Ý kiến của một đại biểu Quốc hội về vấn đề cán bộ ở Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về vấn đề bố trí cán bộ ở Việt Nam gắn liền với vấn đề tham nhũng.
* Thưa ông, luật « Hồi tỵ » thời Lê Sơ nên được hiểu và áp dụng như thế nào trong điều kiện ngày nay ?
– Vua Lê Thánh Tông sau 26 năm trị vì đã phát hiện ra nguyên nhân dẫn tới lạm dụng quyền lực là đặc thù duy tình của người Việt, bị ảnh hưởng nhiều bởi các quan hệ bạn bè thân quen, người ruột thịt.
Ông đề ra nhiều quy định, cấm các quan chức sinh ra và trưởng thành ở đâu thì không được làm quan ở đấy. Ở đâu có quan hệ ruột thịt máu mủ thân quen thì bị cách ly. Không được mua đất tậu vườn, lấy vợ, thê thiếp ở nơi trị nhậm. Về sau vua Minh Mạng nâng cấp, cụ thể hơn, đến vua Thiệu Trị còn thêm nhiều quy định hà khắc hơn nữa.
Đó là câu chuyện ngày xưa. Còn bây giờ, do hiểu rõ đặc thù duy tình của người Việt Nam nên việc này đã nhiều lần được bàn tới. Nhưng luật « hồi tỵ » ra đời trong bối cảnh là giao thông liên lạc lạc hậu, nên giao tiếp của con người để dùng tình cảm chi phối việc bổ nhiệm cũng khó khăn.
Nhưng bây giờ trong thế giới phẳng, chỉ cần một cú nhấp chuột, một cuộc điện thoại nên phải tính đến các giải pháp khác. Gốc rễ ở đây là chọn người có tài có đức. Nếu chọn được người thực đức thực tài thì dù có người thân bên cạnh thúc ép, họ cũng không làm.
* Là người đã từng được bố trí làm lãnh đạo một địa phương không phải nơi mình sinh ra và lớn lên, ông thấy rằng trong thực tiễn, chủ trương này có gì đáng lưu ý ?
– Tôi thấy, để những người từ địa phương khác đến mà làm được việc thì có hai vấn đề lớn cần quy định kỹ. Một là sự yểm trợ, bảo vệ của cấp trên đối với họ. Bởi nếu tập thể ở địa phương phức tạp, họ liên kết với nhau thành nhóm, với phương thức bỏ phiếu tín nhiệm, họ có thể loại bất cứ người nào. Nên phải có sự yểm trợ tích cực của cơ quan có thẩm quyền bố trí cán bộ.
Hai là phải tính đến những khả năng tích cực và tiêu cực khi bố trí nhân sự. Phải có nhiều kênh khách quan để mà giám sát, đánh giá họ, tránh trường hợp họ về cấu kết với lợi ích nhóm ở địa phương, hình thành nên bè phái mới, hoặc họ có thể trao đổi với bí thư cấp ủy nơi khác, anh bố trí người của tôi, tôi bố trí người của anh. Hoặc đưa toàn bộ người của mình về nơi mới.
Như vậy một mặt phải yểm trợ, bảo vệ họ, nhưng mặt khác cũng phải có cơ chế ngăn ngừa nguy cơ lạm dụng. Quan trọng nhất vẫn là vai trò giám sát của cấp trên, của cán bộ nhân viên ở địa phương ấy.
* Vậy theo ông điều căn cốt nhất để chọn người tài là gì ?
– Phải qua thi tuyển cạnh tranh, phải có kiểm tra thực chứng. Vấn đề này cũng nên học cách làm của vua Lê Thánh Tông. Ông đã đưa ra những quy định khắc nghiệt trong công tác nhân sự.
Thời đó có rất nhiều hình thức tuyển, trong đó khoa cử là số một, sau đó là bảo cử (Đối tượng được bảo cử là những người đang làm quan có uy tín và tài năng). Một vị quan trước khi nghỉ sẽ tiến cử người khác và phải đặt sinh mạng của mình vào việc tiến cử đó. Nếu tiến cử sai thì nặng là mất mạng, nhẹ thì bị đày hoặc giáng xuống làm lao dịch.
Vừa rồi trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, những người liên quan quy trình bổ nhiệm chỉ bị xử lý chủ yếu bằng quy phạm đạo đức, nhắc nhở khiển trách, như vậy là chưa đủ sức răn đe.
Để chọn được người tài phải mở rộng dân chủ trong Đảng. Chẳng hạn đến lúc phải đổi mới quy định bầu người đứng đầu Đảng. Với người đứng đầu Nhà nước, tới một lúc nào đó cũng nên đưa ra cho dân bầu, các cấp khác cũng nên mở rộng dân chủ ra. Bởi toàn dân lựa chọn nhân sự là sáng suốt nhất. Trong Đảng thì toàn đảng lựa chọn là sáng suốt nhất.
Ngoài ra, cần phải có đột phá trong bố trí nhân sự, khi phát hiện ra tài năng đức độ của ai đó thì có thể bố trí vượt cấp. Xưa kia, thời nhà Nguyễn, người ta có thể bố trí một người tài 17-19 tuổi làm đến chức thị lang, tương đương với thứ trưởng bây giờ.
Quan trọng nữa là phân loại cán bộ, phân loại cấp chiến lược và cấp chiến thuật. Cán bộ cấp chiến lược là cán bộ chính trị, chính trị gia, có tư duy vượt trội, khả năng tổng kết thực tiễn, lôi cuốn được muôn người đi theo, có phẩm hạnh cống hiến, có tầm ảnh hưởng lớn.
Điều này khác với người thừa hành là cán bộ cấp chiến thuật, tuân thủ các cương lĩnh đường lối, các quy định để vận hành bằng các biện pháp cụ thể, đạt được mục đích đặt ra. Nên một người làm ở cấp chiến thuật chưa hẳn đã trở thành cấp chiến lược. Phải phân biệt rõ việc đó.
Trong đề án của trung ương vừa rồi tôi thấy chưa minh định điều này. Ngay cấp chiến lược gom tất cả các đối tượng thuộc quản lý của Ban bí thư, Bộ Chính trị, bao gồm cả thứ trưởng là cán bộ cấp chiến lược theo tôi là chưa đúng.
Thứ trưởng là viên chức hành chính, phải tinh thông luật pháp, nắm rõ đường lối để thực thi chính sách pháp luật, họ có thể đề xuất sửa đổi chính sách chứ không phải là người quyết định chính sách.
* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói phải làm sao để không thể, không muốn, không dám chạy chức chạy quyền. Theo ông làm sao để làm được « ba không » này ?
– Để « không thể » thì phải có quy định tiêu chuẩn thật cụ thể cho từng chức danh, để người tài hèn đức kém ngước lên thấy sức mình chỉ nhảy được hai bước, trong khi quy định đòi hỏi phải nhảy qua 5 bước, nhảy không qua là rớt xuống bẫy chông phía dưới.
Để « không muốn » thì phải cách ly họ với các lợi ích vật chất. Một là phải có khoản lương tương xứng với các chức vụ để dưỡng liêm, không tham nhũng. Hai là phải cơ bản loại bỏ hết đặc quyền đặc lợi, để những người có lòng tham, coi quan trường như là nơi kinh doanh lợi nhuận không còn đất sống, mà chỉ còn những người muốn cống hiến.
Còn « không dám » là phải trừng trị thật nặng những ai cố tình bẻ cong quy trình tiêu chuẩn, lợi dụng chức vụ để cất nhắc người thân, kẻ có tiền, bè cánh… Khi người được đề bạt đó vi phạm pháp luật, không hoàn thành nhiệm vụ, bị xử lý thì tùy mức độ mà tùy mức độ mà xử lý người liên quan đến quy trình bổ nhiệm. Cho dù là tổ chức hay cá nhân cũng bị trừng trị, thì lúc đó không ai dám bổ nhiệm người tài hèn đức kém nữa.
Ý kiến này không nhất thiết là ý kiến của toasang.
Laisser un commentaire