Mùa vàng trên vùng đất mặn

Cứ vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, người dân ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại phải sống chung với mặn. Nước mặn theo các sông chính như : Vàm Cỏ, Xoài Rạp, Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên, Hậu… xâm nhập sâu vào đất liền có nơi lên đến 70 km.

Mô hình sản xuất lúa-tôm : thích ứng với biến đổi khí hậu

Sống chung với mặn, nông dân vùng ĐBSCL đã chọn cho mình mô hình sản xuất luân canh lúa – tôm. Các nhà khoa học gọi đây là “Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Bạc Liêu là tỉnh tiên phong sản xuất mô hình này rất mạnh với diện tích gần 34.000 ha. Cà Mau đã nâng diện tích mô hình luân canh lúa – tôm lên 45.000 ha và chính thức xây dựng chương trình phát triển mô hình này. Các địa phương Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… cũng lựa chọn mô hình lúa – tôm để phát triển bền vững cho các xã ven biển.

Sở dĩ các địa phương này lựa chọn mô hình lúa – tôm vì lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất chỉ kéo dài 4 đến 5 tháng trong năm (chủ yếu bằng nước mưa) và một phần từ nguồn nước từ hạ lưu sông Cửu Long đem lại. Các tháng còn lại trong năm, nước ở các con kinh, rạch đều mặn.

Lúc nào nước mặn thì nuôi tôm, nước ngọt trồng luân canh. Người dân vùng đất này nói là con tôm, con cá “ôm” gốc lúa. Hạt lúa trồng trên đất nuôi tôm rất sạch vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ độc canh cây lúa sang mô hình tôm – lúa, đã giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Bình quân 1 ha đất canh tác tôm – lúa, sau khi trừ tất cả chi phí, nông dân thu về lợi nhuận hơn 56 triệu đồng/ha/năm.

Vùng tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu vốn là địa danh được biết dưới cái tên « cánh đồng Chó Ngáp ». Trước năm 1975, nơi đây là cánh đồng hoang rộng mênh mông, nước mặn, phèn chua, mùa mưa cỏ dại mọc quá đầu người, mùa nắng thì đồng khô, cỏ cháy, đời sống người dân nghèo khó.

Nhưng chuyện đó giờ đã xưa rồi. Đồng Chó Ngáp giờ đây đang khoác lên mình chiếc áo mới với những đồng lúa vàng, con tôm, con cá đặc sản mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân nơi đây.

Từ nhiều năm nay, các tỉnh đã triển khai xây dựng hệ thống đê ven sông, hệ thống thủy lợi để bảo đảm phát triển nông nghiệp và theo quy hoạch của vùng ngọt, lợ, mặn.

Ngoài ra, các viện, trường đại học ở ĐBSCL đã nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa có khả năng chịu mặn và cho năng suất cao. Đội ngũ nhà khoa học của Viện Lúa ĐBSCL đã nghiên cứu lai tạo thành công hơn 10 giống lúa có ký hiệu OM và hàng chục giống lúa mới có khả năng chịu mặn ở mức 3 – 4% ở giai đoạn bông lúa phát triển trổ hoa. Các giống lúa này được đưa vào trồng thử nghiệm tại các địa phương cho kết quả rất khả quan.

Đây thật sự còn là những đóng góp không nhỏ của giới khoa học giúp người dân ở những vùng đất mặn có thể gặt hái những mùa vàng trong những năm tới.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :