục tiêu của tập đoàn là thị phần chứ không phải lợi nhuận vì miếng bánh thị trường vẫn còn rất lớn.

Trên thực tế, Mỹ là thị trường rất khó tính với nhiều yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt. Việc chinh phục được thị trường Mỹ với định hướng sản xuất dòng xe cao cấp, chất lượng cao, trang bị những công nghệ tiên tiến nhất…. sẽ là bước tiến lớn cho Vingroup nói riêng và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam nói chung.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :